Vietnam

Đàm phán 7 Tháng Năm: Hà Nội trả bài ‘đu dây’ trước Washington

Giữa lúc bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động phức tạp, Việt Nam lại được Hoa Kỳ đưa vào nhóm sáu quốc gia đầu tiên ưu tiên đàm phán thuế quan, đây không chỉ là cơ hội thương mại mà còn là thách thức chính sách đối ngoại “đu dây” của CSVN.

Ngày 5 Tháng Năm, 2025, tại kỳ họp thứ 9 – Quốc Hội CSVN khóa XV, Thủ Tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam là một trong sáu quốc gia đầu tiên cùng với: Vương quốc Anh, Ấn Độ, Nam Hàn, Nhật Bản, Indonesia trong hơn 100 nền  kinh tế được Hoa Kỳ ưu tiên đưa vào danh sách đàm phán thương mại trong bối cảnh Washington áp dụng chính sách thuế quan mới. Phiên đàm phán đầu tiên dự kiến diễn ra vào ngày 7 tháng Năm.

Trước đó, ngày 1 Tháng Năm, Chính Phủ Việt Nam cử đoàn trao đổi kỹ thuật sang Hoa Kỳ để làm việc với các cơ quan liên quan để chuẩn bị cho phiên đàm phán, do Bộ Trưởng Bộ Công Thương Nguyễn  Hồng Diên làm trưởng đoàn. Việt Nam đặt mục tiêu là hướng tới thúc đẩy thương mại cân bằng, bền vững, không làm ảnh hưởng đến các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết, trên tinh thần “lợi ích hài hòa- rủi ro chia sẻ.”

advertisement

Nguồn gốc của căng thẳng bắt đầu từ cuộc thương chiến Hoa Kỳ-Trung Quốc. Ngày 2 tháng Tư, Hoa Kỳ áp mức thuế đối ứng lên tới 46% đối với hàng hóa từ Việt Nam. Đây là một trong những mức thuế cao nhất mà Hoa Kỳ từng áp dụng đối với các quốc gia bị cáo buộc có hành vi trợ giúp cho Trung Quốc gian lận thương mại. Điều này lập tức tác động tiêu cực đến hoạt động xuất–nhập khẩu và nền kinh tế Việt Nam nói chung, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng.

Một tuần sau, Hoa Kỳ tuyên bố tạm thời giảm mức thuế đối ứng xuống còn 10% đối với 70 quốc gia trong đó có Việt Nam, trong thời hạn  90 ngày để các quốc gia này có thời gian chuẩn bị và điều chỉnh các hoạt động phù hợp, đáp ứng những yêu cầu mà phía Hoa Kỳ đưa ra. Phiên đàm phán ngày 7 tháng Năm, nội dung nằm trong khuôn khổ Việt Nam bắt đầu tiến trình từng bước giải trình các chính sách liên quan đến thương mại trước Hoa Kỳ.

Việc Việt Nam là một trong sáu quốc gia đầu tiên được Hoa Kỳ ưu tiên đàm phán cho thấy Washington đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng và cán cân thương mại toàn cầu, hoàn toàn không muốn áp đặt mức thuế quan cao đối với Việt Nam làm ảnh hưởng đến quan hệ thương mại hai nước.

Đáp lại, Việt Nam cũng thể hiện thiện chí hợp tác, cầu thị trước Hoa Kỳ và mong muốn đạt được những thỏa thuận  thương mại song phương cân bằng, bền vững và ổn định trên tinh thần “ lợi ích hài hòa- rủi ro chia sẻ.”

Dự đoán Việt Nam có cơ hội đạt những kết quả khả quan từ phiên đàm phán đầu tiên với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, đằng sau cơ hội là muôn vàn thách thức dành cho Việt Nam, tiềm ẩn nguy cơ đổ vỡ bởi chính sách “đu dây” giữa các cường quốc lớn, đặc biệt là Hoa Kỳ và Trung Quốc khiến Việt Nam lâm vào thế “tiến thoái lưỡng nan.”

Trở lại Tòa Bạch Ốc lần thứ hai, Tổng Thống Donald Trump vẫn kiên trì chính sách  cứng rắn với Trung Quốc. Vì để đạt được kết quả thuận lợi trong cuộc thương chiến nên Trump không chấp nhận các đồng minh hoặc các đối tác thương mại có xu hướng thân Bắc Kinh.

Vừa được Hoa Kỳ hạ mức thuế quan xuống còn 10%, chưa đầy một tuần sau thì nhà cầm quyền Hà Nội đã đón tiếp trọng thể người đứng đầu nhà nước Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm. Hai bên còn ký nhiều thỏa thuận tăng cường “vận mệnh cộng đồng chung,” điều mà Chính Phủ Donald Trump khó có thể làm ngơ.

Hoa Kỳ tích cực ủng hộ các quốc gia ASEAN về vấn đề tự do hàng hải ở Biển Đông và gia tăng hiện diện trong khu vực. Trái lại, Việt Nam không ít lần ủng hộ các chính sách của Trung Quốc, khiến Hoa Kỳ hoài nghi Việt Nam chưa hoàn toàn đứng về lẽ phải, chưa thành thật tuân thủ các nguyên tắc ứng xử và luật pháp quốc tế,

advertisement

Thiếu nhất quán trong vấn đề “thoát Trung” dễ khiến Việt Nam mất điểm trong mắt Hoa Kỳ, đặc biệt đối với Donald Trump vốn thích những điều rõ ràng, không ưa chính sách “đu dây.”

Không ít lần Việt Nam bị Hoa Kỳ cáo buộc lợi dụng các hiệp định thương mại để lẩn tránh thuế quan. Vào ngày 16 tháng Mười Hai, 2020, Việt Nam bị Hoa Kỳ liệt kê vào danh sách các quốc gia có hành vi thao túng tiền tệ và gian lận thương mại.

Do đó, trong phiên đàm phám vào ngày 7 tháng Năm, Hoa Kỳ không ngần ngại gửi thông điệp răn đe đối với Việt Nam rằng: Đồng minh hay là đối thủ? Muốn hưởng lợi thương mại từ Hoa Kỳ thì phải rời xa Bắc Kinh, phải minh bạch và cam kết vững chắc, bằng không sẽ chấp nhận sức ép ngày càng lớn về áp lực thuế, vốn đầu tư, trợ giúp công nghệ cùng nhiều lĩnh vực khác.

Thực tế cho thấy ngoài thương mại, Việt Nam cũng chưa đáp ứng được kỳ vọng của Hoa Kỳ về các vấn đề như cải thiện tình hình nhân quyền, thành lập công đoàn độc lập… là những lĩnh vực mà Hoa Kỳ đặc biệt quan tâm trong các hiệp định thương mại khi ký kết với Việt Nam.

Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền và Ân Xá Quốc Tế thường xuyên đưa ra các báo cáo kết luận tình hình do ngôn luận, tự do báo chí và nhân quyền ở Việt Nam vẫn tồi tệ đã làm suy yếu các cơ hội mà Hoa Kỳ muốn dành cho Việt Nam.

Sự thành thật là thước đo của mọi cơ hội hợp tác. Việt Nam hiện rơi vào tình thế “lưỡng nan”: đối ngoại, chiến lược “đu dây” đang bắt đầu trả giá; đối nội, nội bộ rối ren khi vừa phải thực hiện cải cách bộ máy-thể chế, vừa phải ổn định tình hình nhân sự chuẩn bị cho Đại Hội Đảng lần thứ XIV. Trong bối cảnh đó, phiên đàm phán ngày 7 tháng Năm trở thành thời khắc quyết định, nơi Hà Nội buộc phải trả bài “đu dây” một cách dứt khoát trước Washinhton-bởi kết quả không chỉ định hình tương lai thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ, mà còn là phép thử vị thế của Việt Nam trên chính trường quốc tế.

The post Đàm phán 7 Tháng Năm: Hà Nội trả bài ‘đu dây’ trước Washington appeared first on Saigon Nhỏ.

 

Show More
Back to top button