Vietnam

Hà Nội cấm ứng dụng nhắn tin Telegram, vì sao?

Sau một thông cáo ngắn và mù mờ về lý do, Hà Nội tuyên bố sẽ chận ứng dụng Telegram tại Việt Nam. Hành động này được coi là theo chân các quốc gia độc tài đàn anh là Trung Quốc và Nga, vốn đã chận ứng dụng này tù 2015.

Theo công văn số 2312/CVT-CS của Cục Viễn Thông phát đi vào cuối Tháng Năm 2025, công an mạng sẽ bắt đầu chận sử dụng Telegram vào ngày 2 Tháng Sáu 2025. Mọi diễn biến nhanh và bất ngờ này khiến nhiều người ngạc nhiên, thậm chí đại diện của Telegram cho biết là họ “lấy làm ngạc nhiên bởi những tuyên bố đó,” Một đại diện công ty nói với Reuters vào thứ Sáu 23 Tháng Năm.

“Chúng tôi vẫn trả lời các yêu cầu pháp lý từ Việt Nam đúng hẹn. Nhưng sáng nay, chúng tôi lại nhận được một thông báo chính thức từ cơ quan thẩm quyền liên quan đến quy định viễn thông mới. Hạn chót mà phía Việt Nam cho phản hồi là ngày 27 Tháng Năm và chúng tôi đang xử lý yêu cầu, “Đại diện Telegram nói.

advertisement

Một quan chức của Bộ Khoa học và Công nghệ của chính quyền tiết lộ rằng Hà Nội không hài lòng sau khi yêu cầu Telegram phải chia sẻ dữ liệu người dùng với công an, khi có yêu cầu, đặc biệt là từ các cuộc điều tra hình sự.

Bộ Công An Cộng sản Việt Nam (CSVN) tuyên bố rằng nhiều nhóm Telegram ở Việt Nam đã trở thành trung tâm cho nội dung “độc hại “-bao gồm tài liệu chống chính phủ, các kế hoạch gian lận, buôn bán ma túy và thậm chí giao dịch dữ liệu bất hợp pháp. Các quan chức cho biết ứng dụng đã không hợp tác với các yêu cầu của địa phương để giám sát hoặc xóa nội dung đó, cũng như không đăng ký kinh doanh tại quốc gia này theo yêu cầu theo luật Việt Nam.

Tuy nhiên, với các cáo buộc mang tính bao quát, phía công an CSVN lại không đưa ra một chứng cứ cụ thể nào về các vấn đề như buôn bán ma túy hay tài liệu chống chính phủ. Một người sử dụng mạng xã hội trong nước, xin được giấu tên, nói với báo Sài Gòn Nhỏ rằng các cáo buộc như với Telegram, đều có ở tất cả các ứng dụng khác như Facebook hay Tiktok. Thậm chí nếu có một cuộc điều tra độc lập người ta sẽ tìm thấy các vụ lừa đảo và buôn bán bất hợp pháp ở trên không gian  mạng như Facebook hay Tiktok có lẽ là còn  nhiều hơn trong các trang mạng có các vi phạm như vậy.

Điều khác biệt của Telegram là chính quyền không kiểm soát được nội dung các tin nhắn đã được mã hóa ở đầu người gửi và người nhận, cũng như không thể truy soát được nhân thân và tin tức liên quan đến người sử dụng Telegram.

Tính bảo mật và quyền riêng tư của Telegram, mà lâu nay cơ quan quản lý ứng dụng này không chấp nhận chia sẻ với các chính quyền, là điều khiến Hà Nội tức giận. Điều này nhắc người ta nhớ đến việc điện thoại Blackberry với tính năng bảo mật tin nhắn AES 256-bit, mà ngay cả máy chủ của BlackBerry cũng không thể truy xuất được. Hãng điện thoại này được nói là đã từng được công an CSVN yêu cầu cung cấp quyền truy cập vào một số dịch vụ không phải doanh nghiệp nhưng thất bại, được nói là ảnh hưởng đến việc kinh doanh chính thức của hãng này tại Việt Nam, vào lúc thương hiệu này đang thu hút toàn cầu.

Tin từ Việt Nam cũng cho biết các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và Internet địa phương đã được các nhân viên an ninh mạng hướng dẫn cách chặn Telegram, mặc dù chính ứng dụng và bộ công nghệ của Việt Nam đã không trả lời các yêu cầu bình luận.

Hoạt động ngày thường của công an mạng (Vietnamnet)

Mặc dù gọi tên một loạt các vi phạm của ứng dụng Telegram như một cách để thuyết phục công chúng, hành động này của Hà Nội được cói là tương đồng với nỗ lực rộng lớn hơn của đảng độc tài ở Việt Nam để tăng quyền kiểm soát không gian trực tuyến. Trong khi các nền tảng toàn cầu như Facebook và YouTube phải tuân lệnh chính quyền để có thể truy cập được trong nước, Hà Nội luôn biểu lộ rõ lập trường hà khắc về nội dung bất đồng chính kiến ​​và trái phép. Năm 2023, nhà cầm quyền bắt buộc các nền tảng truyền thông xã hội nước ngoài phải xác minh danh tính người dùng và cung cấp chúng cho chính phủ khi có yêu cầu.

advertisement

Từ năm ngoái, Hà Nội đã thành công trong việc yêu cầu các nền tảng như Facebook và Tiktok phải hợp tác xác minh danh tính người dùng và bàn giao dữ liệu cho chính quyền, điều này đã bị nhà phê bình thời sự mô tả là cuộc tấn công mới nhất vào tự do ngôn luận ở quốc gia cộng sản cai trị.

Theo trang web báo cáo dữ liệu trong nước, hiện có 79,8 triệu cá nhân sử dụng Internet tại Việt Nam vào đầu năm 2025 và theo công ty trích xuất dữ liệu Soax, có 11,8 triệu người dùng Telegram.

Trong công văn ngắn và hoàn toàn thiếu thông tin cụ thể, nhà cầm quyền Việt Nam có để lộ nỗi lo thực sự của họ, là Telegram đã hình thành nhiều hội nhóm, với “hàng chục ngàn đối tượng tham gia, do các đối tượng phản động, chống đối tạo lập, phát tán tài liệu chống phá…” Thậm chí những người dùng Telegram cũng xác nhận có nhiều công an viên và quân đội đương chức cũng tạo danh khoản trên ứng dụng này để tiết lộ, bàn bạc về những bí mật trong hệ thống do bất mãn.

Công văn cũng xác định có tới 68% trong số 9.600 kênh trên Telegram Việt Nam chứa ‘thông tin độc hại và xấu’, báo cáo của chính phủ cho biết, trích dẫn lời công an CSVN.

Lệnh cấm mới nhất, tiết lộ từ công văn của Cục Viễn Thông cho thấy, Hà Nội đã hành động tương tự Nga vào năm 2018, khi Telegram từ chối hợp tác với cơ quan an ninh địa phương, không cung cấp quyền truy cập vào các khóa mã hóa để giải mã tin nhắn của những người bất đồng chính kiến, được Nga gán ghép đưa vào luật chống khủng bố. Lệnh cấm này kéo dài khoảng hai năm và được dỡ bỏ vào Tháng Sáu 2020.

Trước đó, vào năm 2015, Trung Quốc cấm Telegram. Lý do chính là ứng dụng này bị cáo buộc được các nhóm biểu tình Dù Vàng ở Hồng Kông và giới tranh đấu dân chủ sử dụng để phát tán thông tin, tiềm tàng đe dọa an ninh quốc gia. Trước khi cấm, Bắc Kinh đã cho nhiều đợt tấn công DdoS để làm ngừng hoạt động của ứng dụng này. Ngoài ra, tính năng mã hóa đầu cuối và tính ẩn danh cao của Telegram khiến Trung Quốc lo ngại về việc không thể kiểm soát nội dung và hoạt động trên nền tảng này.

Một người dùng mạng xã hội ẩn danh ở Việt Nam, khi được hỏi về lệnh cấm Telegram, đã bình luận rằng “chẳng lẽ cứ ứng dụng công cộng nào nói có phản động thì cũng lấy cớ để cấm, thì mai mốt còn lại gì cho dân thường sử dụng?”

 

The post Hà Nội cấm ứng dụng nhắn tin Telegram, vì sao? appeared first on Saigon Nhỏ.

 

Show More
Back to top button