
Giữa lúc nhà cầm quyền CSVN đang gia tăng trấn áp những tiếng nói đối lập, vẫn còn những con người kiên cường, không chịu khuất phục. Họ dõng dạc hô vang những khẩu hiệu “Trả đất cho dân! Cướp đất là tội ác!” Đây không chỉ là khẩu hiệu, mà còn là nỗi đau của cả một thời kỳ đen tối.
Trịnh Bá Phương, nhà hoạt động vì quyền đất đai tại Hà Nội, là một trong những con người ấy. Tôi lặng người, một thoáng mắt cay xè khi hay tin người anh em lần thứ hai bị khởi tố tội “Tuyên truyền chống Nhà Nước.”
Vào ngày 7 Tháng Năm, 2025, tài khoản Facebook “Thu Đỗ” được cho là của vợ nhà hoạt động Trịnh Bá Phương, 40 tuổi, bất ngờ đăng một dòng status ngắn ngủi “Chồng tôi tiếp tục bị khởi tố theo Điều 117. Thông tin chi tiết về Hà Nội tôi sẽ đưa lên sau.” Tôi như bị choáng váng trước thông tin này.
Vào hồi Tháng Sáu, 2020, Phương cùng em trai Trịnh Bá Tư và mẹ ruột là bà Cấn Thị Thêu bị cơ quan Công An Hà Nội và Hòa Bình khởi tố với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước.” Sau đó, Phương bị kết án 10 năm tù giam, hiện đang thụ án tại trại giam An Điềm, tỉnh Quảng Nam.
Thế nhưng nay, khi đang còn trong tù, Phương lại tiếp tục bị khởi tố lần hai, vẫn với tội danh nêu trên. Một điều chưa từng có tiền lệ trong tư pháp Việt Nam. Việc một người đang thụ án bị khởi tố thêm một tội danh khác là điều không hiếm xảy ra, nhưng trường hợp của Phương bị khởi tố lại cùng một tội danh, chỉ vì bày tỏ chính kiến chính trị trong tù là điều không tưởng.
Giải đáp điều này, chị Thu, vợ Phương kể lại sự việc: Tháng Mười Một năm 2024, nhằm phản đối chế độ giam giữ hà khắc đối với tù nhân tại trại giam An Điềm, Phương có viết một số biểu ngữ trong đó có dòng chữ ‘đả đảo cộng sản.’ Giám thị trại giam sau đó chuyển vụ việc lên cơ quan an ninh tỉnh Quảng Nam. Đến ngày 8 Tháng Tư vừa qua, cơ quan an ninh tỉnh Quảng Nam ra quyết định khởi tố Phương.
Cũng tại nơi này, vào hồi Tháng Tư năm 2024, bốn tù nhân chính trị trong đó có Trịnh Bá Phương tuyệt thực nhiều ngày để tố cáo cán bộ ngược đãi tù nhân.
Tôi bắt đầu quen biết gia đình Phương vào một ngày hè Tháng Tư năm 2014. Khi ấy mạng xã hội lan truyền tràn ngập đoạn video ghi lại cảnh hàng trăm công an và lực lượng chức năng Hà Nội dùng dùi cui, gậy gọc tấn công dân lành để cưỡng chế đất đai ở quận Hà Đông.
Mẹ của Phương, một phụ nữ nổi bật với lòng quả cảm khi dùng chính sinh mạng của mình, leo lên chòi cao quay lại toàn cảnh tội ác của lực lượng cưỡng chế, cha của Phương là ông Trịnh Bá Khiêm bị lực lượng cưỡng chế đánh đập thô bạo. Dư luận theo dõi vụ việc đã bày tỏ sự căm phẫn và càng căm phẫn hơn khi ngay sau đó, cha mẹ của Phương phải lãnh bản án mỗi người 15 tháng tù giam với cáo buộc tội “chống người thi hành công vụ.”
Khoảng một tháng sau, tôi ra Hà Nội tham dự cuộc biểu tình phản đối giàn khoan HD 981 xâm phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa, trước Đại Sự Quán Trung Cộng. Tôi có dịp gặp Phương tại nhà thờ Thái Hà, Phương kể cho tôi nghe chuyện vào năm 2008, nhà cầm quyền quyết định trưng thu đất đai của hàng trăm hộ dân ở thôn Dương Nội, trong đó có trang trại của gia đình Phương với giá rẻ mạt để bán cho nhà đầu tư bất động sản.
Điều này quá quen thuộc ở Việt Nam, chẳng ai sinh ra để cam chịu mình bị cướp đất và người dân Dương Nội cũng vậy. Họ đứng lên đấu tranh giữ đất để được sống trên chính mảnh đất tổ tiên mình để lại. Họ giữ đất ở đây không chỉ để canh tác mà còn giữ cái để dành cho con cháu mai sau quay về, gọi là quê hương.
Từ Phương, tôi quen biết thêm Trịnh Bá Tư. Với nhận xét ban đầu của tôi, Phương lúc ấy đen, gầy nhưng lanh lợi, do lăn lội ngoài xã hội nhiều nên ăn nói khá lưu loát hễ khi có báo đài xin phỏng vấn. Còn Tư thì trái lại chân chất, ít nói và điềm đạm, nên trên cộng đồng mạng tên Phương khá nổi bật.
Tôi thật sự ấn tượng với Phương và Tư là kể từ năm 2016, thời điểm bà Thêu bị nhà cầm quyền Hà Nội bỏ tù lần hai với bản án 20 tháng tù giam vì “gây rối trật tự công cộng.” Thực ra bà Thêu cùng bà con mất đất tham gia cuộc biểu tình ôn hòa nhằm yêu cầu nhà cầm quyền trả lại đất đai.
Từ những thanh niên trẻ trung, chất phác và cần cù lao động để lo sinh kế gia đình, Phương và Tư nhanh chóng trở thành hình ảnh dũng cảm, luôn tiên phong trên mặt trận đấu tranh đòi quyền đất đai, bảo vệ môi trường, kêu gọi trả tự do cho các tù nhân lương tâm và cổ vũ nhân quyền cho Việt Nam.
Đặc biệt là Phương, không ngừng cất tiếng hô dõng dạc trên các tuyến đường trung tâm thành phố Hà Nội rằng: “Trả lại tư liệu sản xuất cho người dân! Cướp đất là tội ác!” Và trước mặt nhà cầm quyền, Phương khẳng khái nói: “Ngày hôm nay các ông xét xử chúng tôi, ngày sau lịch sử dân tộc chắc chắn sẽ xét xử lại các ông.”
Thông qua Phương và Tư, tôi được biết thêm cô Lan, chị Thảo, chị Tâm,… là những người dân sinh sống ở Dương Nội kiên cường. Ở họ, tôi thấy một phong trào nông dân lúc nào cũng hừng hực khí thế đấu tranh. Không cần phải cầm vũ khí như súng đạn hay gây gọc, vũ khí chính của họ là tiếng nói uất ức và sự thật đủ để tấn công không khoan nhượng trước đoàn quân nhân danh chính quyền đi trấn áp, lấy đất của dân nghèo giao cho kẻ giàu.
Trịnh Bá Phương còn tạo ấn tượng mạnh với tôi bằng việc, vào khoảng năm 2018- 2019, thông qua vụ kiện tụng của vua chả giò Trịnh Vĩnh Bình giành thắng lợi trước Chính Phủ CSVN, Phương có chia sẻ với tôi rằng, bản thân có ý định liên hệ với các tổ chức quốc tế để đưa Chính Phủ CSVN ra tòa án quốc tế vì tội “cướp tư liệu sản xuất của người dân chính là hành vi tước đoạt quyền sống.” Tuy nhiên, ý định này của Phương không thực hiện được.
Biến động xã hội Việt Nam dồn dập những sự kiện, nhà cầm quyền CSVN đẩy mạnh cao trào trấn áp các hội nhóm dân sự độc lập. Tôi và Phương sau đó ít liên lạc với nhau. Tôi giảm các hoạt động dân chủ – nhân quyền, còn Phương dành nhiều thời gian cho việc buôn bán để lo cho vợ con.
Nhưng rồi đến Tháng Một, 2020, nhà quyền Hà Nội xua 3,000 công an và các thành phần chức năng nổ súng tấn công vào làng Đồng Tâm, giết chết đảng viên lão thành Lê Đình Kình và bắt bỏ tù nhiều người dân gây rúng động dư luận quốc tế. Phương, Tư, bà Thêu và chị Tâm không im lặng, họ tích cực cung cấp thông tin sự việc cho báo chí–truyền thông quốc tế.
Hậu quả là Tháng Sáu năm 2020, cả bốn người bị nhà cầm quyền Hà Nội bắt giữ và tuyên bản án nặng nề. Lúc Phương bị bắt, đứa con trai thứ hai của vợ chồng Phương vừa mới chào đời được bốn ngày tuổi.
Với tinh thần đấu tranh không khoan nhượng trước cường quyền, nhiều thông tin xuất hiện trên các trang mạng xã hội cho biết bà Thêu, Tư và Phương không ít lần bị cán bộ trại giam ngược đãi, đánh đập, thậm chí Phương còn bị cưỡng bức đưa vào trại tâm thần.
Vắng đi những trụ cột chính trong gia đình, vợ Phương là chị Thu một nách nuôi hai con, vừa tiếp nối con đường dấn thân của chồng vừa lao động để cùng gia đình chồng vượt muôn dặm đường đầy khó khăn và trắc trở để đi thăm nuôi ba người ở ba nhà tù cách xa nhau. Cuộc sống khổ sở là vậy, nhưng thông qua những dòng chia sẻ trên trang Facebook cá nhân, ở đó tôi thấy chị Thu lúc nào cũng tỏ ra lạc quan, không chút vướng bận, vẫn kiên định con đường gia đình chồng đã chọn.
Một gia đình biểu tượng cho tinh thần bất khuất của người nông dân Việt Nam đương đại chống cưỡng chế đất, một Trịnh Bá Phương dũng cảm quên mình để đấu tranh cho công lý, công bằng và sự thật trong chốn lao tù.
Giờ nghe Phương bị nhà cầm quyền CSVN khởi tố lần hai, tôi lặng người vì không thể nào hiểu, ở chốn lao tù khắc nghiệt kia, việc bảo vệ an toàn cho bản thân cũng đã khó, nói gì đến việc Phương chống Nhà Nước? Phải chăng nhà cầm quyền CSVN đã cạn cùng nhân tính, đối với tiếng nói đối lập họ chỉ còn đàn áp, và đàn áp không ngừng nghỉ?
Tuyệt vời lắm Phương! Sinh ra ở Việt Nam dưới thời cộng sản, vốn dĩ chúng ta đã bị bất công về quyền sống và chúng ta không có quyền chọn lựa. Chúng ta phải đấu tranh, đấu tranh cho đến khi nào quyền con người được tôn trọng đúng chuẩn mực của quốc tế mà nhà cầm quyền đã ký kết.
Cảm phục Trịnh Bá Phương, giữa những khoảnh khắc đen tối nhất, người anh em vẫn chọn cho mình một cuộc đời đấu tranh cho lẽ phải và lương tri. Dù án có chồng án nhưng tôi biết Phương vẫn không cúi đầu, nhà tù không làm Phương khuất phục.
Rồi đây, CSVN sẽ sợ Phương, một người dám đứng thẳng và nói thẳng thay cho triệu triệu đồng bào: Dùi cui và án tù không thể đánh đổi công lý, tự do không đến từ miễn phí, thậm chí là phải đánh đổi bằng máu và nước mắt. Hãy nhớ rằng, một người ngã xuống không đồng nghĩa với lý tưởng sẽ mất đi, vì vậy những ai có một trái tim biết đau khi thấy bất công thì hãy lên tiếng như những thành viên gia đình họ Trịnh, để đất nước này rồi sẽ có tự do, người dân Việt rồi sẽ không còn bị bịt miệng.
The post Bị ‘án chồng án,’ Trịnh Bá Phương vẫn kiên cường! appeared first on Saigon Nhỏ.