Đời SốngVietnam

“Tham nhũng nhưng không vụ lợi” – có thể được không?

Hối lộ là một trong những hành vi tham nhũng, tội danh liên quan chức vụ. Cho nên, chủ thể chính của tội danh hối lộ luôn là người có chức vụ, tức là đảng viên – trong trường hợp Việt Nam. Thật vậy, hiện nay, chỉ có đảng viên mới được bổ nhiệm vào các chức vụ chính quyền tại Việt Nam.

Hối lộ là tội danh không hề mới. Luật pháp hầu hết quốc gia trên thế giới đều quy định tội danh hối lộ với chính sách chế tài rất nghiêm ngặt trong bộ luật hình sự, vì tính chất nguy hiểm của loại tội phạm này.

Tuy cùng mục đích lý tài, xem tài sản là mục đích để chiếm đoạt, nhưng hối lộ vẫn khác với tội danh có tính cách lý tài khác như cướp giật, trộm cắp, cưỡng đoạt, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm… vì mức độ nguy hiểm của chúng. Một mặt chúng làm tha hóa bộ máy chính quyền, mặt khác, chúng làm mất đi tính uy quyền và tính chính danh, là các yếu tố bảo đảm sự hoạt động hữu hiệu của bộ máy công quyền và hiệu lực pháp luật.

advertisement

Trong tội danh hối lộ, mối quan hệ giữa người đưa hối lộ và người nhận hối lộ luôn là mối quan hệ có mục đích vụ lợi. Trong đó, một mặt người đưa hối lộ mong muốn công việc phi pháp hoặc hợp pháp của mình được giải quyết (làm hoặc không làm), do đó, họ hối lộ để đạt được mục đích đó. Mặt khác, người nhận hối lộ thực hiện công việc (làm hoặc không làm) để thỏa mãn mong muốn của người đưa hối lộ cũng với mục đích được nhận số tiền hối lộ.

Đơn cử trong vụ án Vạn Thịnh Phát. Ngân hàng SCB đã hối lộ cho toàn bộ 18 thành viên thuộc đoàn Thanh tra Ngân hàng Nhà nước để họ làm ngơ những sai phạm. Cho thấy, ngân hàng là phía bên đưa hối lộ có mục đích vụ lợi là để hoạt động phi pháp của họ thoát lưới pháp luật. Bên kia, 18 thành viên đoàn thanh tra nhận hối lộ có mục đích vụ lợi là nhận số tiền phi pháp để im lặng, làm ngơ cho những sai phạm của ngân hàng.

Cho nên, khái niệm “Hối lộ (hoặc tham nhũng) nhưng không vụ lợi” là điều hoàn toàn vô lý, chỉ là sự ngụy biện, cưỡng từ đoạt lý một cách méo mó, tùy tiện trong nền tư pháp Việt Nam hiện nay mà thôi. Khái niệm đó không phải là chuẩn mực pháp lý đã đành, mà trong thực tế, cũng không bao giờ diễn ra, vì lẽ, nếu người dưng nước lã với nhau, không ai tự nhiên mang vác một số tiền lớn cho không ai bao giờ cả?!

Quan chức đầu tiên từng đề cập khái niệm này phải kể đến ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, trong phiên làm việc vào kỳ họp thứ 5 (Tháng Năm 2023) Quốc hội. Về phương diện xã hội, thật khó mà thuyết phục công chúng chấp nhận một khái niệm trái khuấy và nghịch ngạo như vậy.

Bên cạnh đó, về phương diện pháp lý, khái niệm này cũng chưa từng được Quốc hội thông qua như một quy định luật pháp thành văn. Tuy vậy, phát biểu của ông Lê Minh Trí khi ấy đã dọn đường dư luận để các cơ quan tư pháp vội vã cho áp dụng ngay từ phiên tòa hình sự “Chuyến bay giải cứu” đầy tai tiếng, “cứu” hàng loạt quan chức “nhúng chàm” vốn trấn lột, nhận hối lộ của dân lành ngay trong cơn khốn khó vì dịch giã.

Tuy trái khuấy, nghịch ngạo, nhưng chế độ đã tự tin đến mức không cần che giấu về nguyên nhân ra đời khái niệm “Hối lộ (hoặc tham nhũng) nhưng không vụ lợi”, nhằm đáp ứng chủ trương của Đảng Cộng Sản “cứu” các quan chức đảng viên vi phạm pháp luật. Các quan chức cao cấp của Đảng Cộng Sản đã ngang nhiên công khai thách thức công luận khi từng nhiều lần phát biểu công khai về chủ trương này trên hệ thống truyền thông trong nước: “Nếu có vi phạm pháp luật mà cứ xử lý kỷ luật hoặc khởi tố hình sự thì còn lấy đâu ra cán bộ làm việc?” [*].

Chế độ phải đối diện với thực tế không thể nào tệ mạt hơn: Quan chức đảng viên phạm tội tham nhũng (trong đó có hối lộ) trở nên quá phổ biến, đến mức độ, nếu cứ xử lý kỷ luật hoặc khởi tố hình sự, thì quả rằng sẽ không còn người làm việc. Cho nên, họ đã tùy tiện “đẻ” ra khái niệm “Hối lộ nhưng không vụ lợi” hoặc “Nhận tiền (tham nhũng) nhưng không vụ lợi”. Theo đó, chỉ những quan chức vi phạm tội danh hối lộ nặng nề nhất sẽ bị kỷ luật hoặc khởi tố, số còn lại sẽ được cứu, nhân danh “Hối lộ (hoặc tham nhũng) nhưng không vụ lợi”.

Như đã phân tích trên, khái niệm “Hối lộ nhưng không vụ lợi” chỉ là sự cưỡng từ đoạt lý phát sinh một cách tùy tiện trong nền tư pháp què quặt của Việt Nam mà thôi. Điều đó, không phải là chuẩn mực pháp lý đã đành mà còn không chính đáng. Chính sự không chính đáng đã làm cho công chúng dễ dàng phát hiện ra sự sai trái của khái niệm này, cho dù họ không cần có sự hiểu biết chuyên môn như một luật sư.

advertisement

Việc Đảng cầm quyền chủ trương dung túng, chứa chấp cho các quan chức đảng viên tham nhũng qua hành vi hối lộ đã biến chế độ hiện nay thành một bộ máy tội phạm khổng lồ, tàn phá tan hoang đất nước, hủy hoại không chỉ những giá trị vật chất mà gồm cả những giá trị tinh thần, các định chế căn bản của quốc gia… khiến sự phục hồi sau này sẽ rất khó khăn và mất rất nhiều thời gian, ít nhất, cũng vài thế hệ.

___________

[*] Ông Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Chủ tịch Quốc Hội; Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Chủ tịch Quốc Hội; Ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao.

The post “Tham nhũng nhưng không vụ lợi” – có thể được không? appeared first on Saigon Nhỏ.

 

Show More
Back to top button