
Công cuộc tinh giản bộ máy hành chánh tại Việt Nam hiện nay đang gây nhiều tranh cải trong dư luận nhân dân, kể cả một số giới chức trong chính quyền. Mặc dù cho tới nay sự minh bạch trong việc sáp nhập và bãi bỏ các đơn vị hành chánh địa phương chưa nêu rõ lý do và nội dung thảo luận trong các cơ quan đầu não như Bộ chính trị cũng như tại Quốc Hội, chưa giải thích tiêu chuẩn cũng như lợi ích của sự thay đổi nầy.
Chính quyền đã công bố danh sách các đơn vị tinh giản sẽ như sau:
– 11 đơn vị gồm 2 thành phố và 9 tỉnh được giữ nguyên hiện trạng.
– 23 đơn vị được sáp nhập và thay tên gồm 4 thành phố và 19 tỉnh.
Tất cả hình thành 34 đơn vị hành chánh trên toàn quốc.
1. Thành phố Hà Nội
2. Thành phố Huế 3. Tỉnh Lai Châu 4. Tỉnh Điện Biên 5. Tỉnh Sơn La 6. Tỉnh Lạng Sơn 7. Tỉnh Quảng Ninh 8. Tỉnh Thanh Hoá 9. Tỉnh Nghệ An 10. Tỉnh Hà Tĩnh 11. Tỉnh Cao Bằng
|
1. Tỉnh Tuyên Quang
2. Tỉnh Lào Cai. 3. Tỉnh Thái Nguyên. 4. Tỉnh Phú Thọ. 5. Tỉnh Bắc Ninh. 6. Tỉnh Hưng Yên. 7. Thành phố Hải Phòng. 8. Tỉnh Ninh Bình. 9. Tỉnh Quảng Trị 10. Thành phố Đà Nẵng 11. Tỉnh Quảng Ngãi. 12. Tỉnh Gia Lai
|
13. Tỉnh Khánh Hòa.
14. Tỉnh Lâm Đồng. 15. Tỉnh Đắk Lắk. 16. Thành phố Hồ Chí Minh. 17. Tỉnh Đồng Nai. 18. Tỉnh Tây Ninh 19. Thành phố Cần Thơ. 20. Tỉnh Vĩnh Long. 21. Tỉnh Đồng Tháp. 22. Tỉnh Cà Mau. 23. Tỉnh An Giang
|
Sơ lược hình thành các đơn vị hành chánh
Từ cuối năm 1831, vua Minh Mạng cho bỏ các dinh, trấn trước đây mà thành lập các tỉnh. Năm 1832 cả nước có 31 tỉnh, gồm:
– Bắc Kỳ (từ này đặt ra từ năm 1834) có 13 tỉnh: Hà Nội, Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình và Thái Nguyên.
– Trung Kỳ có 11 tỉnh và phủ Thừa Thiên, 11 tỉnh gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Bình Thuận.
– Nam Kỳ có 6 tỉnh: Phiên An (năm 1836 đổi tên thành Gia Định), Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên.
Không kể các thay đổi tùy tiện của chánh quyền thời Pháp thuộc (1867-1945), sau Hiệp định Genève 1954, miền Bắc có 31 tỉnh và thành phố qua các đợt sáp nhập một số tỉnh đổi tên như sau: Bắc Thái, Hà Nam Ninh, Hà Sơn Bình, Cao Bắc Lạng, Vĩnh Phú, Nghệ Tĩnh..
Miền Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào có 32 tỉnh. Số tỉnh sau đó được tăng lên khi chính quyền Đệ Nhất Cộng Hòa tìm cách kiểm soát chặt chẽ các đơn vị hành chánh nhưng kết quả không hữu hiệu.
Đến thời Việt Nam Cộng Hòa (Đệ Nhị) lãnh thổ được chia thành 44 tỉnh, 257 quận, 1 Đô thành (Sài Gòn) và 10 Thị xã (Vũng Tàu, Đà Lạt, Cam Ranh, Đà Nẵng, Huế, Quy Nhơn, Rạch Giá, Cần Thơ, Mỹ Tho và Nha Trang ).
Sau năm 1975 có nhiều đợt sáp nhập và chia tách, thay tên tỉnh và thành phố như sau: Miền Bắc vẫn giữ nguyên trạng, miền Nam sáp nhập hoặc đổi tên gồm: Bình Trị Thiên, Nghĩa Bình, Gia Lai-Kontum, Thuận Hải, Sông Bé, Đồng Nai, Đồng Tháp, Bến Tre, Châu Đốc, Gò Công, Tiền Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang và Minh Hải.
Qua nhiều đợt thay đổi chia tách và nhập lại, tính đến cuối năm 2024, Việt Nam có tất cả 63 đơn vị hành chánh cấp tỉnh, bao gồm 6 thành phố trực thuộc trung ương và 57 tỉnh.

Sự sáp nhập và thay đổi tỉnh, thành
Từ sau ngày thống nhất đất nước liền một dãy từ Lạng Sơn đến Cà Mau năm 1975 đã có nhiều thay đổi các đơn vị hành chánh mà chính yếu chỉ mang tính chính trị nhiều hơn thay vì nâng cao hiệu quả của guồng máy hành chánh địa phương.
Việt Nam trong giai đoạn chiến tranh cũng đã có những sự thay đổi mang tính độc đoán của các nhà lãnh đạo độc tài dù là cá nhân hay đảng trị. Cả hai miền đều loay quay không có tầm nhìn xa, như tại miền Bắc sáp nhập các tỉnh, thành nhằm co cụm các đơn vị hành chánh lại để dễ bề kiểm soát chặt chẽ nhân dân còn miền Nam thời Đệ Nhất Cộng Hòa đã thay đổi một loạt tên gọi các địa phương như Ba Xuyên (Sóc Trăng), An Xuyên (Cà Mau), Phong Dinh (Cần Thơ), Phú Bổn (Cheo Reo) … Khiêm Ích (Cai Lậy), Sùng Hiếu (Cái Bè), Sầm Giang (Vĩnh Kim), Lệ Trung, Lệ Nhơn ở Pleiku… mà không mang một chủ trương phát triển kinh tế hay văn minh tiến bộ nào cả.
Hiện nay với đà phát triển dân số ngày càng tăng hơn 100 triệu người việc phân chia lại lãnh thổ thành các đơn vị hành chánh hợp nhất là cần thiết và thực tế trong bối cảnh hội nhập toàn cầu về mọi mặt, nhất là về sự phát triển về kinh tế và du lịch, chính quyền cần phải cải tổ lại guồng máy hành chánh sao cho có hiệu năng phục vụ tốt cho nhu cầu phát triển đất nước.
Ngoài việc tinh giản bộ máy chính quyền tại các địa phương còn có sự phân bổ lại dân cư trên địa bàn ở các tỉnh và thành phố phía Nam.
Như chúng ta biết sự phân chia lãnh thổ ra thành các địa phương dù tên gọi là tỉnh, thành phố hay huyện, xã đều dựa trên ba yếu tố căn bản là diện tích đất đai, mật độ dân cư và môi trường sinh sống từng địa phương sao cho cân đối trên cả nước, tránh trường hợp đất quá rộng mà người thưa hay ngược lại. Đó là nói về “phần cứng” còn “phần mềm” là tùy thuộc vào cộng đồng các sắc dân và truyền thống văn hóa, phong tục của từng vùng miền hay địa phương.
Trước đây cũng có lúc chính quyền miền Nam (Đệ Nhất Cộng Hòa) dự tính thay đổi tên Việt Hóa các địa phương người thiểu số, nhất là ở miền cao nguyên trung phần (Tây nguyên) hay miền Tây Nam phần nhưng không thành công.
Thật ra, miền Nam là vùng đất mới nên tên gọi địa phương thường là theo thổ âm của cư dân bản địa lâu đời như Sài Gòn, Mỹ Tho, Sóc Trăng, Cà Mau …(tiếng Miên) qua thời gian trở thành tên gọi chính thức trong các tổ chức hành chánh địa phương. Cho nên nhu cầu thay đổi tên gọi xét ra cũng không cần thiết chỉ gây thêm phiền phức về phương diện giấy tờ và thủ tục hành chánh.
Vấn đề chính yếu hiện nay không phải là tên gọi mà là việc sáp nhập các địa phương lại với nhau thành một đơn vị hợp nhất vẫn gọi tên cũ mà dùng cho đơn vị mới vừa thiết lập có hợp lý hay không?
Điển hình như hai địa phương Gia Lai hợp với Bình Định và lấy tên là tỉnh Gia Lai (tỉnh lỵ) nghe thấy không ổn, chưa kể là hai tỉnh nầy địa lý khác biệt nhau, một là đồng bằng ven biển và một là rừng núi cao nguyên. Hơn nữa, thành phần dân cư ở hai tỉnh cũng khác biệt nhau: người Kinh và người sắc tộc thiểu số. Tương tự như vậy hai địa phương Quảng Ngãi và Kon Tum lấy tên là Quảng Ngãi (tỉnh lỵ) cũng cùng một trường hợp.
Trước đây ngay sau năm 1975 đã có lần sáp nhập hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum thành một tỉnh, nếu thấy tiện lợi thì lấy tên là tỉnh lỵ Gia Lai (hay Pleiku) cũng hợp tình, hợp lý hơn về mọi phương diện từ địa lý, dân cư, sự phát triển kinh tế cho đến truyền thống văn hóa của cộng đồng người sắc tộc.
Sự sáp nhập các địa phương Đăk Lăk với Phú Yên, Lâm Đồng với Bình Thuận, Ninh Thuận, Đăk Nông cũng nằm trong chiều hướng bất hợp lý vừa nêu trên. Phải chăng các nhà hoạch định chiến lược sáp nhập nhất quán nghiêng hẳn về hợp Hoành hơn hợp Tung (nhìn trên bản đồ địa giới) giống như các nhà chiến lược quân sự.
Riêng về đồng bằng sông Cửu Long, nếu nay đã thay đổi tư duy không lấy tên sông đặt cho tên tỉnh (như Đồng Nai, Tiền Giang, Hậu Giang nữa) khi sáp nhập vào cũng nên dựa theo “phần mềm” (văn hóa, truyền thống) như hai địa phương Đồng Tháp và Tiền Giang sao lại lấy tên tỉnh Đồng Tháp nghe thấy không hợp tình hợp lý, vì Đồng Tháp và Tiền Giang đều là tên mới đặt sau nầy (1975), nhưng Mỹ Tho hay Định Tường có bề dày truyền thống lâu đời và phổ biến hơn mà mọi người mọi thế hệ đều biết đến, cho nên chọn Mỹ Tho hay Định Tường (tỉnh lỵ) có từ thời nhà Nguyễn là lựa chọn thích hợp hơn. Mỹ Tho còn là địa điểm giao thương trung chuyển quan trọng vào bậc nhất ở miền Nam qua suốt các thời kỳ phát triển của đất nước.
Nói chung miền Nam (khu vực đồng bằng sông Cửu Long) có chung điều kiện về đất đai, thổ nhưỡng, con người phóng khoáng nên cũng không có vấn đề gì trở ngại lớn lao khi sáp nhập. Hơn nữa với phương tiện giao thông đường xá mở rộng thuận tiện, cầu đường phát triển rộng khắp nên có đổi tên gọi mới các đơn vị hành chánh cũng không gây khó khăn phiền phức việc đi lại hay về các thủ tục, giấy tờ hành chánh. Duy chỉ có một điều là nên tránh áp đặt cục bộ, vùng miền và phải hợp tình hợp lý.

Sự bãi bỏ cấp huyện và sáp nhập cấp xã
Cho đến cuối năm 2024 Việt Nam có tổng cộng 705 đơn vị hành chánh cấp huyện và 10.598 đơn vị hành chánh cấp xã (bao gồm 614 thị trấn, và 1.737 phường)
Về cải tổ guồng máy hành chánh xã, đây là một vấn đề hết sức phức tạp. Năm 1972 với đà phát triển dân số đổ xô về các địa điểm đông dân, chính quyền VNCH có đề ra một cuộc “cách mạng hành chánh” nhằm nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân nên đã biến cải tổ chức hành chánh xã, phân lọai không kể địa giới lớn nhỏ mà theo mật độ dân số, nếu xã có trên 30.000 dân sẽ trở thành “xã phát triển” (như ThỊ trấn hay Thị xã ngày nay) điển hình là xã Phú Nhuận tỉnh Gia Định, xã Tùng Nghĩa tỉnh Tuyên Đức, xã Châu Thành tỉnh Kontum … và hầu hết các xã ở tỉnh lỵ trên toàn quốc đều trở thành các xã phát triển có ngân sách tự quản rất cao cộng với thành phần nhân sự lãnh đạo (thí điểm) được đào tạo chính quy (tốt nghiệp Quốc Gia Hành Chánh). Chủ trương nầy đã bị các chuyên gia Liên Hợp Quốc chỉ trích là “nghiêng về thành thị”, tập trung quá nhiều phúc lợi, tiện ích xã hội hơn so với các xã vùng sâu vùng xa hay ít dân.
Lúc bấy giờ với dân số chỉ hơn 17 triệu người sinh sống trên 2.481 xã nên việc sáp nhập hay xóa bỏ một số xã không cần thiết, vẫn duy trì được như cũ, thậm chí có xã vẫn có tên trên giấy tờ nhưng không có hoạt động vì dân đã di cư đi nơi khác, nhất là các xã ở vùng sâu, vùng xa thuộc quyền kiểm soát của cộng sản.
Ngày nay đất nước thống nhất, lãnh thổ vẫn gần nguyên như cũ không thêm không bớt, nhưng với dân số trên 100 triệu người nên công việc quản trị hành chánh thật sự khó khăn hơn, trước hết là sự phát triển thiếu tính đồng bộ giữa các địa phương, nhất là ở cấp xã, từ đó gây ra tình trạng phân biệt giữa xã công nghiệp và xã nông nghiệp có thể ảnh hưởng đến đời sống xã hội như giàu và nghèo. Tình trạng khiếm dụng ở nông thôn đã xảy ra vì lực lượng lao động chính sẽ chuyển dần đến các khu vực công nghiệp đưa đến sự mất quân bình về dân số tại các địa phương.
Hiện nay chưa có công bố chính thức về cải cách nền hành chánh xã khi bãi bỏ cấp huyện. Thông thường thì sự phân chia các đơn vị hành chánh căn bản các cấp đều được ghi rõ trong Hiến pháp, nếu muốn hủy bỏ một hay nhiều cấp cần phải thay đổi một số điều khoản trong Hiến pháp vì sắc lệnh của chính phủ chưa đủ để thể hiện được ý chí của toàn dân.
Dù không có thay đổi lớn về địa giới nhiều nhưng chắc chắn là sẽ có sự sắp xếp lại và thay đổi danh xưng cũng là một vấn đề quan trọng sẽ khiến cho mọi người ở địa phương hoang mang. “Phép vua thua lệ làng” vẫn còn bàng bạc trong dân gian nên không dễ gì thay đổi hay sáp nhập, nói chi đến việc bãi bỏ.
Đặc biệt là cấp huyện, lâu đời nay từ khi có tổ chức chính quyền từ thời phong kiến xa xưa cho đến thời cận đại sự phân chia các đơn vị hành chánh luôn hiện diện cấp huyện, trung gian giữa hai đơn vị có tư cách pháp nhân là tỉnh và xã. Nay chính quyền dự tính bãi bỏ cấp huyện trên toàn quốc là điều cần nên nghiên cứu lại sâu sát hơn.
Thật ra hiện nay trên thế giới đa phần các nước tiên tiến đều duy trì đơn vị hành chánh cấp huyện (county) là cần thiết, chỉ có điều là cấp huyện có thực hành đúng chức năng của mình hay không mà thôi.
Thời VNCH hầu hết các quận (huyện) trên toàn quốc, văn phòng quận chỉ có 4 Ban: Hành chánh, Tư pháp, Nội an và Kinh tế, nhân sự chỉ tối đa chừng 20 người là tương đối đủ (so với hiện nay hằng trăm người ở Ủy Ban Nhân Dân Huyện), còn các chuyên ngành nào thì do Bộ sở quan đó quyết định tùy theo, có nên hoạt động ở địa bàn cấp huyện hay không. (như công chánh, giao thông, giáo dục v..v…) Tuy là đơn vị trung gian nhưng hoạt động cũng quy củ và có hiệu quả.
1- Huyện là cơ quan tài phán ở cấp thấp nhất (Tòa Hòa Giải Rộng Quyền) để giải quyết nhanh chóng các tranh tụng về dân sự ở địa phương, phù hợp với tập tục và truyền thống riêng (như sắc dân thiểu số) cũng như các khiếu nại về hộ tịch, giấy tờ thất lạc do chiến tranh, hỏa hoạn (giấy Thế vì Khai sanh, Giá thú …), không phải chờ đợi chuyển lên cơ quan tài phán cấp tỉnh.
2- Những sự việc xảy ra ở địa bàn thuộc diện rộng, nhiều xã như thiên tai, hỏa hoạn, động đất chỉ có cấp huyện là có thể huy động lực lượng cứu hộ nhanh nhất và có hiệu quả nhất.
3- Công việc kiểm tra dân số để lập danh sách thụ hưởng các quyền lợi ở các xã cần có huyện tổng kết để gởi về tỉnh vừa theo dõi vừa chia sẻ gánh nặng cho tỉnh, nếu mỗi xã đều gởi trực tiếp về tỉnh thì tỉnh sẽ không có cơ hội kiểm tra danh sách thực địa như huyện.
4- Quản lý các hoạt động kinh tế trong địa bàn huyện (bao gồm nhiều xã) như cấp giấy phép hoạt động cho các cơ sở kinh doanh, nhà máy, kiểm tra tình hình sản xuất ỏ địa phương với qui mô nhỏ. Đánh giá và báo cáo về tỉnh. Cấp giấy phép vận chuyển đi lại cho người dân hoặc các cơ sở sản xuất hàng hóa tại địa phương
5- Phối hợp với tỉnh tổ chức các cuộc bầu cử viên chức hành chánh xã ấp.
6- Được tỉnh ủy nhiệm làm phát ngân viên cấp phát tiền cứu trợ trực tiếp cho dân chúng trong các công tác xã hội tại địa phương.
7- Trung gian Ngân khố hay Bưu Điện có nhiệm vụ thu tiền do các xã giao nộp để chuyển về tỉnh. (vì xã không được quyền giữ tiền lưu hành quá mức quy định)
8- Chứng thực các giấy tờ cần kiểm tra độ tin cậy theo luật định.
9- Ban hành các văn kiện mới về tổ chức và điều hành cấp xã do tỉnh hay trung ương phổ biến.
10- Thâu nhận hồ sơ tài chánh, thuế vụ, kiểm toán ở các xã, tập trung chuyển về trung tâm Chuẩn Chi ở tỉnh.
11- Tổ chức huấn luyện định kỳ về quản lý hành chánh cho các viên chức xã, ấp.
12- Tham gia vào các Ủy Ban kiểm tra hay tiếp nhận các công trình xây dựng, trạm xá y tế, giao thông, cầu đường tại địa phương.
Dù có tinh giản và sáp nhập các đơn vị hành chánh cấp xã tối đa đến 70% cũng còn hơn 3,000 đơn vị hoạt động cho nên nếu bãi bỏ cấp huyện thì hoạt động hai chiều giữa tỉnh và xã sẽ rất lỏng lẻo có khi công việc ùn tắc mất nhiều thời gian. Hơn nữa về nhân sự cấp xã cũng chưa hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu đổi mới.
Nếu mục đích tinh giản nhân sự để bội thu ngân sách từ việc bãi bỏ các cơ chế tốn nhiều ngân quỹ là một chủ trương chưa đúng lắm.
Kết luận, tinh giản và sáp nhập các đơn vị hành chánh tỉnh và thành phố là việc cần phải làm, nhưng cũng nên xem xét lại các yếu tố về địa lý, dân cư và văn hóa truyền thống từng địa phương sao cho phù hợp để người dân đồng tình và ủng hộ. Riêng về cấp huyện cũng nên tinh giản nhưng không nên bãi bỏ. Tất cả chỉ nhằm một mục đích là làm sao cho guồng máy hành chánh đỡ cồng kềnh, bớt quan liêu và tránh lãng phí trong hệ thống công quyền cho nên việc đào tạo và thay đổi tư duy đội ngũ nhân sự mới là yếu tố then chốt trong công cuộc cải cách.
Chỉ có quyết tâm thực hiện và tri thức cởi mở mới đưa đất nước Việt Nam tiến lên hàng ngũ các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Thật mong lắm thay.
The post Vấn đề cải tổ hành chánh tại Việt Nam appeared first on Saigon Nhỏ.