
Nguyễn Quốc Khải / 30-01-2020
Năm 2020 là một năm rất đặc biệt. Không những nó bắt đầu một thập niên mới, mà còn đánh dấu đúng 150 năm người Mỹ gốc Phi Châu được quyền đi bầu nhờ Tu Chánh Án 15 của Hiến Pháp Hoa Kỳ được phê chuẩn vào 1870 và cũng đúng 100 năm phụ nữ Hoa Kỳ có quyền đi bầu nhờ Tu Chánh Án 19 được Quốc Hội thông qua vào năm 1920.
Mặc dù chế độ nô lệ tại Hoa Kỳ đã bị hủy bỏ bởi Tổng Thống Abraham Lincoln và Quốc Hội Hoa Kỳ ngay sau khi cuộc nội chiến Hoa Kỳ chấm dứt vào 1865, những người Mỹ gốc phi châu vẫn tiếp tục bị kỳ thị, đối sử bất công, đặc biệt ở miền Nam. Do đó, những người này vẫn phải tiếp tục tranh đấu gian khổ để đòi hỏi sự công bằng thêm gần 100 nữa.
GIẢI PHÓNG NGƯỜI DA ĐEN

Tu Chánh Án 15 qui định rằng: “Quyền đi bầu của công dân Hoa Kỳ không thể bị từ chối hay bị tước đoạt bởi quốc gia Hoa Kỳ hay bất cứ một tiểu bang nào vì sắc tộc, mầu da, hay vì tình trạng nô lệ trong quá khứ”.
Hiram Rhodes Revels (Cộng Hòa, Mississippi) trở thành thượng nghị sĩ gốc Phi Châu đầu tiên của Hoa Kỳ, Ngoài ra, có khoảng trên 10 người Mỹ gốc Phi châu được bầu vào Hạ Viện và hơn 600 người khác được bầu vào những chức vụ dân cử cấp tiểu bang và địa phương. Tuy nhiên, rất tiếc giai đoạn tốt đẹp này không tồn tại được lâu dài.
Vào cuối thập niên 1870, những chính quyền miền Nam tìm cách vô hiệu hóa Tu Chánh Án 15, tước quyền bầu cử của người da đen. Đề ngăn cản người Mỹ da đen thực thi quyền công dân, một số biện pháp kỳ thị được chính quyền địa phương miền Nam thi hành như thử nghiệm khả năng đọc và viết, áp đặt thuế bầu cử, đe dọa, và bạo lực. Ngoài ra, ngay sau khi chế độ nô lệ được bãi bỏ, luật Jim Crow được thiết lập ở miền Nam để tái lập chế độ kỳ thị như trước thời nội chiến. Luật này ấn định những người từng là nô lệ có thể làm việc khi nào, ở đâu và như thế sao, họ có thể sống ở những nơi nào, di chuyển ra làm sao. Con cái của những người da đen có thể bi bắt giữ để làm nô lệ. Với những cựu binh sĩ của quân đội miền Nam làm cảnh sát và quan tòa, những người da đen khó có thể thắng kiện. Luật này tồn tại gần 100 năm mới được bãi bỏ vào 1968.
GIẢI PHÓNG PHỤ NỮ

Tu Chánh Án 15 không đề cập tới giới tính. Do đó, phụ nữ Hoa Kỳ tiếp tục bị cấm tham gia bầu cử thêm đúng nửa thế kỷ tiếp theo cho đến năm 1920. Tu Chánh Án 19 của Hiến Pháp cho phép phụ nữ Hoa Kỳ được quyền đi bầu trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ khi Tu chánh án này được đa số các tiểu bang chấp nhận vào 1920, tính đến năm nay 2020 là đúng 100 năm.
Wisconsin là tiểu bang đầu tiên ủng hộ Tu Chánh Án 19. Tennessee là tiểu bang thứ 36 cần thiết sau cùng để có đủ túc số. Sau đó, những tiểu bang từng chống đối lúc đầu cũng đã chấp thuận Tu Chánh Án 19. Tiểu bang phê chuẩn sau cùng là Mississippi. Alaska và Hawaii chưa trở thành tiểu bang của Hoa Kỳ vào thời điểm đó.
Trước khi có Tu Chánh Án 19, một số tiểu bang đã cho phép phụ nữ có quyền đi bầu. Wyoming là lãnh thổ đầu tiên thực hiện quyền bình đẳng này vào 1869, mặc dầu đây là một điều kiện để trở thành một tiểu bang của Liên Bang Hoa Kỳ. Utah là lãnh thổ thứ hai cho phép phụ nữ đi bầu nhưng đến 1887 lại hủy bỏ. Colorado là tiểu bang chính thức đầu tiên dành quyền đi bầu cho phụ nữ trên căn bản bình đẳng với nam giới.
Không những đa số phụ nữ Hoa Kỳ không có quyền đi bầu trước khi có Tu Chánh Án 19, mà trước 1920, phụ nữ Hoa Kỳ chỉ có rất ít quyền lợi. Họ không có quyền thừa kế gia tài, không có quyền giữ con trong trường hợp ly dị, không được làm một số nghề và không được tham dự vào bồi thẩm đoàn. Nếu đi làm, tiền sẽ thuộc về chồng. Phụ nữ không có quyền mở chương mục ngân hàng hoặc vay tiền và không có quyền được nói tại những tổ chức công cộng.
Tu Chánh Án 19 là kết quả của cuộc đấu tranh cam go và bền bỉ của phụ nữ Hoa Kỳ trong hơn bẩy thập niên từ 1848-1920, dưới sự lãnh đạo của Susan B. Anthony, Lucretia Mott, Alice Paul, Elizabeth Cady Stanton và Sojourner Truth. Những người này từng phải vào tù ra khám, từng tuyệt thực để tranh đấu xóa bỏ bất công, từng bị đe dọa đến mạng sống.
GIẢI PHÓNG NGƯỜI DA ĐỎ

Trong suốt thể kỳ XIX, nhiều bộ lạc da đỏ mất dần đất mà họ từng sính sống qua nhiều thế kỷ vì chánh sách xua đuổi họ ra khỏi vùng Đông Nam và Tây Bắc của nước Mỹ về phía tây của sông Mississippi, nay thuộc tiểu bang Oklahoma, để lấy chỗ cho những làn sóng di dân mới từ Âu châu. Sáu bộ lạc lớn bị ảnh hưởng là Choctaw (Mississippi), Cherokee (Georgia), Seminole (Florida), Muskogee (Alabama) và Chickasaw (Mississippi). Hàng ngàn người đã chết trên đường di chuyển vì đói khát, bệnh tật và thời tiết. Mãi cho đến 1879, những người dân da đỏ mới được công nhận là người theo luật pháp.
Những thổ dân Hoa Kỳ sinh sống ở trong danh giới quốc gia Hoa Kỳ, nhưng họ là công dân của các bộ lạc ở trong vùng đất dành riêng cho thổ dân, không phải là công dân Hoa Kỳ. Vì vậy họ không có quyền đi bầu. Vào năm 1887 theo đạo luật Dawes Act, những thổ dân Hoa Kỳ được quyền chia cấp đất từ đất chung của bộ lạc và có thể trở thành công dân Hoa Kỳ nhưng với điều kiện họ từ bỏ liên hệ với bộ lạc. Vào 1924, với đạo luật Indian Citizenship Act, tất cả những thổ dân đều có thể trở thành công dân Mỹ và được quyền đi bầu bất kể những liên hệ với bộ lạc.
GIẢI PHÓNG NGƯỜI GỐC TRUNG QUỐC

Đối với những người gốc Trung Quốc, mãi đến 1943 qua đạo luật Magnuson Act họ mới có quyền trở thành công dân Mỹ và có quyền đi bầu. Những người gốc Trung Quốc là một trong nhóm người bị kỳ thị nhiều nhất tại Hoa Kỳ hàng thế kỷ. Sở dĩ sự kỳ thị được nới lỏng vào thời điểm này là nhờ Thế Chiến Thứ II, Trung Quốc trở thành đồng minh của Hoa Kỳ với kẻ thù chung là Nhật.
Lần đầu tiên kể từ khi có đạo luật Chinese Exclusion Act 1882, ngăn cấm tuyệt đối người Trung Quốc di cư vào đất Mỹ, đạo luật Magnuson Act chấp thuận cấp chiếu khán cho 105 người Trung Quốc hàng năm, tuy nhiên vẫn cấm người gốc Trung Quốc sở hữu tài sản và cơ sở kinh doanh. Đáng lý, hạn ngạch chiếu khán dành cho người gốc Trung Quốc phải là 2,150 hàng năm theo luật Immigration Act of 1924.
Người gốc Trung Quốc được đối sử tử tế hơn nhờ hai đạo luật di dân sau này là Immigration and Nationality Act of 1952 bãi bỏ giới hạn theo sắc dân và Immigration and Nationality Act of 1965 bãi bỏ hạn ngạch theo quốc tịch gốc.
KHÚC QUANH LỊCH SỬ 2016
Năm 2016 chúng ta chứng kiến một khúc quanh lịch sử với sự thắng cử của ông Donald Trump. Trong thời gian ba năm qua, nền dân chủ này bị đe dọa bởi một ông tổng thống có khuynh hướng độc tài và kỳ thị chủng tộc Donald Trump. Ông đã tấn công vào cả ba lãnh vực của nền dân chủ Hoa Kỳ: cơ chế dân chủ, nguyên tắc dân chủ và phổ biến đường lối độc tài ngay trong Đảng Cộng Hòa như GS Brian Klass của London School of Economics bình luận trên tờ Washington Post.
Tổng Thống Trump từng có những hành động hủy hoại nền dân chủ pháp quyền như đe dọa bắt giam đối thủ chính trị, tha thứ cho thuộc cấp phạm tội, cách chức giám đốc FBI vì cơ quan này theo công vụ dự định điều tra việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử của Hoa Kỳ, gây áp lực để bộ trưởng Tư Pháp phải từ chức vì ông này không muốn cản trở cuộc điều tra độc lập, tấn công báo chí, gọi báo chí là kè thù của nhân dân, bênh vực Saudi Arabia sau vụ ký giả Jamal Khashoggi bị giết chết. Một vài ngày sau, một tông đồ của Trump gửi bom đến một vài cơ quan truyền thông.
Trump đặt quyền lợi cá nhân lên trên quyền lợi của quốc gia. Ông từng tung tin thất thiệt về bầu cử, công khai kêu gọi nước ngoài can thiệp vào cuộc bầu cử của Hoa Kỳ, ca ngợi những lãnh tụ độc tài như Vladimir Putin, Xi Jing Pin, Kim Jong-un, đưa con cái thiếu kinh nghiệm vào làm cố vấn, cho tham dự những hội nghị quốc tế quan trọng.
Vào giữa năm ngoái chính quyền Trump đặt ra luật “gánh nặng công cộng” (public charge) để giới hạn ngay cả số di dân hợp pháp. Gánh nặng công cộng nhắm vào di dân da mầu nghèo. Khoảng 380,000 người xin vào Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng của luật này theo ước tính của chính quyền Trump. Những di dân nào sống nhờ vào an sinh xã hội hay có triển vọng trở thành gánh nặng của xã hội sẽ không được cấp thể xanh hoặc vào quốc tịch Mỹ.
Cách đây vài ngày, Tối Cao Pháp Viện cũng đã chấp thuận biện pháp “gánh nặng công cộng”. Chính quyền Trump cũng sẽ cho áp dụng thử nghiệm trình độ Anh ngữ và hiểu biết về công dân giáo dục. tương tự như những biện pháp “literacy test” hay “poll tax” từng áp dụng 150 năm trước để chặn người da đen thực hiện quyền công dân ngay sau khi nội chiến chấm dứt.
Trong ba năm qua, tội ác về kỳ thị chủng tộc lan rộng khắp nơi trên đất Mỹ. Theo báo cáo của FBI, riêng trong năm 2018 xẩy ra 4,571 vụ xô sát vì mầu da, con số cao nhất trong 16 năm qua. Một độc giả FB đã bầy tỏ ý kiến sau đây “Thực tế cho thấy Trump đã kích động, khơi gợi, dung túng và bao che cho những hành vi kỳ thị, thúc đẩy phong trào da trắng thượng đẳng được che đậy dưới lớp vỏ bọc phong trào dân túy.”
Khi bị điều tra luận tội, Tổng Thống Trump đã cản trở Quốc Hội thi hành nhiệm vụ do Hiến Pháp quy định. Ông không tôn trọng nguyên tắc dân chủ tam quyền phân lập. Cuộc vận tội Tổng Thống Trump đang tiếp diễn hiện nay không nhằm mục tiêu nào khác ngoài việc bảo vệ Hiến Pháp và nền dân chủ của Hoa Kỳ. Nếu Đảng Cộng Hòa tìm cách bao che Tổng Thống Trump bất chấp những sai trái của ông, đặt quyền của Đảng Cộng Hòa lên trên quyền lợi của quốc gia, đảng này sẽ trở thành đồng lõa với Tổng Thống Trump và sẻ chịu hậu quả trong cuộc bầu cử vào cuối năm nay.
THAY LỜI KẾT
Đất nước và nền dân chủ Hoa Kỳ đã bành trướng không ngừng trong 150 năm nay với đầy máu và nước mắt để cho quốc gia này tốt đẹp hơn cho chúng ta những người đến nước này khá muộn màng được hưởng. Sau 1920 khối lượng cử tri ở Hoa Kỳ tăng gắp đôi với sự tham gia của phụ nữ, cộng thêm với người gốc Phi châu và các sắc dân khác.
Vào thế kỷ XVIII, muốn đi bầu phải là người đàn ông da trắng và phải có tài sản đáng kể thí dụ như 50 mẫu Anh đất trong đó có 12 mẫu trồng trọt. Đó là luật áp dụng trong đa số 13 thuộc địa đầu tiên. Tiến trình Hoa Kỳ xây dựng đất nước và dân chủ hóa nếu kể từ ngày lập quốc đã trải qua hơn ba thế kỷ và đã đạt được sự tiến bộ vô cùng khích lệ để trở thành một cường quốc tự do, dân chủ, văn minh nhất thế giới. Do đó, không có lý do gì để cho dân tộc Hoa Kỳ tái lập lại một xã hội lạc hậu của 100 năm trước đây. Hi vọng giai đoạn đen tối hiện nay sẽ qua đi nhanh chóng.