
Đại Hội Đảng CSVN XIV đang tới gần. Chiếc ghế chủ tịch nước-một vị trí tưởng chừng như mang tính biểu tượng, bỗng trở thành mối bận tâm hàng đầu ở bàn cờ chính sự Việt Nam.
Ông Lương Cường đang giữ chiếc ghế này nhưng ngày càng hiện diện như thể vắng bóng. Ai sẽ kế nhiệm? Phan Văn Giang, cái tên tưởng chừng đã vụt tắt lại nổi lên như một phương án chuyển tiếp tạm thời.
Ngay sau khi được Bộ Chính Trị CSVN bổ nhiệm làm chủ tịch nước vào Tháng Mười, 2024, ông Lương Cường nhanh chóng lao vào cuộc đối đầu sinh tử với Tổng Bí Thư Tô Lâm nhằm tranh đoạt chiếc ghế cáo nhất của đảng sau đại hội XIV. Tuy nhiên, ông Cường chẳng khác nào chú cừu non trước cáo hùm Tô Lâm. Chỉ ba ngày sau, ông Cường dính ngay cú scandal ngoại giao tệ hại nhân chuyến thăm chính thức tới Chile. Sự việc bùng nổ khi Thượng Tá công an Lại Đắc Tuấn-cận vệ đi theo tháp tùng ông Cường có hành động rất khó hiểu là tấn công tình dục một nhân viên khách sạn.
Dù bản thân ông Cường không liên quan trực tiếp, nhưng cú scandal này để lại một vết tích khó chữa lành. Đồng thời nó đánh sập toàn bộ mưu đồ vương quyền của ông ngay từ trong trứng nước, cơ bản đã lọt vào bẫy triệt hạ của ông Tô Lâm.
Thấy không thể đối đầu với Tổng Tô được nữa, ông Cường lui về củng cố thế lực Quân Đội. Một bước phòng thủ chiến lược, trợ giúp cho Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng Phan Văn Giang thành người kế vị, nhằm bảo đảm người của Quân Đội vẫn còn ghế trong “tứ trụ,” ngăn chặn phe Công An và người của ông Tô Lâm độc chiếm quyền lực.
Ông Phan Văn Giang là một trong những nhân vật kỳ cựu trong quân đội, với kinh nghiệm hơn 30 năm công tác trong ngành, kinh qua nhiều chức vụ quan trọng như chức Tổng tham mưu trưởng. Với bề dày thành tích và mạng lưới quan hệ rộng trong quân đội, đây là một lực lượng quyền lực đủ khả năng trợ giúp ông Giang ứng phó trước những mưu toan đến từ các ông Tô Lâm, Phạm Minh Chính và phe Công An nói chung.
Tầm ảnh hưởng của ông Giang không chỉ giới hạn trong nội bộ Quân Đội. Ông còn có mối quan hệ quốc tế sâu rộng trong lĩnh vực an ninh-quốc phòng, nhiều mối quan hệ mật thiết với các quốc gia trong khu vực và thế giới. Ông Giang hội tụ đủ khả năng lãnh đạo và quản lý các vấn đề lớn của đất nước trong thời điểm chế độ và đất nước đang cần cao độ sự ổn định chính trị, an ninh và quốc phòng.
Hơn nữa, bối cảnh quốc tế hiện có những diễn biến phức tạp, với các thách thức liên quan đề an ninh và chủ quyền quốc gia như:
-Vấn đề Biển Đông.
+Tháng Năm, 2023, Trung Quốc điều tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 cùng tàu hải cảnh và một số tàu đánh cá ngụy trang đến khu vực bãi Tư Chính.
+Tháng Hai, 2024, một trong những tàu hải cảnh lớn nhất của Trung Quốc là tàu số 5901 bật hệ thống nhận dạng tự động (AIS) tại vị trí gần bãi Tư Chính.
+Tháng Mười Một, 2024, lực lượng hải cảnh Trung Quốc bắt giữ trái phép tàu cá và ngư dân Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa.
+Tháng Tư, 2025 vừa qua, trong lúc CSVN kêu quân đội Trung Quốc sang tham dự diễu binh tại Sài Gòn thì ngoài Biển Đông, một số quân nhân thuộc lực lượng hải cảnh Trung Quốc lên một bãi cạn ở Trường Sa giăng cờ tuyên bố chủ quyền.
-Chiến tranh quân sự Nga-Ucraina, Trung Đông và thương chiến Hoa Kỳ-Trung Quốc… đã đặt Việt Nam vào thế phải chịu sức ép rất lớn về ngoại giao lẫn kinh tế. Cả Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga đều là những đối tác chiến lược toàn diện, đồng thời cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Trung Quốc lâu nay vẫn luôn tăng cường ảnh hưởng chính trị tại Việt Nam thông qua các kênh ngoại giao, kinh tế, văn hóa và thường hay hiện diện tại các thời điểm Việt Nam chuyển giao lãnh đạo như Đại Hội Đảng XIV sắp tới.
Trước tình hình đó, ông Phan Văn Giang được CSVN kỳ vọng là người có thể mang lại sự ổn định thế cục, bảo vệ lợi ích quốc gia và củng cố vị thế của Việt Nam trên bàn cờ thế giới.
Ngoài ông Giang, một cái tên khác cũng thu hút nhiều sự chú ý của giới quan sát trong thời gian qua, đó là ông Phan Đình Trạc. Ông Trạc hiện đang là Trưởng Ban Nội Chính Trung Ương cũng nổi lên như một ứng viên nặng ký, có nhiều năm công tác tại các cơ quan tố tụng và bảo vệ pháp luật. Nghĩa là ông Trạc có vai trò quan trọng trong công tác phòng-chống tham nhũng, giám sát cán bộ, có kinh nghiệm xử lý các vấn đề nội bộ Đảng và Chính Phủ, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến bảo vệ chính trị và xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch.
Đơn cử mới đây, ông Trạc góp phần vào việc phanh phui sai phạm tại dự án xây dựng mới trụ sở Bộ Ngoại Giao khiến nhiều cán bộ bị khởi tố, kỷ luật; Hàng loạt vụ án liên quan đến cán bộ thuộc các Bộ: Công An, Tài Chính, Y Tế, Giáo Dục, Công Thương… bị triệt phá, tống giam trong nhiệm kỳ. Ông Trạc trở thành trợ thủ đắc lực giúp Tổng Bí Thư Tô Lâm loại bỏ nhiều ủy viên Bộ Chính Trị khóa XIII, thanh trừng những đối thủ tiềm năng trước đại hội.
Bối cảnh “đốt lò” và cải cách, sự xuất hiện của ông Trạc là giúp CSVN xây dựng lại niềm tin của người dân vào bộ máy lãnh đạo. Bằng uy tín của mình trong Đảng, ông Trạc đóng góp lớn vào các mục tiêu cải cách hành chính, tạo cho bộ máy Chính Phủ có một môi trường chính trị ổn định và minh bạch.
Cả ông Trạc lẫn ông Giang đều là ứng cử viên nặng ký cho chức chủ tịch nước kế nhiệm ông Lương Cường. Tuy nhiên, ông Trạc có điểm yếu là thiếu kinh nghiệm quốc phòng và đối ngoại. Trong một thế giới đầy biến động, đặc biệt là ở biển Đông và các vấn đề an ninh khu vực, sự phát triển và ổn định của một quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào công cuộc bảo vệ chủ quyền, ông Giang là lá bài thích hợp mà giới chóp bu CSVN tung ra để giải quyết các vấn đề thời cuộc.
Hơn nữa, chức vụ chủ tịch nước không chỉ mang tính đại diện cho đất nước mà còn có vai trò trong việc điều phối các vấn đề quan trọng liên quan đến đối ngoại và quốc phòng. Một người ít có kinh nghiệm như ông Trạc nếu ở vị trí này sẽ rất khó đáp ứng nhiệm vụ như mong muốn. Đây đang là một thế trận an ninh-quốc phòng-đối ngoại, rất cần người am hiểu thế trận để bày binh đối phó.
An ninh quốc gia và sự trong sạch của Đảng CSVN là hai yếu tố gắn liền. Nếu Đảng CSVN không giữ được trong sạch thì sẽ rơi vào hoàn cảnh mất kiểm soát xã hội. Nhưng khi an ninh quốc gia bị đe dọa, liệu Đảng CSVN có giữ được tính chính danh? Bài toán này đặt ra đã bắt buộc Đảng CSVN phải chọn một người lãnh đạo vừa đủ năng lực bảo vệ đất nước vừa ổn định chính trị. Rõ ràng ông Giang là sự lựa chọn phù hợp hơn Phan Đình Trạc.
Đó là chưa kể, mặc dù ông Phan Đình Trạc có một thời cùng Tô Lâm đứng cùng chí tuyến chống tham nhũng, có lúc ông Trạc được ủng hộ mạnh mẽ ngồi vào chiếc ghế chủ tịch nước thay ông Lương Cường. Tuy nhiên, sự kiện ông Nguyễn Duy Ngọc-thân tín của Tô Lâm ngồi vào chiếc ghế chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương, và mới đây ông Tô Lâm được bầu Trưởng Ban Chỉ Đạo hoàn thiện thể chế-pháp luật, thì ông Trạc và nhiều thành viên Bộ Chính Trị mới ngớ người ra. Bấy lâu nay, ông Tô Lâm muốn Bộ Công An ôm trọn khâu điều tra, tố tụng và xét xử, nên khi đã đạt được mục đích, ông Trạc và Ban Nội Chính Trung Ương bị đẩy ra rìa vì đã “dư thừa,” không còn được ông Tô Lâm xem trọng.
Ở Việt Nam, thời hiện tại chiếc ghế chủ tịch nước chỉ mang tính biểu tượng, là bệ phóng để ngồi vào chiếc ghế tổng bí thư, chứ không thể hiện quyền lực thực chất nào đáng kể. Bản thân ông Giang không có “dự trữ” nhóm lợi ích bảo kê nào có sức mạnh ảnh hưởng chính trị, nên dù ngồi vào chiếc chủ tịch nước, cũng khó trụ được lâu dài. Và có thể sau khi dùng xong ông Giang, CSVN sẽ “vắt chanh bỏ vỏ” như trường hợp của ông Tô Lâm dành cho ông Phan Đình Trạc cũng nên!
The post Ông Phan Văn Giang lên ngôi, ông Phan Đình Trạc hết thời appeared first on Saigon Nhỏ.