Đời SốngVietnam

Cùng bị Trung Quốc cưỡng bách trên Biển Đông, Philippines công khai thông tin, Việt Nam kín tiếng

Từ đầu năm 2024 đến nay, trên Biển Đông, trong khi tăng cường áp lực với Việt Nam ngay khi hai nước Việt Trung đang họp “Ủy ban chỉ đạo song phương”, Trung Quốc dường như đã “chùn tay” hơn với Philippines. 

Ngày 3 tháng 1, 2024, tờ South China Morning Post đưa tin “Trung Quốc ngó lơ” khi Philippines tiến hành tiếp tế cho bãi Cỏ Mây. Đến cuối tháng 1, 2024, Trung Quốc lại nói họ “không ngăn chặn” khi Philippines thả dù tiếp tế cho binh sĩ trên bãi Cỏ Mây. 

Trong khi đó, hôm 20 tháng 2, 2024, tàu Hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu CCG 5901 (Zhong Guo Hai Jing 3901) đã bật tín hiệu AIS khi tuần tra khu vực bãi Tư Chính. Theo ghi nhận của RFA từ dữ liệu Marine Traffic, đây là lần thứ hai kể từ đầu năm 2024, Trung Quốc cho tàu hải cảnh xâm nhập, tuần tra trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Lần thứ nhất là ngày 4 tháng 2, 2024, tàu hải cảnh mang số hiệu CCG 4201 đi tuần tra trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, cách đảo Lý Sơn khoảng 120 hải lý (hôm 4/2/2024) và 150 hải lý (hôm 5/2/2024.) 

advertisement

Đáng chú ý, cuộc tuần tra hôm 4 và 5 tháng 2, 2024 được tiến hành trong lúc cuộc họp của Ủy ban chỉ đạo song phương Việt Nam – Trung Quốc đang diễn ra tại Việt Nam. Trong chuỗi sự kiện của  Ủy ban chỉ đạo song phương này, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã có lời đề nghị Trung Quốc “tôn trong lợi ích chính đáng” của Việt Nam trên biển. 

Nhiều nhà quan sát nhận thấy Philippines và Việt Nam có hai cách ứng xử khác nhau với Trung Quốc khi bị nước lớn này cưỡng bách. Philippines công khai thông tin về các hoạt động cưỡng bách của Trung Quốc. Việt Nam im lặng nhiều hơn. RFA hầu như không tìm thấy các bản tin trên báo chí Việt Nam do nhà nước kiểm soát về các hoạt động tuần tra, khảo sát của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong tháng 2, 2024 kể trên. Một ví dụ khác, đối với hoạt động xâm nhập, tuần tra, khảo sát của Trung Quốc từ tháng 3 năm 2023 đến cuối năm, trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, trang “Tin Biển Đông” của một tờ báo lớn trong nước hầu như không đưa tin. Trong khi như RFA đã đưa tin, năm 2023, các hoạt động như vậy của Trung Quốc diễn ra liên tục trong nhiều tháng. 

Trao đổi với RFA, ông Raymond Powell, Giám đốc Dự án SeaLight thuộc Trung tâm Gordian Knot về sáng kiến an ninh quốc gia thuộc Đại học Standford, nhận xét:

“Năm 2023 rõ ràng là một năm có nhiều căng thẳng gia tăng, đặc biệt là với Philippines. Điều đó liên quan rất nhiều đến việc Philippines quyết định công khai vụ quấy rối của Trung Quốc mà họ đã gánh chịu vào tháng Hai năm 2023. Philippines đã phát động “một chiến dịch minh bạch quyết đoán”, thu thập bằng chứng và công bố bằng chứng để cả thế giới thấy.”

Ông Powell nói ông có niềm tin mãnh liệt rằng việc công khai thông tin về hành vi cưỡng bách của Trung Quốc đối với Philippines đã mang lại lợi ích cho nước này ở ba khía cạnh khác nhau. Ông nói tiếp:

“Thứ nhất, chính sách của Philippines đã giúp xây dựng khả năng đề kháng của quốc gia trước sức mạnh cưỡng bách của Trung Quốc. Khả năng đề kháng là khả năng tổng hợp của quốc gia để đứng vững trước một chiến dịch gây áp lực và cường bách. Bằng cách công khai tất cả các sự kiện, người dân Philippines đã được thông tin đầy đủ. Họ trở nên quan tâm đến an ninh hàng hải. Điều đó mang lại cho quốc gia cơ hội đưa ra các chính sách mới và thông qua ngân sách cũng như đầu tư vào những lĩnh vực sẽ tăng cường khả năng phục hồi quốc gia của họ. Khả năng đề kháng có nghĩa là bạn có thể đứng vững đến mức nào trước một áp lực. 

Thứ hai là Philippines nhận được rất nhiều hỗ trợ quốc tế. Vì vậy, họ đã có thể củng cố sức mạnh quốc gia của mình. Họ đã ký các thỏa thuận mới với Nhật Bản và Úc. Họ nhận được sự hỗ trợ về quan điểm pháp lý từ Ấn Độ. Họ nhận được hỗ trợ về năng lực phát hiện tàu trong bóng tối từ Canada. Rất nhiều hỗ trợ quốc tế đã đến với Philippines vì họ đã công khai các sự kiện. 

Thứ ba là Philippines đáp trả bằng cách gây thiệt hại cho Trung Quốc. Họ làm cho Trung Quốc phải chịu áp lực ngày càng tăng, không chỉ từ Philippines mà trên toàn thế giới, vì những gì Trung Quốc đang làm. Trung Quốc rõ ràng rất không hài lòng khi nhìn thấy tất cả những hình ảnh xấu của mình trên tin tức quốc tế.” 

advertisement

Tàu Kiểm Ngư 261 cùng hai cụm tàu dân quân biển của Việt Nam đi theo giám sát hoạt động của tàu hải cảnh Trung Quốc hôm 21/2/2024 tại bãi Tư Chính. (Ảnh: Marine Traffic/ RFA)

Theo ông Powell, khi Philippines thực hiện việc công khai thông tin như vậy, lúc đầu, điều đó khiến cho nước này phải trả giá một cách đặc biệt vì Trung Quốc gia tăng áp lực. Trung Quốc cố gắng khiến cho Philippines phải dừng chiến dịch công bố thông tin đó bằng cách họ leo thang căng thẳng. Vì vậy trong suốt cả năm 2023, Trung Quốc mỗi lúc một hung hăng hơn, tăng cường bắn vòi rồng nhiều hơn, chặn tàu nhiều hơn, có nhiều vụ đâm tàu ở bãi cạn Second Thomas Shoal (bãi Cỏ Mây) hơn. Do đó, lúc đầu thì mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn với Philippines. 

Nhưng cuối cùng, ông Powell nhận xét, đến hết năm 2023 sang đầu năm 2024, Trung Quốc đã thay đổi tư duy của mình. Điều này có thể liên quan đến chuyến thăm của Tập Cận Bình tới San Francisco dự APEC, gặp Tổng thống Biden. Cả hai cố gắng đạt được một số thỏa thuận. Ông Powell chỉ ra là đối với Trung Quốc, những xung đột công khai với Philippines không có ích gì cho hình ảnh của họ. Nó chỉ gây ra cho họ quá nhiều vấn đề. 

Ông Powell cho biết vào tháng 1 năm 2024, lần đầu tiên các quan chức Trung Quốc và Philippines đã gặp nhau ở Thượng Hải. Trong cuộc gặp đó, họ đã đi đến một số thỏa thuận. Các thỏa thuận này không được công bố chi tiết nhưng điều mà chúng ta thấy trên thực tế là vào tháng 1 năm 2024 việc tiếp tế cho bãi cạn Second Thomas Shoal (Cỏ Mây) của Philippines đã diễn ra rất suôn sẻ và không gặp phản kháng từ phía Trung Quốc, như trên đã nói. Trên cơ sở đó, ông Powell cho rằng nếu như năm 2023 là một năm căng thẳng của Philippines thì năm 2024 dường như đã bắt đầu với nhiều “không gian dễ thở hơn” cho cho nước này. Điều này có thể là kết quả của chiến dịch công khai minh bạch thông tin về những gì diễn ra trên thực địa ở Biển Đông để cả thế giới thấy những gì Trung Quốc làm. Theo ông Powell, chiến dịch minh bạch của Philippines cuối cùng đã thành công vì nó mang lại cho họ đòn bẩy để giành lợi thế trước Trung Quốc trong các cuộc đàm phán.

Về thành công của Philippines trong hai tháng đầu của năm 2024 so với một năm 2023 căng thẳng với Trung Quốc, ông Greg Poling, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á ở Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở Washington DC, cũng đồng quan điểm với ông Raymond Powell. Trao đổi với RFA, ông Greg Poling cho rằng Trung Quốc thực sự đã nhận ra những giới hạn lớn trong chiến lược của mình. Theo ông Poling, chiến lược của cường quốc này trong 10 năm qua dựa trên việc sử dụng lợi thế về số lượng và khả năng chịu rủi ro cao hơn khi cố tình đâm tàu, tạo nguy cơ va chạm để bắn vòi rồng, cùng nhiều chiến thuật “vùng xám” khác. Tuy nhiên, Philippines đã nhận ra rằng nước này có thể đứng vững trước áp lực của Trung Quốc để tiếp tục tiếp tế cho lực lượng của mình tại bãi cạn Second Thomas Shoal (Cỏ Mây) và tuần tra bãi cạn Scarborough.  

Các nhà nghiên cứu nói trên đều đồng quan điểm cho rằng năm 2024 sẽ tiếp tục là một năm căng thẳng trên Biển Đông, đặc biệt là đối với Việt Nam. Các hoạt động của Trung Quốc năm 2023 đối với Việt Nam như tuần tra, khảo sát, xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế và quậy phá các vùng thăm dò khai thác dầu khí sẽ tiếp tục. Còn đối với Philippines thì mặc dù nước này đã có 2 tháng đầu tiên “dễ thở”, không ai có thể chắc chắn về hành xử của nước lớn Trung Quốc đối với họ trong những tháng còn lại của năm 2024.

Tin từ RFA Read More

Show More
Back to top button