Đời SốngGiải TríVăn Hóa

Lịch Sử các truyền thống trong ngày Lễ Giáng Sinh

Chắc hẳn quý vị đã biết ngày lễ Giáng Sinh là ngày Chúa sinh ra đời trong hang đá Be Lem lạnh giá mùa đông ngày 25 tháng 12. Tuy nhiên, kể từ khi nào Lễ Giáng Sinh đã chính thức là  Quốc Lễ trong nhiều nước, ngay cả ở Hoa Kỳ? Tại sao lại có bài hát “12 ngày Christmas” và bánh khúc gỗ bắt nguồn từ đâu? Chùm lá Mistletoe (tiếng Việt là cây tầm gửi) mang ý nghĩa thời xưa là gì? Chữ Christmas nghĩa là gì? Tại sao giáo dân Ky Tô bảo thủ và chính thống không chấp nhận ngày 25 tháng 12 là ngày ăn mừng Chúa Giáng Sinh? Tại sao Pháp gọi là Ông già Noel còn Mỹ là Santa Claus? v.v.  Trúc Việt kính mời quý vị nghe lại lịch sử của các truyền thống đi liền với ngày Lễ Giáng Sinh để tìm ra các câu trả lời này trong giây phút thoải mái của mùa lễ hội bình an và Thiện tâm.  

Trong thời đại ngày xửa ngày xưa của những người ngoại đạo (không theo đạo Công Giáo), đã ăn mừng ngày cuối cùng của mùa đông ở Bắc Bán Cầu, vì đó là đêm Thượng Đế  Vĩ Đại là Mẹ Đất hạ sinh ra một bé trai là Thần Mặt Trời. Cũng còn gọi là Yule, ngày mà một khúc gỗ lớn được đốt thêm vào lửa trại, mọi người nhảy múa xung quanh và ca hát để đánh thức mặt trời đang ngủ say trong một mùa đông dài đăng đẳng. Có lẽ chữ yule log cũng bắt nguồn từ truyền thuyết này để đặt tên cho ổ bánh truyền thống dài chocolate màu nâu thường được trưng bày trên bàn tiệc mừng lễ giáng sinh mà người biết tiếng Pháp gọi là Buche de Noel. 

Vào triều đại Đế Quốc La Mã, lễ hội của những người ngoại đạo này đã trở thành lễ vinh danh vị thần Saturnus, là thần của mùa màng và Mithras (thần của ánh sáng,) đây là hình thức thờ phụng mặt trời mà nó bắt nguồn từ nước Syria, sau đó truyền sang La Mã. Lễ hội này mang thông điệp rằng mùa đông không dài mãi mãi, đời sống vẫn tiếp diễn và lễ hội là một lời mời người ta ở lại chung vui trong tinh thần lạc quan, yêu đời.

advertisement

 Mùa đông bắt đầu ở Bắc Bán Cầu là vào  ngày 20 đến ngày 22 tháng 12. Người Á Đông gọi là Đông Chí. Người La Mã ăn mừng lễ hội Thần mùa màng Saturnalia bắt đầu từ ngày 17 đến ngày 24 tháng 12.

Đạo Công Giáo Thuở Ban Đầu như thế nào?

Để tránh bị đối xử bạc đãi trong mùa lễ hội của người La Mã ngoại đạo, những người theo đạo Công Giáo thời đó đã trang trí nhà của họ với lá cây holly trong tinh thần tạ ơn thần mùa màng. Nhưng khi  số tín đồ Kitô Giáo ngày càng đông và tập tục của họ trỗi dậy, các lễ hội được dựa theo những ngày lễ Công Giáo nhiều hơn. Nhưng thuở ban đầu, các nhà thờ chưa mừng lễ Giáng Sinh vào tháng 12, mãi đến thời của giám mục đệ nhị Telesphorus của Hội Thánh La Mã là từ năm 125 đến 136 Sau Công Nguyên, vị giám mục này đã tuyên bố các mục vụ của Nhà Thờ phải diễn ra trong thời gian này để ăn mừng “Chúa Giáng Sinh và là Đấng Cứu Thế của chúng ta.” Thế nhưng, lúc đó không ai biết rõ tháng nào Chúa Giê Su đã sinh ra, lễ Giáng Sinh thường được tổ chức vào tháng 9, cùng lúc với Lễ Hội “Feast of Trumpets” của người Do Thái. Thực ra, trong hơn 300 năm trước, người ta mừng lễ giáng sinh vào những ngày khác nhau.

Đến năm 274 Sau Công Nguyên, đông chí (solstice)  rơi vào ngày 25 tháng 12. Hoàng Đế La Mã Aurelian tuyên bố đó là ngày thần thái dương vô song sinh ra. Năm 320 Sau Công Nguyên, Đức Giáo Hoàng Julius Đệ I xác nhận ngày 25 tháng 12 là ngày sinh chính thức của Chúa Giê Su.

Lễ Giáng Sinh Được chính thức hóa khi nào, lúc đó giáo dân có ăn mừng không?

Năm 325 Sau Công Nguyên, Đại Đế Constantine, vị Hoàng Đế La Mã đầu tiên theo Công Giáo, đã đề nghị Giáng Sinh là lễ hội bất di bất dịch được ấn định vào ngày 25 tháng 12. Ông cũng đề nghị Chúa Nhật là ngày linh thiêng của 7 ngày mới trong tuần, và rằng lễ Phục Sinh sẽ không có ngày nào nhất định. Năm 354 Sau Công Nguyên, Giám Mục Liberius của Giáo Hội La Mã chính thức chỉ thị cho các giáo dân ăn mừng ngày sinh của Chúa Giê Su là ngày 25 tháng 12.

Tuy nhiên, cho dù Hoàng Đế Constantine và Giám Mục Lebrius đã chính thức chọn ngày 25 tháng 12 là ngày Chúa Giáng Sinh, những giáo dân Ky Tô thừa biết ngày này là ngày lễ hội của người ngoại đạo, do đó họ đã không muốn ăn mừng ngày Giáng Sinh của Hoàng Đế La Mã đã có ý tốt đề xướng. Vì thế, Ngày Giáng Sinh đã không được toàn thể giáo dân Ky Tô trên thế giới thừa nhận cho đến thế kỷ hiện đại.

Thí dụ như ở Anh Quốc, lễ Giáng Sinh bị cấm từ năm 1649 đến 1660 bằng các đạo luật gọi là Blue Laws (Luật Xanh), vì người Anh tin rằng Ngày Giáng Sinh phải là ngày tôn nghiêm, không phải là lễ hội múa hát, mừng vui.

advertisement

Khi nhiều giáo dân Protestant (Tin Lành) không muốn bị đối xử tàn bạo bởi Tòa Thánh La Mã, họ đã trốn chạy tị nạn sang các vùng đất thuộc địa khác trên toàn thế giới, lễ Giáng Sinh lại được ăn mừng ở những nơi họ tái định cư. Nhưng lúc đó, Giáng Sinh chưa được pháp luật quy định là  quốc lễ. Nên nhớ, trong thời gian này cũng vẫn chưa có hình ảnh của ông già Santa Claus.

Lễ Giáng Sinh Trở Thành Phổ Thông khi nào?

Lễ Giáng Sinh trở thành phổ thông khi có cuốn sách của tác giả Washington Irving “The Keeping of Christmas at Bracebridge Hall” tạm dịch là “Gìn Giữ Lễ Giáng Sinh tại Tòa Nhà Bracebridge” phát hành vào năm 1820.

Năm 1834, Nữ Hoàng Anh Quốc Victoria, đưa phu quân người Đức của bà là Hoàng Tử Albert đến cung điện Windsor, bà đã giới thiệu với ông về truyền thống trưng cây Christmas và các bài hát ngợi ca lễ hội  đã diễn ra ở Âu Châu, sau đó truyền đến Vương Triều Anh Quốc.

Một tuần trước ngày Lễ Giáng Sinh năm 1834, tác giả Charles Dickens đã phát hành cuốn truyện “A Christmas Carol” (trong đó có nhân vật bần tiện tên Scrooge bắt cậu bé Cratchit phải làm việc và đó là ngày Dân Biểu Hoa Kỳ gặp nhau trong ngày Giáng Sinh). Truyện của tác giả Dickens đã quá phổ biến sâu rộng trong dân gian đến độ không một nhà thờ hay chính phủ nào có thể làm ngơ trước việc ăn mừng lễ Giáng Sinh.

Cuối cùng, vào năm 1836,  Alabama là tiểu bang đầu tiên ở Hoa Kỳ ban hành đạo luật quy định Giáng Sinh là ngày lễ chính thức của tiểu bang.

Năm 1907, Oklahoma là tiểu bang cuối cùng ở Hoa Kỳ tuyên bố Christmas là lễ chính thức của chính phủ tiểu bang. Dần dà, các quốc gia trên thế giới đã bắt đầu thừa nhận Lễ Giáng Sinh là ngày ăn mừng Chúa sinh ra đời.

Ý Nghĩa Chúc Mừng Lễ Giáng Sinh Đầy Hồng Ân bắt nguồn từ đâu?

Ngày nay, nhiều lễ hội của người ngoại đạo đã phản ánh trong ngày Lễ Giáng Sinh. Thực ra, Chúa Giê Su sinh ra vào tháng ba, nhưng ngày sinh nhật của Chúa được ăn mừng vào ngày 25 tháng 12, là ngày Đông Chí. Các ngày ăn  mừng Giáng Sinh chấm dứt vào ngày thứ 12 sau ngày 25 (tức là ngày 6 tháng giêng), trùng với số ngày mặt trời trở lại và được đón mừng bởi người dân thời cổ đại và người La Mã ngoại đạo. Vì thế không có gì là ngạc nhiên khi có nhiều giáo dân  Ky Tô chính thống  hay ngay cả giáo dân Ky Tô bảo thủ thường hay tức giận về ngày Giáng Sinh, vì họ cho rằng “đó không phải là tôn giáo của người Ky Tô,” và rằng người Ky Tô đã quên rằng hồi xửa hồi xưa Ngày Giáng Sinh đã không được ăn mừng gì cả cho đến các thời đại sau này.

Nói tóm lại, sau đây là các dữ kiện xác thật đáng nhớ để  trong  “miếng gà (tây) là đầu câu chuyện”  hay trong không khí lâng lâng ngụm egg nog hoặc rượu nồng môi  quý vị bàn luận cho vui vài trống canh sau khi đã hết hơi hát cà ra ô kê.

Thứ nhất, Ngày 25 tháng 12 được ăn mừng như là ngày Chúa Giê Su sinh ra. Nhưng Thánh kinh không đề cập gì đến ngày Giáng Sinh, và giáo dân Ky Tô thời xa xưa đã không mừng ngày sinh của Chúa. Christmas mà chúng ta biết chỉ trở nên phổ thông vào thế kỷ thứ 19.

Christmas bắt đầu vào ngày 25 tháng 12 và chấm dứt 12 ngày sau đó tức là ngày 6 tháng giêng bằng Lễ Hội Epiphany tức là lễ “hiển linh” cũng còn gọi là lễ hội “Chiêm Ngưỡng Magi” hay “Thượng Đế Hiện Hữu.”

Khái niệm “Bình An và Mừng Vui” (Peace and Joy) trong mùa Lễ Giáng Sinh bắt nguồn từ niềm tin của những người ngoại đạo vào quyền lực kỳ ảo của nhánh cây tầm gửi, tiếng Anh là “mistletoe.” Khi kẻ thù địch gặp nhau dưới nhánh cây tầm gửi, họ phải đình chiến cho đến ngày hôm sau. Còn bây giờ, ai đứng dưới nhánh cây tầm gửi sẽ được hôn thắm thiết.

Ở Phần Lan và Thụy Điển vẫn còn phản ánh truyền thống cổ xưa, 12 ngày Christmas được pháp luật tuyên bố là thời gian phải giữ hòa khí trong dân chúng. Thời đó, người nào gây ra tội ác trong thời gian này sẽ phải gánh chịu hình phạt nặng hơn lúc bình thường.

Trong Thời Trung Cổ, nhiều nhà thờ đã được dựng lên để vinh danh Thánh Nicholas, vị thánh thân thiện của trẻ em. Ông mặc áo dòng giám mục màu đỏ và trắng, cỡi lừa đi phát quà cho trẻ em.

Cho dù lịch sử về vị thánh này không được kiểm chứng, nhưng hình ảnh người đàn ông trở thành Thánh Nicholas đã hiện hữu trong thế kỷ thứ 4 và giáo dân tin rằng đó chính là giám mục Asia Minor. Phép mầu đã được thêm thắt nhiều nhất vào huyền thoại mơ hồ của thánh Nicolas. Tuy nhiên, một số nước đã đặt tên cho ông là vị thánh thân thuộc của họ. Ông là thánh thân thiện với trẻ em (vì bảo vệ trẻ em), với thủy thủ (vì cứu họ trên biển) và với người nghèo (luôn tặng những món quà hậu hĩnh).

Để vinh danh ông, Lễ Hội Thánh Nicholas được đánh dấu vào ngày 6 tháng 12 và quà cáp được trao tặng vào đêm trước đó. Phong tục này đã lan truyền trong nhiều nước Âu Châu vào thế kỷ thứ 12. Vì Ngày Thánh Nicholas và Ngày Giáng Sinh quá gần nhau, nên cuối cùng, người ta đã gộp chung  cả hai lễ hội này vào cùng trong một ngày.

Thánh Nicholas được nhân cách hóa theo mỗi nước khác nhau. Thí dụ, ở Hòa Lan họ đặt tên cho ông là Sinter Klaas; ở Anh Quốc Vĩ Đại, họ gọi ông là vị Cha của Giáng Sinh Cho Quà; Pere Noel ở Pháp cũng là ông già Noel cho quà; và ở Đức ,Thánh Nicholas có nhiều tên như Klaasbuur, Burklaas, Rauklas, Bullerklaas và Sunnercla, mặc dù tên vị Cha của Christmas phổ thông hơn. Còn ở Hoa Kỳ, khi những người di cư gốc Hòa Lan đến định cư, ông già Sinter Klaas của họ trở  thành Santa Claus.

Tấm thiệp Christmas đầu tiên được bán vào năm 1843, nhưng lúc đó chưa có hình ảnh của ông già Santa.

Năm 1860, Thomas Nast, minh họa viên đã dựa vào các truyện về Thánh Nicholas của người Châu Âu, vị thánh của trẻ em, để vẽ ra hình ảnh Ông Già Christmas tức Santa Claus, một ông già có gương mặt vui tươi, tướng tá vạm vỡ, râu trắng trong bộ áo quần màu đỏ mà chúng ta thấy ngày nay.

Cuối cùng  chữ “Christmas” mang ý nghĩa gì?

Chữ “Christmas” nghĩa là “Mass of Christ”  (Thánh Lễ của Chúa Ky Tô) sau này được gọi ngắn gọn là Christ-Mass.” Vào thập niên 1500, Christmas còn được người Âu Châu gọi là XMas.” vì X bắt nguồn từ mẫu tự Hy Lạp,  X là chữ đầu tiên trong tên của Chúa: Xristos, vì thế Chúa mới có tên gọi ngắn gọn khác là “X-Mass.”

Thời nay, chúng ta biết là Chúa Giê Su không sinh ra ngày 25 tháng 12, đó chỉ là ngày được chọn để trùng hợp với lễ hội ăn mừng của người ngoại đạo La Mã nhằm vinh danh thần mùa màng Sturnus và Mithras (thần ánh sáng), một hình thức thờ phượng mặt trời. Các lễ hội ăn mừng này diễn ra vào đúng hay sau ngày đông chí, ngày ngắn nhất trong năm ở bắc bán cầu, để đưa ra thông điệp rằng mùa đông không tồn tại mãi mãi, rằng đời sống vẫn tiếp diễn và lễ hội là lời mời bạn  hãy ở lại ăn  mừng với chúng tôi trong tinh thần lạc quan và yêu đời.

Kính chúc quý vị một mùa lễ đầy bình an và nhiều hồng ân từ Mẹ Đất Vĩ  Đại, Thần Mặt Trời, Thần Ánh Sáng, thần Mùa Màng và Thiên Chúa Cứu Thế.

Trúc Việt tham khảo.

Show More
Back to top button