Vietnam

Nick Út không được xem là tác giả của bức ảnh ‘Em Bé Napalm’

Tổ chức World Press Photo đã thông báo đình chỉ việc ghi nhận quyền tác giả của bức ảnh báo chí nổi tiếng nhất của thế kỷ 20 từng được chụp, sau khi một bộ phim tài liệu được tung ra, thách thức và đòi lại sự thật cho 50 năm lịch sử báo chí bị coi là sai lầm.

Bức ảnh, có tựa đề chính thức là The Terror of War nhưng thường được gọi là Napalm Girl, vẫn là một trong những hình ảnh khó phai mờ nhất về cuộc chiến của người Mỹ ở Việt Nam. Kể từ khi được xuất bản vào tháng 6 năm 1972, nó đã chính thức được cho là của Nick Ut, một nhiếp ảnh gia Việt Nam làm việc với Associated Press ở Sài Gòn.

AP và Nick Út từ lâu đã khẳng định rằng Út, khi đó 21 tuổi, chụp bức ảnh, sau đó giành được giải thưởng Ảnh Báo Chí Thế Giới Của Năm vào năm 1973, và đưa Út trở thành một phóng viên ảnh đáng kính. Nick Út đã sống với ánh hào quang này hơn 50 năm.

advertisement
Phim tài liệu Stringer nêu nghi vấn về tác giả thật của bức ảnh. (Hình chụp qua màn hình)

Nhưng một bộ phim tài liệu gần đây đã thách thức lịch sử đó, thay vào đó đề xuất rằng bức ảnh, mô tả một bé gái chín tuổi trần truồng tên là Phan Thị Kim Phúc khi cô chạy trốn một cuộc tấn công bằng bom napalm ở làng Trảng Bàng ở miền Nam Việt Nam, được chụp bởi một người đàn ông tên là Nguyễn Thành Nghệ. The Stringer, bộ phim được công chiếu tại liên hoan phim Sundance vào Tháng Giêng, tuyên bố rằng ông Nghệ, một tài xế của NBC, người đã bán ảnh cho AP với tư cách là một người làm việc tự do, đã bị từ chối được điền tên tác giả, chỉ vì anh ta không phải là nhân viên của AP.

Bộ phim đã buộc những người có trách nhiệm của World Press Photo, nơi tiến hành cuộc điều tra của riêng mình, có một “suy ngẫm sâu sắc.” Kết quả là tổ chức này đã công bố vào Thứ Sáu ngày 16 Tháng Năm về quan điểm của mình. Một cuộc phân tích nội bộ, được thực hiện từ Tháng Một đến Tháng Năm 2025, và kết luận “dựa trên phân tích vị trí, khoảng cách và máy ảnh được sử dụng vào ngày hôm đó, và xác nhận về chuyện ‘các nhiếp ảnh gia Nguyễn Thành Nghệ hoặc Huỳnh Công Phúc có thể có vị trí chụp ảnh tốt hơn Nick Út.’”

Việc đình chỉ chỉ áp dụng cho quyền tác giả của bức ảnh và không hủy bỏ giải thưởng Ảnh của năm 1973. “Bản thân bức ảnh vẫn không thể tranh cãi,” nhóm cho biết, “và giải thưởng Ảnh Báo Chí Thế Giới Cho bức ảnh quan trọng này về một khoảnh khắc quan trọng trong lịch sử thế kỷ 20 vẫn là một sự thật.”

“Dựa trên những phát hiện này, và theo các giá trị của chúng tôi về độ chính xác, đáng tin cậy và đa dạng, chúng tôi rút ra kết luận liên quan đến việc tác giả thật là ai,” Joumana El Zein Khoury, giám đốc điều hành của nhóm, cho biết trong một thông cáo báo chí. “Điều quan trọng cần phải nói rằng bản thân bức ảnh là giá trị không thể tranh cãi và không nghi ngờ gì nữa, bức ảnh này đại diện cho một khoảnh khắc có thật trong lịch sử tiếp tục vang dội ở Việt Nam, Hoa Kỳ và trên toàn cầu.”

Bộ phim tài liệu The Stringer, do Bảo Nguyễn đạo diễn, đã tìm gặp một số nhân chứng để lập luận rằng ông Nghệ đã bán bức ảnh cho trưởng văn phòng Sài Gòn, Horst Faas, với giá $20 và một bản in, bao gồm cả anh trai của ông Nghệ, người tuyên bố rằng anh ta đã mang cuốn phim cho AP.

Thông cáo của World Press Photo.

Con gái của ông Nghệ, Jannie, người đầu tiên liên lạc với các nhà làm phim, và một số đồng nghiệp phóng viên ảnh cũ để đặt vấn đề về quyền tác giả của bức ảnh này. Sau đó, các nhà điều tra cũng tham khảo ý kiến của các chuyên gia pháp y của Index, một tổ chức phi chính phủ Pháp, các chuyên gia này cũng nhận thấy “rất khó có khả năng” rằng Út đã chụp bức ảnh dựa trên loạt những hình ảnh khác, mà AP tiếp nhận của ông Út vào ngày hôm đó.

Ông Nghệ, người đã xuất hiện bất ngờ tại buổi ra mắt Sundance của Stringer, xác nhận lời kể của mình trong phim. Trong khi đó, ông Nick Út thì phản đối, và tiếp tục tuyên bố quyền tác giả của mình, và nói với AP rằng cuộc tranh chấp “rất khó khăn đối với tôi và đã gây ra đau đớn lớn.”

Nhưng đối với World Press Photo, tác giả của bức ảnh được chính thức khẳng định là không rõ của ai, nhưng dĩ nhiên không là của Nick Út. “Điều này vẫn còn là lịch sử gây tranh cãi, và có thể tác giả của bức ảnh sẽ không bao giờ được xác nhận đầy đủ,” nhóm nghiên cứu cho biết. “Việc đình chỉ xác nhận quyền tác giả hiện tại có hiệu lực, cho đến khi bức ảnh có được chứng minh khác.”

advertisement

The post Nick Út không được xem là tác giả của bức ảnh ‘Em Bé Napalm’ appeared first on Saigon Nhỏ.

 

Show More
Back to top button