
Đại Hội Đảng CSVN lần thứ 14 đang đến gần và công tác nhân sự cấp cao đang bước vào giai đoạn quyết định. Nội bộ đảng đang bộc lộ rõ những mâu thuẫn ngấm ngầm, thậm chí là đấu đá phe phái gay gắt với nhiều nước đi khó lường. Tổng Bí Thư Tô Lâm quyết quét sạch phe nhóm Nguyễn Xuân Phúc, uy hiếp và gia tăng sức ép dồn Phạm Minh Chính vào đường thỏa hiệp, buộc phải phục tùng.
Ngày 10 Tháng Tư, 2025, mở màn Hội Nghị Trung Ương 11 khóa 13, ban chấp hành Trung Ương Đảng CSVN đưa ra kỷ luật cách tất cả các chức vụ trong Đảng của cựu Phó Thủ Tướng Chính Phủ là ông Trương Hòa Bình.
Theo kết luận của Trung Ương, trong thời gian giữ chức vụ ông Bình đã vi phạm được đánh giá là gây hậu quả nghiêm trọng, liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực.
Vào Tháng Mười Hai, 2024, ông Bình đã bị Bộ Chính Trị thi hành kỷ luật, hình thức cảnh cáo. Thời điểm này, có nhiều đồn đoán bủa vây ông Bình với cáo buộc có mắc sai phạm trong vụ án Sài Gòn-Đại Ninh, một dự án từng khiến dư luận xôn xao vì quy mô lớn và sự thiếu minh bạch trong điều hành.
Ông Trương Hòa Bình là người miền Nam, có gốc gác trong ngành công an, an ninh và tư pháp. Giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2021, với chức vụ ủy viên Bộ Chính Trị-Phó Thủ Tướng Chính Phủ, ông Bình nằm trong nhóm lãnh đạo chủ chốt của Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc. Ông là người thân tín, bảo trợ cho các mối quan hệ chính trị của ông Phúc, đồng thời che chắn một số hồ sơ vụ án “nhạy cảm” trong nội bộ tư pháp.
Việc đưa ông Bình ra kỷ luật trước hội nghị Trung Ương, nơi đang thảo luận về việc chuẩn bị nhân sự Đại Hội Đảng 14 là một thông điệp răn đe và thanh trừng, nhằm dọn sạch ảnh hưởng của thế lực cũ.
Tháng Bảy, 2021, ông Bình nghỉ hưu. Người kế nhiệm chức vụ của ông tại Chính Phủ là ông Phạm Bình Minh, nhân vật này cũng nằm trong vòng thân cận của ông Nguyễn Xuân Phúc.
Vào ngày 25 Tháng Ba vừa qua, ban chỉ đạo Trung Ương về phòng chống tham nhũng cho thanh tra dự án xây dựng trụ sở mới Bộ Ngoại Giao tại số 2 đường Lê Quang Đạo, TP.Hà Nội. Tâm điểm chú ý của dư luận dồn hẳn vào cái tên Phạm Bình Minh, khi hàng loạt sai phạm kéo dài hơn chục năm tại dự án trùng khớp với giai đoạn ông Minh giữ cương vị bộ trưởng Bộ Ngoại Giao.
Trong nhiệm kỳ 13 (2021-2026), ông Phúc giữ vị trí chủ tịch nước, nhưng trước đó là nhiệm kỳ thủ tướng Chính Phủ, ông Phúc thiết lập một mạng lưới nhân sự hùng hậu ở hầu hết các bộ ngành, gắn kết với các nhóm lợi ích về kinh tế, tài chính thông qua các dự án FDI, cổ phần hóa, chuyển đổi số… Đây là điều mà các phe nhóm bảo thủ trong Đảng, đặc biệt là nhóm công an-an ninh không hài lòng, tích tụ mâu thuẫn thành xung đột.
Vào Tháng Giêng, 2023, ông Phúc từ chức chủ tịch nước, mở màn cho đợt thanh trừng quy mô lớn, phe nhóm và thuộc cấp kẻ bị cách hết chức vụ, người phải vào tù. Khoảng một tháng sau, ông Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam từ chức phó thủ tướng, rút khỏi Bộ Chính Trị.
Đến Tháng Sáu, 2023, Bộ Trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Thành Long bị Bộ Công An thời Bộ Trưởng Tô Lâm khởi tố và bỏ tù với cáo buộc sai phạm trong vụ án Việt Á.
Phe nhóm ông Phúc thất thế hoàn toàn và bị phe nhóm ông Tô Lâm quét sạch cho đến người cuối cùng. Kiểm soát được ngành công an, kiểm sát và tư pháp nên vào Tháng Tám, 2024, ông Lâm ngồi vào chiếc ghế tổng bí thư –vị trí quyền lực tuyệt đối, kiểm soát và lãnh đạo toàn bộ hệ thống chính trị.
Việc ông Tô Lâm chỉ đạo thanh tra dự án xây dựng trụ sở mới Bộ Ngoại Giao và xử lý kỷ luật ông Trương Hòa Bình ngay trước hội nghị Trung Ương mang ý nghĩa chính trị là một đòn kép “diệt cũ, răn đe mới.”
Ông Tô Lâm và phe nhóm tổng dọn sạch sẽ những tàn dư thế lực Nguyễn Xuân Phúc trước khi bố trí nhân sự mới vào các ghế chiến lược, tiến đến siết chặt kiểm soát nội bộ, đặc biệt đối với các bộ ngành có ảnh hưởng lớn về kinh tế và đối ngoại vốn thuộc thẩm quyền, thế mạnh của Thủ Tướng Phạm Minh Chính.
Ở Việt Nam, tuy Đảng lãnh đạo toàn diện nhưng giữa Chính Phủ và Đảng cũng có những khác biệt, mâu thuẫn về chủ trương, chính sách. Mối quan hệ căng thẳng giữa hai người đứng đầu hiện tại, Tổng Bí Thư Tô Lâm và Thủ Tướng Phạm Minh Chính là ví dụ điển hình. Trong khi ông Lâm có quyền lực lớn trong Đảng, ảnh hưởng mạnh mẽ đến các cơ quan an ninh, công an, kỷ luật nội bộ thì ông Chính lại nổi bật về những quyết đinh thuộc lĩnh vực kinh tế và chính trị. Sự khác biệt này cơ bản đã tạo ra mâu thuẫn căng thẳng giữa hai người.
Để giành phần thắng, ông Lâm không ngừng thức đẩy chiến lược cô lập ông Chính, sử dụng quyền lực để gây khó khăn cho ông Chính trong việc thực hiện các chính sách.
Là thủ tướng nhưng ông Chính lại thua kém ông Lâm ở mạng lưới an ninh-kiểm soát thực địa. Các phó thủ tướng dưới quyền của ông Chính hầu như có tiếng nói quá nhỏ bé ở Bộ Chính Trị, không thể so bì với Lương Tam Quang, Lê Minh Trí, Phan Đình Trạc… là những người thân với ông Tô Lâm. Ông Chính lạc lõng ở Chính Phủ, bị thu hẹp ảnh hưởng ở Bộ Chính Trị trước vòng chốt nhân sự.
Từ nay đến cuối năm 2025, Đảng CSVN còn tổ chức thêm hai hội nghị Trung Ương nữa, nội dung làm việc vẫn chủ yếu xoay quanh công tác nhân sự, chốt danh sách nhóm “tứ trụ” cho nhiệm kỳ tới.
Rơi vào tình thế bất lợi trong cuộc đối đầu quyền lực với ông Tô Lâm, ông Phạm Minh Chính nguy cơ không tái cử nhiệm kỳ, chiếc ghế thủ tướng Chính Phủ nhiều khả năng sẽ rơi vào tay hai ứng cử viên cũng chính là hai phó thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Hòa Bình và Trần Hồng Hà. Đặc biệt, ông Nguyễn Hòa Bình từ lâu được đồn đoán là cùng phe với Tổng Bí Thư Tô Lâm, thuộc hạng “ăn cơm Chính Phủ nhưng làm ma họ Tô,” rất dễ phản Chính khi thời cơ đến.
Ông Chính đang bị ông Lâm gia tăng áp lực. Để giữ chiếc thủ tướng thêm nhiệm kỳ, ông Chính không còn con đường nào khác phải thoả hiệp ngầm, phục tùng ông Lâm, nhìn ông Lâm ngạo nghễ chức tổng bí thư đầy quyền uy và không chừng còn nắm luôn cả chức chủ tịch nước.
Trường hợp không thỏa hiệp, không cần phải sau đại hội, ông Chính sẽ bị ông Lâm cùng phe nhóm ép rút lui trong danh dự.
Sự kiện các nhân vật thân cận ông Phúc bị ông Lâm chỉ đạo thanh tra, xử lý mạnh, chính là lời cảnh báo không có vùng cấm, không có sự nương tay.
Tuy nhiên, không thể loại trừ khả năng ông Phạm Minh Chính sẽ có những chiến lược mới để lật ngược tình thế thông qua vận động nội bộ, khôi phục lại các đồng minh trong Đảng và tìm kiếm sự ủng hộ từ các nhóm quan trọng như quân đội, công an có thể giúp ông duy trì quyền lực. Dù hiện tại ông ở thế yếu nhưng trong chính trị, sự bất ngờ luôn là yếu tố có thể thay đổi cục diện.
Nội bộ CSVN đấu đá quyền lực đang bước vào hồi gay cấn nhất, sự phân hóa ở tầng lớp lãnh đạo đang ngày càng sâu sắc. Ông Tô Lâm đang đẩy mạnh cơ cấu quyền lực toàn diện. Ông Phạm Minh Chính bị uy hiếp, cô lập và dồn vào đường cùng. Trò chơi chính trị mỗi bước đi là một canh bạc, hiện tại chỉ là màn khởi động cho một cuộc đối đầu lớn hơn trong thời gian tới.
The post ‘Quét’ Phúc, ‘uy hiếp’ Chính: Cuộc đấu quyền lực trước Đại Hội 14 appeared first on Saigon Nhỏ.