Đời SốngVietnam

“Mối tình hữu nghị” Việt – Hoa: Thách thức cũ, bối cảnh mới

Không phải là nhà tiên tri cũng có thể đoán, “Cộng đồng chung vận mệnh” (CCD), “Sáng kiến Vành đai Con đường” (BRI) và những trụ cột khác của “Trật tự Trung Hoa” như các sáng kiến GSI (An ninh toàn cầu), GDI (Phát triển toàn cầu)… vốn là những đòi hỏi lâu nay của “thiên triều” đối với “thuộc quốc”, sẽ là tâm điểm trong cuộc mặc cả Trung – Việt sắp tới.

————————————

advertisement

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình thăm chính thức Việt Nam trong hai ngày 12 và 13 tháng này. Đây là sự kiện nổi bật trong bang giao giữa hai nước “cộng sản” còn sót lại sau “cơn sóng thần” từ thế kỷ trước đã nhấn chìm toàn bộ hệ thống XHCN vào dĩ vãng. Các nhà quan sát chỉ ra một nghịch lý thật hiếm hoi. Cơn lốc thay đổi đầy cảm hứng cho dân chủ và tự do hồi bấy giờ đã không ảnh hưởng nhiều đến Trung Quốc và Việt Nam. Thậm chí cơn lốc ấy là tác nhân thúc đẩy quá trình chuyển đổi, khiến cả hai quốc gia có vỏ bề ngoài là “cộng sản” ấy trở thành những nhà nước tư bản chuyên chế, dưới sự cai trị hà khắc của các chính thể độc tài (1). Mọi thông tin về hai quốc gia có bộ máy công an trị này rất hiếm khi có yếu tố nào gần với sự thật. Cả hai, phần lớn đều “lộng giả thành chân”, ngay cả những lúc họ ca ngợi lẫn nhau, nhưng đặc biệt là trong cách thức họ ứng xử với nhau. Còn đối với hệ thống truyền thông “mậu dịch” ở mỗi nước, tất cả chỉ là “đầu môi chót lưỡi”, nhằm mục đích tuyên truyền cho những điều hầu như ít khi có thật.

Riêng đối với CHND Trung Hoa, từ người dân đến lãnh đạo cao nhất, họ luôn nghĩ về đất nước 1,4 tỷ dân của mình như là một đế chế. Nhưng dư luận bên ngoài Trung Quốc lại đang bị chia rẽ về tính bền vững của đế chế này. Cố Ngoại trưởng Henry Kissinger là một trong số ít người tin chắc rằng, chúng ta đã bước vào thế kỷ Trung Hoa. Những người khác, ngược lại tin rằng, đà tăng trưởng của nền kinh tế thứ hai thế giới này không thể kéo dài, rằng, “đế chế thiên hà” của Tập Cận Bình sẽ phải gánh chịu số phận giống như nhiều triều đại trong quá khứ của Trung Quốc (2). Dẫu sao mặc lòng, sự kiện ông Tập Cận Bình, nhân vật quyền lực số một của đế chế trung tâm – cùng bầu đoàn thê tử trong đó có cả bà Bành Lệ Viện, phu nhân của ông Tập, cùng với Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Chánh Văn phòng Trung Ương Đảng Thái Kỳ, các Phó Thủ tướng của Quốc Vụ Viện Trung Quốc và nhiều quan chức cấp cao khác – sang thăm Việt Nam sẽ là một cột mốc đáng nhớ trong bang giao song phương, cũng như trong chuyển động địa-chính trị khu vực.

Những thử thách nào đang chờ đợi hai nhân vật có nhiều điểm tương đồng này, cũng như hai mối quan hệ Việt – Trung và Trung – Việt mà họ là những người đại diện, cho dù tiêu biểu hay không lại là một câu chuyện khác? Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được cho là sẽ đi vào lịch sử ĐCSVN với cuộc hội kiến với Tổng thống Mỹ Joe Biden cách đây ba tháng (3). Tiếp đón ông Tập Cận Bình lần này – đặc biệt với Tuyên bố chung được cho là sẽ có sự chuyển biến về chất, đánh dấu những chiều kích mới trong các phức tạp cũ “bằng mặt không bằng lòng” giữa hai Đảng và hai Nhà nước – địa vị cá nhân của Nguyễn Phú Trọng sẽ tăng lên hay giảm xuống so với cách đây một quý? Thời điểm hiện tại, câu hỏi này chưa có câu trả lời trọn vẹn. Thậm chí kể cả sau chuyến thăm này, câu trả lời vẫn có thể bị bỏ ngỏ. Bởi vì, trên hằng hà sa số con chữ từ Tuyên bố chung, lần này như mọi lần, đối với độc giả kể cả là những nhà nghiên cứu cự phách, cũng sẽ phải đọc giữa hai hàng chữ mới hy vọng hiểu được phần nào thực chất các cam kết của đối bên.

Trong những bận tâm hàng đầu của ông Tập lần này, không phải là nhà tiên tri cũng có thể đoán biết ông sẽ tìm cách đè bẹp sự kháng cự của Hà Nội đối với “Cộng đồng chung vận mệnh” (CCD) do Bắc Kinh cổ súy (4). Tâm lý “đại quốc”, chẳng cần ngụy trang, mỗi lần “nói chuyện” với Hà Nội,  Bắc Kinh luôn luôn muốn thúc giục “đứa con hoang đàng hãy trở về nhà” (the prodigal son to return home) (5). Các vấn đề nhậy cảm này sau chuyến thăm cấp Nhà nước sẽ mang những chiều kích mới nào, trong bối cảnh có những diễn biến bất ngờ ở khu vực cũng như trên toàn cầu? Có thể dự đoán, ĐCSVN buộc phải đưa ra một vài thỏa hiệp, liên quan đến hai vấn đề mấu chốt là CCD và BRI. Đây được cho là cách tiếp cận tổng hợp để phát triển toàn cầu của “thiên triều” mà Việt Nam khó kháng cự lâu hơn nữa. Nhất là trong bối cảnh Hà Nội đã có sáu “Đối tác chiến lược toàn diện” (CSP) và “Đối tác Chiến lược” (SP) với các đồng minh chủ chốt của Hoa Kỳ là QUAD (Bộ tứ kim cương gồm Nhật, Úc, Ấn, Mỹ) và AUKUS (Úc, Anh, Mỹ).

Cái giá của sự thỏa hiệp, nếu có, là để giảm tình trạng căng thẳng trên Biển Đông, và để thu hút đầu tư hơn của Trung Quốc vào Việt Nam, vốn đang bùng nổ trong năm nay (6). Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một giả thuyết cho thỏa hiệp. Bởi vì, theo giới chuyên gia, sự quy thuận đối với CCD hay sự hoan nghênh đối với BRI của Việt Nam nhiều khi chỉ mang tính chất ngoại giao nhằm xoa dịu Trung Quốc, chứ Hà Nội không thực sự quan tâm tới các dự án trong khuôn khổ BRI để xây dựng cơ sở hạ tầng. Đây là nhận định của chuyên gia hàng đầu từ Hoa Kỳ Murray Hiebert, tác giả cuốn sách “Dưới cái bóng của Bắc Kinh: Thách thức về Trung Quốc của Đông Nam Á”. Sự thận trọng của Việt Nam trong việc tiếp cận nguồn vốn của Trung Quốc còn được thể hiện qua việc Hà Nội từ chối khoản vay của Bắc Kinh cho việc xây dựng tuyến đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái và không cho tập đoàn công nghệ Huawei tham gia vào phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông 5G của Việt Nam với lý do quan ngại về an ninh quốc gia (7).

Tóm lại, BRI và CCD là những đòi hỏi đã được biết đến từ lâu của Trung Quốc đối với lãnh đạo Việt Nam. Cùng với một số vấn đề cốt lõi khác như các sáng kiến GSI (An ninh toàn cầu), GDI (Phát triển toàn cầu), GCI (Văn minh toàn cầu)… vốn là những áp lực ngày càng tăng của “thiên triều” đối với “thuộc quốc”, sẽ là tâm điểm tại các cuộc đàm phán Trung – Việt trong những ngày đầu tuần tới. Truyền thông Trung Quốc đưa tin khá chi tiết rằng, hai bên dự kiến sẽ thảo luận về việc nâng cấp quan hệ Trung – Việt, tập trung vào sáu lĩnh vực chính bao gồm chính trị, an ninh, hợp tác thiết thực, hỗ trợ công cộng, các vấn đề đa phương và hàng hải (8). Tuy nhiên, an ninh và kinh tế là những quan tâm hàng đầu của chính quyền Việt Nam hiện nay. Nếu Hà Nội vẫn còn một không gian nhất định để lựa chọn thì sự thỏa hiệp về các vấn đề nói trên không hẳn sẽ là “xuôi chèo mát mái”. Gần đây, gương hàng loạt nước bị vướng vào “bẫy nợ” của Bắc Kinh đã khiến Ý tuyên bố rút khỏi BRI và cho rằng, tham gia vào BRI là một sai lầm nghiêm trọng.

___________

Tham khảo:

advertisement

https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-trong-moi-ti%CC%80nh-tay-ba-vie%CC%A3t-my%CC%83-trung/7389885.html
https://caphesach.wordpress.com/2023/01/05/giai-ma-de-che-trung-quoc-phan-iv/
https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/can-party-chief-nguyen-phu-trong-make-history-09172023093234.html
https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-than-trong-voi-cong-dong-chung-van-menh-cua-trung-quoc-tap-can-binh/7388243.html
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/chinese-media–vietnam-the-prodigal-son-to-return-home-06202014175314.html
https://www.voatiengviet.com/a/7390399.html
https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-khang-cu-vanh-dai-con-duong-cua-trung-quoc-den-dau/7390817.html
https://www.globaltimes.cn/page/202312/1303208.shtml

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

* Trần Hiếu Chân là nữ nhà báo từ TP HCM, từng là cộng tác viên lâu năm cho các báo Lao Động, VietnamNet, Saigon Tiếp thị và một số cơ quan truyền thông quốc tế như RFA, BBC và VOA. Các đề tài của nữ nhà báo này trải dài trên diện rộng, đề cập đến nhiều vấn đề quốc nội và quốc tế cũng như các vấn đề thuộc chính trị đối ngoại của Việt Nam.

 

Tin từ RFA Read More

Show More
Back to top button