Đời SốngVietnam

Chức danh giáo sư cho chánh án Nguyễn Hòa Bình: Thói háo danh của quan chức?

Ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao được bổ nhiệm chức danh Giáo sư tại Học viện Cảnh sát nhân dân.

Tại buổi lễ công bố và trao quyết định bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2023, diễn ra vào chiều 21 tháng 12 năm 2023, tân Giáo sư Nguyễn Hòa Bình cho biết, đây là niềm vinh dự cho cá nhân ông, cho gia đình và là cơ hội tốt để ông tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Tại Việt Nam, Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước là hội đồng có nhiệm vụ đề cử, xem xét, phong tặng hoặc hủy bỏ chức danh giáo sư trong nước. Hội đồng này trực thuộc Bộ Giáo dục và kinh phí hoạt động được cấp từ ngân sách nhà nước. Để được xét tuyển chức danh giáo sư, phó giáo sư, các ứng viên cần có các công trình nghiên cứu, có thời gian giảng dạy, hướng dẫn luận án, thành thạo ngoại ngữ. Tất cả đều có quy định riêng đối với từng chức danh.

advertisement

Cái quan trọng cần đặt vấn đề ở đây là một năm anh lên lịch giảng dạy bao nhiêu tiết tiêu chuẩn; thực hiện bao nhiêu đề tài nghiên cứu khoa học; hướng dẫn bao nhiêu nghiên cứu sinh để đủ chuẩn xét giáo sư. – một giảng viên đại học ở Hà Nội

Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước từng bị cho là không còn cần thiết khi giáo dục Việt Nam theo xu hướng quốc tế, giao quy trình xét tuyển giáo sư cho các trường đại học thực hiện.

Theo một giảng viên đại học ở Hà Nội, yêu cầu ẩn danh, ông Nguyễn Hòa Bình với một loạt chức vụ hiện tại thì không thể có thời gian đứng trên bục giảng; không có thời gian nghiên cứu khoa học. Ông nói với RFA:

“Cái quan trọng cần đặt vấn đề ở đây là một năm anh lên lịch giảng dạy bao nhiêu tiết tiêu chuẩn; thực hiện bao nhiêu đề tài nghiên cứu khoa học; hướng dẫn bao nhiêu nghiên cứu sinh để đủ chuẩn xét giáo sư.

Với một người như ông Nguyễn Hòa Bình, một ngày họp vài ba lần thì thời gian giảng dạy là bao nhiêu? Công trình nghiên cứu khoa học ở đâu không ai thấy…

Theo tôi biết, thường thường các đề tài nghiên cứu khoa học của các lãnh đạo được cấp dưới làm từng chuyên đề ghép lại với nhau thành một chương. Nếu chưa có tiến sĩ thì lấy ba cái chuyên đề ghép lại với nhau, viết lời mở đầu, kết luận trở thành luận án tiến sĩ. Ba, bốn cái chuyên đề in thành sách thì trở thành công trình nghiên cứu khoa học để xét phó giáo sư. Cứ thế mà thành giáo sư thôi. Do háo danh mà nhiều người mang danh giáo sư nhưng cái đầu rỗng tuếch.”

Trước khi giữ chức Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, ông Nguyễn Hòa Bình từng là Thiếu tướng Công an. Nhiều người cho rằng, với một đất nước không có tam quyền phân lập như Việt Nam, việc một giáo sư đang hoạt động trong ngành tòa án làm giáo sư một học viện cảnh sát, sẽ là mối nguy cho nền tư pháp. Luật sư Nguyễn Văn Miếng, từng có vài chục năm hành nghề tại Việt Nam, nói với RFA quan điểm của ông:

“Tôi không biết ông ấy đã từng giảng dạy ở đâu chưa và thời gian giảng dạy như thế nào, thành tích ra sao. Nhưng khi ông ấy chọn trường này thì trường này lại “lại quả” cho ông ấy bằng cách phong cho ông ấy chức danh giáo sư. Tôi cho rằng việc này không được khách quan và có hình thức tư lợi trong đó.

advertisement

Như vậy, những đường hướng, những suy nghĩ của công an và của tòa án bỗng nhiên thành một. Không có sự độc lập nào cả, bởi khi ông thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao là giáo sư của học viện này thì công an sẽ phải làm đúng yêu cầu mà tòa án đưa ra.”

Cho đến hôm nay, Việt Nam vẫn kiên định lập trường “không tam quyền phân lập”. Theo một bài xã luận của tác giả Trần Hậu Thành trên Tạp Chí Cộng Sản cách đây vài năm có tựa đề “Nhập khẩu thuyết “Tam Quyền Phân Lập” hay lá bài cổ xúy bất ổn chính trị, xung đột quyền lực”, tác giả nhấn mạnh “tam quyền phân lập” là học thuyết du nhập từ bên ngoài, cổ xúy bất ổn và xung đột quyền lực. Tác giả kết luận: “Khác với nhà nước tư sản, Việt Nam tổ chức quyền lực nhà nước theo nguyên tắc thống nhất quyền lực, không phân lập, nhưng có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”.

Như vậy, những đường hướng, những suy nghĩ của công an và của tòa án bỗng nhiên thành một. Không có sự độc lập nào cả, bởi khi ông thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao là giáo sư của học viện này thì công an sẽ phải làm đúng yêu cầu mà tòa án đưa ra. – Luật sư Nguyễn Văn Miếng

Trước khi ông Nguyễn Hòa Bình được Học viện Cảnh sát Nhân dân bổ nhiệm chức danh giáo sư, Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố danh sách 648 ứng viên đến từ 28 ngành được đề xuất đủ tiêu chuẩn xét công nhận chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2023. Điều đáng nói là trong ngành Khoa học An ninh chỉ có một ứng viên đủ tiêu chuẩn là ông Nguyễn Hòa Bình – Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Một số người cho rằng, ông Nguyễn Hòa Bình không xứng đáng là một giáo sư nếu nói về trình độ, chuyên môn với những phát ngôn bất nhất của mình. Chẳng hạn vào đầu năm 2021, khi báo cáo về công tác của các tòa án trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá 14, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định trong nhiệm kỳ không xảy ra án oan hình sự. Cụ thể ông Bình cho rằng: ‘Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra trường hợp nào kết án oan người không có tội’.

Đến tháng 9 năm 2022, Chánh án Nguyễn Hoà Bình lại nói rằng nghị quyết của Quốc hội cho phép 1,5% của 600.000 vụ án, tức là khoảng 9.000 vụ án, được phép sai do lỗi chủ quan. Ông này đưa ra biện minh rằng, vì nếu cứ sai là bị kỷ luật hết thì không lấy đâu ra người làm việc.

Nay ông Nguyễn Hòa Bình lại được bổ nhiệm chức danh Giáo sư Học viện Cảnh sát nhân dân, Luật sư Đặng Đình Mạnh bình luận với RFA:

“Qua sự việc nêu trên cho thấy việc giao thẩm quyền và cấp giáo sư trong nước hết sức tùy tiện và bừa bãi. Theo đó, giáo sư không còn ý nghĩa như sự công nhận chức danh dựa trên nền tảng học vấn và khả năng sư phạm nữa, mà đã trở thành danh xưng trang trí để các quan chức chia chác, ban phát làm đẹp tên tuổi cho nhau mà thôi. Cho thấy một thực trạng rằng tuy học vấn kém cỏi, trình độ hạn hẹp, đạo đức suy đồi, nhưng các quan chức Cộng Sản vẫn rất trọng vọng, hám danh đối với các học hàm, học vị, chức danh vốn chỉ dành cho người có học vấn cao, trình độ uyên bác.

Công chúng vốn đã rất thông hiểu điều này, cho nên, không có ai nể nang hay khâm phục gì đối với các học hàm, học vị hoặc chức danh của các quan chức Cộng Sản cả.”

Cũng theo Luật sư Mạnh, với tư cách là quan chức làm việc toàn thời gian trong ngành tòa án, ông Nguyễn Hòa Bình không được phép và cũng không thể tham gia công tác giảng dạy như một giáo sư của Học viện Cảnh sát.

Tin từ RFA Read More

Show More
Back to top button