Đời SốngVietnam

Huệ chịu thua, cả đất nước và người dân Việt Nam chịu thiệt

Việc chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ bị buộc phải từ chức do liên quan tới tham nhũng không chỉ gây nguy hiểm cho đảng CSVN, mà còn cho cả người dân Việt Nam. Đối với đảng CS, họ sẽ càng chia rẽ và suy yếu, mất niềm tin với người dân và mất uy tín với quốc tế. Đối với đất nước, việc đấu đá này sẽ khiến Việt Nam càng lệ thuộc vào ngoại bang.

Minh chứng rõ nhất là trước lúc bị phế truất, Huệ đi sứ sang Trung Quốc, hy vọng được Tập Cận Bình chống lưng. Có nhiều chứng cứ cho thấy Huệ đã thoả thuận và ký kết nhiều hiệp định nhượng bộ chủ quyền quốc gia để đổi lấy ngai vị của mình. Dĩ nhiên, bí mật đàm phán bên trong, khó lòng biết hết được, nhưng chỉ nhìn vào những gì báo chí Việt Nam được phép công khai qua trong chuyến đi này, thì quả rất đáng lo.

Tập dạy Huệ, phải ‘khôn ngoan chính trị’

advertisement

Sáng 08 Tháng Tư, Vương Đình Huệ gặp trực tiếp Tập Cận Bình với hi vọng được chống lưng từ phía Trung Quốc. Huệ nịnh bợ ra mặt khi “nhấn mạnh, phát triển quan hệ với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của Việt Nam.”

Tiếp theo đó Vương Đình Huệ đặt vấn đề với Trung Quốc khi “đề nghị hai bên củng cố và tăng cường tin cậy chính trị, tăng cường tiếp xúc cấp cao, triển khai tốt giao lưu, hợp tác kênh đảng, Chính Phủ, Quốc Hội, Mặt Trận Tổ Quốc và trong các lĩnh vực quan trọng như ngoại giao, công an, quốc phòng.” Lời nhờ vả Tập Cận Bình, với mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, tương tự như với Mỹ hay Úc, nhưng điều khác là Huệ công khai, và mở lời giao hết mọi mặt trong hệ thống chính trị Việt Nam, đặc biệt là công an và quốc phòng cho Trung Quốc.

Đáp lại sự nhờ vả của ông Huệ, chủ tịch Trung Quốc nói thẳng với Huệ rằng Việt Nam phải sử dụng sự “khôn ngoan chính trị,” tức là phải biết ai có thể chống lưng cho mình trong mối quan hệ với Bắc Kinh. Sau khi nhắn gửi dạy khôn, Tập lại cho Triệu Lạc Tế và Vương Hộ Ninh gặp Vương Đình Huệ để tiếp tục đàm phán. Dĩ nhiên, sự “khôn ngoan chính trị” của Vương Đình Huệ đã mở đường cho hàng loạt thoả thuận bất lợi cho đất nước Việt Nam qua các ký kết.

Việt Nam sẽ phải báo cáo cho Trung Quốc 2 năm một lần

Buổi chiều ngày 8 Tháng Tư, Vương Đình Huệ và Triệu Lạc Tế – ủy viên trưởng Ủy Ban Thường Vụ Nhân Đại Toàn Quốc Trung Quốc (chức vụ ngang với chủ tịch Quốc Hội Trung Quốc) ký thỏa thuận mới giữa hai Quốc Hội, để thành lập cơ chế ủy ban hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp do hai chủ tịch đứng đầu.

Theo thoả thuận này, quốc hội Việt Nam và Nhân Đại Toàn Quốc Trung Quốc sẽ họp hai năm một lần. Qua đó hai nước sẽ cùng “học tập, trao đổi kinh nghiệm lập pháp, giám sát và quản trị đất nước,” và “hiện đại hóa và xây dựng chủ nghĩa xã hội phù hợp với tình hình mỗi nước.” Nhưng theo văn bản, đủ biết ai phải học ai, và ai phải làm cho phù hợp với ai.

Đảng CS Việt Nam và Trung Quốc thường tự xưng là anh em của nhau nhưng các cuộc họp hai năm một lần này, rõ là để người em báo cáo những vấn đề nội bộ của mình cho người anh biết và giám sát.

Bên cạnh đó, thoả thuận cũng có nói tới chuyện “hai bên cũng sẽ tiếp tục tăng cường ủng hộ lẫn nhau và phối hợp trên các diễn đàn quốc tế.” Có thể hiểu từ nay việc bỏ phiếu, hay sự có mặt của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc và các diễn đàn quốc tế, đều sẽ răm rắp theo đường hướng của Trung Quốc.

advertisement

Giao hết rừng vàng biển bạc cho Trung Quốc

Ngày 9 Tháng Tư, ông Huệ hội kiến với Vương Hộ Ninh, ủy viên thường vụ Bộ Chính Trị Trung ương đảng CSTQ. Ông Ninh còn là chủ tịch Chính Hiệp Toàn Quốc Trung Quốc, cơ quan có vai trò tương đương với Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam.

Đáng chú ý nhất là chuyện Vương Hộ Ninh nhắc nhở ông Huệ về việc phải xây dựng và bảo vệ các công trình hữu nghị Trung – Việt truyền thống, kết nối hạ tầng giao thông, xây dựng cửa khẩu thông minh, hợp tác trong lĩnh vực năng lượng mới, khoáng sản then chốt…

Tức là phía Trung Quốc muốn tham gia xây dựng thêm nhiều công trình tại Việt Nam và kết nối đường sắt, đường bộ của hai quốc gia. Điều này là nỗi lo của nhiều nhân sĩ trí thức trong nước, đặc biệt khi có tin Bắc Kinh sẽ nắm quyền xây đường sắt nối liền hai quốc gia.

Một trong những nguồn tin hé lộ từ các quan chức trong chuyến đi, là Huệ đã để ngỏ việc Trung Quốc và Việt Nam sẽ cùng kiểm soát nguồn đất hiếm để thống trị thế giới. Đây là đề tài mà Tập Cận Bình mở lời với Hà Nội, nhưng bị làm lơ vào dịp đến thăm Việt Nam, cuối năm 2023.

***

Như đã biết, dù đã cố gắng hết sức tới giây phút cuối cùng để lật ngược thế cờ nhưng Vương Đình Huệ vẫn bị buộc phải từ chức chủ tịch Quốc Hội ngay sau chuyến thăm Trung Quốc. Và dù ông Huệ mất chức thì những hiệp định mà ông này ký với Trung Quốc ở vai trò chủ tịch Quốc Hội vẫn còn hiệu lực. Nó sẽ ảnh hưởng lâu dài cho chủ quyền và chính sách đối ngoại tới nhiều thế hệ sau chứ không đơn giản là chữ ký của một cá nhân.

Giao quyền kiểm soát khoáng sản, xây đường tiến quân cho kẻ thù, báo cáo những vấn đề nội bộ cho ngoại bang, thuần phục ngoại bang trên chính trường quốc tế… Nước cờ của Vương Đình Huệ đã đưa đất nước vào ngõ cụt không lối thoát trước bối cảnh chính trị thế giới vô cùng bất ổn như hiện nay.

Và cuối cùng, khi thua cuộc chiến chính trị phe nhóm, họ chỉ cần từ chức, bị kỷ luật, rồi hạ cánh an toàn làm người “tử tế.” Còn hậu quả thì người dân Việt Nam lãnh đủ, không chỉ là thế hệ hôm nay mà còn nhiều đời sau…

The post Huệ chịu thua, cả đất nước và người dân Việt Nam chịu thiệt appeared first on Saigon Nhỏ.

 

Show More
Back to top button