
Quyết định áp đặt 46% thuế quan vào hàng hóa Việt Nam từ Tổng Thống Donald Trump, không chỉ là đòn giáng thương mại mạnh mẽ vào nền kinh tế Việt Nam, mà còn là lời cảnh báo nghiêm khắc của Mỹ dành cho chính sách ngoại giao “đu dây” của nhà cầm quyền CSVN.
Hiện nay nhà cầm quyền CSVN đang “như ngồi trên đống lửa” sau khi ông Trump bất ngờ công bố quyết định áp thuế quan lên đến 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.
Trước cú sốc này, Chính Phủ CSVN lập tức thành lập “tổ phản ứng nhanh” và gấp rút đề nghị phía Mỹ tạm hoãn áp thuế mới ít nhất 45 ngày để hai bên có thời gian đàm phán, chuẩn bị các biện pháp thích ứng. Đặc biệt, Phó Thủ Tướng Hồ Đức Phớc được cử sang Mỹ khẩn cấp để tiếp xúc, vận động và tìm kiếm giải pháp thông qua các đối tác Mỹ.
Thậm chí chưa đầy 48 tiếng đồng hồ sau khi nhận thông tin, Tổng Bí Thư Tô Lâm phải tổ chức cuộc điện đàm kèm theo thư từ gửi ông Donald Trump với nội dung “xuống nước,” mong muốn được đưa mức thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Mỹ về 0%.
Bất chấp những lời kêu gọi nhà đầu tư hãy bình tĩnh, đừng phản ứng “thái quá” từ phía Bộ Tài Chính, thị trường chứng khoán Việt Nam mấy ngày vừa qua liên tục nổi đỏ tiêu cực, nhiều cổ phiếu của các doanh nghiệp xuất khẩu liên tục lao dốc, thậm chí có mã sụt giảm mạnh, phản ánh tâm lý hoảng loạn và lo ngại lan rộng trong giới đầu tư .
Về phía Mỹ, quyết định áp thuế quan 46% đối với hàng hóa Việt Nam được cho là nhằm đáp lại những “thực hành thương mại không công bằng,” đồng thời bảo vệ ngành sản xuất nội địa Mỹ trước nguy cơ bị lấn áp bởi hàng hóa có xuất xứ mập mờ.
Vào ngày 7 Tháng Tư, cố vấn thương mại của Tổng Thống Trump, ông Peter Navarro cho truyền thông báo chí quốc tế được biết, Washington đã từ chối mọi đề xuất của Việt Nam, coi đó không đủ để Việt Nam thoát đòn thuế quan của Mỹ.
Bộ Trưởng Thương Mại Mỹ Howard Lutnick cũng tuyên bố, các mức thuế này là không thể thương lượng và sẽ được thực thi như đã công bố.
Hệ lụy nghiêm trọng mà Việt Nam phải đối mặt trong thời gian tới không chỉ dừng ở việc: Hàng hóa Việt Nam (dệt may, giày da, gỗ, linh kiện điện tử, thép, nhôm…) xuất khẩu sang Mỹ giảm mạnh, mà còn kéo theo kim ngạch thương mại mỗi năm sẽ mất hàng tỷ đôla. Nhiều doanh nghiệp phá sản hoặc phải chuyển dịch sản xuất sang các nước khác, nguy cơ thất nghiệp tràn lan, lạm phát, giảm vốn FDI và tốc độ tăng trưởng kinh tế tụt dốc là những hệ quả hiển hiện. Đáng lo ngại hơn là nguy cơ Việt Nam gia tăng lệ thuộc vào Trung Quốc.
Giới quan sát nhận định, việc Mỹ áp thuế cao lên hàng hóa Việt Nam là một phần nằm trong kịch bản chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc đang leo thang. Nhà cầm quyền CSVN thừa biết điều này nhưng không đoán được con số thuế lên đến 46%, đây là con số gần với mức thuế chống lẩn tránh thương mại. Rõ ràng, động thái này của ông Donald Trump không chỉ đơn thuần nhắm vào Việt Nam, mà đích cuối cùng chính là đánh gục Trung Quốc- đối thủ số 1 của Mỹ.
Đã từ lâu, Mỹ đã nhiều lần cáo buộc Việt Nam để Trung Quốc lợi dụng làm “sân sau” hòng lách thuế trừng phạt mà Mỹ áp dụng với hàng hóa Trung Quốc như: Các doanh nghiệp Trung Quốc lắp rắp một phần sản phẩm tại Việt Nam rồi sau đó xuất sang Mỹ dưới nhãn mác Việt Nam, hoặc chuyển hàng hóa qua Việt Nam để thay đổi xuất xứ hòng tránh chống bán phá giá hoặc thuế trừng phạt.
Cuối Tháng Mười Hai, 2022, Bộ Thương Mại Mỹ (DOC) phát hiện kim bấm thép đóng thùng Collated Steel Staples từ Việt Nam có sử dụng nguyên liệu từ Trung Quốc để tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp. Cuối Tháng Bảy cùng năm, DOC điều tra một số sản phẩm ống thép Steel Pipes từ Việt Nam có sử dụng thép cán nóng từ Trung Quốc, Đài Loan, Nam Hàn và Ấn Độ để tránh thuế. Tháng Sáu, 2020, DOC điều tra gỗ dán cứng từ Việt Nam có sử dụng lõi gỗ lạng nhập khẩu từ Trung Quốc để tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp áp dụng lên Trung Quốc từ năm 2017. Trước đó, vào năm 2019, Mỹ áp thuế lên đến 456% với một số loại thép Việt Nam có nguyên liệu từ Trung Quốc.
Nhà cầm quyền CSVN không thể phủ nhận việc để Trung Quốc biến Việt Nam thành trạm trung chuyển, không hề oan khi Mỹ cho đây là hành vi gian lận thương mại có hệ thống.
Mỹ muốn khẳng định chuỗi cung ứng toàn cầu về tay mình nên buộc phải thương chiến với Trung Quốc. Để đảm bảo cho sự thắng lợi, Mỹ cần trừng phạt những nước như Việt Nam theo kế sách “giết gà dọa khỉ,” áp thuế quan ngất ngưỡng là tín hiệu cảnh báo nghiêm khắc gửi đến những nước có ý định hỗ trợ Trung Quốc.
Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, năm 2023 chiếm gần 27% tổng kim ngạch xuất khẩu. Thông qua các hiệp định thương mại, Mỹ trợ giúp cho Việt Nam tiếp cận công nghệ kỹ thuật cao và vốn FDI. Mỹ cũng là quốc gia ủng hộ Việt Nam mạnh mẽ trong vấn đề Biển Đông, khi đối trọng với Trung Quốc.
Có thể thấy Mỹ dành nhiều thiện cảm cho Việt Nam kể từ khi hai nước bình thường hóa các mối quan hệ. Việt Nam cũng hưởng lợi khá nhiều từ mâu thuẫn giữa Mỹ- Trung. Cho nên hành vi tiếp tay cho Trung Quốc, khiến Mỹ cảm thấy bản thân bị Việt Nam phản bội dẫn đến việc cần phải hành động dứt khoát từ chối đàm phám đối ứng thuế, không tiếp tục nhượng bộ hòng tránh Việt Nam hưởng lợi thêm.
Thực tế thời gian gần đây cho thấy, Mỹ sử dụng chiến lược cứng rắn đối với các quốc gia bị cáo buộc có hành vi gian lận thương mại, đặc biệt là các quốc gia đang tiếp tay cho đối thủ Trung Quốc làm thiệt hại nền kinh tế Mỹ chứ không riêng gì Việt Nam.
Nguồn tin ngoài lề cho biết, vào giữa Tháng Tư năm nay, ông Tập Cận Bình của nhà nước Trung Quốc dự kiến có chuyến công du nhiều ngày tới các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Nhiều đồn đoán cho rằng, nội dung quan trọng mà ông Bình đến Việt Nam là nhằm thảo luận dự án đường sắt kết nối các tỉnh miền Bắc Việt Nam với Trung Quốc trị giá hơn $8 tỷ, hoặc củng cố ảnh hưởng kinh tế-chính trị của Bắc Kinh lên Hà Nội trong bối cảnh Việt Nam đang bị Mỹ siết chặt.
Trong lúc quan hệ Việt-Mỹ đang căng như dây đàn, ông Tập lại sang thăm Việt Nam có thể gây bất lợi cho Việt Nam, đặc biệt là Mỹ khá nhạy cảm với chính sách ngoại giao “đu dây” giữa hai cường quốc của Việt Nam, ảnh hưởng xấu đến những đàm phán giữa hai bên về việc hạ mức thuế quan.
Giống như Mỹ, Trung Quốc cũng là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, cho nên bấy lâu nay nhà cầm quyền CSVN cố gắng giữ thế cân bằng Mỹ và Trung Quốc để hưởng lợi đôi bên nhưng với đòn thuế quan từ TT Donald Trump, đã buộc Việt Nam phải chọn đứng hẳn về một phía, minh bạch, độc lập hay tiếp tục làm con cờ cho Trung Quốc lợi dụng, thao túng.
Có nghĩa là chính sách ngoại giao “đu dây” của Việt Nam đã đến hồi kết thúc, nhà cầm quyền CSVN đối diện với thử thách không chỉ ở phương diện kinh tế mà còn ở chính trị, mang tính định đoạt cho tương lai đất nước.
Căng thẳng, lo lắng và hoang mang, cảm giác “như ngồi trên đống lửa” là đúng với tâm trạng của giới lãnh đạo CSVN hiện tại. Nhà cầm quyền CSVN vẫn dùng truyền thông định hướng dư luận, né tránh những tiêu cực, không giải thích rõ ràng về những hệ lụy thực tế với người lao động, doanh nghiệp và bất ổn xã hội. Ngay như vào ngày 7 Tháng Tư vừa qua, tại hội nghị Chính Phủ với các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Thủ Tướng Phạm Minh Chính còn phát biểu lời hết sức mị dân cho rằng, việc Mỹ áp dụng chính sách thuế mới có thể có khó khăn, thách thức cho kinh tế Việt Nam nhưng đây cũng là cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng… một phát ngôn mang tính ru ngủ hơn là nhận diện khủng hoảng, CSVN quen với lối tuyên truyền xoa dịu, né tránh khủng hoảng dẫn đến ảo tưởng tập thể.
Người dân Việt Nam lâu nay vẫn có tâm lý chuyện quốc gia để Đảng và Nhà nước lo, chuyện Mỹ áp thuế có vẻ quá xa vời nên lo không tới, chỉ quanh quẩn lo cái ăn cái mặc hằng ngày, ít theo dõi các chính sách kinh tế vĩ mô nên khi có chuyện xảy ra thường hay bị động, phản ứng chậm chạp, hơn nữa hệ lụy chưa giáng xuống tức thì nên người dân chưa cảm nhận được.
Đã hết thời “đu dây,”m liệu nhà cầm quyền CSVN có vì lợi ích dân tộc, dám dứt khỏi cái bóng bị thao túng và lệ thuộc Trung Quốc để bước vào kỷ nguyên mới như đã tuyên bố hay không.
The post Bị Mỹ áp đặt thuế quan nghiêm khắc, CSVN hết thời ‘đu dây’ appeared first on Saigon Nhỏ.