Vietnam

Nghị quyết Hải Phòng: ‘thỏa hiệp ngầm’ trước Đại Hội 14

Nghị quyết về cơ chế đặc thù cho thành phố Hải Phòng tưởng như đơn thuần chỉ hoạch định chính sách phát triển kinh tế địa phương, nhưng thực chất thấm đẫm màu sắc chính trị giữa Thủ Tướng Phạm Minh Chính và Tổng Bí Thư Tô Lâm, đôi bên đổi chác và mặc cả âm thầm về quyền lực.

Ngày 27 Tháng Sáu, Quốc Hội CSVN thông qua một nghị quyết quan trọng với tỉ lệ phiếu tán thành gần như tuyệt đối 99.55% (tương đương 447/449 đại biểu). Nghị quyết quy định về cơ chế, chính sách đặc thù mới cho thành phố Hải Phòng và sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng Bảy, 2025.

Với 12 điều khoản trọng tâm, nghị quyết bao gồm các vấn đề: Quản lý đầu tư, tài chính-ngân sách, quy hoạch đô thị, môi trường, khoa học-công nghệ. Trong đó, điểm nhấn lớn nhất là việc thành lập khu thương mại tự do gắn với khu kinh tế Đình Vũ- Cát Hải và Nam Hải Phòng. Đây được xem là nghị quyết mà nhà cầm quyền CSVN ưu ái dành cho Hải Phòng, bởi lẽ doanh nghiệp lớn và nhỏ trên địa bàn sẽ được miễn giảm thuế thu nhập, thuế xuất nhập khẩu từ 10% đến 50%, kéo dài trong khoảng thời gian từ 4 đến 30 năm tùy theo quy mô dự án. Các chuyên gia hoặc người quản lý cũng được miễn giảm thuế thu nhập cá nhân đến 50% trong vòng 10 năm.

advertisement
Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu. (Hình: VnExpress)

Tuy nhiên, nghị quyết này không đơn giản chỉ là bước đột phá về cải cách kinh tế, mà đây là một cuộc đổi chác quyền lực và quyền lợi, là cách hợp pháp hóa mà CSVN muốn đẩy mạnh hơn nữa công cuộc xây dựng Hải Phòng thành một trung tâm quyền lực về kinh tế-chính trị-tài chính đứng hai sau Hà Nội, dành cho Thủ Tướng Phạm Minh Chính và phe nhóm lợi ích của ông. Ông Chính là người ký ban hành nghị quyết nhưng địa phương này từng được xem là “sân nhà” của ông.

Thời kỳ ông Chính làm trưởng ban Tổ Chức Trung Ương (2016- 2021), có ảnh hưởng lớn trong việc sắp xếp nhân sự ở nhiều địa phương chiến lược, trong đó có Hải Phòng. Một số lãnh đạo ở Hải Phòng nhiệm kỳ hiện tại từng có quan hệ gần gũi hoặc được ông Chính cân nhắc bổ nhiệm, như Bí Thư Thành Ủy Lê Tiến Châu, hoặc một số lãnh đạo sở, ban ngành ở Hải Phòng trước đây cũng từng học, công tác tại Quảng Ninh, nơi ông Chính từng là bí thư tỉnh…

Ngoài ra, một số doanh nghiệp lớn như Sun Group, Vingroup ở Quảng Ninh từng có mối quan hệ với ông Chính thời ấy nay chuyển hướng đầu tư mạnh sang Hải Phòng ở các lĩnh vực bất động sản, du lịch, hạ tầng khu công nghiệp…. Bản thân ông Chính trước đây cũng theo đuổi xây dựng mô hình đặc khu kinh tế tại Quảng Ninh (đặc khu Vân Đồn) giống như ở Hải Phòng hiện tại. Tuy nhiên, xét về vị thế chính trị thì Hải Phòng chiếm ưu thế hơn Quảng Ninh, đây là một trong năm thành phố trực thuộc Trung Ương, có cảng biển lớn và là đầu mối giao thương chiến lược. Ai nắm giữ được Hải Phòng là chắc suất nắm một phần quyền lực đáng kể khu vực miền Bắc.

Việc CSVN chọn Hải Phòng để thí điểm xây dựng khu thương mại tự do là bước đi cải cách và đồng thời cũng là bước đi chiến lược để Thủ Tướng Chính mở rộng tầm ảnh hưởng ở Bộ Chính Trị, một ván cờ nhân sự được suy đoán theo hai hướng:

-Thứ nhất, đây là một cuộc giằng co và có tính toán trong việc phân chia nhân sự cấp cao giữa Thủ Tướng Chính với với Tổng Bí Thư Tô Lâm trước đại hội đảng.

-Thứ hai, CSVN đang phân chia quyền lực, giàn xếp nhân sự hoặc giữa các phe nhóm nằm trong giới chóp bu thoả hiệp với nhau, đình chiến để phân chia quyền lợi. Việt Nam là nước độc đảng, mọi đấu đá, triệt hạ lẫn nhau đều diễn ra ở nội bộ và quy kết cuối cùng vẫn là một khối thống nhất. Do đó, các phương án giàn xếp, thoả thuận để giải quyết mâu thuẫn, ổn định cấu trúc thường được CSVN ưu tiên chọn lựa hàng đầu.

Mặc khác, do không có đối lập bên ngoài, CSVN thường tìm cách cân bằng quyền lực bên trong: theo vùng miền hoặc theo phe nhánh. Ví dụ: thủ tướng thường là người miền Nam hoặc miền Trung, tổng bí thư là người miền Bắc, hoặc, tổng bí thư thường nắm phe an ninh-nội chính, thủ tướng nắm phe hành pháp-kinh tế… Sự phân chia này là để duy trì tính toàn vẹn của hệ thống chính trị, nhưng đồng thời cũng dẫn đến việc phe nhóm lợi ích cũng từ đây mà hình thành.

Hải Phòng vừa là “sân nhà” vừa đáp ứng đủ tiềm lực, việc ông Chính chọn nơi đây làm bàn đạp để xây dựng trung tâm quyền lực cho riêng mình cùng với phe nhóm cho tương lai hoặc làm điểm tựa phòng hậu sự trong nhiệm kỳ thủ tướng cũng không có gì là khó hiểu.

advertisement

Vậy Tổng Bí Thư Tô Lâm có vai trò gì trong việc Quốc Hội CSVN thông qua nghị quyết cơ chế đặc thù dành cho Hải Phòng? Với cương vị và quyền lực hiện tại, có thể nói không có việc gì lớn tại Việt Nam được thông qua nếu thiếu sự nhất trí của ông Tô Lâm. Đặc biệt ông Tô Lâm đang là người giữ vai trò trưởng tiểu ban nhân sự đại hội sắp tới, một cơ quan quyết định ai đi ai ở trong đội ngũ lãnh đạo cấp cao, nên nghị quyết thông qua chắc chắn có sự gật đầu của Tô Tổng tại Bộ Chính Trị. Như vậy, rõ ràng đây là sự chia phần ảnh hưởng, điều chỉnh lợi ích giữa chính trị với kinh tế hòng giữ thế cân bằng lực lượng, ông Lâm thỏa hiệp cùng ông Chính là cốt ý giữ vững sự ổn định trong nội bộ đặng cùng tồn tại, không ai vượt mặt thì sẽ giảm khả năng xảy ra biến động khó kiểm soát.

Nghị quyết về cơ chế đặc thù cho thành phố Hải Phòng là văn bản pháp lý, nội dung là những hoạch định chiến lược phát triển kinh tế nhưng nó ra đời vào thời điểm nhạy cảm nên gắn chặt với toan tính về quyền lực chính trị, những thỏa hiệp ngầm trong nội bộ chóp bu CSVN. Cho thấy đại hội không chỉ dừng lại ở nghị quyết hay ở mỗi địa phương, đích cuối cùng của nó là cá nhân và ngai vàng quyền lực. Thỏa thuận cùng tồn tại, hoặc “một mất, một còn.”

The post Nghị quyết Hải Phòng: ‘thỏa hiệp ngầm’ trước Đại Hội 14 appeared first on Saigon Nhỏ.

 

Show More
Back to top button