
Các cửa hàng tiện lợi ở Nhật Bản đúng là… tiện lợi, vì ở đó có hầu hết mọi thứ để phục vụ khách hàng.
Không chỉ thức ăn ngon và nước giải khát, họ còn cung cấp nhiều dịch vụ tuyệt vời. Bạn cần mua vé hòa nhạc hoặc sự kiện thể thao? Bạn có thể làm điều đó ở cửa hàng tiện lợi. Bạn cần thứ gì đó bạn mua trực tuyến được giao đến một địa chỉ an toàn và giữ cho đến khi bạn đến lấy? Bạn có thể làm điều đó ở một cửa hàng tiện lợi. Bạn cần phải nộp thuế thu nhập? Chỉ cần mang hóa đơn và một cọc tiền mặt đến cửa hàng tiện lợi và bạn có thể thanh toán tại đó.
Bạn cần in tài liệu? Và bạn thực sự có thể in ấn mọi thứ (kể cả bản in màu) bằng máy in đa chức năng dễ sử dụng, bằng cách tải tài liệu lên trang web tại nhà, sau đó in ra tại Konbini (với giá khoảng 5-10 Yên ($0.03 – $0.07) cho mỗi bản sao.
Thực tế, các cửa hàng tiện lợi ở Nhật Bản thật tuyệt vời vì ở đó có rất nhiều thứ khiến cuộc sống của bạn dễ dàng hơn! Ngoài thức ăn, thức uống và dịch vụ chất lượng cao, họ có cách trình bày đẹp mắt, sạch sẽ và dịch vụ chăm sóc khách hàng nổi tiếng tuyệt vời! Khi so sánh với các cửa hàng tiện lợi ở phương Tây, hầu hết đều không thể cạnh tranh với Nhật Bản.
Hầu hết người Mỹ có lẽ sẽ đồng ý rằng 7-Eleven chỉ tạm ổn. Thức ăn nóng thường được bày trên kệ quá lâu, khu vực đồ uống tự phục vụ (bao gồm cả đồ uống slurpee — loại đồ uống này không có ở Nhật Bản) có thể sẽ rất bừa bộn với giấy gói ống hút, nắp đồ uống và thức ăn rơi rớt. Còn dịch vụ chăm sóc khách hàng thì tùy thuộc vào người “hỗ trợ” bạn.
Chuỗi cửa hàng 7-Eleven của Nhật Bản lại hoàn toàn ngược lại. Món ăn nóng đó có thể là thứ ngon nhất mà bạn từng nếm thử, và thường thì khá mới (tuy không phải lúc nào cũng vậy). Không có khu vực bán soda tự phục vụ, nhưng toàn bộ cửa hàng đều rất sạch sẽ và gọn gàng (khoảng 99% thời gian). Về dịch vụ khách hàng, ở Nhật Bản, bạn biết đấy, dịch vụ này nổi tiếng là tốt. Rất hiếm khi bạn gặp phải người thô lỗ ở quầy thanh toán.
Và các cửa hàng tiện lợi ở Nhật Bản vẫn khiến chúng ta ngạc nhiên hơn nữa, giống như một chi nhánh của Seicomart gần đây.
Seicomart là chuỗi cửa hàng tiện lợi phổ biến nhất ở tỉnh cực bắc Hokkaido của Nhật Bản, nhưng họ cũng có một số chi nhánh xa hơn về phía nam. Tỉnh Ibaraki hiện có một số cửa hàng Seicomart, bao gồm một cửa hàng ở thị trấn Chikusei. Thoạt nhìn, có vẻ giống như bất kỳ chi nhánh Seicomart nào khác, với các kệ đựng trà đóng chai, cơm nắm onigiri,…
Nhưng nếu bạn nhìn về phía sau cửa hàng, khi bước vào khu vực giặt ủi và quay đầu sang trái, bạn sẽ nhìn thấy các cánh cửa, và đó chính là phòng tắm nhanh, phòng khi khách hàng cần sử dụng.
Thực ra, việc tắm rửa của bạn không cần phải quá nhanh, vì bạn chỉ phải trả 200 Yên ($1.38) cho 10 phút. Chỉ cần bỏ tiền xu vào khe, xoay tay cầm và thế là xong.
Không cần đặt chỗ trước khi sử dụng phòng tắm và Seicomart này còn bán xà phòng, dầu gội và khăn tắm, vì vậy bạn có thể vào mà không cần chuẩn bị gì cả mà vẫn sạch sẽ. Mỗi buồng tắm bao gồm hai phòng, một phòng có vòi sen và phòng còn lại là không gian riêng tư để bạn thay/mặc quần áo, có giỏ để đựng quần áo và khăn tắm.
Chi nhánh Seicomart này là một phần của “trạm dừng chân ven đường” Gran Terrace Chikusei michi no eki, một trạm dừng chân không nằm trên mạng lưới đường cao tốc nhưng cũng có khu ẩm thực và các cửa hàng lưu niệm tập trung vào các sản phẩm nông sản và đồ thủ công địa phương. Nếu bạn chưa sẵn sàng để tiếp tục lên đường ngay sau khi tắm ở cửa hàng tiện lợi, thì cũng có một phòng thư giãn với những chiếc ghế bành thoải mái, một chiếc có chức năng mát-xa bằng xu, được gắn vào Seicomart…
Trong chuyến du lịch, nếu bạn muốn thưởng thức phong tục ăn đồ ngọt sau khi tắm của người Nhật, chúng tôi thực sự khuyên bạn nên dùng bánh quế kem Hokkaido Melon Monaka, một phần của thương hiệu riêng Secoma thuộc Seicomart.
Theo Japan Today
The post 7-Eleven ở Nhật Bản có phòng tắm phục vụ khách hàng appeared first on Saigon Nhỏ.