Tang lễ ông Nguyễn Phú trọng là một sự kiện đặc biệt, nói theo nhiều nghĩa khác nhau. Nó đặc biệt bởi một cái chết đầy ẩn số tại Bệnh viện Quân Y 108. Nó đặc biệt bởi những trận mưa làm Hà Nội ngập lụt khắp nơi, với hàng ngàn tỷ đồng của người dân bị thiệt hại trong biển nước mà chính quyền ngó lơ mà tập trung vào lễ tang. Nó còn đặc biệt ở cả cái cách mà nhà cầm quyền hùng hổ xử lý những ai dám đăng, hay có những phát ngôn bị nhà cầm quyền cho là “bất kính với người đã khuất.”
Và, nó còn đặc biệt khi cả nước được chứng kiến sự vui vẻ của một số quan chức cấp cao trong lễ tang, khi bộ máy tuyên truyền đang gào to khóc thương lãnh đạo.
Phía quan chức: “Hạnh phúc của một tang gia”
Với những ai chú ý theo dõi sự kiện đám tang được truyền hình trực tiếp hôm nay, đều bắt gặp cảnh ông Nguyễn Sinh Hùng và ông Nguyễn Tấn Dũng chuyện trò vui vẻ cùng nhau. Vì truyền hình trực tiếp bởi nhiều kênh, sự việc nhanh chóng đập vào mắt của những ai đang xem. Đa số các trang livestream về sự kiện đều khóa tính năng bình luận, nhưng ở một số trang để mở tính năng bình luận, những người xem trực tuyến thắc mắc: ‘Sao bác Dũng cười tươi thế ạ.”
Ông cựu chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng và cựu Thủ Tướng Chính Phủ Nguyễn Tấn Dũng chuyện trò vui vẻ tại đám tang cấp quốc gia của ông Nguyễn Phú Trọng. (Hình: FaceBook)
Bức ảnh về ‘nụ cười quốc tang’ của ông Nguyễn Tấn Dũng ngay lập tức được chia sẻ chóng mặt trên các nền tảng mạng xã hội. Dư luận viên (DLV) – những người thuộc Lực lượng 47 (trực thuộc Ban Tuyên Giáo Cộng Sản, chuyên có nhiệm vụ đi bảo vệ chế độ trên môi trường Internet) cũng tỏ ra bất ngờ và bối rối, bởi đây là tình huống không có trong ‘kịch bản phải khóc than’ của họ. Họ chỉ được trang bị để chống lại những lập luận, những bình phẩm của ‘thế lực phản động’ và người dân, chứ không hề được tập huấn để chống lại ‘niềm hạnh phúc’ ngay từ bên trong nội bộ như thế này!
Sau những phút đầu bị động, giới DLV đưa ra một kịch bản bảo vệ khiên cưỡng: “Ông Nguyễn Tấn Dũng là người miền Tây Nam bộ. Ở miền Tây, ai 80 tuổi trở lên mà qua đời thì đám tang cũng như đám ăn mừng vì sống đến tuổi ấy là đã thượng thọ. Việc ông Dũng cười vui vẻ trong đám tang ông Trọng là rất đúng phong cách người miền Tây!”
Kịch bản này rất đuối lý, bởi ông Trọng vốn quê Đông Anh, Hà Nội, đám tang lại được tổ chức ở Hà Nội, đâu phải ở miền Tây? (Mà đâu chỉ ông Dũng là ngườ miền Tây trong nhóm quan chức!). Hơn nữa, người Việt vốn có truyền thống đạo lý ‘nhập gia tùy tục,’ đâu thể đem cái phong cách phóng khoáng của người miền Tây ấy ra Hà Nội được?
Mà, cười nói chuyện trò trong đám tang đâu phải chỉ mình ông Dũng? Những ảnh chụp/video lan truyền trên mạng còn cả những cảnh ông Sinh Hùng quay qua rôm rả với cả bà Kim Ngân, cũng cựu chủ tịch Quốc Hội. Ông Nguyễn Xuân Phúc (cựu thủ tướng, cựu chủ tịch nước) cũng cười nói vui vẻ với cả ông Nguyễn Minh Triết (cựu chủ tịch nước)… Tuy nhiên, nụ cười của ông Tấn Dũng lại được chú ý nhiều nhất. Bởi lẽ ông cười không hề giấu giếm, với nụ cười ‘hạnh phúc’ thấy rõ. Người ta chú ý nhiều đến ông, bởi ông từng là đối thủ trong cuộc đua tranh ghế tổng bí thư giữa ông và ông Trọng nhiều năm về trước.
Nụ cười của các quan chức ngay trong ngày tang được nhà cầm quyền tổ chức trọng đại đã làm cho nhiều người dân tỉnh ngộ, khi trong những ngày trước đó, một số người dân trước giờ vốn chẳng quan tâm ông Trọng là ai và làm gì, cũng bị hệ thống tuyên truyền khổng lồ bơm thổi thông tin khiến họ “rưng rưng nước mắt khi bác Trọng ra đi.” Nay thấy các quan chức nở nụ cười vui vẻ, họ không hiểu những ngày vừa qua, họ đã khóc cho điều gì.
Nụ cười và vẻ thoải mái của các quan chức ngay trong tang lễ đặt hệ thống tuyên giáo vào thế việt vị!
Ông Sinh Hùng chuyện trò vui vẻ cùng bà Kim Ngân – ảnh chụp màn hình từ Livestream của VTV24.
Nụ cười trong quốc tang. (Hình chụp màn hình từ Livestream của VTV24)
Phía người dân: ai không khóc thì bị giam lỏng
Từ khi ông Trọng chết, bộ máy công an và hệ thống tuyên giáo làm việc hết công suất để duy trì sự tôn nghiêm cho người đã khuất: Phía công an, họ sẵn sàng triệu tập, “nắn gân” hay xử phạt những ai dám có lời lẽ bị họ cho là bất kính với ông Trọng.
Phía tuyên giáo, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền về “tấm gương liêm khiết, giản dị và đạo đức sáng ngời” của tổng Trọng, họ còn tung lực lượng DLV hoạt động hết công sức, sẵn sàng mạt sát và hạ bệ bất cứ ai dám có ẩn ý hay lời nói lỡ miệng nào về cái chết của ông ta.
Liz, một digital creator, sau phát ngôn “Nay quốc tang á? Mấy bạn lo đi ăn đám tang đi. Sao mấy bạn rảnh quá vậy?” cũng chịu sức ép buộc phải đăng tải thư xin lỗi trên trang cá nhân của mình. Duy Muối, giám đốc một công ty truyền thông, cũng bị một cơn bão dư luận tẩy chay, chỉ vì một phát ngôn đơn giản “Sao lại có số hotline thế ạ?”, số là năm sinh – năm mất (1944-2024) của ông Nguyễn Phú Trọng bị anh này nhìn nhầm là số hotline. Dancer Nguyễn Đan Phương cũng phải đến công an trình diện và đăng nhiều bài cải chính thông tin, sau phát ngôn gây bão dư luận “Hết quốc tang chưa ạ, nhảy được chưa mọi người.”
(Hình: Facebook)
Về phía các nhà hoạt động tại Hà Nội – nơi diễn ra tang lễ, một số người hôm nay cũng bị nhà cầm quyền đưa lực lượng chức năng đến để “canh giữ.”
Nhà báo Lê Anh Hùng viết trên Facebook cá nhân:
“Sáng nay, 6 chú công an cả quận lẫn phường đến thăm nhà. Các chú ân cần bảo tôi cứ ở nhà nghỉ ngơi, đừng đi đâu cả, mọi việc đã có đảng và nhà nước lo cho cả rồi.
Nghĩa tử là nghĩa tận. Muốn đến thắp cho kẻ thù của dân tộc một nén hương tiễn đưa mà cũng không được. Ức ơi là ức!!!” [5]
Khi được hỏi về cảm giác thế nào khi ăn “bánh canh,” anh trả lời hóm hỉnh: “Anh ‘chưa quen’ với việc này lắm”.
Nhà hoạt động – cô giáo Trần Thị Thảo thì đăng tải thông tin: Mới 9 giờ sáng, cô đã bị canh giữ bởi một ông dân phòng và một bà bí thư chi bộ, tổ phó tổ dân phố. Khi phát hiện cô giáo ra khỏi nhà để đi chợ mua rau, họ lập tức gọi điện cho công an để theo sát cô. Cô chia sẻ: “Từ năm 2015 đến nay có đến vài trăm lần nhà cầm quyền cử người đủ mọi thành phần đến canh giữ cô rồi. Lúc đầu cô rất tức giận, nhưng lâu dần thấy ‘quen.’ Lâu lâu không thấy họ canh lại thấy ‘buồn’ cháu ạ.”
Tuy “quen” hay “buồn, vui” thì tựu trung suy nghĩ của cô về nhà cầm quyền là bản chất độc tài của họ không thay đổi.”
Dân phòng và đại diện hội phụ nữ, bí thư chi bộ canh trước cửa nhà cô giáo Trần Thị Thảo trong ngày tang ông Phú Trọng.(Hình: Facebook)
Khi tôi hỏi tiếp về suy nghĩ của cô về việc quốc tang mà cũng cho người canh công dân ở tại nhà, cô nói:
“Đáng lý quốc tang thì phải để cho toàn dân cả nước tỏ rõ tình cảm của mỗi người với người lãnh đạo vừa chết. Nhưng họ lại cho các lực lượng chức năng đi canh giữ một số công dân trong ngày quốc tang là việc làm vi hiến và tỏ rõ sự hèn hạ.”
Đúng là đảng CSVN rơi vào tình huống thật trớ trêu: Trong khi nhà cầm quyền đang lo phạt, canh giữ người dân, thì các cựu quan chức lại cười nói vui vẻ ngay trong lúc cử hành tang lễ. Điều đó cho thấy, không chỉ nhiều người dân bực tức cái cách nhà cầm quyền đang tô vẽ quá lố hình tượng của ông Trọng, mà ngay chính trong lòng giới đảng viên, quan chức, họ cũng không coi ông Trọng ra gì!
The post Nguyễn Tấn Dũng và nụ cười quốc tang appeared first on Saigon Nhỏ.