
Sau khi thực hiện cú đảo chính vô tiền khoáng hậu hồi năm ngoái, hiện giờ ở Việt Nam chỉ còn một phe duy nhất có thể “đụng chạm” tới Tô Lâm, đó là quân đội. Hơn nữa, xét về ngân sách, tình báo, lực lượng và vũ trang, thậm chí quân đội còn mạnh hơn công an.
Bởi vậy, để trụ vững trên ghế tổng bí thư, ông Lâm phải kiểm soát cho bằng được quân đội. Với các nước đi khôn khéo gần đây, phe Hưng Yên của ông Lâm trong quân đội cũng đang mạnh lên từng ngày, với ba trụ cột là Trịnh Văn Quyết, Hoàng Xuân Chiến và Nguyễn Hồng Thái.
Nhưng bộ ba này đang phải cạnh tranh gay gắt với cặp Phan Văn Giang và Nguyễn Tân Cương để giành các ghế bộ trưởng Bộ Quốc Phòng, tổng tham mưu trưởng. Thậm chí, nếu bên nào kiểm soát được quân đội thì sẽ giành luôn ghế chủ tịch nước.
Toan tính kiểm soát quân đội của phe Hưng Yên
Hồi cuối Tháng Tư, Trung Tướng Nguyễn Hồng Thái chính thức được bổ nhiệm giữ chức thứ trưởng Bộ Quốc Phòng. Tướng Thái quê huyện Ân Thi (Hưng Yên). Trước khi lên chức thứ trưởng, ông Thái là tư lệnh Quân Khu 1.
Việc đưa Tướng Thái lên ghế thứ trưởng là một bước để gia cố sức mạnh của phe Hưng Yên trong quân đội. Về lý lịch gia đình, ông Thái có cha vợ là đại tướng Đỗ Bá Tỵ. Ông Tỵ từng giữ chức thứ trưởng Bộ Quốc Phòng kiêm tổng tham mưu trưởng Quân Đội. Chính vì thế, không khó đoán nếu thời gian tới Tướng Thái bước theo con đường cha vợ: thứ trưởng kiêm tổng tham mưu trưởng Quân Đội.
Như vậy Bộ Quốc Phòng hiện nay có hai thứ trưởng đồng hương Hưng Yên với ông Tô Lâm. Người còn lại là Thượng Tướng Hoàng Xuân Chiến, 64 tuổi, đang có sự chống lưng của ông Tô Lâm để giành ghế bộ trưởng Bộ Quốc Phòng khoá sau.
Tuy nhiên, ông Hoàng Xuân Chiến phải cạnh tranh ghế này với Đại Tướng Nguyễn Tân Cương, người đang được ông Phan Văn Giang “chống lưng.” Xét về vai vế thì cấp bậc của Nguyễn Tân Cương (đại tướng) cao hơn lon thượng tướng của ông Chiến. Ngoài chức vụ thứ trưởng Bộ Quốc Phòng, Tướng Cương còn là tổng tham mưu trưởng Quân Đội, kiêm uỷ viên quân uỷ Trung Ương từ cuối năm 2019. Trong khi đó ông Chiến chỉ mới được ông Tô Lâm bổ nhiệm vô chức uỷ viên Quân Uỷ này hồi năm ngoái.
Để phá thế của ông Cương, ông Tô Lâm còn một nước cờ cao cấp hơn nữa trong quân đội. Đó là Thượng Tướng Trịnh Văn Quyết, quê gốc Hải Dương. Hải Dương từng là một địa phương thuộc tỉnh Hải Hưng cũ (sau này tách ra là Hải Dương và Hưng Yên). Cha của ông Tô Lâm – ông Tô Quyền, từng là trưởng ty Công An tỉnh Hải Hưng. Cũng dễ hiểu khi Tướng Quyết cũng thuộc phe Hưng Yên của ông Tô Lâm.
Hiện ông Trịnh Văn Quyết đang là chủ nhiệm Tổng cục Chính Trị Quân Đội (kế nhiệm ông Lương Cường), được ông Tô Lâm bổ sung vào Ban Bí Thư từ Tháng Tám năm 2024. Ở vị trí này, ông Quyết đang sáng hai cửa: chủ tịch nước (tiếp tục kế nhiệm ông Lương Cường), hoặc lên bộ trưởng Bộ Quốc Phòng (ghế bộ trưởng Bộ Quốc Phòng những nhiệm kỳ gần đây thường được giao cho một trong hai người là tổng tham mưu trưởng hoặc chủ nhiệm Tổng Cục Chính Trị).
Có thể thấy các phương án của ông Tô Lâm đã lộ rõ. Một là đẩy ông Nguyễn Hồng Thái lên ghế tổng tham mưu trưởng (thay ông Nguyễn Tân Cương); đưa ông Hoàng Xuân Chiến lên bộ trưởng Bộ Quốc Phòng (thay ông Phan Văn Giang); và giúp ông Trịnh Văn Quyết lên chủ tịch nước (thay ông Lương Cường). Hai là nếu ông Quyết không giành được ghế chủ tịch nước thì Tướng Quyết vẫn có thể lên bộ trưởng Bộ Quốc Phòng, khi đó ông Chiến sẽ qua làm chủ nhiệm Tổng Cục Chính Trị.
Tình thế của Phan Văn Giang và Nguyễn Tân Cương
Nói về người đứng đầu hai phe hiện nay, ông Phan Văn Giang tuy là bộ trưởng Bộ Quốc Phòng, nhưng chỉ là phó bí thư quân uỷ Trung Ương. Còn ông Tô Lâm thì vừa có phe công an dưới trướng, vừa là tổng bí thư, vừa kiêm bí thư quân uỷ Trung Ương, tức là cao hơn ông Giang một bậc trong quân đội.
Trước đây có thông tin ông Giang muốn về hưu và giao lại ghế bộ trưởng Bộ Quốc Phòng cho ông Nguyễn Tân Cương, nhưng việc bàn giao không diễn ra êm đẹp như mong muốn, vì vấp phải hàng loạt chướng ngại vật khủng lồ bên phe Hưng Yên.
Bây giờ nếu muốn nhường ghế cho Tướng Cương, ông Giang phải cân bằng được quyền lực với tổng bí thư. Tức là ít nhất phải vào được tứ trụ CSVN, mà ghế tổng bí thư thì không thể giành được rồi. Ông Phạm Minh Chính chắc chắn cũng không nhường ghế thủ tướng cho ai. Còn ghế chủ tịch Quốc Hội thì chỉ là “bù nhìn.”
Hiện chỉ có ghế chủ tịch nước là khả dĩ nhất cho ông Phan Văn Giang vào lúc này. Vì ông Lương Cường sẽ quá tuổi ứng cử bộ chính trị nhiệm kỳ sau, và mất hết danh dự sau vụ “dâm sự ở Chile” nên chắc chắn không trụ lại được. Ông Giang tuy cũng quá tuổi ứng cử nhiệm kỳ sau, nhưng về uy tín trong đảng, vẫn có thể xin làm trường hợp đặc biệt (giống như trường hợp hai ông Tô Lâm và Phạm Minh Chính).
Chức chủ tịch nước có vai trò “thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân,” kiêm chủ tịch Hội Đồng Quốc Phòng và An Ninh Việt Nam, khá cân bằng với vị thế bí thư Quân Uỷ Trung Ương của ông Tô Lâm.
Ngặt một nỗi, ghế chủ tịch nước từ 2018 tới nay có phong thuỷ rất kém, không ông nào ngồi quá nửa nhiệm kỳ. Chưa kể, ghế này cũng là cái bẫy “điệu hổ ly sơn.”
Như năm 2016 Nguyễn Phú Trọng từng dùng ghế chủ tịch nước để kéo Đại Tướng Trần Đại Quang khỏi vị trí bộ trưởng Bộ Công An, nhằm cắt bớt thế lực của ông Quang. Sau đó ông Quang bị “hạ độc thủ” và ông Trọng kiêm nhiệm chức chủ tịch nước của ông Quang. Hoặc năm 2024, ông Trọng cũng định lấy ghế chủ tịch nước để “bứng” ông Tô Lâm khỏi Bộ Công An. Nhưng lúc đó ông Trọng không lừa được Tô Lâm.
Bây giờ tình thế của hai ông Phan Văn Giang và Nguyễn Tân Cương cũng vậy. Nếu Tướng Giang về hưu, để Tướng Cương một mình chống lại cả phe Hưng Yên thì không nổi. Còn nếu Tướng Giang lên chủ tịch nước mà Tướng Cương không nắm ghế bộ trưởng Bộ Quốc Phòng, thì coi như mắc bẫy của ông Tô Lâm. Tình thế bắt buộc ông Giang và ông Cương phải cùng lúc kiểm soát được hai ghế này, để vừa củng cố cho nhau, vừa bảo vệ cho nhau.
Vậy, hai phe đấu nhau đã rõ. Bên nào thắng thì sẽ có ghế chủ tịch nước và bộ trưởng Bộ Quốc Phòng (cùng với đó là việc bổ nhiệm thân tín vào các vị trí khác trong quân đội). Nhưng có vẻ phe Hưng Yên của ông Tô Lâm đang nắm nhiều lợi thế hơn với nhiều nước cờ đã cài sẵn trong Bộ Chính Trị, Công An và Quân Đội. Cùng với đó, ông Tô Lâm cũng cho thấy quyết tâm kiểm soát Quân Đội cao hơn ông Phan Văn Giang.
Vừa mạnh, vừa có tham vọng lớn, quyết tâm cao, thì không có gì cản nổi. Mà khi tất cả vào tay phe Hưng Yên hết, thì “phe” khổ nhất vẫn là dân đen!
The post Tô Lâm quyết giành quân đội, ‘phe’ Phan Văn Giang tính sao? appeared first on Saigon Nhỏ.