Đời SốngVietnam

Những điều có thể làm ngay cả khi không thể kiện Trung Quốc đòi lại Hoàng Sa

phần trước nhà nghiên cứu Hoàng Việt trao đổi với RFA về những trở ngại về cơ chế và luật pháp quốc tế khiến cho việc kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về vấn đề Hoàng Sa trở nên vô cùng khó khăn. Ở phần này, ông chia sẻ với RFA về những điều có thể làm ngay cả khi Trung Quốc không chấp nhận giải quyết tranh chấp bằng biện pháp pháp lý. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng vấn đề tranh chấp lãnh thổ đối với Hoàng Sa ngày nay cần được đặt trong khung cảnh quan hệ quốc tế rộng lớn hơn. 

RFA. Tòa ICJ (Tòa án Công lý Quốc tế) có cơ chế tham vấn. Nếu Việt Nam không kiện được vì Trung Quốc không chịu ra tòa thì liệu có thể xin tòa cho ý kiến tư vấn hay không? Ý kiến tư vấn thì không có giá trị pháp lý, nhưng nếu Việt Nam tự tin vào bằng chứng lịch sử của mình, nếu tòa đưa ra một ý kiến tư vấn có lợi cho Việt Nam thì điều đó cũng có ý nghĩa về mặt khẳng định chính nghĩa của mình?

Nhà nghiên cứu Hoàng Việt  

advertisement

Tòa ICJ có thẩm quyền tư vấn. Tòa này đã đưa ra nhiều ý kiến tư vấn cho nhiều vụ tranh chấp. Mặc dù những tư vấn đó không có tính ràng buộc pháp lý, nhưng nó rất quan trọng vì có thể tạo ra tính chính danh, chính nghĩa cho bên được tòa xác nhận là đúng. 

Nhưng trong Hiến chương Liên Hiệp quốc, ở điều 95 có nhắc, và trong quy chế về Tòa ICJ thì từ điều 65 đến 68 thì có quy định về chức năng tư vấn của tòa. 

Chức năng tư vấn này được thiết kế cho các tổ chức quốc tế. Liên Hiệp quốc nhận thấy là các tổ chức quốc tế cũng có quyền và có nhu cầu được tư vấn về tranh chấp. 

Chính vì vậy, thủ tục để yêu cầu tòa ICJ tư vấn cũng khác, tức là phải thông qua một tổ chức quốc tế. 

Nếu Việt Nam muốn tòa ICJ đưa ra ý kiến tư vấn thì phải thông qua một tổ chức quốc tế, trong trường hợp Hoàng Sa thì chính là Đại hội đồng Liên Hiệp quốc. Ở đây thì chúng ta phải có được hai phần ba thành viên, trong số 196 quốc gia thành viên Liên Hiệp quốc đồng ý. 

Nếu Việt Nam muốn Tòa ICJ đưa ra ý kiến tư vấn thì trước hết phải thuyết phục được một số lượng lớn quốc gia như vậy đứng về phía mình, chống lại Trung Quốc. Trung Quốc đã một cường quốc, có tầm ảnh hưởng lớn toàn cầu. Cho nên tôi nghĩ đó là điều không phải dễ.

RFA. Như phân tích của ông, việc đòi loại Hoàng Sa là điều vô cùng khó khăn. Dùng lực lượng quân sự thì đương nhiên không được, mà dùng biện pháp pháp lý là kiện Trung Quốc ra tòa cũng chưa làm được. Tuy nhiên, chúng ta có thể kiện Trung Quốc ở những khía cạnh khác liên quan đến Hoàng Sa không? Ví dụ như đường cơ sở thẳng Trung Quốc vẽ quanh quần đảo này năm 1996. Đường cơ sở thẳng này rõ ràng bất hợp pháp, trở thành “căn cứ” để Trung Quốc đòi hỏi một cách bất hợp pháp 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa xung quanh Hoàng Sa. 

Nhà nghiên cứu Hoàng Việt

advertisement

Nói chung là việc kiện Trung Quốc để lấy lại chủ quyền đối với Hoàng Sa là vấn đề khó. Nhưng với các vấn đề khác có liên quan thì không phải là không làm được. 

Ví dụ như câu chuyện Philippines kiện Trung Quốc ra một tòa trọng tài theo quy định của Công ước Quốc tế về Luật biển. 

Đối với tòa này, việc Trung Quốc chấp nhận tham gia hay không thì không phải là yếu tố quyết định để mở phiên tòa. 

Trong phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016, chúng ta thấy là Trung Quốc đã không tham gia, không chấp nhận, không tuân thủ. Thậm chí, Trung Quốc còn quay sang tấn công lại phán quyết này. Nhưng phán quyết này vẫn là một chiến thắng của người Philippines. Phán quyết này sau đó đã đóng vai trò quan trọng trong luật biển quốc tế nói chung. 

Như vậy, Việt Nam có thể xem xét sử dụng một công cụ tương tự như vậy. Tức là mang vấn đề ra một tòa trọng tài. 

Việt Nam có thể yêu cầu tòa giải thích một số vấn đề của quần đảo Hoàng Sa mà liên quan đến vấn đề biển. 

Trung Quốc vẽ một đường cơ sở xung quanh quần đảo Hoàng Sa vào năm 1996. Theo Luật biển, đường cơ sở thẳng vẽ xung quanh các đảo thì chỉ áp dụng cho quốc gia quần đảo. Trung Quốc là một quốc gia lục địa, không phải là quốc gia quần đảo. 

Vậy đường cơ sở thẳng mà Trung Quốc tuyên bố xung quanh quần đảo Hoàng Sa có hợp pháp hay bất hợp pháp. Đó là một vấn đề Việt Nam có thể đưa ra. 

Điều thứ hai mà Việt Nam có thể đưa ra là trong phán quyết năm 2016, trong vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc, tòa đã phán quyết về Trường Sa. Theo phán quyết này, quần đảo Trường Sa không có đảo mà chỉ là đá hoặc bãi ngầm lúc chìm lúc nổi. Như vậy nó thu hẹp tranh chấp rất nhiều. 

Việt Nam có thể kiện theo hướng yêu cầu một phán quyết như vậy đối với Hoàng Sa. Các thực thể địa lý ở Hoàng Sa là đảo, đá, hay lúc chìm lúc nổi? 

Ngoài ra, đối với Trường Sa, tòa PCA năm 2016 đã đề cập đến vấn đề cấu trúc mang tính tập thể thì sẽ tạo thành cấu trúc toàn bộ như thế nào. Vậy Hoàng Sa có gì tương tự hay không? 

Đương nhiên, Việt Nam phải cân nhắc nhiều vấn đề khác khi đưa Trung Quốc ra tòa. Biện pháp pháp lý là một khía cạnh, nhưng chính trị là khía cạnh khác quan trọng không kém. 

Nếu Việt Nam thắng kiện Trung Quốc nhưng phán quyết đó không thực thi được trong thực tế thì sao? 

Chúng ta biết cái yếu nhất của luật pháp quốc tế là không có biện pháp cưỡng chế nếu bên thua kiện không tuân thủ. Điều này đặc biệt đúng với trường hợp Trung Quốc. Vụ kiện Philippines cho thấy rõ điều này. 

Cho nên Việt Nam phải cân nhắc điều sau đây: Chúng ta có nên chấp nhận lấy một chiến thắng tại tòa nhưng không có giá trị thực thi trong thực tế, để đổi lấy những sức ép kinh tế rất mạnh trên thực tế từ phía Trung Quốc?

Năm nào lãnh đạo Việt Nam khi gặp Trung Quốc thì cũng phải yêu cầu họ mở cửa nông sản để bà con nông dân Việt Nam thu được lợi ích. 

Sau khi Philippines thắng cuộc trong vụ kiện Trung Quốc năm 2016 thì Trung Quốc đã trả đũa bằng cách ngay lập tức chặn Philippines xuất khẩu chuối sang Trung Quốc. Chuối là mặt hàng nông sản lớn mà Philippines xuất khẩu sang Trung Quốc. Đó là chưa kể Trung Quốc còn gây sức ép lớn lên Philippines về mặt ngoại giao ở khác mặt trận khác nữa. 

RFA. Như vậy việc Việt Nam kiện Trung Quốc không thể chỉ xem xét vấn đề pháp lý. Việt Nam sẽ phải đặt nó trong một bản đồ lớn hơn?

Nhà nghiên cứu Hoàng Việt

Đúng vậy. Đặc biệt, ngày nay, thế giới đang trở nên hỗn loạn. Chiến tranh nổ ra khắp nơi, luật pháp quốc tế đôi khi không giữ được. Mặc dù Mỹ và Phương Tây đang tìm cách duy trì một trật tự thế giới dựa trên luật lệ. Nhưng luật lệ đó đang bị một số quốc gia khác vươn lên để thay đổi nó. Chúng ta đã thấy điều đó ở cuộc chiến Ukraine, cuộc chiến ở Trung Đông. Những điều đó cho thấy ranh giới luật pháp quốc tế rất mong manh. 

Cho nên lãnh đạo các nước đều có khó khăn của họ. Mục tiêu quan trọng nhất của họ bây giờ là giữ được đất nước không bị cuốn vào chiến tranh, giữ được hòa bình và tạo ra không gian để phát triển. Đó mới là cái khó. 

RFA xin cảm ơn nhà nghiên cứu Hoàng Việt đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.

  

Tin từ RFA Read More

Show More
Back to top button