Sức Khỏe

Đừng dại mà dùng chung bàn chải đánh răng

Đây là một tình huống khó xử thường gặp: bạn đi xa nhà, không tìm thấy bàn chải đánh răng ở đâu và muốn làm sạch thức ăn trong miệng ngay lập tức. Giải pháp dễ dàng là gì? Mượn bàn chải đánh răng của người khác.

Tuy nhiên, hành động tưởng chừng vô hại này, như không khác gì hôn một ai đó, lại đáng lo ngại hơn nhiều so với những gì nhiều cá nhân nhận ra và nên tránh bằng mọi giá.

Hiệp Hội Nha Khoa Hoa Kỳ (The American Dental Association – ADA) khuyến cáo không nên dùng chung bàn chải đánh răng, viện dẫn khả năng trao đổi chất dịch cơ thể và vi sinh vật. Điều đó nghe như một lập trường quá thận trọng nhưng không hề. Mặc dù việc chia sẻ nước bọt, như khi hôn, là điều phổ biến giữa các cặp đôi, nhưng việc sử dụng chung bàn chải đánh răng lại làm tăng đáng kể nguy cơ.

advertisement

Bác Sĩ Ben Atkins, cựu chủ tịch của Quỹ Sức Khỏe Răng Miệng của Vương Quốc Anh, nhấn mạnh trong một cuộc phỏng vấn năm 2019 với Women’s Health về việc đánh răng thường xuyên có nguy cơ dẫn đến chảy máu nướu răng. Tình trạng chảy máu này khiến mọi người dễ mắc các bệnh lây truyền qua đường máu, khiến việc dùng chung bàn chải đánh răng nguy hiểm hơn đáng kể so với chỉ trao đổi nước bọt khi thể hiện tình yêu bằng môi.

Nướu có nguy cơ bị kích ứng và chảy máu vì nhiều lý do, như chải răng quá mạnh, sử dụng lông bàn chải cứng hoặc các tình trạng tiềm ẩn như viêm nướu. Ngay cả khi không nhìn thấy máu, việc dùng chung bàn chải đánh răng vẫn khiến bạn tiếp xúc với vô số vi khuẩn và vi trùng.

Một phân tích tổng hợp năm 2012 kiểm tra tình trạng nhiễm bẩn bàn chải đánh răng cho thấy dụng cụ làm sạch này thường chứa nhiều loại mầm bệnh, từ E. coli đến herpes simplex loại một (Herpes simplex type one – HSV-1) và vi khuẩn gây cảm lạnh thông thường.

Điều quan trọng cần lưu ý: sự hiện diện của vi khuẩn trên bàn chải đánh răng không tự động dẫn đến tình trạng lây truyền. Khả năng sống của các mầm bệnh này trên bề mặt đóng vai trò quan trọng. Ví dụ như những lo ngại về việc lây nhiễm HIV qua bàn chải đánh răng dùng chung bị bác bỏ, vì virus thường trở nên bất hoạt trong vòng vài giờ bên ngoài cơ thể con người. Tuy nhiên, vẫn còn những rủi ro khác. Theo Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh Hoa Kỳ (U.S. Centers for Disease Control and Prevention), viêm gan C, một căn bệnh lây truyền qua đường máu khác, về mặt lý thuyết có khả năng lây lan qua bàn chải đánh răng nếu dụng cụ làm sạch có chứa máu nhiễm trùng. Mặc dù rủi ro vẫn ở mức thấp, nhưng không thể phủ nhận được.

Ngoài cảnh báo không nên dùng chung, việc giữ bàn chải đánh răng của riêng bạn sạch sẽ cũng rất quan trọng. Cất dụng cụ làm sạch luôn ở hướng thẳng đứng để không khí khô giúp giảm thiểu sự tích tụ của vi khuẩn. Ngược lại, việc đậy bàn chải đánh răng trong hộp đựng sẽ thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn. Các chuyên gia nha khoa cũng khuyên mọi người nên thay bàn chải sau mỗi ba đến bốn tháng hoặc sớm hơn nếu lông bàn chải bắt đầu bị tưa.

Có một ngoại lệ đối với quy tắc “không dùng chung” khi nói đến bàn chải chà răng: bàn chải loại điện có đầu thay thế. Các gia đình có thể an toàn chia sẻ tay cầm có động cơ miễn là mỗi cá nhân sử dụng đầu bàn chải riêng của mình. Điều này không chỉ thúc đẩy vệ sinh mà còn được xem như một giải pháp tiết kiệm chi phí cho các hộ gia đình. Ngay cả trong trường hợp này, luôn nhớ phải vệ sinh kỹ lưỡng tay cầm bàn chải điện sau mỗi lần sử dụng.

Về bản chất, hành động đánh răng khác với hôn môi. Thể hiện tình cảm bằng môi liên quan đến việc trao đổi nước bọt đơn giản, trong khi đánh răng dẫn đến việc chà xát miệng, tạo nguy cơ đưa nhiều loại vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh lây nhiễm qua đường máu vào cơ thể. Vì lợi ích của sức khỏe cá nhân và mối quan hệ lành mạnh, tốt nhất mọi người nên sử dụng bàn chải đánh răng riêng.

The post Đừng dại mà dùng chung bàn chải đánh răng appeared first on Saigon Nhỏ.

advertisement

 

Show More
Back to top button