
Về Viet Museum
Viet Museum (Viện Bảo Tàng Việt Nam) được thành lập và hoạt động trong một ngôi nhà tại History Park, một công viên rộng 14 mẫu với 32 ngôi nhà được dựng lại để tái hiện những sự kiện lịch sử nổi bật của văn hóa và lịch sử các cộng đồng tại San Jose và trong vùng.
Công viên thuộc quyền sở hữu của thành phố San Jose và được quản lý bởi tổ chức History San Jose (HSJ). HSJ hợp tác với nhiều hội đoàn khác nhau để tạo ra các chương trình và duy trì những di sản lịch sử.
Tổ chức IRCC
Tổ chức Immigrant Resettlement and Cultural Center, hay IRCC, được thành lập bởi ông Vũ Văn Lộc với mục đích cung cấp các dịch vụ giáo dục và xã hội cho hàng ngàn người tị nạn gốc Việt đến Bắc California kể từ khi ông Lộc bắt đầu định cư vào năm 1976. Ông từng giữ chức vụ Đại Tá trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Trong suốt bốn thập kỷ qua, IRCC đã hỗ trợ khoảng 30,000 gia đình người nhập cư và tị nạn. IRCC là nơi cộng đồng người Việt tập hợp các ý tưởng, câu chuyện, hiện vật lịch sử, tài liệu và các tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Tại IRCC, ông Vũ Văn Lộc đã bắt đầu xây dựng một bộ sưu tập, tập trung vào cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ.
Từ năm 1990, ông Lộc bắt đầu kêu gọi sự ủng hộ để thành lập Viện Bảo Tàng nhằm trưng bày di sản của người Việt hải ngoại. Ông đã vận động nhiều dân cử, bao gồm cả cựu Tổng thống Jimmy Carter.
Vào năm 2004, Viện Bảo Tàng được thành lập.
Vào tháng 3 năm 2006, IRCC chính thức ký hợp đồng với History San Jose và thành phố San Jose để sử dụng một ngôi nhà trong khu công viên cho các hoạt động cho Viện Bảo Tàng.
Năm 2007, sau hơn 30 năm lên kế hoạch và sưu tầm, Viện Bảo Tàng – Viet Museum chính thức mở cửa. Viet Museum là bảo tàng đầu tiên và lớn nhất dành riêng cho người tị nạn Việt Nam. Mục đích của Viet Museum là tạo ra sự hiểu biết và đồng cảm với những trải nghiệm của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ, cũng như bảo tồn di sản và lịch sử của người Việt hải ngoại.
Trong suốt những năm qua, ông Lộc đã sử dụng tiền túi để sửa chữa và duy trì Viet Museum. Ông đã bán nhà, sử dụng khoảng tiền $350,000 USD để trang trải cho Viet Museum, và dành hơn 30 năm tâm huyết để duy trì và phát triển bảo tàng này.
Đến nay, đây là một ngôi nhà lịch sử được nhiều người tham quan nhất tại History Park, San Jose.
Ông Lộc hiện giữ chức vụ Giám đốc điều hành của IRCC. Vì Viet Museum là một chương trình của IRCC, nên viện bảo tàng cũng nằm trong phần quản lý của ông.

Tranh chấp nội bộ
Vào giữa tháng 11, 2024, ông Lộc đã gửi một lá thư đến nhiều người trong cộng đồng, có ý nghỉ hưu và có ý đề xuất con rể ông, Minh Lê, giữ chức Giám đốc điều hành thay cho ông.
Sau đó, ban Hội Đồng Quản Trị (HDQT) của IRCC gửi một lá thư trả lời đến nhiều người trong cộng đồng, chấp nhận lời đề nghị nghỉ hưu của ông Lộc, nhưng không đồng ý để con rể ông thay thế chức vụ của ông. Ban HDQT “lo ngại về việc duy trì tính minh bạch, tránh chủ nghĩa gia đình trị, và nhấn mạnh rằng IRCC cần phải tuân thủ các quy định của các tổ chức phi lợi nhuận,”
Ông Lộc tỏ ra không hài lòng với cách xử lý của ban HDQT, và sau đó gửi một bức thư thông báo việc sa thải ông Cao Hồng (người được ông Lộc mời vào giúp giữ chức giám đốc Viet Museum từ năm 2022), đồng thời đề nghị giải tán HDQT hiện tại và thành lập một ban HDQT mới.
Ông đã cáo buộc rằng HDQT đã cố gắng chiếm đoạt IRCC thông qua một cuộc “đảo chính.”
Ban HDQT sau đó gửi một lá thư khác, cáo buộc ông Lộc đã rút tổng cộng $45,000 USD từ tài khoản của tổ chức IRCC vào tháng 3 trong năm 2023, tháng 10 và 11 trong năm 2024 để chi trả các khoản vay, đồng thời thay ổ khóa tại Viet Museum mà không thông báo cho HDQT. (Giấy tờ thuế năm 2021 cho biết IRCC có số tiền vay mượn $39,425 từ năm 2018)
Theo ông Lộc, ban HDQT còn liên lạc với thành phố và History San Jose nói rằng chỉ có ông Cao Hồng mới được phép hoạt động tại Viet Museum. Cuộc tranh chấp nội bộ dẫn đến việc Viet Museum bị đóng cửa, và ông Lộc phải sử dụng luật sư để gửi cho HDQT một lá thư yêu cầu ngừng ngay lập tức các hành động mà ông cho là cố gắng chiếm đoạt IRCC.
Trong lá thư, luật sư Simon cho rằng các thành viên của HDQT hiện tại không được bầu vào hợp pháp, và chỉ có một người, ông Hồ Quang Nhựt, là thành viên hợp pháp.
Trong văn bản, luật sư Simon cho biết các thành viên HDQT đã vi phạm ít nhất ba điều lệ trong văn bản Điều Luật (By Laws) của IRCC, và yêu cầu họ phải chấm dứt ngay lập tức các hoạt động và hành động. Luật sư Simon cũng cho biết HDQT đã không có tổ chức bất kỳ cuộc họp thường niên nào trong nhiều năm qua, và hiện chỉ có ông Vũ Văn Lộc mới có quyền triệu tập các cuộc họp của HDQT.
VietValley đã kiểm tra hồ sơ của Bộ Tư pháp tiểu bang California và biết rằng IRCC đã và đang trong tình trạng vi phạm “delinquent” từ năm 2018 cho đến nay.
Khi tổ chức đang trong tình trạng vi phạm delinquent, họ không được phép hoạt động.

Giấy tờ từ văn phòng thư ký Secretary of State của tiểu bang, trong văn bản mới nhất ngày 10 tháng 12, do ông Lộc nộp lên, có ghi những tên sau đây là thành viên của IRCC:
Mai Pham, CFO.
Nhut Ho, Secretary.
Loc Vu, CEO.
Cuong Nguyen, Chairperson of Board.
Trước đó, ngày 19 tháng 7, ông Cao Hồng cũng đã nộp lên danh sách thành viên tương tự nhưng có thêm tên của ông Cao Hồng với vị trí là Director, ngoài ra không còn có thêm tên của một ai khác.
Giấy tờ thuế 990 năm 2019 của IRCC có tên của các thành viên trong ban HDQT như sau: Loc Vu, Nam Pham, Nhut Ho, Loan Tran, Tung Trinh, Vinh Nguyen, Hai Pham, Tao Nguyen, Dr. Chi Nguyen.
Từ năm 2020 cho đến nay, chỉ còn lại một tên duy nhất là Nam Pham.
Điều này cho thấy, giấy tờ thuế liên bang, các văn bản quan trọng cần thiết từ văn phòng thư ký tiểu bang, và Bộ Tư Pháp đã không được ai trong ban HDQT xem qua trong những năm qua.
Theo lời ông Cao Hồng nói trong buổi phỏng vấn với phóng viên Vũ Nhân của SBTN, hiện tại những thành viên ban HDQT của IRCC gồm có: Nguyen Cuong, Phan Quang Tue, Ho Quang Nhut, My Linh, Philip Nguyen, và chính ông Cao Hồng, và một số người khác không sinh hoạt active.
Chúng tôi hoàn toàn không tìm thấy bất kỳ văn bản chính thức nào có tên của những người trong ban HDQT như ông Cao Hồng nhắc đến, ngoài ông Hồ Quang Nhựt.
VietValley có email cho ban HDQT để hỏi thêm nhưng cho đến nay vẫn không được trả lời.
Nhiệm vụ của ban HDQT của bất kỳ tổ chức nào là họ phải chịu trách nhiệm kiểm tra và cập nhật tất cả các sổ sách, thuế, giấy tờ liên quan đến liên bang và tiểu bang. Họ cũng phải có trách nhiệm gây quỹ, và đóng góp sức lực vào sự phát triển của tổ chức.
HDQT còn phải tuân theo điều lệ của tổ chức, tham gia các phiên họp ít nhất một lần mỗi năm và giữ các biên bản cuộc họp nội bộ, bầu cử thành viên mới, xem xét ngân sách, tài chính, v.v.
Tranh chấp nội bộ không phải là điều hiếm gặp, đặc biệt trong cộng đồng người Việt, khi rất ít người hiểu rõ về cách tổ chức và thành lập hội, viết văn bản, điều lệ, và phần lớn làm việc theo quan hệ, tính cách nể nang. Một số người khác chỉ muốn có danh tiếng, để ghi tên vào ban HDQT rồi không thực hiện đúng trách nhiệm hoặc không đóng góp gì đáng kể.
Anh Quyền Mai, người có nhiều kinh nghiệm trong sinh hoạt cộng đồng và thành lập nhiều nhóm như VAO (Vietnamese American Organization), VAR (Vietnamese American Roundtable), anh cũng từng là Giám đốc điều hành của VIVO (Vietnamese Voluntary Foundation), cho biết: “Có nhiều người muốn ngồi vào vị trí HDQT để chỉ tay năm ngón, để có tiếng nói và điều khiển tổ chức theo ý mình, để có tên tuổi, hoặc để tạo mối quan hệ, nhưng thực tế rất ít người thực hiện đúng trách nhiệm và vai trò của họ.”
“Vai trò của các thành viên trong ban HDQT rất quan trọng trong các tổ chức bất vụ lợi. Họ phải có lòng, có tâm, và có khả năng xây dựng tổ chức đó,” anh Quyền cho biết thêm. “Nếu cảm thấy không giúp gì được, thì tốt nhất nên rút tên ra, hoặc không gia nhập, để chổ cho người khác thích hợp hơn.”
Ông Vũ Văn Lộc, năm nay đã hơn 92 tuổi, vẫn giữ đủ sức để chăm lo cho IRCC, một tổ chức mà ông đã sáng lập và là tâm huyết của ông.
“Rất hiếm khi chúng ta có được một người giống như bác Lộc,” anh Quyền nói. “Nhiều lần mình thấy bác leo cầu thang để dọn dẹp hay trang trí cho Viet Museum. Bác tự hào và đam mê với những sưu tầm về di sản văn hóa cho cộng đồng người Việt hải ngoại. Mình rất ngưỡng mộ và kính trọng bác.”
Anh cho thêm ý kiến rằng nếu công việc của bác Lộc là thiện nguyện và không có lương, thì ai làm cũng chẳng sao. “Việc cha truyền con nối cũng không ảnh hưởng gì nếu là công việc thiện nguyện. Nếu bác muốn truyền lại kinh nghiệm hơn 30 năm của bác cho con rể để tiếp tục duy trì và phát triển Viet Museum, cũng là điều tốt cho Viet Museum và cộng đồng. Nếu con rể bác làm việc không hiệu quả, ban HDQT vẫn có thể sa thải được.”
Ông Hải Huỳnh, một người sinh hoạt trong cộng đồng, trong một email gởi ra, lên án hành động của ông Cao Hồng và cô Mỹ Linh đã từng tham gia ban tài chánh của Ban Đại Diện Cộng Đồng (BĐDCĐ) nhưng không bao giờ đi họp và ông Cao Hồng luôn bênh vực cô. “Sau khi cô ta bị mời ra khỏi BĐDCĐ, ông Cao Hồng cũng từ chức theo.”
Trên bài báo San Jose Spotlight, cô Mỹ Linh cho biết cô là thành viên trong ban HDQT của IRCC, và nói rằng cô ta lo ngại về việc chọn thành viên trong gia đình làm thành viên trong một tổ chức bất vụ lợi vì không có tính minh bạch. Nhưng theo ông Hải Huỳnh, cô Mỹ Linh và chồng cô là ông Sam Hồ cũng đang quản lý một tổ chức bất vụ lợi, và lên án tổ chức do gia đình cô quản lý cũng không rõ ràng về tiền bạc trong thời Covid.
Giấy tờ thuế cho biết cô Mỹ Linh là CEO, và là thành viên trong ban hội đồng quản trị của tổ chức Asian American Center of Santa Clara County (AASC), và chồng cô là ông Sam Hồ giữ chức vụ chủ tịch của tổ chức AASC này ít nhất từ hơn 5 năm nay.
Từ năm 2019 cho đến 2022, tổ chức AASC đã nhận được hơn $1 triệu USD ($1,131,398)
Theo ông Hải Huỳnh “chỗ nào có tiền trợ cấp (funding) thì chổ đó có ông Cao Hồng và cô Mỹ Linh nhảy vô và là một cặp bài trùng và khi không được như ý muốn thì bắt đầu quậy”
Tranh chấp thiện nguyện
Những cuộc tranh chấp “thiện nguyện không lương” không phải lần đầu tiên xảy ra trong cộng đồng người Việt tại San Jose. Vào khoảng tháng 8 năm trước, nghị Viên gốc Việt, Biên Đoàn, dùng quyền tước đi sinh hoạt chào cờ đầu tháng từ Ban Đại Diện Cồng Đồng. Đây cũng là một chương trình sinh hoạt thiện nguyện không lương.
Về vấn đề tranh chấp trong các tổ chức, anh Quyền cho rằng một trong những lý do cần thiết là cộng đồng cần có các chương trình đào tạo lãnh đạo. “Nhiều người tham gia sinh hoạt là điều tốt, nhưng sinh hoạt cộng đồng lại khá phức tạp vì phải làm việc với nhiều thành phần có tính cách khác nhau. Khi chúng ta không chuẩn bị chu đáo hoặc không được đào tạo kỹ lưỡng, dĩ nhiên chúng ta sẽ không biết cách ứng phó hay đối xử với nhau khi xảy ra vấn đề.”
Anh cũng cho biết, ngoài các vấn đề về cách tổ chức và luật pháp, còn có yếu tố tình người. “Những người lãnh đạo giỏi phải biết cách ứng phó khi có tranh chấp, cũng phải biết xét về tình và lý.”
Cô Hồng, người từng tham gia các sinh hoạt tại Viet Museum, cũng rất quan tâm đến ông Lộc. “Cũng có thể bác Lộc bị ngược đãi, vì bác đã hơn 92 tuổi,” cô nói. “Tôi không hiểu tại sao những người kia lại đi tranh chấp với bác để làm gì và sẽ được gì?.”
Cuộc tranh chấp nội bộ là điều không ai mong muốn, đặc biệt khi phải trả chi phí cho luật sư.
Anh Bryan Đỗ, một người tích cực tham gia cộng đồng và là ủy viên giáo dục tại khu học East Side San Jose, chia sẻ:
“Thật không may khi tranh chấp tại IRCC đã trở nên công khai. Tuy nhiên, giống như nhiều bất đồng trong cộng đồng người Việt, điều này cũng có thể được giải quyết nội bộ khi tất cả các bên lùi lại một vài bước để xem xét lại mục đích lớn hơn của những gì họ muốn đạt được cho cộng đồng và coi trọng mối quan hệ làm việc mà họ đã vun đắp trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ. Theo đuổi mục đích thông qua các biện pháp pháp lý thường khó khăn hơn và hầu như luôn tốn kém hơn.”
Năm 2025 đánh dấu 50 năm người Việt hải ngoại rời bỏ quê hương tìm kiếm tự do sau cuộc chiến tranh năm 1975. 50 năm cũng là một thử thách lớn đối với cộng đồng người Việt hải ngoại trong việc phát triển tài năng lãnh đạo, xây dựng cộng đồng, và học cách giải quyết tranh chấp cũng như đối xử nhân văn với nhau.
