
Những ngày cuối Tháng Tư đầu Tháng Năm, dư luận lại rộ lên chuyện ông Đoàn Ngọc Hải (nguyên phó chủ tịch UBND Quận 1-TP.HCM) đem ngôi biệt thự trị giá $10 triệu ra đặt cược với ai chứng minh được ông không minh bạch trong việc kêu gọi và làm từ thiện của mình. Rồi chuyện giáo sư Trần Văn Giàu bán ngôi nhà lấy 1,000 lượng vàng để làm học bổng giúp học sinh nghèo.
Tất nhiên đã, đang và sẽ có những câu hỏi rằng các ông này “đào” đâu ra lắm của, nhiều vàng đến thế. Bởi lẽ, họ đều xuất thân từ giai cấp “vô sản,” thuộc thành phần bần cố nông ba, bốn đời cả, hoặc cũng chỉ thuộc giới tiểu tư sản trí thức.
Chuyện ông Hải thì quả thực chưa có nguồn thông tin nào để xác minh nguồn gốc giàu có hiện nay, với mấy ngôi biệt thự hay nhà ở sang trọng giữa trung tâm Sài Gòn, chưa kể một ngôi nhà mới xây dựng gần đây có trị giá hơn 3 tỷ đồng mà ông làm nơi cho người già neo đơn cư ngụ, và nay hiến cho một tổ chức nhằm tiếp tục công việc đó. Ông Hải cũng chủ sở hữu xe hơi sang trọng, đeo đồng hồ hàng hiệu có giá hàng chục tỷ đồng.
Còn ông Giàu, nay đã mất. Tôi có dịp gặp ông tại ngôi nhà riêng trong khu cư xá Lữ Gia (quận 11), góc Lý Thường Kiệt (Nguyễn Văn Thoại cũ) và Lữ Gia. Ngôi nhà này vào thời điểm 2005 cũng có giá ít nhất cũng 500 lượng vàng, có lẽ là ngôi nhà thứ hai sau khi ông bán một căn ở Phạm Ngọc Thạch (Duy Tân, quận 3) để có 1,000 lượng vàng làm học bổng.
Từ ‘chiến lợi phẩm’…
Sau Tháng Tư, 1975, nhất là sau các chiến dịch “ X.2 đánh tư sản mại bản,” đuổi đồng bào gốc Hoa về Trung Quốc, đã có hàng vạn ngôi nhà bị trưng thu, hoặc do chủ nhà đã vượt biên, do thuộc đối tượng cải tạo trong X.2. Cũng có nhiều nhà, chủ vẫn còn trong đó, nhưng rộng rãi nên được yêu cầu cho cán bộ, bộ đội từ miền Bắc hay ngoài bưng trở về ở chung, hay trú đóng gần như vô thời hạn. Những ngôi nhà này được coi là “chiến lợi phẩm,” lần lượt chia nhau dưới nhiều hình thức.
Sau khi được chia chác, số cán bộ này đưa vợ, con, có khi cả gia đình từ miền Bắc vào sinh sống, mà gần như không phải tốn kém đồng bạc nào. Mấy năm sau, mới có chuyện trả tiền thuê với cái giá rẻ mạt.
Một căn nhà, có tầng lầu, tổng diện tích sử dụng hơn 150 m2 ở ngay trong khu chợ Bà Chiểu, được cho một phó giám đốc Cty Xây Lắp nọ thuê ở, mỗi tháng chỉ phải trả có 37 đồng (thời điểm 1982-1983). Giám đốc của ông được sắp xếp đưa vào ở một ngôi nhà có tới 3 tầng lầu, tổng diện tích sử dụng hơn 400 m2, không kể sân thượng, trên đường Hải Thượng Lãn Ông (Khổng Tử cũ, quận 5) mỗi tháng cũng chỉ trả chưa tới trăm bạc. Đây chỉ là mấy trường hợp mà tôi biết khá rõ. Tiền thuê rẻ mạt như thế, nhưng có khi cả năm trời mới thu được, và tiền thu đó lại từ các khoản quỹ do cơ quan, đơn vị nơi công tác chi, người ở chẳng tốn xu nào.
Cũng có khá nhiều nhà ở bị tiếp quản, sau này được cấp cho các đơn vị bộ đội, xí nghiệp quốc doanh, để gọi là giải quyết nhu cầu nhà ở cho cán bộ, công nhân viên. Sau đó, các đơn vị này, thông qua tổ chức đảng, đoàn, công đoàn tại chỗ họp xét bình chọn để tái cấp lại. Thường những người được cấp lại này, phải “biết điều,” “đi đêm,” còn không thì dù có cống hiến cỡ nào, đạt “lao động tiên tiến” hay “chiến sĩ thi đua” cấp bộ, cấp ngành, hay thành phố, cũng đừng mong. Tiền thuê, do đơn vị công tác thu, còn có nộp cho công ty quản lý cho thuê nhà hay không, khó mà biết.
Đối với công nhân, hoặc cán bộ, viên chức cấp thấp được cấp một căn nhà riêng lẻ, hay phải ở chung bốn, năm gia đình, đã như được trúng số. Còn với các “công thần” của chế độ, hoặc là nhờ mối quan hệ, chung chi sao đó nên được ở những ngôi nhà bề thế, thậm chí là biệt thự sân vườn. Tất nhiên, họ cũng phải trả tiền thuê một cách tượng trưng; và vẫn thuộc thành phần vô sản trong hồ sơ lý lịch!
… tới những ông chủ mới
Năm 1994, nhà nước có Nghị định 61/ND-CP về việc bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê ở, đã như một “lá bùa thiêng” làm đổi đời cho biết bao nhiêu hộ gia đình cán bộ từ mấy đời vô sản. Một khối tài sản được rơi vào tay chỉ trong một thời gian ngắn. Chắc chắn sẽ là vô tiền khoáng hậu, chủ trương này được các cán bộ ta hồ hởi hân hoan cực độ. Người ta gọi đây là chủ trương “hóa giá nhà.”
NHà nước “bán” nên có giá. Giá do các hội đồng cấp quận, huyện hay thành phố xác lập. Có không ít chuyên gia từng làm việc dưới chính thể VNCH trước đây, nhận xét: đây là loại giá phi thị trường, bao cấp và được xác lập hoàn toàn chủ quan, cảm tính.
Trong quá trình thực hiện việc bán nhà theo NĐ 61/NĐ-CP này còn có những hướng dẫn thực hiện khác. Theo đó, có những tỷ lệ giảm giá ấn định theo thời gian công tác trong đảng, chính quyền, nhất là từng tham gia hoạt động từ chiến khu ra, cán bộ từ Bắc lưu chuyển, hay các tổ chức khác như công an, bộ đội, chức vụ đang đảm nhiệm. Một người có thể được áp dụng nhiều mức độ giảm giá.
Vài điển hình có thể kể ra:
Ngôi biệt thự số 222 Trương Minh Ký (nay là Lê Văn Sỹ, Phú Nhuận), cách nhà thờ Ba Chuông non 500 mét, được nhà nước cho bốn, năm cán bộ của một cơ quan báo chí. Ngôi nhà rộng đến gần 300 m2, sau khi được cấp vào khoảng năm 1986-87, đất phía sau được xây lên thêm một dãy nhà mới cũng cho cán bộ của tòa soạn vào ở.
Khi áp dụng Nghị Định 61 này, cả ngôi nhà được định giá bán, sau khi đã giảm trừ các chính sách, đâu còn vài nghìn bạc. Số gia đình ngụ cư trong đó, chia nhau tiền hóa giá ngôi nhà chỉ bằng non một năm lương. Ngôi nhà được hoàn toàn do những “ông chủ mới” làm chủ sở hữu. Chỉ vài năm sau, tất cả đồng ý đem bán cho một “đại gia” rồi chia chác nhau, mỗi người ẵm mấy chục lượng vàng, ra nơi khác mua nhà riêng.
Một căn nhà khác, rất nhỏ, bề ngang chỉ hơn 3 m, dài chưa tới 20 m, trên đường Hoàng Đạo (sau là Nguyễn Thông nối dài, tới Trần Văn Đang), ở trong khu vực Cống Bà Xếp, từ lâu trước 1975 đã nổi tiếng là nơi tập trung nhiều tay anh chị, lắm tệ nạn xã hội, mà chủ nhân là một bác sĩ đã di tản sớm. “Cách mạng” về, căn nhà được chiếm làm trụ sở công an phường, rồi UBND phường. Mấy năm sau, UBND phường có trụ sở mới, cũng là một nhà dân đi vượt biên để lại, khang trang và rộng rãi hơn, nên nhà cũ được cho gia đình một phó công an phường . Sau hóa giá vài năm, căn nhà được sang tên đổi chủ mấy lần. Lần cuối vào năm 1994 chủ mới bán được cho người khác với giá hơn 90 lượng vàng.
Có thể kể hàng chục, hàng trăm những điển hình như vậy. Do đó, ngôi nhà giáo sư Giàu bán được cả ngàn lượng vàng, hay những ngôi biệt thự ông Hải đang sở hữu giá cả chục triệu đôla, cũng không có gì ngạc nhiên!
Cổ phần hóa- bữa tiệc ngon ăn
Đầu những năm 1990, Sài Gòn lại rộ lên việc thí điểm cổ phần hóa (CPH). Chủ trương CPH được rêu rao là để cho công nhân viên chức, người lao động được tham gia làm sở hữu chủ doanh nghiệp. Một vài doanh nghiệp nhà nước được chọn, nhưng chỉ mở màn được cho là thành công là Cty Nhựa Bình Minh, một nơi chuyên sản xuất các loại ống nhựa dùng trong xây dựng.
Một người trong cuộc, nguyên là kế toán trưởng ở đây cho biết, họ phải trải qua một quy trình nhiêu khê, từ lên phương án dăm ba lần mới được bộ chủ quản duyệt, phương án bán cổ phần và định giá các loại tài sản, kiểm tra công nợ, được Bộ Tài Chánh thông qua. Quá trình định giá đúng là nhiêu khê. “Ông bộ” muốn ra giá nào thì ra, và cái giá ấy cũng có “cái giá’ cho ổng! Danh nghĩa là bán cổ phần cho công nhân lao động, nhưng mấy ai có tiền để mua. Mỗi người cũng được cho mua một số “cổ phần ưu đãi,” nhưng tới hạn đóng tiền, đại đa số đều phải bán lúa non cho các quan lớn nhỏ trong doanh nghiệp, bán dưới cả mệnh giá.
Chuyện CPH doanh nghiệp nhà nước sau này lan rộng khắp cả nước, nhưng chỉ là cơ hội béo bở cho các quan lớn, từ tại chỗ doanh nghiệp tới các chỗ có liên quan. Ban giám đốc cũ thành các “ông chủ mới,” ai cũng có hàng trăm nghìn, hàng triệu cổ phần đứng tên vợ, tên chồng, tên con; và thao túng toàn bộ các hoạt động của doanh nghiệp.
Một số không nhỏ, cũng gọi là CPH. Thí dụ các trụ sở được nhà nước cấp cho đơn vị hành chính sự nghiệp, như làm tòa soạn báo chẳng hạn, cũng được “phù phép” dưới chiêu bài CPH để rơi vào túi riêng một số rất ít người,
Một ngôi nhà trên đường Hoàng Việt (Quận Tân Bình) được UBND TP bán chỉ định, không qua đấu giá, trên danh nghĩa là cho tập thể phóng viên, nhân viên của một cơ quan báo chí. Giá bán chỉ 5 tỷ đồng (thời điểm 1997), trong lúc theo định giá thị trường không dưới 20 tỷ. Mua xong, chủ mới đập phá sửa chữa lại chút ít cho phù hợp với công năng, rồi tự định giá khoảng hơn 10 tỷ (cộng tiền mua của thành phố và tiền sửa chữa) rồi tuyên bố các phóng viên, biên tập viên và nhân viên tòa soạn sẽ góp vốn vào để coi như CPH trụ sở.
Theo quyết định của “sếp,” các phóng viên không được mua quá 20 triệu, còn bao nhiêu ban biên tập gánh với số đóng góp của mỗi thành viên này là ít nhất 200-500 triệu. Cuối cùng gia đình “sếp” gồm mấy thành viên ban biên tập chiếm tới 60%. CPH kiểu đó xong, ngôi nhà biến thành một khu cao ốc văn phòng cho thuê, lợi nhuận chỉ chia cho các cổ đông lớn.
Của công đã biến thành “của ông.” Tháng Tư, 1975 đã hình thành nên một tầng lớp tư bản đỏ mới như thế đó!
The post Của công biến thành ‘của ông’ – tầng lớp tư bản đỏ sau 1975 appeared first on Saigon Nhỏ.