Vietnam

Người Việt được giải cứu ở Myanmar nói phải đóng tiền để được hồi hương

Hàng trăm người Việt Nam đang bị mắc kẹt tại một trại tị nạn ở khu vực biên giới giữa Myanmar và Thái Lan, họ cho biết phải sống trong điều kiện khó khăn, còn triển vọng hồi hương lại phụ thuộc vào khả năng chi trả của từng người.

Lực lượng quân sự người Karen cho biết từ đầu năm 2025 họ đã giải cứu tổng cộng 685 người Việt khỏi các trung tâm lừa đảo do người Trung Quốc điều hành trên đất Myanmar.

Những người này sau đó được đưa tới một trại tị nạn được dựng một cách tạm bợ ở khu vực Myawady, Mayanmar, giáp với biên giới Thái Lan để chờ được hồi hương.

advertisement

Cho đến nay đã có hơn 450 người được đưa về Việt Nam, nhưng vẫn còn khoảng 215 người bị kẹt lại, với điều kiện sống được mô tả là “rất khổ”.

“Cuộc sống ở đây rất khổ, chỗ ở như một cái chuồng gà, phải chải chiếu nằm dưới đất, nhiều phụ nữ đã mắc bệnh phụ khoa vì môi trường sống rất tệ.” Một phụ nữ 31 tuổi đến từ tỉnh Sơn La, và hiện đang bị kẹt ở trại tị nạn, cho RFA biết.

Điều kiện vệ sinh ở trại tị nạn Myanmar nơi hàng trăm người Việt vẫn đang nương náu.
Điều kiện vệ sinh ở trại tị nạn Myanmar nơi hàng trăm người Việt vẫn đang nương náu.
(Citizen)

Cô cho biết hồi tháng 9 năm 2024 đã nhận được công việc phiên dịch ở Chiang Mai, Thái Lan nhưng sau đó bị dí súng vào đầu để ép phải vượt biên qua Myanmar làm trong một trung tâm lừa đảo do người Trung Quốc điều hành.

“Tôi đã nhắn cho Đại sứ quán nhưng không liên hệ được”, cô cho biết đã tìm cách liên lạc với cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại Myanmar để cầu cứu nhưng không nhận được phản hồi. Hết cách, cô sau đó đã cùng với những người phụ nữ khác tới từ Ấn Độ và Indonesia để tính đường chạy trốn. “Họ muốn tôi cùng đi tới sứ quán của nước họ bởi vì tôi không thể liên lạc được với Đại sứ quán Việt Nam”, cô nói.

Tuy nhiên, kế hoạch bị bại lộ, cô sau đó bị những người chủ người Trung Quốc nhốt vào một căn phòng riêng. “Tôi bị nhốt hai tháng, nhưng may mắn không bị người ta cưỡng hiếp”, người phụ nữ quê Sơn La chia sẻ. Tháng 4 năm 2025 cô được lực lượng quân sự Karen đưa tới trại tị nạn.

Hôm 14 tháng 5, chính quyền quân sự Myanmar đã chuyển giao 221 công dân Việt Nam cho phía Thái Lan để từ đó tiếp tục hành trình quay về Việt Nam. Ngày 15 tháng 5, phía Việt Nam xác nhận đã hồi hương tổng cộng 450 công dân từ Myanmar, và vẫn còn khoảng 200 người đang chờ được trở về.

“Tôi đang rất thất vọng” một người phụ nữ cho RFA biết cảm xúc của cô khi bị bỏ lại trại tị nạn ở Myanmar. “Đến cả người Ethiopia là nước nghèo nhất ở đây mà người ta còn được về, chỉ còn lại người Việt Nam mình hơn hai trăm người vẫn ở đây”, cô nói thêm.

Điều khiến những người bị bỏ lại cảm thấy hoang mang là việc họ bị yêu cầu phải nộp tiền để được hồi hương.

advertisement

“Ban đầu chỉ phải đóng 10 triệu thôi, càng ở lâu thì càng lên, giờ là 12 triệu hai trăm, có người phải đóng 13 triệu”, một người đàn ông cho RFA biết ông được đại diện của Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan hướng dẫn cách nộp tiền để được có tên trong danh sách hồi hương.

Sang Thái Lan hồi năm 2023 với niềm tin sẽ được làm công việc như đã thỏa thuận, anh này sau đó bị ép phải vượt biên giới để vào Myanmar để làm việc trong một trung tâm lừa đảo của người Trung Quốc. Kể từ đó anh phải thực hiện công việc lừa đảo trực tuyến nhắm vào người Việt Nam, và nếu không đạt kết quả hàng tháng thì sẽ bị tra tấn.

Tháng 2 năm 2025, khu lừa đảo trên bị lực lượng quân sự người Karan đột kích, anh này sau đó được giải cứu.

Khi được hỏi về việc phải nộp tiền để hồi hương, anh này đã cho phóng viên RFA đọc nội dung của đoạn tin nhắn trao đổi với người của sứ quán Việt Nam tại Bangkok qua ứng dụng nhắn tin Zalo. Trong đó, vị cán bộ giải thích số tiền “hơn 12 triệu” là để mua vé máy bay, và nếu dùng không hết thì sẽ trả lại cho gia đình.

Một người phụ nữ khác cũng cho RFA biết cô được yêu cầu phải nộp tiền nếu muốn về nước, “người của bên sứ quán Việt Nam tại Thái Lan nói rằng phải mất tiền, nếu không đóng tiền thì không được về,” cô nói.

RFA đã liên lạc với đại sứ quán Việt Nam ở Myanmar và Thái Lan để xác minh thông tin trên nhưng không nhận được phản hồi.

“Nói thật với anh em không có khả năng để đóng vì gia đình em rất nghèo, gia đình em cũng hỏi là tại sao giải cứu mà lại phải đóng tiền?” Người đàn ông giãi bày với RFA.

Trao đổi với RFA, Trung tá Naing Maung Zaw, Phát ngôn Viên của lực lượng Quân đội Quốc gia Karen, tổ chức chịu trách nhiệm điều hành trại tị nạn đang có người Việt nương náu, cho biết họ không có kênh liên lạc trực tiếp với chính phủ Việt Nam, và nhận thấy trong thời gian gần đây phía Việt Nam đã giảm hoạt động hồi hương công dân của mình.

Đối với thông tin những người Việt ở trại tị nạn phải nộp tiền cho chính quyền Việt Nam để được hồi hương, Trung tá Naing Maung Zaw cho biết ông không hề biết tới chuyện này. “Bây giờ vì RFA đã đề cập nên tôi sẽ chú ý đến vấn đề này. Tôi sẽ gặp những người Việt Nam vào ngày mai, và hỏi trực tiếp họ xem đây có phải là sự thật không. Nếu đúng là có chuyện này, chúng tôi sẽ báo cáo lên cấp trên và làm gì đó”, ông nói thêm.

Trả lời phóng viên tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 15 tháng 5 của Bộ Ngoại giao, người phát ngôn Phạm Thu Hằng cho biết bộ này sẽ chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại Myanmar và Thái Lan để đưa những công dân Việt Nam còn lại về nước trong thời gian sớm nhất.

 

Tin từ RFA Read More

Show More
Back to top button