
Những năm gần đây rộ lên một luồng ý kiến rằng Phạm Văn Đồng, với bức công hàm 1958 mà ông ta ký, đã dâng Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc.
Thiết nghĩ, ý kiến này xem ra không có lý, bởi lẽ ai cũng biết vào thời điểm 1958 thì Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam Cộng Hoà, một quốc gia độc lập và có chủ quyền. Lúc đó Phạm Văn Đồng là thủ tướng của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thì làm gì có quyền dâng Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc. Tiền trong túi anh, anh có quyền cho người khác nhưng tiền trong túi tôi thì anh không có quyền đem cho người khác. Nếu Hun Sen của Campuchia đòi đem đảo Phú Quốc của Việt Nam dâng cho Trung Quốc thì Việt Nam cũng không đời nào chịu. Và cái sự dâng đó, nếu xảy ra, hoàn toàn không có giá trị nào về mặt pháp lý bởi đảo Phú Quốc thuộc chủ quyền của Việt Nam chứ không phải Campuchia.
Chính quyền Việt Nam hiện tại nói về bức công hàm Phạm Văn Đồng như sau:
“Trong Công hàm 1958, Thủ Tướng Phạm Văn Đồng không hề đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vì điều đó là không cần thiết, bởi theo Hiệp định Genève 1954, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm phía Nam vĩ tuyến 17 tạm thời thuộc quyền quản lý của Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa. Trong thời điểm đó, dưới góc độ tài phán quốc tế, thì Chính Phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa không có nghĩa vụ và quyền hạn hành xử chủ quyền tại hai quần đảo này theo luật pháp quốc tế.” (Báo Điện tử Chính phủ).
Bảo Phạm Văn Đồng và đồng bọn làm tay sai cho Liên Xô và Trung Quốc để gây nên cuộc nội chiến đẫm máu ở Việt Nam thì đương nhiên là đúng. Bảo Phạm Văn Đồng và đồng bọn là tội phạm chiến tranh thì đương nhiên là đúng. Nhưng nếu bảo Phạm Văn Đồng và đồng bọn dâng Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc thì e rằng không thuyết phục. Thực tế là trong bức công hàm gọi là “bán nước” đó, không hề có câu từ rõ ràng nào công nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc cứ đem bức công hàm Phạm Văn Đồng ra để chứng minh với thế giới rằng Việt Nam công nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc thì đó chỉ là cái lý sự cùn của một thằng lưu manh. Mà đâu chỉ Việt Nam xem Trung Quốc là tên lưu manh. Hầu như cả thế giới hiện nay đều xem Trung Quốc là tên lưu manh đấy chứ. Mà bọn lưu manh thì đâu xa lạ gì cái trò ăn cướp.
Nhưng chửi Trung Quốc thì cũng phải chửi luôn cả Mỹ. Thực vậy, cho dù rất mong muốn chiếm đảo Đài Loan nhưng Trung Quốc vẫn không dám thực hiện điều đó vì Mỹ luôn hăm he sẽ không để yên cho bất kỳ nước nào đụng tới Đài Loan. Nếu Mỹ cũng hăm he như thế với bất kỳ nước nào đụng tới Hoàng Sa hay Trường Sa thì liệu Trung Quốc có dám giở trò ăn cướp hay không? Tiếc rằng đến đồng minh chí cốt như VNCH mà Mỹ còn phủi tay thì Hoàng Sa hay Trường Sa có là nghĩa lý gì đối với Mỹ.
Với Mỹ, Hiệp định Paris ký kết vào Tháng Giêng 1973 là cách họ thoát khỏi cuộc chiến, nhưng với VNCH, đó là thất bại khó nuốt trôi. Người Mỹ đến đất nước này cho bằng được giờ lại muốn bỏ đi cho bằng được, xem chiến tranh như trò chơi, xem tình đồng minh như đồ bỏ. Họ muốn phủi tay tất cả. Trong chính giới Mỹ lúc đó, đã có những tiếng nói phản đối kịch liệt hiệp định này, cho rằng Mỹ đã bỏ rơi đồng minh một cách đáng hổ thẹn. Người phản đối mạnh mẽ nhất chính là Thống Đốc California Ronald Reagan, người sau này trở thành một vị tổng thống vĩ đại của nước Mỹ. Ông là người luôn ủng hộ sự tham chiến của Mỹ ở Việt Nam, xem đó là một nghĩa vụ của Mỹ với chính nghĩa tự do. Trong thời kỳ làm thống đốc California, Ronald Reagan thì hành đường lối cứng rắn đối với những sinh viên phản đối chiến tranh Việt Nam ở các trường đại học.
Chính quyền Việt Nam hiện tại ra sức bác bỏ giá trị pháp lý của công hàm Phạm Văn Đồng và xem việc thừa nhận VNCH là một cách hóa giải công hàm đó. Nghĩa là phải thừa nhận rằng trước năm 1975 đã tồn tại một nước VNCH với một chính quyền có tính chính danh và được nhiều quốc gia công nhận, chứ không phải là “Ngụy quân, Ngụy quyền.” Mà như thế thì cái gọi là “Giải phóng miền Nam” thực chất chỉ là một cuộc xâm lược: VNDCCH xâm lược VNCH. Với cuộc xâm lược này, VNDCCH, với sự hỗ trợ của Trung Quốc và Liên Xô, phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về cái chết của hàng trăm ngàn người Việt, chứ không phải “Mỹ Ngụy.”
Chuyến công du của Tổng Thống Mỹ Richard Nixon sang Trung Quốc năm 1972 kéo dài một tuần. Nixon nói: “Đó là tuần lễ làm thay đổi thế giới.” Từ đó tới nay thế giới đã biết bao thay đổi mà chyến công du kéo dài một tuần đó của Nixon hẳn đã góp phần không nhỏ: Từ một con giun con dế, Trung Quốc với sự giúp đỡ của Mỹ đã trở thành con cọp con rồng và đe doạ thế giới. Mỹ hẳn không cười nổi khi nhìn thấy Trung Quốc như thế và đương nhiên cũng nhăn mặt khi thấy Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông.
Giờ đây có lẽ Mỹ đang hối hận vì đã bỏ rơi VNCH, tiền đồn quan trọng của Mỹ ở Đông Nam Á cũng như ở Biển Đông . Với những cuộc tập trận gần đây ở Biển Đông, Mỹ có vẻ tỏ quyết tâm ngăn chặn sự bá quyền của Trung Quốc trong vùng biển này.
Quyết tâm này của Mỹ lớn tới mức nào thì còn phải chờ xem.
The post Sao cứ nhè Phạm Văn Đồng mà chửi? appeared first on Saigon Nhỏ.