
Bill Gates, người đồng sáng lập Microsoft và một nhà từ thiện nổi tiếng, tuyên bố ý định quyên góp phần lớn tài sản của mình và sau đó đóng cửa Quỹ Gates (Gates Foundation) trong vòng hai thập niên tới, vào ngày 31 Tháng Mười Hai năm 2045.
Trong một bài đăng trên blog gần đây, tỷ phú 69 tuổi, người có giá trị tài sản ròng hiện tại ước tính là $168 tỷ, nhấn mạnh cam kết giải quyết các vấn đề toàn cầu cấp bách, nêu rõ mong muốn được nhớ đến vì những nỗ lực từ thiện của mình thay vì tài sản khi ông qua đời.
Kể từ khi thành lập vào năm 2000, Quỹ Gates là một thế lực vĩ đại trong hoạt động từ thiện toàn cầu, đóng góp hơn $100 tỷ cho mục tiêu xóa bỏ bệnh tật, giảm nghèo, giảm thiểu biến đổi khí hậu và mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục trên toàn thế giới.
Trong tương lai, Gates dự đoán Quỹ sẽ tăng gấp đôi tác động của mình, giải ngân thêm $200 tỷ khi đóng cửa theo kế hoạch vào năm 2045. Mục tiêu đầy tham vọng này sẽ được hỗ trợ bằng cách tăng ngân sách hàng năm của Quỹ từ $6 tỷ lên $9 tỷ.
Trong 20 năm tới, Quỹ sẽ tập trung vào một số mục tiêu quan trọng, như tiếp tục giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em do các nguyên nhân phòng ngừa được và hướng tới xóa bỏ các bệnh như bại liệt, sốt rét, sởi và bệnh giun Guinea. Ngoài ra, một trọng tâm đáng kể sẽ được đặt vào việc tài trợ cho những tiến bộ trong giáo dục và nông nghiệp ở các quốc gia châu Phi, nhằm mục đích đưa hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo.
Trong khi bày tỏ sự lạc quan về việc đạt được các mục tiêu này, Gates thừa nhận vai trò quan trọng của các quan hệ đối tác chính phủ, lưu ý xu hướng đáng lo ngại là ngân sách viện trợ toàn cầu đang giảm, đặc biệt ở Hoa Kỳ. Ông cảnh báo các tổ chức từ thiện, thậm chí lớn như Quỹ Gates, không thể bù đắp hoàn toàn cho những khoản cắt giảm tài trợ của chính phủ này, đặt ra câu hỏi về cam kết liên tục của các quốc gia giàu có trong việc hỗ trợ những nhóm dân số nghèo nhất thế giới.
Gates nêu bật một số ảnh hưởng chính định hình nên tầm nhìn từ thiện của ông. Mẹ của ông, Mary Gates, truyền cho tỷ phú này nguyên tắc về trách nhiệm xã hội, cho biết những người có phương tiện (tiền bạc, danh tiếng…) đáng kể có nghĩa vụ đạo đức phải đền đáp. Cha của ông cũng chia sẻ quan điểm này và tích cực tham gia vào công việc của Quỹ. Hơn nữa, lòng hào phóng của ông bạn lâu năm Warren Buffett, người quyên góp số tiền lớn cho tổ chức từ thiện và có ý định cho đi phần lớn tài sản còn lại của mình, trở thành nguồn cảm hứng quan trọng. Cùng với Buffett và người vợ cũ Melinda French Gates, ông đồng sáng lập Giving Pledge vào năm 2010, khuyến khích các tỷ phú khác cam kết quyên góp phần lớn tài sản của họ trong suốt cuộc đời.
Gates cũng trích dẫn tác động sâu sắc của bài luận “The Gospel of Wealth” (Phúc Âm của Sự Giàu Có) của Andrew Carnegie, đặc biệt là lời khẳng định “ai mà chết trong sự giàu có thì người ấy chết trong sự ô nhục.” Câu nói này thúc đẩy Gates đẩy nhanh các nỗ lực từ thiện của mình và hy vọng những cá nhân giàu sang khác sẽ cân nhắc tăng tốc độ và quy mô cho đi những gì của họ để giải quyết những thách thức cấp bách nhất của thế giới.
Bất chấp những trở ngại tiềm ẩn, Gates vẫn lạc quan về những cải thiện toàn cầu trong tương lai, được thúc đẩy bởi những tiến bộ trong công nghệ và chăm sóc sức khỏe, cả sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo. Ông tin chắc sự giàu có của mình nên được hướng đến việc tạo ra tác động tích cực cho xã hội, bất kể mức độ lạc quan của bản thân về các điều kiện toàn cầu trong tương lai.
The post Bill Gates cho đi những gì khi ông qua đời? appeared first on Saigon Nhỏ.