Tạp chí Lý luận Chính trị hôm 15/3/2024 có bài cho rằng, quản trị quốc gia hiệu quả cần có ý kiến, sự tham gia của người dân…
Cựu Trung tá Vũ Minh Trí, người từng tố cáo sai trái trong Tổng cục 2, nhưng không những không được lắng nghe mà còn bị khai trừ Đảng, tước quân hàm… hôm 18/3/2024 khẳng định với RFA rằng ở Việt Nam đã có quy định về trưng cầu dân ý, nhưng từ trước đến nay chưa bao giờ tổ chức trưng cầu dân ý:
“Vì vậy có thể nói ý kiến của nhân dân trong mọi trường hợp đều không được lắng nghe. Ví dụ có những vụ việc mà ý kiến của nhân dân, dư luận xã hội rất sôi nổi như dự án bô xít Tây Nguyên… nhưng cuối cùng chính phủ không lắng nghe và vẫn triển khai… bây giờ đem lại rất nhiều hệ lụy xấu. Ngoài ra còn nhiều dự án khác ví dụ như dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, hay những dự án ở thành phố Hồ Chí Minh… Tôi thấy Chính phủ nói như vậy nhưng thật sự tiếng nói nhân dân không được lắng nghe.”
Có thể nói ý kiến của nhân dân trong mọi trường hợp đều không được lắng nghe.
-Cựu Trung tá Vũ Minh Trí
Ngoài ra theo Cựu Trung tá Vũ Minh Trí, trong thực tế ý kiến nhân dân về chống tham nhũng cũng không được lắng nghe:
“Tôi có quen một vài người công dân, thậm chí là cán bộ đảng viên từng rất tích cực chống tham nhũng, họ đã phát hiện có chứng cứ… nhưng tất cả những ý kiến gửi đến cơ quan chức năng đã rơi vào im lặng. Thậm chí có những người bị quy vào những tội tương đối nặng, bị cơ quan câu lưu. Ví dụ như ông Vũ Mạnh Hùng, cựu giáo viên trường Cao đẳng Kỹ thuật Thương mại, hay bà Lê Hiền Đức, là một công dân chống tham nhũng đã từng được giải của Tổ chức Minh bạch Quốc tế… Cho nên tôi khẳng định, tất cả những ý kiến của nhân dân hầu như không được lắng nghe.”
Cựu Trung tá Vũ Minh Trí cho biết thêm về trường hợp của chính ông:
“Tôi không tôi cáo tham nhũng, tôi không tố cáo các mối quan hệ trai gái hay tài sản bất minh… Tôi chỉ báo cáo về việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của một cơ quan… Nhưng thời điểm đấy tôi gửi đơn tố cáo đến chủ tịch Quốc hội khi đó là ông Nguyễn Phú Trọng, thì sau đó chính cái đơn gởi ông Trọng lại được trả về cho Tổng cục 2 để làm căn cứ quy chụp và ‘đấu tranh’ với tôi và đương nhiên kết quả tôi đã bị khai trừ đảng, tước quân hàm sĩ quan.”
Ông Lê Chí Thành lúc mới bị bắt (ảnh trái) và ông này lúc ra tòa sơ thẩm (ảnh phải). Facebook Lê Chí Thành/ RFA edit.
Luật Trưng Cầu Dân Ý của Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, và được nói là sự thể chế hóa quyền “dân chủ trực tiếp” của công dân được Hiến pháp qui định. Theo luật này thì cử tri cả nước trực tiếp biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Nhưng trong thực tế, chưa có một dự luật nào chẳng hạn mà đại biểu Quốc hội đề xuất đưa ra trưng cầu ý dân, cho dù luật quy định rất rõ ràng.
Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương, hôm 18/3 đặt ra câu hỏi rằng nếu thực sự muốn dựa dân thì vì sao đến nay luật trưng cầu dân ý vẫn chưa được áp dụng:
“Người ta nói cho vui thôi, để thiên hạ thấy mình cũng văn minh. Hội nghị bàn về chống tham nhũng do ông Nguyễn Phú Trọng chủ trì gần đây có tuyên bố phải dựa vào dân để chống tham nhũng. Cũng là nói cho hay vậy thôi, chứ dựa vào dân thì phải có báo chí tự do để dân nói tiếng nói của mình. Nhưng họ lại thực hiện luật an ninh mạng, tức là khóa mồm dân lại thì lấy gì lắng nghe. Muốn tôn trọng ý dân thì phải có tự do tư tưởng, tự do báo chí, quyền lập hội, biểu tình để bày tỏ chính kiến của họ về các vấn đề.”
Muốn tôn trọng ý dân thì phải có tự do tư tưởng, tự do báo chí, quyền lập hội, biểu tình để bày tỏ chính kiến của họ về các vấn đề.
-Ông Nguyễn Khắc Mai
Một người dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, không muốn nêu tên vì lý do an ninh, nhận định với Đài Á Châu Tự Do:
“Ở Việt Nam thường hay nói này kia, nhưng thực tế hoàn toàn khác. Thường chính quyền ở Việt Nam ít lắng nghe sự đóng góp của người dân. Người dân cũng ít cơ hội hay phương tiện để biểu đạt. Chẳng hạn ở các nước, muốn nói lên tiếng nói thì người dân biểu tình, và theo đó chính phủ sẽ xem xét một quyết sách nào đó. Nhưng ở Việt Nam thì không có được vậy, ai nói gì trái ý đảng là bị chụp mũ là phản động, họ không nghe ý kiến người dân đâu.”
Ở Việt Nam, giới chức lãnh đạo thường hay hô hào khẩu hiệu ‘do dân, nghe dân, vì dân’… nhưng thực tế hoàn toàn khác. Thường chính quyền ở Việt Nam ít lắng nghe sự đóng góp của người dân. Người dân cũng ít cơ hội hay phương tiện để biểu đạt như ở các nước dân chủ. Thậm chí nếu ai nói gì trái ý người có chức quyền có thể bị trả thù, trù dập hoặc thậm chí bị bị chụp mũ là phản động…
Đơn cử trường hợp ông Lương Xuân Bình, người tố cáo sai phạm ở dự án Metro Nhổn – ga Hà Nội lại bị phân công làm viên chức văn phòng, không đúng chuyên môn của ông. Ngay cả đến khi Thanh tra Chính phủ yêu cầu phục chức cho ông thì lãnh đạo cơ quan chủ quản vẫn làm ngơ.
Hay trường hợp Cựu đại úy Công an Lê Chí Thành vì tố cáo tham nhũng ở trại giam và trực tiếp hoạt động của cảnh sát giao thông lên mạng xã hội… đã bị kết án hai năm tù giam với cáo buộc ‘Chống người thi hành công vụ’. Ngoài ra ông còn bị truy tố tội ‘Lợi dụng các quyền tự do- dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Tin từ RFA Read More