Vietnam

Ai đã đưa “Em bé Napalm” đến bệnh viện?

Tôi sinh ra khi đất nước không còn chiến tranh. Nhưng vẫn còn đó những ký ức hãi hùng trong chuyện kể và mất mát của chính gia đình mình. ‘Hồi đó nhà nào chả có người mất vì chiến tranh’, tôi nhớ lại lời một người thân kể mỗi dịp tôi về quê, thắp một nén nhang cho một người bác ruột hy sinh ở miền Trung. Bác tôi, ngày ấy 16 tuổi, là con trai một trong gia đình. Theo tiếng gọi ‘cứu quốc’ của thời đại mình, bác bỏ nhà đi vào chiến trường khốc liệt nhất ở Quảng Trị. Và nằm lại đó mãi mãi.

Tôi vẫn thấy hơn 50 năm sau, mỗi lần giỗ bác hoặc quanh bữa cơm họp mặt gia đình, các bác, dì và mẹ tôi vẫn rớm nước mắt khi nhớ thương về một người anh vẫn nằm lại nơi nào đó lạnh lẽo ở miền Trung, chưa được về với gia đình.

Chiến tranh ám ảnh thế hệ sinh ra và lớn lên trong hoà bình là chúng tôi theo cách ấy.

advertisement

Khi lần đầu nhìn bức ảnh ‘Em bé Napalm’, tôi nhớ mình lướt qua thật nhanh hình ảnh khủng khiếp ấy. Hình ảnh như có tiếng kêu thét khủng khiếp của những người trong bức hình ấy, thực sự ớn lạnh.
Tôi trở thành một nhà báo trong gần 15 năm, một trải nghiệm không quá dài với công việc luôn cần nhiều trưởng thành mỗi ngày. Điều tôi kỳ vọng ở nghề nghiệp ko chỉ là mình trở thành người chứng kiến, ghi nhận và tường thuật lịch sử của một thời kỳ nào đó. Như chính thời đại mình đang sống. Bức ảnh ‘Em bé Napalm’ và câu chuyện người phóng viên đã buông máy ảnh, cứu em bé trong hình ngay sau đó mới là câu chuyện tôi thực sự xúc động.

Thú thật, ở thời đại của mình, tôi không muốn thế giới vẫn nhìn Vietnam dưới bức ảnh những đứa bé Việt bị bom cháy, chạy trần truồng, la hét vì hoảng sợ như hơn 50 năm trước.

Tôi đi tìm lại câu chuyện mà mình thực sự bị lay động về người phóng viên đã ở đó, viết lại lịch sử, và cứu người trong khoảnh khắc ngắn ngủi.

Nhưng có những điều dù muốn dù không, lịch sử vẫn là sự thật. Không phải do ai sắp đặt.
Bức ảnh cậu bé Châu Phi đói gục bên chim kền kền đã khiến phóng viên ảnh chụp tấm hình ấy tự sát sau đó vì ko chịu nổi áp lực dư luận.

Là một nhà báo, điều đó hẳn luôn đau đớn với tất cả những ai theo đuổi nghề nghiệp bằnh trái tim và trách nhiệm.

Bức ảnh nổi tiếng ‘Hành quyết ở Saigon’ sau đó cũng khiến phóng viên chiến trường Eddie Adam phải đớn đau vì ông cảm thấy ‘một bức ảnh giết hai con người’! Và từ đó ông hiếm khi nhắc lại về bức ảnh đó – dù nếu lịch sử lặp lại, ông vẫn phải bấm máy. Tôi tin thế.

Tôi lần tìm về kho ảnh của ngày 8.6.1972 trong nhiệm vụ tìm kiếm tác giả thực sự của bức ảnh ‘Em bé Napalm’. Không một bài báo nào thời đó trên báo Việt nhắc tới chuyện cuộc đời những đứa trẻ sau khoảnh khắc bị đốt cháy bởi bom Napalm.

Tôi hy vọng tìm được gì đó từ câu chuyện mà sau này Nick Ut – tác giả bức ảnh thường kể: Ông đã đưa Kim Phúc và những em bé trong bức ảnh nổi tiếng đến bệnh viện, cứu cuộc đời họ một lần nữa.
Nhưng vẫn ko có một tin tức nào. Ngoại trừ bài báo của Carl Robinson, người đã cùng đồng nghiệp @Tom Fox của hãng AP đi tìm KP khi bức ảnh xuất hiện trên hàng loạt tờ báo quốc tế.

advertisement

Thật lạ, tác giả của bức ảnh đã ở đâu sau câu chuyện đưa em bé Napalm đến bệnh viện, thậm chí phải dùng thẻ báo chí uy hiếp bác sĩ cứu đứa bé sắp chết?

Có quá nhiều bí ẩn trong mảnh ghép câu chuyện ấy. Và cuối cùng tôi tìm thấy một số bức ảnh khác sau khoảnh khắc ‘Em bé Napalm’.

Những người lính địa phương ở Trảng Bàng đã đưa những đứa trẻ đến nơi an toàn và cấp cứu những bé bị phỏng. Trong hình, KP và những đứa bé được quấn một chiếc khăn tắm quanh bụng, đang chạy theo những người lính địa phương quân.

Ngày hôm sau thì KP được tìm thấy đang được điều trị tại BV Nhi đồng 1, Sài Gòn nhờ câu chuyện mà Carl Robinson và đồng nghiệp Tom Fox đã kể trên AP. Họ cũng kết nối với các tổ chức từ thiện quốc tế giúp đỡ gia đình KP sau đó.

Là một nhà báo, tôi chỉ có thể đưa ra những chứng cứ mà mình có được. Sự thật ko thể tô vẽ theo bất cứ ai, bất kỳ điều gì.

Hình ảnh hiếm hoi trong bệnh viện của Em bé Napalm (Tư liệu Lê Vân)

Bài báo tường thuật đầu tiên của @Carl Robinson về bức ảnh Em bé Napalm

Bạn có thể cảm nhận khi một bức ảnh là “người chiến thắng,” và chúng tôi biết ngay bức “Em bé Napalm” là một trong số đó – giống như bức ảnh cảnh viên cảnh sát trưởng bắn chết một người Việt Cộng trên đường phố Sài Gòn trong Tết Mậu Thân năm 1968. Bức ảnh lập tức gây chấn động toàn cầu, nhưng nó tồn tại một cách độc lập – không có câu chuyện đi kèm. Sáng hôm sau ở văn phòng, New York liên tục yêu cầu thêm chi tiết. Cô bé đó là ai? Chuyện gì đã xảy ra?

Tôi được giao nhiệm vụ tìm “Em bé Napalm” trong hệ thống bệnh viện đông đúc và thường xuyên hỗn loạn ở Sài Gòn. Trái với những gì anh ta (Nick Ut) tuyên bố sau này, chính những người lính – chứ không phải Nick Ut – đã dội nước lên người cô bé và những nạn nhân bỏng khác, rồi đưa họ lên vài chiếc Tri-Lambrettas – loại xe taxi ba bánh – để đưa vào Sài Gòn.

May mắn thay, người bạn cũ của tôi từ tổ chức IVS, Tom Fox – người nói tiếng Việt trôi chảy – bất ngờ ghé qua văn phòng, và cùng với nhiếp ảnh gia Cung, chúng tôi lên đường vào thành phố để tìm cô bé. Trong khi đó, người được cho là tác giả bức ảnh – Nick Ut – thì không thấy đâu. Lại biến mất đâu đó.

Rất may mắn, chúng tôi tìm thấy cô bé ngay ở bệnh viện đầu tiên chúng tôi ghé. Không hiểu sao, cô bé lại được nằm riêng trong một căn phòng, với cha mẹ bên cạnh. Tên cô là Phan Thị Kim Phúc, khi đó mới 9 tuổi. Toàn thân cô được quấn băng trắng toát. (Nhiều năm sau, Tom Fox vẫn nhớ rõ mùi napalm trên người cô bé.) Cô hầu như không thể nói chuyện, nhưng nhờ Tom hỗ trợ, tôi lấy được đủ thông tin cho một bài viết, và Cung thì chụp vài bức gửi về bằng đường ảnh vô tuyến (radiophoto).

Cha cô bé – ông Phan Thanh Tùng – là một viên chức quận thất nghiệp, kể lại rằng vài ngày trước, quân Bắc Việt đã lén tràn vào khu vực phía tây thị trấn, gây nên cuộc giao tranh với quân chính phủ. Khi lũ trẻ ra ngoài chơi, không quân miền Nam bắt đầu không kích, và bọn trẻ nhảy xuống mấy cái giao thông hào cạnh chùa Cao Đài. Nhưng lính cảnh báo rằng ở đó cũng không an toàn.
Sau đó, khi bọn trẻ bắt đầu chạy dọc theo con đường, máy bay thả bom napalm gần như ngay trên đầu họ, khiến họ bốc cháy. Cậu em trai hai tuổi của Kim Phúc – người được mẹ ôm trong bức ảnh – bị bỏng nặng đến mức qua đời vài ngày sau đó. “Chiến tranh này tàn nhẫn quá,” ông Tùng bật khóc. “Giá mà lũ trẻ cứ ở lại trong chùa thì đâu đến nỗi…”

Từ lúc đó cho tới khi Sài Gòn thất thủ gần ba năm sau, Kim Phúc là câu chuyện của tôi. Và với một người sau này coi bức ảnh đó là trung tâm của cuộc đời mình, thì Nick Ut thật đáng ngạc nhiên khi lại rất xa cách – chưa bao giờ tỏ ra tò mò hay muốn đi cùng tôi trong những lần viết tiếp câu chuyện. Đến tháng 11, ngôi nhà của gia đình Kim Phúc bị phá hủy hoàn toàn khi quân Bắc Việt lại tấn công.

Nick Ut chỉ gặp lại cô bé sau khi giành được giải Pulitzer năm sau đó, khi AP yêu cầu chụp bức ảnh hai người cùng nhau tại Trảng Bàng. (Sau này, họ cũng gặp lại ở Cuba – nơi Kim Phúc đi du học, và sau đó xin tị nạn ở Canada. Nhưng lúc ấy, Nick Ut đã sống trong vinh quang, còn những cộng tác viên địa phương như tôi thì vẫn tiếp tục công việc ở AP. Dù sao thì, anh ta đã “thắng” giải Pulitzer.)
Bức ảnh “Em bé Napalm” – rồi đến các bài viết của tôi – đã khơi dậy làn sóng cảm thông và giúp đỡ từ khắp nơi, đặc biệt là nước Mỹ. Một trong những món quà cảm động nhất đến từ một người phụ nữ ở Brooklyn, New York, người đã gửi cho Kim Phúc một chiếc váy hơi rộng – nhưng cô bé lại rất thích cuốn sách tô màu đi kèm.

Lời đề nghị kỳ lạ nhất đến từ Sở Cứu hỏa New York – họ quyên góp được vài nghìn đô và muốn mời Kim Phúc sang Mỹ nghỉ hè, có thể để đi xe cứu hỏa quanh thành phố. Họ theo đuổi đề xuất đó suốt nhiều tháng, cho tới khi tôi phải viết thư lịch sự đề nghị họ gửi số tiền đó cho gia đình nghèo của cô bé thì hơn. Khi tiền đến, tôi đã cùng cha cô tới chi nhánh ngân hàng Chase Manhattan ở Sài Gòn – nơi ông ấy tự hào mở tài khoản ngân hàng đầu tiên trong đời.

Sự chú ý xoay quanh trường hợp của Kim Phúc cũng góp phần làm nổi bật hoạt động của Phòng khám Barsky – một cơ sở chuyên điều trị bỏng do USAID tài trợ, vốn điều trị cả nạn nhân chiến tranh lẫn tai nạn thường ngày, trong bối cảnh Quốc hội Mỹ đang cắt giảm viện trợ nước ngoài. Khi Kim Phúc bắt đầu loạt phẫu thuật ghép da tương đối thường quy tại đây, nữ giám đốc của phòng khám đã tự hỏi tại sao trường hợp của cô bé lại nhận được nhiều sự chú ý đến vậy, trong khi còn rất nhiều bệnh nhân bỏng Việt Nam khác trong tình trạng tệ hơn nhiều. Và khi nhìn quanh phòng khám đang chịu nhiều áp lực ấy, tôi cũng không thể không đồng ý với bà. Nhưng may mắn là các khoản quyên góp mới đã giúp Phòng khám tiếp tục hoạt động.

 

The post Ai đã đưa “Em bé Napalm” đến bệnh viện? appeared first on Saigon Nhỏ.

 

Show More
Back to top button