Vietnam

Những bước nhảy thần tốc của tướng Công An Nguyễn Duy Ngọc

Từ một thứ trưởng Bộ Công An mờ nhạt, qua hai yếu tố: đồng hương và chiến  lược cài cắm thân tín của ông Tô Lâm, ông Nguyễn Duy Ngọc có những bước nhảy thần tốc.

Từ chánh văn phòng Trung Ương đến chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương, và giờ đây, ông Ngọc được đồn đóan có thể ngồi vào chiếc ghế bí thư Thành Ủy Hà Nội ở nhiệm kỳ Đại Hội Đảng XIV – một bước đệm để trở thành chính khách nằm trong nhóm “Tứ Trụ” vào thời gian tới.

Bàn cờ quyền lực chính trị tại Việt Nam đang đến hồi cao trào trước Đại Hội Đảng CSVN XIV, cái tên Nguyễn Duy Ngọc-một tướng công an ít được nghe nhắc, bất ngờ nổi lên như một nhân vật quyền lực ở bên cạnh Tổng Bí Thư Tô Lâm.

advertisement

Sáu mươi mốt tuổi-quê quán Hưng Yên, từng là phó giám đốc Công An Hà Nội, ông Ngọc được ông Tô Lâm đưa về Trung Ương, bổ nhiệm giữ chức thứ trưởng Bộ Công An, phụ trách mảng an ninh điều tra. Có thể nói sự nghiệp chính trị của ông Ngọc gắn bó mật thiết với từng bước thăng tiến của ông Tô Lâm. Có chăng, do cùng quê Hưng Yên nên ông Ngọc được ông Tô Lăm “chăm sóc” và dành nhiều ưu ái trong quá trình bố trí nhân sự.

Vào khoảng thời gian 2019, khi đương là thứ trưởng Bộ Công an, tên tuổi của ông Ngọc hầu như khá mờ nhạt trong hàng ngũ lãnh đạo Trung Ương. Phải đến Tháng Một, 2025, ông Ngọc được đích thân Tổng Bí Thư Tô Lâm chỉ đạo Bộ Chính Trị thay ông Trần Cẩm Tú ngồi vào chiếc ghế Chủ Nhiệm Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương, thì lúc này tên tuổi Nguyễn Duy Ngọc mới thực sự bùng nổ, trở thành tâm điểm chú ý của dư luận trên bàn cờ quyền lực bởi những bước nhảy “thần tốc.”

Từ đây, mọi đồn đoán của dư luận trở thành khẳng định chắc nịch, ông Ngọc không chỉ là thuộc cấp, mà còn là đồng hương thân tín được Tô Lâm cài cắm vào Bộ Chính Trị nhằm thanh trừng các đối thủ chính trị.

Ông Tô Lâm và phe nhóm Bộ Công An đang là thế lực nắm toàn quyền chính trị tại Việt Nam nên sự nghiệp chính trị của ông Ngọc cũng được kỳ vọng còn thăng tiến vượt bậc hơn nữa chứ không dừng lại ở vị trí Chủ Nhiệm Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương như hiện tại.

Đại Hội Đảng XIV dự kiến sẽ khai mạc vào Tháng Một, 2026. Tuy nhiên, trên cộng đồng mạng xã hội Việt Nam đã xuất hiện nhiều đồn đoán vào khoảng trung tuần Tháng Tám hoặc Tháng Chín tới đây, giới chóp bu CSVN sẽ công bố danh sách nhân sự lãnh đạo cấp tỉnh/thành của nhiệm kỳ mới, đây cũng là những lãnh đạo sau khi Việt Nam hoàn thành việc sáp nhập tỉnh/thành.

Nếu ở miền Nam, chiếc ghế bí thư Thành Ủy Sài Gòn được đồn đoán rơi vào tay Nguyễn Thanh Nghị-con trai cả của cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng thì ở đất Bắc, Nguyễn Duy Ngọc được xem là ứng viên số một cho chiếc ghế bí thư Thành Ủy Hà Nội.

Hà Nội là địa phương có vai trò đầu não chính trị, là nơi tập trung các cơ quan Trung Ương Đảng CSVN, luôn hừng hực bởi các cuộc đấu đá nội bộ, các phe nhóm phân tranh ảnh hưởng. Trong bối cảnh này, Nguyễn Duy Ngọc chính là nhân tố hoàn hảo để kiểm soát thế lực đất Bắc, phù hợp với bộ máy “công an trị” mà ông Tô Lâm đã dày công xây dựng trong suốt một thập kỷ qua.

Vào Tháng Bảy, 2024, Bộ Chính Trị CSVN phân công bà Bùi Thị Minh Hoài giữ chức bí thư Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2020- 2025, thay ông Đinh Tiến Dũng. Tuy nhiên, bà Hoài hiện nay đã 60 tuổi. Nếu không được Trung Ương Đảng đưa vào diện “đặc biệt” thì đến Đại Hội Đảng XIV, bà Hoài sẽ nghỉ hưu theo quy định. Điều này khiến vai trò hiện tại của bà Hoài ở Hà Nội chỉ mang tính tạm thời, giữ chỗ trong lúc chờ Trung Ương Đảng bố trí người về thay thế. Người thay thế ấy không ai khác hơn chính là ông Nguyễn Duy Ngọc.

advertisement

Thực ra, căn cứ vào độ tuổi thì ông Ngọc cũng nằm trong nhóm phải nghỉ hưu sau Đại Hội Đảng XIV hoặc cùng lắm là ở lại đến năm 2028, nếu không được đưa vào diện “đặc biệt.” Tuy nhiên, với vai trò thân tín số một, là con cờ chiến lược giúp củng cố quyền lực cho Tổng Bí Thư Tô Lâm nên bằng mọi giá, ông Tô Lâm sẽ giữ lại ông Ngọc.

Lại thêm một bước nhảy “thần tốc” được dự đoán dành cho ông Ngọc: Cuối năm 2025, ông được Bộ Chính Trị và Trung Ương Đảng CSVN điều về làm Phó Bí Thư Thường Trực Thành ủy Hà Nội. Sau đó, khoảng nửa đầu năm 2026, ông Ngọc sẽ chính thức trở thành bí thư Thành Ủy Hà Nội.

Từ cột mốc đó, nếu ông Tô Lâm vẫn còn nắm quyền, vẫn giữ được thực lực ở Bộ Chính Trị thì ông Ngọc sẽ thuộc lớp nhân sự kế cận ở nhóm “Tứ Trụ” và gần như chắc chắn được nhắm vào chiếc ghế Chủ Tịch Quốc Hội, khi ông Trần Thanh Mẫn nghỉ hưu.

Từ trước giờ, chiếc ghế bí thư Thành Ủy Hà Nội có vai trò là bước đệm lý tưởng cho các nhân vật quyền lực: Ông Vương Đình Huệ từ Hà Nội nhảy lên Chủ Tịch Quốc Hội, trước đó nữa là trường hợp của cố Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng. Giờ đây, mô hình này lại được tái lập trong trường hợp ông Nguyễn Duy Ngọc, với bàn tay dàn xếp không ai khác ngoài Tổng Bí Thư Tô Lâm.

Ngoài ra, có thể căn cứ vào hồ sơ công tác chính trị của ông Ngọc sẽ thấy, có một sự chuẩn bị kỹ lưỡng theo trình tự của Bộ Chính Trị từ nhiều năm qua.

-Từng là phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, rồi làm phó giám đốc và sau đó là giám đốc Công An Hà Nội.

-Giai đoạn 2019-2023, giữ chức thứ trưởng Bộ Công An, phụ trách lĩnh vực pháp chế.

-Giữa năm 2024, ông Ngọc được điều sang Đảng, giữ chức Chánh Văn Phòng Trung Ương.

-Và hiện tại, ông là Chủ Nhiệm Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương, cơ quan có vai trò giám sát, kiểm tra và kỷ luật đảng viên.

Một tiến trình công tác đầy đủ cả bên hành pháp lẫn bên Đảng, hội tụ những yếu tố khiến ông Ngọc trở thành ứng viên lý tưởng cho vị trí chủ tịch Quốc Hội. Tổng Bí Thư Tô Lâm cũng muốn ông Ngọc ngồi vào chiếc ghế này bởi sẽ giúp “luật hóa” đế chế Tô Lâm, đồng thời bảo đảm con đường hậu cho phe nhóm trong tương lai, giảm phần nào bị thanh trừng.

Tuy nhiên, để đến được đích, trước mắt ông Ngọc cần phải vượt qua một thử thách quan trọng: Chiếc ghế bí thư Thành ủy Hà Nội là nơi ông phải chứng thực được bản lĩnh công tác địa phương, bảo đảm hiệu quả, không tạo những phản ứng dư luận tiêu cực. Đây là bài kiểm tra quyết định trở thành một chính khách bước vào nhóm “Tứ Trụ.”

Ông Ngọc là một chính trị gia kín tiếng, trung thành, hầu như không thấy có dấu hiệu tham vọng cá nhân. Toàn bộ bước tiến của ông Ngọc cho đến nay, hoàn toàn phụ thuộc vào những bước đi chiến lược lẫn những toan tính của ông Tô Lâm. Và nếu không có gì thay đổi, ông Ngọc đang là “chú ngựa ô” miệt mài chạy trên đường về đích là chiếc ghế chủ tịch Quốc Hội, trở thành “thanh kiếm” đắc lực của Tổng Bí Thư Tô Lâm trong thời kỳ quyền lực tuyệt đối và củng cố hơn nữa bộ máy công an trị toàn Việt Nam.

Trò chơi quyền lực ở Đại Hội Đảng XIV chưa kết thúc, ngồi lên ghế bí thư Thành ủy Hà Nội đã khó, giữ được ghế mà không bị phản đòn giữa thời điểm Đảng CSVN đang rối ren càng khó hơn, đây là cửa sinh–tử đối với ông Nguyễn Duy Ngọc. Bởi từ chiếc ghế này, từng đưa ông Vương Đình Huệ lên đỉnh cao danh vọng và sau đó nhanh chóng đẩy ông Huệ xuống vực thẳm. Đồng hành và thăng tiến cùng Tổng Bí Thư Tô Lâm bằng sự trung thành, đồng phe đồng hương vẫn chỉ là một trong những điều kiện để ông Ngọc sống sót, chứ chưa phải là đủ.

The post Những bước nhảy thần tốc của tướng Công An Nguyễn Duy Ngọc appeared first on Saigon Nhỏ.

 

Show More
Back to top button