
Mỗi lần sửa đổi Hiến Pháp là trật tự chính trị tại Việt Nam được tái cấu trúc, nhưng không phải lần nào thay đổu cũng mang lại kết quả tiến bộ xã hội.
Cụ thể việc sửa đổi Hiến Pháp đang triển khai cho thấy rõ dấu hiệu, là vỏ bọc “cải cách” được dựng lên để che đậy tham vọng quyền lực cá nhân của Tô tổng, đồng thời là bước ngoặt hợp thức hóa vài trò lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của đảng CSVN theo mô hình toàn trị.
Dù thông tin không quá mới mẻ, nhưng bản chất của đợt sửa đổi Hiến Pháp tại Việt Nam lần này lại ẩn chứa dấu hiệu rõ rệt của một cuộc tái cấu trúc quyền lực trong nội bộ đảng CSVN.
Sáng ngày 5 Tháng Năm, 2025, tại kỳ họp thứ 9, Quốc Hội CSVN khóa XV, Phó Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Khắc Định trình bày tờ trình đề nghị sửa đổi một số điều của Hiến Pháp 2013. Cùng lúc, ông Định cũng đề xuất thành lập ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến Pháp gồm 15 thành viên do Chủ Tịch Quốc Hội Trần Thanh Mẫn làm chủ tịch, với thành phần là đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức ở Trung Ương.
Nếu Chủ Tịch Nước Lương Cường bị xem như chỉ đảm nhận vai trò “lễ tân” không có ảnh hưởng gì trong tiến trình này, thì ông Mẫn lại chỉ là một hình thức “chiếu lệ” trong bộ máy Quốc Hội.
Theo nội dung tờ trình, việc sửa đổi Hiến Pháp lần này dự kiến chỉ sửa đổi khoảng 8/120 điều của bản Hiến Pháp, chủ yếu tập trung vào các quy định về tổ chức bộ máy nhà nước, chính quyền địa phương và Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam. Dù vậy, giới quan sát chính sự Việt Nam vẫn đưa nhận định đây là một bước đi sắp đặt lại quyền lực theo hướng củng cố thêm quyền lực cho đảng CSVN và cá nhân Tổng Bí Thư Tô Lâm.
Lộ trình sửa đổi Hiến Pháp khá gấp rút, từ ngày 6 Tháng Năm đến ngày 5 Tháng Sáu, 2025, Chính Phủ và Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam sẽ có 30 ngày tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi. Một thủ tục có vẻ dân chủ, nhưng ai ở Việt Nam từng tham gia những lần lấy ý kiến trước đây đều nhận thức rõ, mọi ý kiến khác biệt đều vô hiệu, không thể tách rời nội dung chỉ đạo vạch sẵn của Trung Ương đảng CSVN.
Sau đó là vào ngày 30 tháng Sáu, Quốc Hội CSVN dự kiến xem xét, thảo luận và thông qua nghị quyết sửa đổi. Và cuối cùng là chỉ một ngày sau, từ ngày 1 Tháng Bảy, 2025, bản Hiến Pháp được sửa đổi, bổ sung chính thức có hiệu lực thi hành. Thật là qúa nhanh! Qúa vội vã!
Có mặt tại buổi họp vào sáng ngày 5 Tháng Năm, Tổng Bí Thư Tô Lâm nhấn mạnh, việc sửa đổi Hiến Pháp lần này phải đảm bảo đúng quy trình theo đúng quy định và lấy ý kiến của nhân dân.
Trong khi đó, Chủ Tịch Quốc Hội Trần Thanh Mẫn trên danh nghĩa là người được giao trọng trách làm chủ tịch ủy ban dự thảo lại thể hiện hình ảnh quá mờ nhạt vai trò, ông bị dư luận đánh giá là con robot làm theo “kịch bản” do Bộ Chính Trị lập trình sẵn, không có quan điểm rõ ràng, chỉ giống như bù nhìn, và hoàn toàn không thể hiện được vai trò độc lập vốn có của một chủ tịch Quốc Hội.
Hiến Pháp là đạo luật gốc của mọi văn bản pháp luật, Quốc Hội là cơ quan quyền lực cao nhất, có vai trò quyết định việc sửa đổi. Thế nhưng thực tế lại trái ngược, quy trình sửa đổi Hiến Pháp 2013 lại do Bộ Chính Trị CSVN khởi xướng và các ban nội chính, chuyên trách thuộc đảng chỉ đạo trực tiếp. Bằng chứng là theo quyết định số 96-QĐ/TW do Bộ Chính Trị ban hành vào ngày 28 Tháng Ba vừa qua có nêu, việc sửa đổi Hiến Pháp được đưa vào chương trình chuẩn bị cho Đại Hội Đảng lần thứ XIV, tức là nằm trong tay đảng, quyền chủ động thuộc đảng, chứ không phải ở Quốc Hội.
Mục tiêu then chốt của việc sửa đổi là nhằm tái khẳng định hoặc mở rộng vai trò của ban bí thư, tổng bí thư, khẳng định hơn nữa mô hình đảng lãnh đạo toàn diện-Nhà Nước vận hành-Quốc Hội thông qua. Trung Ương Đảng vẫn là nơi tập trung mọi quyền lực tối cao của CSVN, thực quyền của Quốc Hội đang bị giảm, chuyển bớt quyền kiểm soát sang Đảng, cụ thể là về tay cá nhân tổng bí thư.
Đáng chú ý, trọng tâm sửa đổi chủ yếu các điều khoản liên quan tổ chức bộ máy Nhà Nước, chính quyền địa phương và Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam. Đây là nhằm hợp pháp hóa mô hình chính quyền hai cấp tỉnh-xã, loại bỏ cấp huyện mà nhà cầm quyền CSVN thực hiện theo cái gọi tinh gọn bộ máy. Nhiều văn bản pháp luật và dưới luật không còn phù hợp, bắt buộc phải sửa đổi theo trình tự hiến định ở Hiến Pháp, đồng thời cho phép Trung Ương Đảng can thiệp sâu hơn vào công tác nhân sự địa phương. Một bước đi tái cấu trúc nhân sự, gián tiếp vừa dọn sạch phe nhóm lợi ích địa phương vừa hạ bệ vai trò của thủ tướng, chủ tịch nước…
Trên danh nghĩa Quốc Hội CSVN vẫn còn vai trò quan trọng mà ông Trần Thanh Mẫn đang là người đứng đầu. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra hiện thực tại Việt Nam cho thấy ông Mẫn bị vô hiệu hóa. Mọi diễn biến của việc sửa đổi Hiến Pháp đều đang phục vụ cho một mục tiêu: Phù hợp lộ trình điều chỉnh về tái cử nhiệm kỳ của đảng và tổng bí thư, tức là mở đường cho ông Tô Lâm giữ thêm nhiệm kỳ hoặc củng cố thêm vị thế với mô hình quyền lực đang thiết lập, tiến tới kiểm soát toàn diện nhân sự sau đại hội. Không một dấu hiệu nào cho thấy tính độc lập của Quốc Hội hay vai trò thực sự của cá nhân ông Trần Thanh Mẫn.
Điều 4 Hiến Pháp 2013 khẳng định: đảng CSVN là lực lượng lãnh đạo Nhà Nước và xã hội Việt Nam. Việc sửa đổi Hiến Pháp hiện đang mang ý nghĩa luật hóa quyền lực của đảng và cá nhân tổng bí thư, trở thành trung tâm điều phối các chính sách quốc gia, bao gồm cả quyền chỉ đạo của tổng bí thư đối với Quốc Hội và Chính Phủ.
Nghị quyết số 15-NQ/TW ban hành vào năm 2022 về cải cách tổ chức Nhà Nước cũng đã nhấn mạnh điều này: “Bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng trong mọi lĩnh vực.” Luật hóa quyền lực của đảng và tổng bí thư hình thành, lẽ dĩ nhiên vai trò của Quốc Hội và chủ tịch Quốc Hội bị thu hẹp đáng kể, không còn quyền lực thực chất nên chẳng có gì ngạc nhiên khi nhiều cuộc họp ông Mẫn chỉ đóng vai trò chủ trì.
Chưa hết, theo một số thông tin rò rỉ, ông Tô Lâm được cho là người trực tiếp chỉ đạo các cơ quan xây dựng đề án sửa đổi Hiến Pháp, đang “làm luật” có lợi cho ngành công an và phe nhóm. Những thân tín của ông Tô Lâm như Nguyễn Duy Ngọc, Phan Đình Trạc, Nguyễn Hòa Bình, Trần Cẩm Tú hoặc Lương Tam Quang ở Bộ Chính Trị “im bặt” tiếng nói để giấu toàn bộ kế hoạch đã định sẵn và chỉ chờ đến phút cuối mới công bố.
Còn hơn hai tháng nữa là bản Hiến Pháp mới ra đời, một văn kiện liên quan đến vận mệnh của người dân và đất nước nhưng cho đến nay những nội dung sửa đổi chỉ được truyền thông Nhà Nước tiết lộ chung chung chứ chưa công khai chi tiết. Sửa một số điều trong Hiến Pháp mà cụ thể là điều nào? Đảng CSVN và ông Tô Lâm hiện đang mập mờ vấn đề này là có ý đồ gì ? Vì sao phải vội vã như vậy ? Có chăng đây là trò chơi mặc cả quyền lực thường thấy giữa các phe nhóm trong nội bộ CSVN trước mỗi kỳ đại hội đảng?
Không ít lần nhà cầm quyền CSVN thực hiện cải cách thể chế-pháp luật nhưng không phải lúc nào cũng được giới quan sát đánh giá là bước đi dân chủ tiến bộ, thậm chí còn cải cách pháp luật theo hướng gia tăng quyền lực để cai trị người dân, vi phạm nhân quyền mà vẫn dùng những từ ngữ mĩ miều cải cách để phù hợp thời đại, vì lợi ích người dân và phát triển xã hội. Đặc biệt dưới thời Tổng Bí Thư Tô Lâm, Việt Nam đang ở thời kỳ “công an trị” nên khó để kỳ vọng rằng, việc sửa đổi Hiến Pháp lần này là tín hiệu tích cực.
Một Tô Lâm quá mưu lược và sâu hiểm, một Trần Thanh Mẫn quá bị động, thiếu những toan tính để bảo vệ vai trò độc lập của Quốc Hội, phụ thuộc hoàn toàn sự chỉ đạo của Bộ Chính Trị. Chính trường Việt Nam đang ở giai đoạn cao trào của tái cấu trúc quyền lực trước đại hội Đảng XIV, Bộ Chính Trị CSVN đặt ông Mẫn ngồi vào chiếc ghế chủ tịch Quốc Hội, vì ông Mẫn không đủ tầm để gây cản trở bước của ông Tô Lâm và phe nhóm công an-tư pháp.
Công cuộc sửa đổi Hiến Pháp nếu đúng như những gì đang diễn ra thì đây không thể gọi là bước ngoặt về cải cách thể chế-pháp luật, mà là công cụ hợp thức hóa quyền lực toàn trị của đảng CSVN. Người dân Việt Nam một lần nữa đứng ngoài cuộc chơi, xem Đảng CSVN diễn một vở kịch chính trị được đạo diễn từ trước, rồi vỗ tay cho hợp lệ.
The post Tô Lâm điều khiển Trần Thanh Mẫn sửa đổi Hiến Pháp appeared first on Saigon Nhỏ.