Đời SốngVietnam

Chính Thủ tướng thừa nhận cơ chế ‘xin-cho’ dẫn đến vi phạm

Thủ tướng Việt Nam – Phạm Minh Chính khi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hôm 11/1/2024 đã yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, tăng cường công khai, minh bạch, chống cơ chế xin-cho. Ông Chính còn cho rằng: “Vừa qua, kỷ luật, khởi tố đều nảy sinh từ cơ chế xin-cho”.

Thừa nhận có cơ chế ‘xin-cho’ trong quá khứ, còn thực tế hiện nay ra sao?

Ông Lê Văn Triết, cựu Bộ trưởng Thương Mại, khi trao đổi với RFA hôm 12/1/2024 liên quan vấn đề này cho rằng:

advertisement

“Thực tế Việt Nam chưa có cơ chế mà thỏa đáng được mong muốn của người dân, trong quan hệ giữa các cơ quan công quyền với người dân. Vẫn chưa hình thành được những chính sách, chủ trương mà chỉ là lời nói nhiều hơn trong việc chuyển sang bỏ cơ chế xin-cho. Trên thực tế thì vẫn chưa có chính sách và những giải pháp để thực thi bỏ được cơ chế xin-cho. Quan hệ dựa vào cơ quan công quyền để đục khoét vẫn còn nhiều, nên mới có chuyện vừa qua nhiều cán bộ bị bắt. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu về cơ chế xin-cho thì tốt và tích cực về mặt đó, nhưng thực hiện thì phải có quy chế, quy định từ Quốc hội mà ra.”

Thực tế Việt Nam chưa có cơ chế mà thỏa đáng được mong muốn của người dân, trong quan hệ giữa các cơ quan công quyền với người dân.
Ông Lê Văn Triết

Cơ chế ‘xin-cho’ và ‘văn hóa phong bì’ không mới tại Việt Nam, đó là vấn nạn nhức nhối đã được báo chí nhắc đến từ lâu khi nó được mặc nhiên thừa nhận. Vấn nạn này không chỉ thấy trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp với cơ quan Nhà nước, mà còn cả giữa cơ quan công quyền với người dân khi làm các thủ tục hành chính.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường từ năm 2002 đến năm 2007, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này hôm 12/1/2024 nhận định:

“Nguồn gốc của cơ chế xin cho được hình thành trong thời bao cấp, mà điển hình của kinh tế bao cấp chính là Nhà nước chỉ huy tập trung. Một nền kinh tế có điều khiển, Nhà nước có thể quyết định cái này cho người này, cho bao nhiêu, cái kia cho người khác, cho bao nhiêu… hoàn toàn dựa vào các quyết định trực tiếp của chính quyền. Kể từ năm 1991, Việt Nam bắt đầu áp dụng cơ chế thị trường và không còn cơ chế xin cho nữa.”

Thế nhưng theo ông Võ, trên thực tế vẫn xuất hiện các yếu tố, các cách thức vẫn mang tư duy xin-cho trong quá trình Nhà nước can thiệp vào nền kinh tế. Ông Võ nêu dẫn chứng:

“Ngay trong đất đai chẳng hạn, một trong những điều người ta cho rằng điển hình của cơ chế xin-cho và nó cũng tạo ra nhiều tiêu cực, chính là cơ chế nhà nước thu hồi đất… Đất đai là một yếu tố quan trọng trong cơ chế thị trường, thế nhưng những trường hợp cần thiết, nhà nước còn quyết định là thu hồi đất của người này để giao cho người khác. Đã có nhiều ý kiến muốn thay đổi, không cho sử dụng cơ chế xin-cho về đất đai, trừ những trường hợp đặc biệt như những dự án không vì mục tiêu lợi nhuận, mà vì lợi ích chung thì có thể áp dụng cơ chế xin-cho về đất đai.”

Ông Võ cho rằng rất nhiều trường hợp xin-cho và hiện nay nhiều quan chức rơi vào vòng lao lý, nhiều dự án cũng bị kết luận là sai trái liên quan xin-cho. Đồng thời theo ông Đặng Hùng Võ, dự thảo Luật Đất đai hiện nay đang thực hiện cũng vẫn giữ nguyên việc nhà nước thu hồi đất đối với các dự án đầu tư phát triển vì mục tiêu lợi nhuận.

advertisement

Ảnh minh họa: Một kỳ họp của Quốc hội Việt Nam. AFP.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, nguyên Trưởng ban nghiên cứu – Ban dân Vận Trung ương, khi nhận định với RFA hôm 12/1/2024 cho rằng, cơ chế ‘xin-cho’ là bản chất của chế độ hiện nay:

“Xin cho là cơ chế cố hữu thuộc bản chất của chế độ cộng sản hiện nay, cho nên cái gì cũng phải xin. Tôi từng dự một hội thảo ở một trường đại học bàn về vấn đề ‘Đạo làm người của Việt Nam’… có một giáo sư sau khi trình bày thì kết luận rằng phải xin với trung ương ra nghị quyết để bàn về ‘đạo làm người’… thì tôi mới nói vấn đề đạo làm người là của người dân, trí thức phải nghiên cứu rồi giới chính trị làm theo.

Xin cho là cơ chế cố hữu thuộc bản chất của chế độ cộng sản hiện nay, cho nên cái gì cũng phải xin.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai

Nhưng theo ông Nguyễn Khác Mai, thể chế ở Việt Nam là một thể chế cậy quyền đã lâu ngày, thành ra cái xin-cho đã trở thành phương thức chính. Ông Mai nói tiếp:

“Anh nào khéo xin thì được, mà muốn xin là phải có tiền mới xin được, hoặc là có thế mới xin được. Cho nên không phải chỉ có tài, mà phải có tiền, có quyền, có thế, có thân hữu… Như thế là Việt Nam đã trở lại một xã hội rất lạc hậu và đề cao những mặt đen tối của ngày xưa, chứ không đi vào cái sáng tỏ, sáng suốt, minh triết của nhân loại.”

Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai cho rằng, muốn bỏ cơ chế xin cho là phải trở lại một nguyên tắc rất lớn là đề cao quyền lực của nhân dân. Quyền lực của nhân dân phải đóng trong Hiến pháp, mà một Hiến pháp không chỉ là Hiến pháp gọi là lèo lái, lừa đảo…, mà theo ông Mai, là một Hiến pháp thật sự nói quyền dân, là dân thật sự có quyền, dân có quyền ứng cử bầu cử, dân có quyền chọn người ra ứng cử bầu cử thay cho mình… Có làm được như vậy thì theo ông Mai, mọi chuyện xin-cho mới bị loại bỏ.

Tin từ RFA Read More

Show More
Back to top button