Đời SốngVietnam

Phong trào vận động sáng tác nhạc, văn – thơ hiện nay sẽ mang lại gì?

Một loạt các tổ chức, đoàn thể nhà nước đang phát động các cuộc thi sáng tác nhạc, văn thơ ca ngợi “vai trò, sứ mệnh” của Đảng, chuyên ngành Nhà nước…

Đẩy mạnh tuyên truyền để đánh bóng hình ảnh!

Quốc hội vừa phát động cuộc thi sáng tác ca khúc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) hôm 27/2, được nói là nhằm ca ngợi “vai trò, sứ mệnh của các cơ quan đại biểu dân cử; thể hiện ý chí, tình cảm, niềm tin của toàn dân đối với Đảng, Nhà nước và Quốc hội…”. Đây là sự kiện hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam.

advertisement

Cuối tháng 1/2024, cuộc thi sáng tác khác về chủ đề người phụ nữ – người mẹ Việt Nam, do Hội Liên hiệp Phụ nữ phối hợp với Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam và Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức. Cuộc thi này được thực hiện theo Chỉ thị số 06 của Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác gia đình trong tình hình mới. 

Tháng 11/2023, Hội Liên hiệp thanh niên VN công bố cuộc thi sáng tác biểu trưng, ca khúc về thanh niên để tuyên truyền cho Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam nhiệm kỳ 2024 – 2029.

Cũng trong tháng 11/2023, Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hoà Bình phát động “cuộc thi sáng tác ca khúc về Tòa án”. nhằm tuyên truyền, ca ngợi, tôn vinh những điều mà ngành tư pháp cho là “cống hiến, thành tựu của ngành toà án”. Hành động này, theo một số luật sư đánh giá ông Nguyễn Hoà Bình là kém nhạy bén” trong bối cảnh hàng loạt “án oan” chưa được giải quyết.

Một nhà báo trẻ ở Đà Nẵng, yêu cầu được giấu danh tính, cho rằng tất cả những cuộc thi tán dương một cơ quan nhà nước nào đó thuần túy chỉ với mục đích tuyên truyền chính trị. Ông này dự đoán, thời gian tới sẽ ngày càng có nhiều cuộc thi tương tự, bởi 2025 là tròn 50 năm biến cố 30/4:

“Từ đây, bắt đầu sẽ có nhiều những cuộc thi viết văn ca ngợi nhân vật này, nhân vật kia hoặc các sự kiện lịch sử. Đặc biệt, năm sau là bước vào thời gian kỷ niệm 50 năm cái gọi là “giải phóng miền Nam”, nên những chương trình như thế này sẽ còn được đẩy mạnh hơn nữa, để làm rõ và nhấn manh vị trí và tư cách của nhà nước.”

Ông H, một nhạc sỹ ở Sài Gòn, yêu cầu chỉ nêu tên viết tắt, nhận định có thể Đảng và nhà nước đang muốn đánh bóng lại hình ảnh của mình sau một loạt các vụ án tai tiếng liên quan đến lãnh đạo  đứng đầu các bộ ngành chính phủ như Việt Á hay “chuyến bay giải cứu”:

“Những cuộc thi như thế này sẽ đánh giúp bóng sau hình ảnh của Đảng Cộng sản, của nhà nước sau những lần mà họ đã làm sai. Nó như là một lp sơn, cứ trát hết lớp này đến lớp khác, để mọi người nhìn vào chị thấy một sự bóng bẩy ở bên ngoài như là một chế độ có minh bạch, có dân chủ nhưng sự thật thì lại không được như vậy.”

Một phần của chiến dịch “chấn hưng văn hoá”

advertisement

Nhà báo giấu tên cho rằng, 350.000 tỷ đồng mà Bộ Văn hoá – Thể thao & Du lịch đề xuất dùng để “chấn hưng văn hóa”; một trong các hoạt động để tiêu hết số tiền này là thực hiện các chương trình, các cuộc thi sáng tác ca ngợi các cơ quan Đảng, nhà nước:

“Ở đây, tôi nhìn thấy tất cả mọi thứ đang đi đến mức suy đồi đến tận cùng và nó yếu thế đến mức người ta phải dùng những trò ca nhạc ngôn luận để tuyên truyền của một nhà nước mà họ tự nhận thấy rằng tư cách và tư thế của mình đang xuống quá thấp, cho nên họ phải sử dụng tiền và các nguồn lực công để làm điều như vậy.”

Số tiền 350.000 tỷ đồng, theo bộ VHTTDL, là để thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035”. Bộ này nêu ra các hoạt động nhằm “chấn hưng văn hoá” bao gồm: Đào tạo công chức trong lĩnh vực văn hoá; xây dựng các cơ sở, trung tâm văn hoá; nâng cao hiệu quả tuyên truyền về văn hoá…

Với một loạt các hoạt động, dự án như vừa nêu, ông Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam còn cho rằng con số 350.000 tỷ đồng cũng không đủ. Bởi, theo ông Thiều, “đầu tư văn hóa không phải chúng ta trồng khoai tây, khoai lang, mà phải mất hàng trăm năm…” 

Dù tốn công, tốn của thực hiện rất nhiều các biện pháp tuyên truyền khác nhau như sử dụng lực lượng dư luận viên, hệ thống thông tin khổng lồ, nhưng theo nhà báo giấu tên, hiệu quả của việc tuyên truyền cũng không đến đâu mà lại tốn quá nhiều tiền thuế của dân:

“Hậu quả đầu tiên mà người dân phải chịu đó là tiền thuế của người dân bị sử dụng một cách vô tội vạ. Đảng Cộng sản Việt Nam sử dụng tiền thuế của người dân cho các hoạt động của họ mà không minh mạch là họ đã sử dụng như thế nào.

Vào năm 1981, một cuộc vận động sáng tác quốc ca để thay cho bài Tiến Quân Ca được tiến hành rầm rộ từ tháng 5 đến tháng 12 năm đó. Kinh phí và công sức bỏ ra khá lớn nhưng cuối cùng cuộc vận động không chọn được bài hát nào, mà vẫn phải giữ lại bài Tiến Quân Ca của nhạc sĩ Văn Cao.

Tin từ RFA Read More

Show More
Back to top button