
Bộ Thương Mại Việt Nam âm thầm ban hành chỉ thị mật, rà soát và gỡ bỏ các cuộc vận chuyển hàng hóa bất hợp pháp sang Hoa Kỳ và các đối tác thương mại khác, với mục đích sớm lấy lòng Tổng Thống Mỹ Donald Trump, hy vọng tránh mức thuế quan Mỹ quá cao, Reuters đưa tin như trên, sau khi có được một tài liệu rò rỉ từ Ba Đình.
Bộ Thương Mại nói chỉ thị có hiệu lực từ ngày 15 Tháng Tư, và cảnh báo rằng việc gian lận thương mại có thể sẽ gia tăng trong bối cảnh căng thẳng ngày càng tăng do thuế quan của Mỹ. Cụm từ “gian lận thương mại” được nhắc lại nguyên văn, từ cáo buộc của chuyên gia kinh tế Peter Navarro và của cả Tổng Thống Donald Trump.
Trong chỉ thị mật gửi đến các cơ quan, Bộ Thương Mại nói “rắc rối này sẽ làm cho việc tránh các biện pháp trừng phạt mà các quốc gia sẽ áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu trở nên phức tạp hơn; nếu không được ngăn chặn được chuyện gian lận.”
Mặc dù mật thị của Bộ Thương Mại CSVN không nêu cụ thể bất kỳ quốc gia nào là nguồn cơn của chuyện gian lận trung chuyển, nhưng đọc qua ai cũng biết ý ám chỉ đến Trung Cộng. Nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam là gần 40% từ Trung Quốc, và Washington đã công khai cáo buộc Bắc Kinh sử dụng quốc gia Đông Nam Á này làm trung tâm trung chuyển để trốn thuế của Hoa Kỳ.
CSVN từ nhiều năm nay vẫn có thói quen né tránh việc nhắc tên Trung Quốc trong các sự việc nhạy cảm chính trị, nhưng trong các mô tả được coi là mơ hồ đó hầu hết các quan chức Cộng Sản, kể cả người dân đều hiểu.
Việt Nam đã bị chính quyền Trump áp đặt mức thuế quan 46%, hiện đang tạm dừng cho đến Tháng Bảy. Và nếu mức thuế này chính thức được áp dụng có thể làm suy yếu nghiêm trọng mô hình tăng trưởng mà Hà Nội mơ ước, vốn dựa vào xuất khẩu sang Hoa Kỳ, thị trường hàng đầu của họ, và các khoản đầu tư lớn vào nước này bởi các nhà sản xuất nước ngoài.
Theo chỉ thị, các quan chức tại Bộ Thương Mại, hải quan và các cơ quan khác được yêu cầu tăng cường giám sát và kiểm tra gắt gao hàng hóa nhập khẩu để xác định nguồn gốc của chúng, “đặc biệt là nguyên liệu thô nhập khẩu được sử dụng cho sản xuất và xuất khẩu.”
Thủ Tướng CSVN Phạm Minh Chính chỉ thị cho các quan chức chống gian lận thương mại, hàng giả và các vấn đề khác tập trung đối phó với vấn đề mà Hoa Kỳ nêu ra, chuẩn bị cho bước đàm phán kế tiếp với Washington về thuế quan, cổng thông tin của chính quyền cho biết hôm Thứ Ba.
Chỉ thị của Bộ Thương Mại được ban hành lập tức, sau ngày Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kết thúc chuyến đi đến Việt Nam, và ký một số văn bản kinh tế, bao gồm một thỏa thuận về tăng cường hợp tác giữa các cơ quan phụ trách cấp giấy chứng nhận về nguồn gốc hàng hóa.
Nhưng có vẻ như Trung Quốc sớm nhận biết được hoạt động âm thầm này của Hà Nội. Đầu tuần này, người phát ngôn của Bắc Kinh lên tiếng cảnh báo các nước không nên đạt được các thỏa thuận thương mại với Mỹ, mà phải trả giá bằng một điều gì đó.
Ngày 21 Tháng Tư, Trung Quốc lên tiếng cảnh báo, nước này sẽ trả đũa các quốc gia hợp tác với Mỹ gây phương hại tới lợi ích của Bắc Kinh. “Trung Quốc kiên quyết phản đối bất kỳ quốc gia nào đồng ý với các thỏa thuận gây tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc. Nếu điều này xảy ra, Trung Quốc sẽ không chấp nhận và sẽ kiên quyết thực hiện biện pháp đối phó có đi có lại,” thông cáo của Bộ Thương Mại Trung Quốc cho biết.
Bộ này cũng cảnh báo về rủi ro với tất cả các quốc gia trên thế giới khi trật tự thương mại quốc tế trở lại kiểu “luật rừng.” Trung Quốc khẳng định sẵn sàng hợp tác với tất cả các quốc gia để “bảo vệ công lý và công bằng quốc tế,” đồng thời mô tả hành động của Mỹ là “lạm dụng thuế quan,” và “bắt nạt đơn phương.”
Theo cáo buộc từ điều tra của Phòng Thương Mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, lâu nay việc trung chuyển bất hợp pháp, hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc tập kết ở Việt Nam để thay đổi giấy chứng nhận xuất xứ, trước khi được vận chuyển đến Hoa Kỳ nơi họ có thể được hưởng thuế thấp hơn, nếu các lô hàng hóa này được dán nhãn là sản phẩm của Trung Quốc.
Văn bản của Bộ Thương Mại Việt Nam cho biết: “Các thủ tục mới nghiêm ngặt hơn được thực hiện để kiểm tra các nhà máy và giám sát việc phát hành nhãn “Made in Vietnam,” “đặc biệt đối với các doanh nghiệp có số lượng đơn xin giấy chứng nhận xuất xứ tăng đột ngột.” Văn bản cũng hướng dẫn các quan chức đề xuất khi cần “các biện pháp cụ thể để ngăn chặn việc chuyển hàng bất hợp pháp.”
The post Hà Nội âm thầm cắt bỏ nguồn hàng ‘mượn tên né thuế’ của Trung Quốc appeared first on Saigon Nhỏ.