
Ngay cả khi vẫn thích ăn, thực tế mà ta cần lưu ý và chấp nhận là thức ăn béo sẽ khó tiêu hóa hơn khi bạn già đi.
Bạn có cảm thấy hơi khó chịu sau khi ăn một chiếc bánh kẹp phô mai? Sau khi ăn cơm chiên một lúc mà bụng vẫn ỳ ạch? Khi tuổi càng cao, cơ thể chúng ta có thể gặp khó khăn hơn trong việc phân hủy thực phẩm béo. Kém dung nạp chất béo chính là một trong những thay đổi khi “gió heo may lại về.”
Pizza, bánh mì kẹp thịt và các món ăn nhiều dầu mỡ khác có thể được coi là nhóm thực phẩm yêu thích khi bạn còn trẻ, nhưng lúc này cơ thể sẽ lên tiếng.
Bác Sĩ Mir Ali, giám đốc y khoa của Trung tâm giảm cân phẫu thuật MemorialCare tại Fountain Valley, California cho biết khó để kết luận món ăn nào gây ra chứng không dung nạp thực phẩm. Nhưng nếu gần đây bạn gặp vấn đề về tiêu hóa và không chắc chuyện gì đang xảy ra, thì nên cân nhắc đến tình trạng không dung nạp thực phẩm béo. Sau đây là thông tin về hiện tượng này và lý do tại sao nó lại xảy ra.
Không dung nạp thực phẩm béo là gì?
Theo Auriel Willette, phó giáo sư tại Trường Y khoa Robert Wood Johnson thuộc đại học Rutgers University, chứng không dung nạp thực phẩm béo xảy ra khi đường tiêu hóa của bạn gặp khó khăn trong việc phân hủy chất béo. Hệ tiêu hóa sẽ trải qua những thay đổi tinh tế nhưng có ý nghĩa khiến chúng ta khó dung nạp thực phẩm béo hơn.
Willette cho biết điều này khiến dạ dày tiêu hóa chậm hơn vì cần nhiều thời gian hơn để hấp thụ thức ăn béo. Những thực phẩm béo này sẽ trong dạ dày và ruột non lâu hơn, dân gian gọi là khó tiêu. Về cơ bản, những gì từng là một quá trình dễ dàng, vô thức sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều đối với hệ tiêu hóa bắt đầu già nua.
Ruột dựa vào một loạt các cơn co thắt cơ để đẩy thức ăn qua. Cơ chế này, được gọi là nhu động ruột, yếu đi theo tuổi tác. Hình dung một băng chuyền đang chạy chậm lại và hành lý vẫn tiếp tục chất đống. Kết quả là món ăn chiên rán mà bạn xử lý tốt ở tuổi 25 có thể có hoạt động khác khi bạn ở tuổi 60.
Nguyên nhân nào gây ra hiện tượng này?
Có một vài điều khác biệt đang xảy ra ở đây ngoài việc cơ ruột hoạt động chậm hơn. Gan của người không còn trẻ sản xuất ít mật hơn. Mật là dịch tiêu hóa do gan sản xuất, có tác dụng hỗ trợ phân hủy chất béo. Willette cho biết tính acid trong mật giúp nhũ hóa và tiêu hóa chất béo không bão hòa và đặc biệt là chất béo bão hòa. Vì vậy, lượng mật ít hơn có thể ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa.
Hệ vi sinh đường ruột của bạn thay đổi. Willette cho biết khi bạn già đi, hệ vi sinh vật đường ruột, bao gồm hàng tấn vi sinh vật sống trong đường tiêu hóa và đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của bạn, sẽ kém đa dạng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn thúc đẩy tình trạng viêm. Ông cho biết một số loại vi khuẩn này cũng có thể làm chậm thời gian thức ăn di chuyển qua ruột, làm tăng nguy cơ không dung nạp chất béo.
Lớp niêm mạc ruột của bạn không còn giống như trước nữa. Cơ thể bạn có thể sản xuất ít insulin hơn, đây là một loại hormone giúp điều chỉnh lượng đường trong máu, hay còn gọi là glucose. Willette cho biết điều đó có thể làm tăng lượng glucose trong cơ thể, gây tổn thương niêm mạc ruột. Điều đó tác động thêm đến quá trình hấp thụ chất béo.
Triệu chứng của bệnh là gì?
Có thể rất khó để xác định bất kỳ chứng không dung nạp thực phẩm nào, chưa nói đến chứng mà hầu hết mọi người chưa từng nghe đến. Nhưng theo Willette, có một số dấu hiệu cho thấy đồ ăn béo có thể không tốt cho bạn sau bữa ăn, như bị buồn nôn; chứng khó tiêu hoặc trào ngược; cảm thấy khó chịu, không thoải mái.
Tiêu hóa cũng có thể cung cấp một số manh mối. Theo Cleveland Clinic, phân của bạn có thể trông nhờn, có bọt, có màu nhạt hoặc đặc biệt có mùi nếu bạn gặp vấn đề trong việc tiêu hóa chất béo.
Có phải một số loại thực phẩm béo có hại hơn những loại khác không?
Bethany Doerfler, chuyên gia nghiên cứu về đường tiêu hóa tại Viện Sức khỏe Tiêu hóa Northwestern Medicine, cho biết chất béo có nguồn gốc thực vật giàu chất béo không bão hòa, chẳng hạn như bơ, dầu olive, các loại hạt ít có khả năng gây ra tác dụng phụ tiêu cực cho đường tiêu hóa. Nhưng các loại thực phẩm siêu chế biến như khoai tây chiên, bánh ngọt và xúc xích là một số loại thực phẩm gây hại nhiều nhất. Những loại này thường khó tiêu hóa nhất vì chứa chất béo bão hòa hoặc chất béo chuyển hóa, không chỉ tốn nhiều năng lượng hơn để phân hủy mà còn có tính chất gây viêm cao hơn.
Cách chế biến thực phẩm giàu chất béo cũng rất quan trọng. Chiên ngập dầu hoặc hun khói tuy ngon nhưng sẽ làm trầm trọng thêm mọi vấn đề liên quan đến thực phẩm siêu chế biến.
Sự không dung nạp chất béo của bạn có thể là dấu hiệu của một điều gì đó nghiêm trọng hơn. Chứng không dung nạp chất béo là một phần bình thường của quá trình lão hóa, nhưng nó có xu hướng tùy thuộc vào hoàn cảnh. Điều đó có nghĩa là bạn có thể cảm thấy khó chịu sau khi ăn một bữa tối thịnh soạn với bít tết hoặc gà rán, nhưng cảm giác khó chịu đó chỉ là tạm thời.
Các triệu chứng dai dẳng hoặc nghiêm trọng có thể chỉ ra những tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn, đồng thời nêu ra các vấn đề có thể xảy ra như rối loạn chức năng túi mật, suy tụy hoặc kém hấp thu axit mật. Nó cũng có thể là dấu hiệu của tình trạng chuyển hóa như tiền tiểu đường hoặc hội chứng ruột kích thích.
Như vậy, chẳng lẻ người có tuổi không được ăn đồ ăn béo?
Không nhất thiết! Nếu nghi ngờ mình đang gặp phải tình trạng không dung nạp thực phẩm béo, bạn nên chú ý đến cảm giác sau khi ăn. Hãy thử nhiều loại thực phẩm khác nhau và xem loại nào phù hợp với cơ thể mình. Nếu bạn cảm thấy khó chịu sau khi ăn đồ chiên, đồ nhiều dầu mỡ, hãy giảm bớt.
Ăn những phần nhỏ hơn của thực phẩm béo như một loại “điểm nhấn” bên cạnh thực phẩm giàu chất xơ, rau lá xanh hoặc tương tự có thể giảm tải tiêu hóa và giúp hấp thụ toàn bộ bữa ăn dễ dàng hơn.
Nếu bạn muốn ăn thịt nhiều mỡ hoặc khoai tây chiên, bạn vẫn có thể ăn, nhưng thỉnh thoảng thôi, và mỗi lần chỉ nhâm nhi, chứ đừng ăn nhiều.
The post Thức ăn béo với người… không còn trẻ appeared first on Saigon Nhỏ.