Đời SốngVietnam

Tập đoàn Mỹ muốn đầu tư xây dựng nhà máy công cụ sản xuất chip ở Việt Nam

Tập đoàn Lam Research của Mỹ chuyên cung cấp công cụ sản xuất chip mới đây cho biết dự định sẽ đầu tư xây dựng nhà máy tại Việt Nam với số vốn từ một đến hai tỷ đô la.

Thông tin này được ông Karthik Rammohan, Phó chủ tịch cấp cao Tập đoàn Lam Research cho biết trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 20/3. Truyền thông Nhà nước loan tin này.

Tại cuộc gặp, ông Karthik Rammohan cho biết tập đoàn có định hướng mở rộng hoạt động, đa dạng hoá chuỗi cung ứng ở khu vực Châu Á. Hãng dự kiến hợp tác với Công ty Seojin của Hàn Quốc để phát triển nhà máy cùng chuỗi cung ứng trong giai đoạn một với số vốn từ một đến hai tỷ đô la.

advertisement

Hiện Công ty Seojin đã có các nhà máy đặt tại Bắc Ninh và Bắc Giang.

Chính phủ Việt Nam hiện đang khuyến khích các công ty nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực chip bán dẫn và có dự kiến đào tạo từ 50.000 đến 100.000 kỹ sư cho ngành này từ nay đến năm 2030.

Cũng liên quan đến việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, vào ngày 21/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp đoàn doanh nghiệp Mỹ đến thăm Việt Nam. Đoàn gồm 60 doanh nghiệp Mỹ và là đoàn doanh nghiệp Mỹ đông nhất đến Việt Nam kể từ sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9 năm ngoái.

Tại cuộc gặp, ông Ted Osius, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc, Hội đồng Kinh doanh Mỹ – ASEAN, trưởng đoàn, cho biết Mỹ cam kết mạnh mẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, điện tử, hàng không, ô tô điện, logistics, năng lượng, y tế, tài chính, thương mại điện tử, thực phẩm, du lịch…

Các doanh nghiệp Mỹ cũng thông báo những dự án đầu tư mới. Báo Nhà nước cho biết, Pepsi sẽ đầu tư hai nhà máy mới hiện đại, sử dụng năng lượng tái tạo gồm nhà máy sản xuất thực phẩm tại Hà Nam trị giá 90 triệu USD và nhà máy sản xuất đồ uống tại Long An có giá trị hơn 300 triệu USD.

Truyền thông Nhà nước dẫn lời Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết với các doanh nghiệp Mỹ “3 bảo đảm, 3 cùng”.

Ba bảo đảm được Chính phủ Việt Nam đưa ra gồm: bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư; bảo đảm giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội, ổn định chính sách; bảo đảm khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài luôn là một hợp phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để khu vực này phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh.

“Ba cùng” gồm cùng lắng nghe, thấu hiểu với doanh nghiệp và người dân; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động để phát triển kinh tế, góp phần phát triển quan hệ 2 nước lên tầm cao mới; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển.

advertisement

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư 11,4 tỷ đô la vào Việt Nam trong năm 2023, đứng thứ 11 trong tổng sô 143 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong, Đài Loan đã chiếm tới 78,8% tổng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp vào Việt Nam.

 

Tin từ RFA Read More

Show More
Back to top button