Bình LuậnChính TrịCộng ĐồngVăn Hóa

Khốn Khổ Một Màu Da

Giao Chỉ, San Jose (June 7, 2020)

Cách đây gần 100 năm, năm 1926 nhân loại dành một tuần lễ của tháng 2 gọi là tuần lễ của người da đen. Khoảng 50 năm sau, tuần lễ không đủ dài ngay tại nước Mỹ người ta gọi cả tháng hai là tháng của người Mỹ gốc Phi Châu. Danh hiệu lấy từ nguồn gốc cho văn vẻ nhưng xem ra dưới cái nhìn của mọi người sắc tộc da đen sống ở Mỹ cũng vẫn có phần vất vả. Bất kể anh cảnh sát da trắng hay dở ra sao, bất kể anh Mỹ đen xấu tốt thế nào, cái hình ảnh ông Mỹ trắng lấy đầu gối chèn cổ ông Mỹ đen nghẹt thở gửi cho toàn thế giới, tưởng chừng Hoa Kỳ đang diễn lại cảnh tượng chế độ nô lệ 300 năm trước của thời kỳ lập quốc.

Thời đó, các tiền nhân của Hiệp chúng quốc ban hành bản hiến pháp thần thánh với những tuyên ngôn làm sao xuyến cả trăng sao về chuyện con người bình đẳng. Biết bao nhiêu đau thuong nhân loại đã trải qua bao gồm cả cuộc nội chiến Nam Bắc Hoa Kỳ với những người da trắng anh hùng giết nhau suốt 3 năm dài chết hàng trăm ngàn để rồi đến ngày nay da trắng vẫn làm cho da đen không thở được.

advertisement

Ngày nay NASA thường xuyên đưa đón người lên vũ trụ. Kỳ tới các khoa hoc gia không gian sẽ phóng cả phụ nữ Hoa Kỳ lên mặt trăng tạm nghỉ để chuẩn bị chuyến đi từ mặt trăng lên thăm sao Hỏa. Sự tiến bộ thần kỳ của nước Mỹ hiện đang có hàng trăm vệ tinh canh gác ngoài bầu khí quyển của địa cầu mà sao dân da đen vẫn còn phải lợi dụng cuộc biểu tình chống kỳ thị để đập phá các nhà hàng để đem về nhà các vật dụng thực sự chẳng đáng giá so với bản án nặng nề về cả tinh thần lẫn pháp lý.

Khốn khổ cho một màu da.

Đau thương hơn nữa là những tuổi trẻ Hoa Kỳ đa số là các thanh thiếu niên đủ các sắc tộc biểu tình quanh Bạch Cung đã làm gì nên tội mà vị tổng thống thân yêu của nước Mỹ phải hăm dọa sẽ thả chó rất hung dữ ra giải quyết. Ông còn chê bai các thống đốc yếu đuối và cho chỉ thị nếu có cướp bóc là phải dùng súng đạn. Những chiến binh anh hùng của nước Mỹ nỡ lòng nào mà nổ súng bắn dân da đen vào các tiệm tạp hóa ôm ra những mở hàng thực sự chỉ đáng bỏ đi.

Thật khốn khổ cho một màu da.

Suốt tuần qua, các chính khách, các nhân sĩ, các đại gia, các nhà tỷ phú kể cả da trắng lẫn da đen đều lên tiếng mắng mỏ đám dân đen trăm phần trăm là nghèo đói đã lợi dụng hoàn cảnh ra tay đập phá các cửa hàng và thực sự không lấy được những gì đáng giá. Vẫn có rất nhiều tuổi trẻ nam nữ da trắng biểu tình ôn hòa để bày tỏ thái độ với mầm dịch kỳ thị tràn ngập trong xã hội. Nhưng ngay cả đám phá hoại đốt nhà, đập xe và hôi của thực sự cũng là những tiếng nói công phẫn của dân chúng.

Nếu quý vị là những người cả trắng lẫn đen đang sống trong giai cấp cao sang quyền quý cũng rất cần phải lắng nghe những tiếng nói cổng phẫn của hạ từng xã hội. Chắc chắn rằng rồi đây với cảnh sát và quân đội, các cuộc biểu tình và cướp phá rồi cũng được dập tắt. Nhưng thực sự chính nhờ truyền thông, TV và hệ thống Mạng toàn cầu những ngọn lửa công phẫn, những tấm kính nhà hàng bị đập phá, những bước chân biểu tình ôn hòa đã được đưa đến những phòng khách ấm cúng từng gia đình để mọi người cũng suy nghĩ. Ở trên đời này, chính những cái xấu sẽ làm ra những điều tốt. Ai muốn đóng vai đi đập phá các cửa kính nhà hàng sang trọng. Ai muốn cho con cái đi đập phá các xe hơi dọc đường. Ai muốn đi biểu tình suốt đêm để đòi hỏi cho dân da đen được thở. Và ai muốn ngồi trong nhà sua chó dữ ra cắn những kẻ nổi lửa ngoài đường. Đất nước này sau 300 trăm năm vẫn khốn khổ vì một màu da.

Ngày nay dù Hoa Kỳ sắp sửa xây nhà trên mặt trăng để bắn hỏa tiễn lên Sao Hỏa nhưng chúng ta vẫn rất cần ông tổng thống Lincoln. Một chính quyền bởi dân do dân và vì dân. Một chính quyền thực đoàn kết toàn dân. Một chính quyền không sản xuất ra những người dân trộm cướp và một chính quyền không dùng lính đàn áp dân. Chúng ta cần một chính quyền không để cho những màu da khốn khổ.

Vũ Văn Lộc, bút hiệu Giao Chỉ, từng giữ chức Đại tá trong Quân lực Việt Nam Cộng Hòa trước 1975. Tị nạn ở Mỹ sau khi cuộc chiến kết thúc, ông là một trong những người gốc Việt đầu tiên điều hành một cơ quan thiện nguyện, IRCC (Immigrant Resettlement and Cultural Center)

advertisement

Show More
Back to top button