Vietnam

Điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu giã từ trần thế

Ngay sau tin qua đời của nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân, tin tức về Điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu đột ngột ra đi, khiến thêm một nỗi buồn ập đến với những người yêu quý di sản văn hóa của một thời Sài Gòn tự do, cũng như yêu quý cái tên người nghệ sĩ quen thuộc với những tượng đài đô thị Việt Nam Cộng Hòa.

Gia đình của Điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu cho biết, ông ra đi yên lặng và thanh thản hơn khi còn sống, vào lúc 13g30 phút ngày 6 Tháng Năm 2025, ngay sân vườn nhà mình. Ông giã từ trần thế ở tuổi 92.

Ông tên thật là Nguyễn Văn Thu, nghệ danh Thanh Thu là tên ghép giữa pháp danh Thanh Quang và tên thật ngoài đời. Vài năm trở lại đây, khi bệnh ngày càng trầm kha, những người thân quen ngỏ ý muốn đưa ông đi nước ngoài chữa bệnh, nhưng ông từ chối vì không muốn rời xa con cái, ngôi nhà và vườn tượng của ông.

advertisement

Được biết ông từ bệnh viện về nhà cách đây không lâu. Thời tiết ở Việt Nam lúc này rất nóng, nên gia đình để ông nằm phía trong sân nhà cho thoáng mát, đồng thời người nhà dễ qua lại thăm nom ông. Lúc trưa khoảng 11g, có cơn mưa nhỏ đem lại không khí mát dịu, nên ông nằm im như ngủ, nhẹ nhàng. Rồi sau đó lặng lẽ ra đi.

Cách đây không lâu, khi báo Sài Gòn Nhỏ đưa tin ông trở bệnh nặng phải nhập viện, học trò, bạn bè, người hâm mộ đã nhắn tin thăm hỏi, đóng góp viện phí cho ông. Đối với gia đình của Điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu thì đây là một điều hết sức cảm động. Cứ tưởng vị đại úy Việt Nam Cộng Hòa đã qua thời, sống lặng lẽ ở ngoại ô Sài Gòn và bị quên lãng, nhưng di sản của ông luôn làm người ta nhớ đến và cảm mến.

Ông Nguyễn Thanh Thu cùng đứa con gái út (Hình PB)

Sống và ôm giữ trong đời mình những tác phẩm lừng danh của ông, Điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu lúc nào cũng mơ ước có một ngày dựng lại tượng “Thương Tiếc” vốn từng được đặt tại Nghĩa Trang Quân Đội, dẫu là dựng lại trong sân nhà mình. Một vài người quen từng được ông tặng những tiêu bản cỡ nhỏ của Thương Tiếc, vẫn được nghe ông day dứt về giấc mộng không thành này.

Giờ đây, Điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu còn một tượng đài nằm ở Ngã sáu Chợ Lớn, đó là tượng đài An Dương Vương được ông thực hiện năm 1966. Chính quyền hiện tại vẫn để sử dụng, nhưng tránh nhắc tên ông, một Đại úy Việt Nam Cộng Hòa là tác giả.

Những tác phẩm ông lưu giữ trong vườn nhà mình, nhưng khi chính quyền kéo đến dòm ngó, và dù không có gì để bình luận, họ vẫn đập phá một số tượng theo quan điểm “cách mạng.” Từ đó, mới lưu truyền câu nói lừng danh của ông “Đập nát các bức tượng của tôi trong sân nhà, sự trả thù này còn ác hơn nhục hình mà tôi phải chịu đựng suốt 8 năm trời trong ngục tối.”

Không chỉ với tác phẩm, cuộc đời của Điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu còn bị trừng phạt, và trả thù vì đã dựng lên những hình tượng đẹp của di sản văn hóa Việt Nam Cộng Hòa. Ông phải trải qua 8 năm giam cầm không tòa án. Ông bị bỏ đói, đánh đập, hành hạ khiến cho hai tai bị điếc, chân đi không vững và tánh mạng gần như bị kiệt quệ. Ông kể, có lúc phía trại tù định đưa ông đi bắn nhưng rồi lại thôi.

Ngay sau khi ông mất, cơn mưa dừng lại. Thời tiết mát dịu. Thiên nhiên cũng như lòng người miền Nam như cùng tiễn ông về những giấc mơ đời mà ông vẫn tha thiết.

Điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu với các tiêu bản Thương Tiếc của mình (Hình gia đình cung cấp)

Vài tượng đài, tác phẩm tiêu biểu

advertisement

1/ Ngày về (1963)

2/ Chiến sĩ vô danh, đặt ở Nghĩa trang quân đội VNCH, Gò Vấp (1966)

3/ Trung Liệt (1966)

4/ An Dương Vương, đặt ở ngã sáu Chợ Lớn (1966)

5/ Thương Tiếc đặt ở Nghĩa trang quân đội VNCH, Biên Hoà (1966)

Tượng Thương Tiếc mới đầu thực hiện bằng xi măng cốt thép được đặt trên bệ cao lối vào nghĩa trang Quân Đội Biên Hoà. Ngày 16.08.1968 được giải đặc biệt của Tổng tư lệnh tối cao Quân Đội VNCH. Ngày 01 Tháng Mười Một, 1968 làm lễ khánh thành. Cuối năm 1969 pho tượng Thương Tiếc được thay chất liệu, được đúc bằng đồng. Sau ngày 30 Tháng Tư, 1975 pho tượng bị phá hủy.

The post Điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu giã từ trần thế appeared first on Saigon Nhỏ.

 

Show More
Back to top button