Đời SốngVietnam

Vụ án Vạn Thịnh Phát: Truy tố 86 người nhưng vẫn chưa đụng đến được ‘trùm cuối’

Trong vụ án Vạn Thịnh Phát, bà Trương Mỹ Lan bị truy tố ba tội Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và Tham ô tài sản. Ngày 19 Tháng Mười Một, cơ quan điều tra đã đề nghị truy tố 85 người nữa về các tội Tham ô tài sản, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng.

Trong 85 bị can này, có tới 41 lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB; 15 cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước; 3 cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ; một cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước.

Đọc danh sách bị can trong vụ án Vạn Thịnh Phát mới thấy bầy sâu đang đục ruỗng đất nước này lớn như thế nào. Tuy vậy, dư luận cho rằng đó chỉ là tên một số “đồng chí đã bị lộ” thôi. Tên “trùm cuối” vẫn chưa bị đụng đến, dù trên mạng xã hội, người ta bắt đầu bàn về một số nhân vật đã từng trong nhóm “chóp bu” của chính quyền.

advertisement

Một lần nữa, dư luận nhắc đến tên hai nhân vật từng “làm mưa làm gió” trên “sân khấu chính trị” Việt Nam là Trương Tấn Sang và Nguyễn Xuân Phúc (cùng là nguyên Chủ tịch nước).

Nguyễn Xuân Phúc hiện đã bị “cô lập”, nhưng Trương Tấn Sang vẫn tích cực hoạt động dù đã về hưu từ năm 2016. Tư Sang được xem như một nhân vật không thể thiếu trong sợi mắt xích liên kết giữa thế lực chính trị với các đại gia bất động sản và ngân hàng.

Trên mạng xã hội cũng có ý kiến cho rằng trong vụ án Vạn Thịnh Phát, và nhiều vụ án lớn khác, cơ quan điều tra không đụng được đến các nhân vật chóp bu, thậm chí cựu chóp bu là điều… rất bình thường.

Qua vụ án này, một lần nữa câu nói nỏi tiếng của trùm xã hội đen Năm Cam: “Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền”, luôn luôn đúng. Người nhận nhiều tiền hối lộ nhất trong vụ án Vạn Thịnh Phát tính đến thời điểm này, là bà Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước, bị cáo buộc nhận 5,2 triệu USD để bao che sai phạm cho Ngân hàng SCB, mắt xích chính trong vụ án này.

“Bộ sậu” Vạn Thịnh Phát. Từ trái sang, bị can: Trương Mỹ Lan, Trương Huệ Vân, Nguyễn Phương Hồng và Hồ Bửu Phương – Ảnh: BCA

Cách bà Trương Mỹ Lan rút hơn một triệu tỷ đồng từ ngân hàng SCB

Có người phải dụi mắt đọc đi đọc lại số tiền mà bà Trường Mỹ Lan rút ra từ SCB: 1.066.000 tỷ đồng, tương được với $43.93 tỷ USD!

Để thao túng ngân hàng phục vụ cho kinh doanh cá nhân, bà Lan đã tìm cách thâu tóm 3 ngân hàng tư nhân là Sài Gòn, Việt Nam Tín Nghĩa và Đệ Nhất, để thành lập Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

Dù không trực tiếp nắm quyền điều hành SCB, nhưng bà Lan nắm giữ tới 91,5% cổ phần, nên có quyền thao túng hoạt động của ngân hàng này. Ngay việc sở hữu của bà Lan đã vi phạm pháp luật, vì một cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Thế nhưng ngay từ đầu, không có cơ quan chức năng nào can thiệp, khống chế việc góp vốn này cua bà Lan.

advertisement

Sau khi thâu tóm thành công SCB, bà Lan đã chỉ đạo lãnh đạo ngân hàng phối hợp cùng cán bộ chủ chốt ở Vạn Thịnh Phát rút tiền của ngân hàng dưới hình thức giải ngân cho các hồ sơ vay được lập khống. Nhiều lần, bà Lan chỉ đạo rút tiền trước, hoàn thiện hồ sơ sau. Mỗi khoản tiền rút ra có cách làm khác nhau, “vẽ” các phương án khác nhau.

Bằng nhiều thủ đoạn, từ năm 2012 đến năm 2022, nhóm của bà Lan có hơn 2.500 khoản vay tại SCB với tổng số tiền hơn 1.066.000 tỷ đồng, chiếm 93% số tiền cho vay của SCB. Khánh hàng thông thường chỉ vay được 7% còn lại.

Để hình dung số tiền một triệu tỷ đồng lớn như thế nào, người ta phải so sánh nó với GDP Việt Nam ở cùng thời điểm. Nó tương đương với hơn 10% tổng giá trị GDP Việt Nam trong năm 2022. Còn so với GDP Việt Nam tới cuối quý III năm nay (2023), số tiền SCB giải ngân cho nhóm bà Lan được ước tính chiếm khoảng 22,6% GDP (!?)

Để rút được số tiền lớn khủng khiếp như thế, bà Lan chỉ làm một việc đơn giản là chỉ đạo cấp dưới (lãnh đạo ngân hàng) phối hợp cùng đơn vị thẩm định giá tạo lập khách hàng vay vốn khống, nhờ người đứng tên tài sản, tạo hồ sơ khống, rồi nhanh chóng “lấy tiền trước, hợp thức hóa hợp đồng sau”.

Bằng thủ đoạn đơn giản như trên, nhóm Vạn Thịnh Phát đã lập hàng ngàn pháp nhân, thuê hàng ngàn người làm đại diện, đứng tên trên hồ sơ vay vốn, để tránh bị cơ quan kiểm toán kiểm tra.

Nhằm hợp thức việc rút tiền và tránh bị truy vết theo dòng tiền để phát hiện sai phạm, bà Lan đã chỉ đạo cán bộ ở SCB chuyển tiền giải ngân vào các công ty ma. Sau đó cho chuyển lòng vòng nhanh chóng cho rút tiền mặt nhằm cắt đứt dòng tiền.

Khi cần tiền tiêu, bà Lan chỉ đạo thực hiện bằng hai cách. Một là rút tiền mặt trực tiếp tại ngân hàng. Hai là chuyển tiền vào các công ty ma sau đó chuyển lòng vòng hoặc rút tiền mặt. Khi đến hạn không trả được, bà Lan tiếp tục vẽ ra các khoản vay khống khiến số tiền chiếm đoạt được ngày càng nhiều.

Cơ quan điều tra cáo buộc từ tháng 2/2018 đến tháng 10/2022, bà Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn của SCB 545.000 tỷ đồng và chiếm đoạt 304.000 tỷ. Ngoài ra, bà Lan còn bị cáo buộc vi phạm các quy định hoạt động ngân hàng, gây thiệt hại hơn 64.000 tỉ đồng.

Khi bị thanh tra, để che giấu hành vi phạm tội, bà Lan, thông qua những người thân tín, đưa hối lộ $5,2 triệu USD (khoảng 118 tỉ đồng) cho bà Đỗ Thị Nhàn, Trưởng Cục II thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (NHNN). Đương nhiên, những cán bộ thấp hơn, sẽ nhận được tiền theo mức độ trách nhiệm.

Minh họa: Gimono/Pixabay

$5.2 triệu USD chỉ là tiền ‘cảm ơn’!

Trong thời gian thanh tra Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), toàn bộ đoàn thanh tra trung ương đều nhận tiền của bà Trương Mỹ Lan. Nhờ đó, SCB dễ dàng vượt qua “của tử”. Một vài số liệu từ cơ quan điều tra cho biết:

-Bị can Nguyễn Văn Hưng, cựu Phó chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (thuộc Ngân hàng Nhà nước) khai, từ tháng 4.2016 đến 1.10.2018 đã nhiều lần nhận quà là tiền từ lãnh đạo SCB, tổng cộng 390.000 USD.

-Bị can Nguyễn Thị Phụng, Phó cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, là Phó trưởng đoàn thanh tra SCB, thừa nhận nhiều lần nhận tiền của SCB với tổng số 20.000 USD và 210 triệu đồng. Bà Phụng còn nhận từ SCB 1 đồng hồ, 1 túi xách và 1 chiếc khăn trong quá trình thanh tra ngân hàng này.

-Bị can Đỗ Anh Tuấn, Tổ trưởng Thanh tra số 3, nhận 4 lần tiền của SCB, mỗi lần 10.000 USD. Số tiền này ông Tuấn đã trả lại 20.000 USD, còn lại sử dụng cá nhân. Ông Tuấn còn nhận quà là 2 chiếc áo của SCB.

-Bị can Trần Văn Tuấn, Tổ trưởng Tổ thanh tra số 4, cũng thừa nhận 4 lần được SCB đưa tiền, quà, lợi ích vật chất tổng cộng 6.000 USD và 40 triệu đồng.

Bị can Lê Thanh Hà, Tổ trưởng Tổ thanh tra số 5, thừa nhận 5 lần nhận tiền từ Tổng giám đốc SCB và các giám đốc Chi nhánh Gia Lai, Chi nhánh Hai Bà Trưng, tổng cộng 14.000 USD và 100 triệu đồng trong quá trình thanh tra.

Người nhận nhiều nhất là bà Đỗ Thị Nhàn. Bà Nhàn thừa nhận trong thời gian thanh tra SCB đã nhiều lần nhận tiền của SCB với tổng số 5,2 triệu USD (tương đương hơn 118 tỉ đồng). Trong đó, lần đầu Nhà nhận một úi quà cherry và một túi đựng $200.000 USD. Ba lần sau, tiền được đựng trong túi xốp, một lần đựng $1 triệu USD, hai lần sau mỗi lần đựng $2 triệu USD. Tổng cộng thị Nhàn nhận $5.2 triệu USD.

Mỗi lần đưa tiền tại nhà riêng, ông Võ Tân Hoàng Văn (TGĐ SCB) nói với bà Nhàn, số tiền này là của bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) “cảm ơn” bà Nhàn, vì đã giúp và hỗ trợ cho SCB trong quá trình thanh tra.

Theo đánh giá của blogger Thanh Hieu Bui, với một “cán bộ tép riu” như bà Đỗ Thị Nhàn mà còn nhận hối lộ hơn $2 triệu USD, thì chuyện lãnh đạo cao hơn vẫn có tiếng “liêm khiết, trong sáng, đạo đức sáng ngời” thì rất đáng ngờ!

The post Vụ án Vạn Thịnh Phát: Truy tố 86 người nhưng vẫn chưa đụng đến được ‘trùm cuối’ appeared first on Saigon Nhỏ.

 

Show More
Back to top button