Đời SốngVietnam

Quân cảng Ream và Kênh đào Funan của Campuchia: nỗi lo lớn đối với Việt Nam

Hôm 18/4/2024, Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố thông tin về hai tàu hải quân Trung Quốc đã đậu ở căn cứ hải quân Ream của Campuchia trong hơn 4 tháng. 

AMTI cho biết hai tàu chiến Trung Quốc này là những tàu đầu tiên và duy nhất được cập cảng tại căn cứ quân sự này. Năm 2020, Thủ tướng Hunsen đã nói quân cảng Ream được mở cho hải quân tất cả các nước ghé thăm. Tuy nhiên, hồi tháng 2, 2024, hai tàu  khu trục Nhật Bản là TV-3521 Shimakaze và DD-114 Suzunami đã được đưa tới cảng Sihanoukville thay vì cách Ream. Ngay cả tàu của Campuchia cũng không đậu ở bến tàu mới, vừa được hoàn thành bằng tiền của Trung Quốc này. 

Từ đó, AMTI đặt câu hỏi liệu sự hiện diện thường trực của hải quân Trung Quốc tại quân cảng Ream đã được thiết lập trên thực tế hay mới chỉ là “lời đồn”.

advertisement

Theo các chuyên gia, sự kết hợp giữa quân cảng Ream và kênh đào Phù Nam có thể tạo mối đe dọa an ninh truyền thống (quân sự) và an ninh phi truyền thống (môi trường, kinh tế, chính trị) đối với Việt Nam. 

Việt Nam sẽ lo lắng hơn cả Hoa Kỳ 

Trao đổi với RFA, ông Greg Poling, Giám đốc Chương trình AMTI ở Trung tâm CSIS, nói cần lưu ý thêm là Trung Quốc và Campuchia cũng xây dựng thêm một sân bay ngay sát bên cạnh quân cảng Ream. Chưa biết sân bay này có phải là sân bay quân sự không, nhưng nó cũng được xây dựng theo tiêu chuẩn có thể dùng cho cả quân sự, nghĩa là có tính chất “lưỡng dụng”. Ông nói tiếp:

“Tôi nghĩ có thể nói rằng không phải là Hoa Kỳ mà chính Việt Nam sẽ phải bận tâm nhiều hơn về các căn cứ hải quân, sân bay và các thiết bị mà Trung Quốc có thể sẽ lắp đặt ở đó. Trong thời bình, các cơ sở này cho phép Trung Quốc theo dõi mọi hoạt động của hải quân, không quân của Việt Nam ở bất kỳ đâu tại miền Nam và Vịnh Thái Lan. Tại đó, họ có khả năng phóng những máy bay do thám, tuần tra, có thể bay vòng quanh bờ biển Việt Nam. Xưa nay, biên giới phía bắc là mối quan tâm hàng của Việt Nam. Từ đây, Việt Nam sẽ phải lo lắng nhiều hơn ở khu vực phía Nam. Chắc chắn là Việt Nam sẽ phải củng cố hơn nữa mối quan hệ chính trị với Campuchia.”

Tương tự như ông Greg Poling, ông Nguyễn Thế Phương, nhà nghiên cứu quân sự và quan hệ quốc tế ở Đại học Canberra, Australia, cho rằng bất cứ sự hiện diện nào của Trung Quốc, đặc biệt là sự hiện diện mang yếu tố quốc phòng, quân sự, ở khu vực “buffer zone” (vùng đệm) an ninh của Việt Nam thì đều mang tính đe dọa. 

Ông cho biết trong tư duy chiến lược của Việt Nam, vốn có từ giai đoạn sau 1975, nhất là sau khi đưa quân vào Campuchia, Việt Nam luôn coi Lào và Campuchia là những khu vực chiến lược quan trọng trên đất liền. Mức độ quan trọng của hai khu vực này còn hơn cả biên giới phía Bắc. Ông nói tiếp:

“Rõ ràng có sự hiện diện nào đó về mặt quân sự của Trung Quốc ở Lào và Campuchia thì điều đó là mối đe dọa lớn đối với Việt Nam. Đó là mối đe dọa lớn cho Việt Nam cho cả kịch bản thời bình và thời chiến. Chúng ta cần lưu ý là có khá nhiều kịch bản khác nhau. Thời bình có kịch bản riêng cho thời bình. Thời chiến có kịch bản riêng cho thời chiến.” 

Quân cảng Ream nằm trong chiến lược “chuỗi đảo” của Trung Quốc

advertisement

Ông Nguyễn Thế Phương cũng lưu ý quân cảng Ream không đứng một mình. Ở khu vực đó, Campuchia còn xây dựng một sân bay chứ không chỉ có quân cảng. Ở đây là một tổ hợp quân cảng và sân bay. Ông cho rằng có khả năng cao là Trung Quốc có quyền tiếp cận toàn bộ tổ hợp này, ngay cả dưới hình thức đơn giản. Ví dụ, giống như với Cam Ranh thì Việt Nam mở cửa, hải quân nước nào tới cũng được. Nếu Campuchia làm như vậy với Ream thì chúng ta vẫn biết Trung Quốc tới đó nhiều nhất. Ông nói tiếp:

“Điều đó sẽ tạo ra một mối lo ngại lớn, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường kiểm soát và hiện diện bên trong chuỗi đảo thứ nhất, thừ Senkaku ở biển Hoa Đông, sang quần đảo Okinawa của Nhật, chạy xuống biển Đông rồi Madagasca ở phía Ấn Độ Dương. 

Nếu quân cảng Ream trở thành một vị trí mà Trung Quốc có thể tiếp cận thường xuyên thì Vịnh Thái Lan sẽ trở thành khu vực Trung Quốc hiện diện thường xuyên. 

Trước đây thì thông qua các đảo nhân tạo ở Trường Sa thì Trung Quốc cùng lắm là xuống quần đảo Natuna của Indonesia và eo biển Malacca. Họ có thể quấy rối Indonesia khi Indonesia thực hiện các hoạt động thăm dò khai thác dầu khí ở vùng biển Natuna. Nhờ các đảo ở Trường Sa thì họ có thể triển khai nhanh chóng tàu hải cảnh tới khu vực đó. 

Tức là năng lực Trung Quốc có thể hiện diện toàn bộ đường lưỡi bò. Nghĩa là chỗ nào đường lưỡi bò liếm tới thì Trung Quốc có thể triển khai lực lượng đến đó nhanh nhất có thể.”

Ông Nguyễn Thế Phương nhấn mạnh bây giờ nếu có thêm cảng Ream thì Trung Quốc có thể tăng cường triển khai lực lượng ở Vịnh Thái Lan.  Từ đó, nó tạo cơ sở để họ hiện diện ở toàn bộ vùng bên trong chuỗi đảo thứ nhất. Đó là một năng lực rất quan trọng với Trung Quốc. 

Khi đó, lợi ích không chỉ với Việt Nam mà Indonesia, Thái Lan cũng bị ảnh hưởng. 

Quân cảng Ream và kênh đào Phù Nam 

Theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Tp. HCM, Trung Quốc thường sắp xếp thế trận theo kiểu cờ vậy, tức là triển khai nhiều quân cờ ở những địa điểm, thời điểm khác nhau. Nhìn bề ngoài, những điều này dường như không liên quan, nhưng ở một thời điểm nào đó, khi chúng được ráp nối lại, chúng sẽ tạo ra một thế trận hoàn toàn mới. 

Các nhà nghiên cứu đều lưu ý rằng quân cảng Ream và một mối quan hệ nhất định với kênh đào Phù Nam mà Campuchia tuyên bố sẽ khởi công trong năm 2024. Một đầu Kênh đào Phù Nam nối với với sông Mekong ở gần Phnompenh, một đầu nối với Vịnh Thái Lan, sát ngay bên cạnh quân cảng Ream. Câu hỏi đặt ra là liệu kênh đào này có thể giúp tàu Trung Quốc đi từ Ream vào tời Phnompenh hoặc thậm chí theo dòng Mekong đi xa hơn lên thượng nguồn? 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương cho rằng sông Mekong đoạn thượng nguồn rất khó cho tàu lớn di chuyển. Nhưng đi từ Vịnh Thái Lan vào tới khu vực Phnompenh là có thể. Ông nói: 

“Trung Quốc có thể từ Ream vào Phnomphenh, nhưng không lên đến thượng nguồn. Mặt khác, Trung Quốc cũng không cần phải làm như vậy. Ngoài ra, việc tàu Trung Quốc vào tới Phnomphenh thì không phải là cái quan trọng. Cái quan trọng nhất vẫn là vùng biển Việt Nam ở Vịnh Thái Lan và miền Nam Việt Nam bị Trung Quốc theo dõi hết. Và cái thứ hai là khả năng hải cảnh Trung Quốc có thể sẽ hiện diện tới tận Ream.

Còn với kênh đào Phù Nam thì vấn đề lớn nhất là nó tạo ra một mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Nó không phải là đe dọa về quân sự mà là đe dọa an ninh phi truyền thống, tức là nó phá hủy hệ sinh thái ở Đồng bằng Sông Cửu Long, lấy nước cho nông nghiệp và sinh hoạt trong vùng. Một khi an ninh lương thực của Việt Nam bị đe dọa thì tiếp theo sẽ là an ninh kinh tế và an ninh chính trị.” 

Tin từ RFA Read More

Show More
Back to top button