Đời Sống

Tri ân ông Alcoh Wong tại Little Saigon, vị ân nhân mai táng thuyền nhân

GARDEN GROVE, California (NV) – “Ngày Hội Ngộ Thuyền Nhân” và tri ân ông Alcoh Wong, người mai táng thuyền nhân, vừa được đài Little Saigon Radio và Hồn Việt TV tổ chức vào chiều Thứ Sáu, 27 Tháng Mười, tại nhà hàng Diamond Seafood Palace 2, thành phố Garden Grove.

Trong lịch sử Việt Nam, khi nhắc tới thuyền nhân là nhắc tới một trang sử đen tối của đất nước khi Cộng Sản Việt Nam cai trị toàn đất nước từ cuối Tháng Tư, 1975, khiến cho hàng triệu đồng bào Việt Nam phải bỏ quê hương ra đi.

Theo lượng định của Liên Hiệp Quốc, trong số hàng triệu thuyền nhân thì nửa triệu người đã chết trên biển cả, chỉ khoảng hơn 800,000 người sống sót đã đến được bến bờ tự do.

advertisement

Luật Sư Nguyễn Hoàng Dũng, điều hợp chương trình, cho hay: “Ông Alcoh Wong là một ân nhân của các thuyền nhân bất hạnh bị tử nạn trên đường vượt biển, và xác của họ đã trôi dạt vào bờ biển tại một số hòn đảo ở Malaysia. Vị ân nhân vĩ đại này đã vớt trên 500 thi thể bất hạnh và đem vào bờ để chôn cất. Đây là một công việc do sự tự nguyện của ông, đã tốn kém nhiều tài lực và nhân lực trong nhiều năm qua. Ông là người có tấm lòng bác ái, mà ít có ai có thể thực hiện được.”

Cũng theo Luật Sư Dũng, công trình lớn nữa là ông Alcoh Wong đã soạn ra cuốn cẩm nang ghi chép tên họ những thuyền nhân của những ngôi mộ mà ông đã chôn cất. Sau này, có rất nhiều thân nhân của những thuyền nhân bất hạnh đã tìm được những ngôi mộ thân nhân của họ tại Malaysia.

“Và cũng nhờ đó, tập thể thuyền nhân sau này mới có thể tìm được những ngôi mộ này để thăm viếng và trùng tu. Trong suốt nhiều năm qua, kể từ năm 2005 cho đến nay đã có nhiều chuyến đi về Biển Đông của nhiều nhóm. Cụ thể là có nhóm Văn Khố Thuyền Nhân ở Úc, cũng như những nhóm ở những quốc gia khác, nhờ cuốn cẩm nang này, họ đã đến thăm viếng những ngôi mộ thuyền nhân đang còn ở Malaysia. Nhưng, rất tiếc là ông Alcoh Wong đã mất vào năm 2006, hưởng dương 59 tuổi,” Luật Sư Dũng cho biết thêm.

Ông Alcoh Wong và ngôi mộ của thuyền nhân tại Terengganu. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt chụp lại)

Nhân chuyến vợ của ông Alcoh Wong là bà Alice Wong cùng với gia đình đến Little Saigon, nên các thuyền nhân có buổi họp mặt để đồng hương có dịp tỏ lòng cám ơn và vinh danh ông Alcoh Wong.

Ông Nguyễn Hữu Công, giám đốc đài Little Saigon Radio, nói: “Trong số những thuyền nhân được sống sót đó có tôi và nhiều quý vị quan khách đang hiện diện nơi đây. Cộng Sản Việt Nam như bất cứ chế độ độc tài khác, họ che giấu bất kỳ một sự kiện nào tố cáo sự thất bại của họ. Họ che giấu việc năm 1954 đã có hàng triệu người miền Bắc di cư vào Nam, cuộc di cư vĩ đại của đồng bào miền Bắc vào Nam không có một dòng nào trong sách sử miền Bắc trước năm 1975 và hiện nay.”

Cũng theo ông Công, trong hành trình tìm tự do, nhiều người đã chết, thân xác dạt vào bờ biển của các quốc gia lân bang. Đã có những ân nhân đã mở lòng ra, chôn xác thuyền nhân, một trong những vị ân nhân đó, mà mọi người vinh danh và tri ân trong buổi hội ngộ là ông Alcoh Wong. Trong suốt hơn 18 năm, ông đã vớt xác và chôn cất những thuyền nhân bất hạnh từ năm 1978, khi ông 31 tuổi đến ông lìa đời 2006, lúc đó ông mới 59 tuổi.

“Khi hội ngộ thuyền nhân, chúng ta cũng không thể nào quên ơn những quốc gia láng giềng như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Hồng Kông, Singapore đã bước đầu đón tiếp chúng ta. Và nhất là những vị ân nhân như ông Alcoh Wong mà chúng ta vinh danh và tri ân trong tối hôm nay,” ông Công nói thêm.

advertisement

Đồng hương tưởng niệm các thuyền nhân bị tử nạn tại biển khơi. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Bà Ngọc Ân, thành viên trong ban tổ chức, kể lại chuyến đi của phái đoàn Việt Nam từ nhiều quốc gia đến viếng thăm những nghĩa trang của thuyền nhân tại ven bờ biển Malaysia, trong dịp Thanh Minh vào Tháng Ba, 2016. Tình cờ họ gặp được bà Alice Wong, vợ của ông Alcoh Wong.

Những khu nghĩa trang tại Terengganu gồm có các khu A, B, C, D, F… Lúc đó phái đoàn thăm viếng chia nhau mỗi nhóm đi thăm một khu vì nghĩa trang này quá lớn.

Bà Alice Wong cho phái đoàn thăm viếng biết năm nay đúng 10 năm giỗ của chồng bà, thì bà sẽ đốt hết những quyển sách này, bởi vì hơn 10 năm qua, bà không biết cách nào để đưa hàng trăm quyển sách này đến tay những thân nhân của thuyền nhân bất hạnh.

Quyển cẩm nang này có ghi rõ gồm 17 nghĩa trang thuyền nhân dọc theo bán đảo Malaysia. Ông Alcoh Wong đã phát hành quyển cẩm nang này vào năm 2006, một tháng sau thì ông qua đời. Phái đoàn thăm viếng đã mua 250 quyển, trong sách có ghi tên họ của những thuyền nhân và được chôn cất tại nơi nào.

Khi về đến Westminster, nhờ có Little Saigon Radio và Hồn Việt TV phổ biến thì chỉ trong hai tuần, cả gần 250 quyển cẩm nang đã hết, giờ chỉ còn khoảng năm quyển, ban tổ chức đang giữ.

Vợ chồng thuyền nhân Ngô Vũ Liễu. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Bà Ngọc Ân ngậm ngùi kể lại: “Trong chuyến đi này, chúng tôi lần đầu tiên được viếng mộ của ông Alcoh Wong. Tôi thắc mắc hỏi vợ ông, ‘Tại sao vợ con của ông ở Kuala Lumpur, mà mộ của ông lại ở gần khu những ngôi mộ của thuyền nhân tại Terengganu?’ Thì bà trả lời rằng, ‘Khi ông mất, ông muốn được chôn cất tại Terengganu, để khi những thuyền nhân Việt Nam trở về thăm Pulau Bidong thì họ sẽ đi ngang qua mộ của ông bên đường, và ông muốn nằm ở đó đợi các thuyền nhân Việt Nam trở về nơi này, để ông nhìn thấy được những người con, những người anh, những người chị, hay cha mẹ của họ còn nhớ đến lịch sử đau thương của những thuyền nhân bất hạnh, mà trở về đây.”

Có nhiều cựu thuyền nhân từ Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines… đến tham dự, và họ đã chia sẻ nỗi niềm của thuyền nhân còn sống sót sau cuộc vượt biên đầy cam go và nguy hiểm.

Thuyền nhân Nguyễn Thanh Giàu, hội trưởng Ban Trị Sự Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo Hải Ngoại, kiêm tổng thư ký Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ, nói: “Ông Alcoh Wong là một vị bồ tát, bởi vì tấm lòng của ông rất là bao la. Trong suốt hơn 18 năm, ông đã lo chôn cất hàng trăm xác chết của thuyền nhân bỏ quê hương ra đi vì hai chữ tự do, thì chính ông Alcoh Wong là người đã tô đậm thêm nét đẹp của sự vượt biển cũng vì hai chữ tự do đó. Và những thuyền nhân còn sống sót đang hiện diện nơi đây hay bất cứ ở đâu, chúng ta hãy cám ơn những thuyền nhân đã bỏ mình trên biển cả, vì chính họ đã cho mọi người thấy được giá trị của sự tự do như thế nào.”

Từ trái, ông Nguyễn Hữu Công, bà Mai Hân và bà Mai Khanh. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Thuyền nhân Ngô Vũ Liễu, từ Denver, Colorado về, kể lại chuyến đi vượt biên vào năm 1984 của bà và người em trai cùng với nhiều người trên chiếc tàu lênh đênh trên biển suốt 19 ngày. Vì tàu bị vô nước và máy bị hư không chạy được nữa, và mấy ngày sau thì tàu không còn thức ăn và nước uống, nên số thuyền nhân đã chết hơn phân nửa, và cũng không còn ai đủ sức để tát nước, tàu sắp bị chìm!

Cũng may có một chiếc tàu Malaysia đến cứu và đưa những người sống sót vào bờ. Nhưng sau khi vào đến bờ thì em trai của bà đã chết, vì bệnh và đói khát ròng rã suốt hơn 10 ngày lênh đênh trên biển. Sau này, nhờ có thông tin về quyển cẩm nang của ông Alcoh Wong, nên đến năm 2007, ông bà Liễu đã sang Malaysia gặp được bà Alice Wong và tìm được ngôi mộ của em trai bà Liễu đã mất trên 20 năm.

Chương trình văn nghệ phụ diễn do ban văn nghệ Đỗ Thanh đảm trách.

The post Tri ân ông Alcoh Wong tại Little Saigon, vị ân nhân mai táng thuyền nhân appeared first on Saigon Nhỏ.

Show More
Back to top button