Đời SốngVietnam

Phát triển năng lượng xanh ở Việt Nam đối mặt khó khăn gì?

Việt Nam cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để hướng đến mục tiêu đó, Việt Nam đã có nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển dịch năng lượng một cách hiệu quả, bền vững. Tuy nhiên, việc chuyển dịch năng lượng còn đối mặt nhiều khó khăn và cần các giải pháp ra sao. RFA phỏng vấn Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng độc lập thuộc Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam; nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng.

Diễm Thi: Thưa tiến sĩ, Việt Nam cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Theo ông, Việt Nam cần phải làm gì trước mắt?

Tiến sĩ Ngô Đức Lâm: Năng lượng Việt Nam bây giờ đòi hỏi phải phát triển ở tốc độ cao và phụ thuộc nền kinh tế quốc dân. Tốc độ phát triển cao nhưng năng lượng Việt Nam luôn luôn ở trạng thái thiếu hoặc không kịp thời. Cái khó nhất của nhà nước hiện nay là phải làm sao đầu tư cho kịp với phát triển của nền kinh tế. Bởi năng lượng là cơ sở hạ tầng cho tất cả các nền kinh tế khác phát triển, bên cạnh giao thông và cơ sở hạ tầng. Nó đòi hỏi không những phải phát triển nhanh mà phải đi trước một bước. Năng lượng phải đón đầu thì mới phát triển kịp.

advertisement

Diễm Thi: Để thực hiện được những cam kết với quốc tế, Việt Nam có gặp khó khăn trở ngại gì, thưa tiến sĩ?

Tiến sĩ Ngô Đức Lâm: Khó khăn thì cũng nhiều. Khó khăn đầu tiên là phải huy động, đầu tư một khoản tài chính lớn. Dựa vào nguồn của nhà nước thì chắc là không đủ mà phải có xã hội hóa. Tức là phải có sự đầu tư của tư nhân trong và ngoài nước thì mới có khả năng đáp ứng đủ tài chính cho phát triển.

Để đón được nguồn tài chính của nước ngoài thì phải có chính sách và luật pháp cho kịp thời và phù hợp để thu hút đầu tư. Đó là cái dầu tiên phải làm. Chủ trương thì có nhưng thực hiện thì khó khăn đầu tiên là vấn đề tài chính. Phải huy động sao cho đủ.

Cái thứ hai, ở Việt Nam xưa nay phát triển nền năng lượng hóa thạch là nhiều. Loại năng lượng ấy gây ô nhiễm đã đành, phát thải lại lớn. Nó trái ngược với hướng phát triển của quốc tế mà Việt Nam đã cam kết là chuyển sang năng lượng xanh. Do đó phải chuyển đổi năng lượng chủ yếu là năng lượng than. Hiện nay năng lượng từ than vẫn là nhiều, chiếm tỷ trọng lớn, ít nhất là 30 đến 40 phần trăm. Trong tương lai muốn phát triển năng lượng xanh thì phải đưa xuống khoảng 20 phần trăm thôi. Đến năm 2045-2050 thì phải gần như không còn nữa. Phải có nguồn năng lượng thay thế cho nguồn năng lượng than.

Diễm Thi: Chuyển đổi bằng cách gì, thưa tiến sĩ?

Tiến sĩ Ngô Đức Lâm: Hiện nay Việt Nam đã chuyển dần sang năng lượng gió và mặt trời. Hiện đã chiếm tỷ lệ 15 đến 20 phần trăm. Trong tương lai gần phải nâng lên 30 tới 40 phần trăm thì mới được. Không thể đưa cao hơn nữa được vì năng lượng từ gió và mặt trời không ổn định. Nó luôn luôn thay đổi, phụ thuộc thời tiết rất nhiều mà hệ thống điều khiển trong nước Việt Nam hiện nay chưa theo kịp. Tức là phải đổi sang cái gọi là ‘lưới điện thông minh’. Cái này công nghệ Việt Nam hiện nay phải đón nhận được công nghệ quốc tế chuyển giao thì mới kịp.

Cái thứ hai là tập quán, thói quen của người dân cũng không phải dễ dàng thay đổi ngay được. Đó là một cái khó khăn nữa.

Như vậy nếu không làm nhiệt điện than, năng lượng tái tạo từ gió và mặt trời cũng ở mức độ nhất định, không thể hơn được. Hệ thống tích lũy năng lượng ban ngày để ban đêm sử dụng ở Việt Nam chưa lớn, phải phụ thuộc quốc tế, mà ngay cả quốc tế cũng đang trong giai đoạn chuyển đổi. Đó cũng là một khó khăn.

advertisement

Do đó phải chuyển sang năng lượng khí và khí hóa lỏng. Từ bây giờ đến năm 2035, trong 10 năm, phải phát triển với tỷ lệ khá lớn. Phải nhập được khí hóa lỏng. Điều này cần bến cảng, kho bãi có khả năng nhập thì mới tiến hành được. Việt Nam hiện nay đang cực kỳ cố gắng để năm 2024, 2025 có tổ máy đầu tiên phát điện bằng năng lượng khí hóa lỏng.

Việt Nam đang hợp tác rất nhiều với nước ngoài như Nga, Hoa Kỳ, các nước Bắc Âu để thực hiện một loạt hệ thống đó, sao cho đến năm 2035 chiếm tỷ lệ khá cao. Tuy vậy tiến độ hiện nay cũng đang gặp khó khăn vì mình chưa có đủ cảng khí để nhập khí. Trước thì mình có cảng than. Bây giờ phải có tàu lớn, cảng sâu thì mới có khả năng nhập khí hóa lỏng được. Việt Nam cũng đang xây dựng nhưng lo tiến độ không kịp. Nếu tiến độ phát triển thì có khả năng đáp ứng những điều Việt Nam đã cam kết về năng lượng xanh.

Diễm Thi: Kế hoạch dài hạn Việt Nam cần thực hiện là gì, thưa tiến sĩ?

Tiến sĩ Ngô Đức Lâm: Cái dài hạn là phải phát triển không dùng khí nữa mà phải dùng Hydro hoặc Amoniac. Loại năng lượng này còn sạch hơn nữa nhưng phải chờ công nghệ của quốc tế. Quốc tế phát triển và chuyển giao được thì Việt Nam cũng thay đổi. Có nghĩa là từ 2035 trở đi, có khả năng Việt Nam hoàn toàn áp dụng công nghệ mới để đến năm 2045 – 2050 phát thải sẽ bằng 0. Đó là điều rất tốt.

Đó là riêng hệ thống năng lượng. Nhưng để phát thải bằng 0 thì đó là một sự phát triển tổng hợp, hài hòa giữa các nguồn khác như phát triển rừng, bảo vệ rừng để hấp thụ được khí phát thải Cacbonic ra. Có như thề thì mới bảo đảm dòng phát thải bằng 0. Nông nghiệp cũng phải chuyển đổi hệ thống nông nghiệp xanh thì mới bảo đảm năng lượng xanh toàn bộ. Có nghĩa năng lượng xanh phải kết hợp với các hệ thống khác, kể cả giao thông như ô tô điện thay cho xăng dầu chẳng hạn. Hiện nay Việt Nam cũng đang huy động, phát triển một cách toàn diện.

Tóm lại, chủ trương của Việt Nam là tốt, quyết tâm cũng cao. Nhưng có những cái vượt quá khả năng của mình như tài chính, công nghệ, đào tạo nhân lực có khả năng tiếp thu nền công nghệ mới. Những khó khăn đó đôi khi phải phụ thuộc bước ngoài rất nhiều. 

Diễm Thi: Là một nước nhiệt đới, Việt Nam có lợi thế về điện mặt trời ra sao, thưa tiến sĩ?

Tiến sĩ Ngô Đức Lâm: Việt Nam đang có chủ trương các gia đình sử dụng năng lượng mặt trời mái nhà. Tức là các gia đình, các cơ quan, các khu công nghiệp có thể sử dụng mái nhà lấy năng lượng mặt trời thì phải làm. Tôi gọi đó là ‘năng lượng điện tự tiêu’. Tự sản xuất ra và tự sử dụng. Nhưng hiện nay còn vướng mắc lớn nhất là khi dùng thừa thì phải đưa ra lưới để bán. Nhưng để chuyển điện từ trong Nam ra Bắc thì hệ thống đường dây truyển tải hiện nay chưa đủ khả năng, nên điện thừa phải bỏ đi chứ không thể chuyển được.

Đó là khó khăn nên hiện nay nhà nước đang cấp tốc làm thêm một đường dây 500 KV từ miền Trung ra tới Bắc Ninh, tới miền Bắc để tạm thời giải quyết lượng điện thừa ở khu vưc Nam Trung bộ, chứ chưa phải Nam bộ.

Nam Trung bộ là vủng rất nhiều bờ biển. Đang cố gắng chuyển điện mặt trời từ đây ra miền Bắc quan hệ thống đường dây 500 KV để giải quyết nạn thiếu điện cho mùa hè sắp tới. Cho nên, hệ thống điện thì không phải chỉ tới nơi phát điện, nhà máy điện mà còn phụ thuộc hệ thống truyền tải. Mà chuyển từ hệ thống đó đến từng nhà dân tốn rất nhiều tiền và không thể làm một lúc được. Do đó, chủ trương là có nhưng để làm được thì phải có thêm thời gian.

Diễm Thi: Cảm ơn Tiến sĩ Ngô Đức Lâm đã dành thời gian cho RFA.

 

Show More
Back to top button