
Khi Lương Cường và Phạm Minh Chính lần lượt buông cờ trong cuộc đua quyền lực với Tô Lâm, thế cờ Đại Hội Đảng 14 xem như đã định hình, Trần Thanh Mẫn-người thấu hiểu giới hạn quyền lực và sự mong manh của mình, đành phải chọn phương án sinh tồn là đầu hàng để tiếp tục được tại vị chức Chủ Tịch Quốc Hội CSVN thêm một nhiệm kỳ.
Giữa cơn lốc thanh trừng và tái cấu trúc quyền lực đang cuồn cuộn dâng trào tại Bộ Chính Trị CSVN trước Đại hội Đảng 14, Tổng Bí Thư Tô Lâm sau khi củng cố được vị thế tuyệt đối, đẩy mạnh chiến dịch “đốt lò.” Ông tận dụng triệt để bộ đôi quyền lực Bộ Công An và ủy ban kiểm tra Trung Ương để kiểm tra, thanh tra, kỷ luật, bắt giữ người, từng bước bẻ gãy lực lượng đối thủ.
Trước sự áp đảo của Tô Lâm, Chủ Tịch Nước Lương Cường từng đóng vai trò trung gian, hình thành liên minh với Thủ Tướng Phạm Minh Chính và Chủ Tịch Quốc Hội Trần Thanh Mẫn tạo thế chân vạc “tam vương hợp bích đấu quyền vương Tô Lâm.” Ban đầu thế trận khá cân bằng, thậm chí có lúc “tam vương” lấn át thế lực “quyền vương.”
Nhưng bước ngoặt đến vào ngày 23 Tháng Giêng, 2025, khi ông Lâm điều động ông Nguyễn Duy Ngọc, thứ trưởng Bộ Công An, chánh văn phòng Trung Ương Đảng nhảy vào chiếc ghế chủ nhiệm ủy ban kiểm tra Trung Ương thay ông Trần Cẩm Tú, kết hợp với ông Phan Đình Trạc chức vụ trưởng ban nội chính Trung Ương, và trước đó nữa là ông Lương Tam Quang được bố trí ngồi vào chiếc ghế bộ trưởng Bộ Công An thì tình thế đã thay đổi. Bộ máy trấn áp mang dấu ấn Tô Lâm hoàn tất.
Liên minh “tam vương” lập tức bị Tô Lâm chia tách. Ông Lương Cường bị siết chặt vai trò, buộc phải lui về cố thủ trong quân đội-vốn đã không còn là thế lực chính trị đáng kể như những năm trước. Ông hiểu rõ ranh giới quyền lực của mình, không đủ sức dấn sâu vào các tranh chấp nội bộ chính trị. Ông Cường dùng quyền lực chủ tịch nước cố giữ quân đội làm thế trung lập hòng tránh bị lôi kéo, “hành quyết” như những cơ quan khác. Do đó, ông ẩn mình dần rút lui, không còn dám động đến Tô Lâm.
Minh chứng là thời gian gần đây, ông Cường gần như biến mất khỏi những bản tin chính sự, một sự im lặng mang ý nghĩa không còn tham vọng, muốn ra đi trong bình yên. Khi ông Cường sớm cam phận thất bại, cuộc đua quyền lực giờ chỉ còn Tô Lâm và đối thủ là Thủ Tướng Phạm Minh Chính cùng Chủ Tịch Quốc Hội Trần Thanh Mẫn.
Ông Mẫn dù nắm cơ chế phê chuẩn tối thượng trong hệ thống quyền lực Quốc Hội nhưng lại là người không có tham vọng, mờ nhạt chính trị, thiếu sức ảnh hưởng thực sự. Trọng trách đối đầu với Tô Lâm giờ đây dồn cả lên vai ông Thủ Tướng Phạm Minh Chính, một mình đương đầu khốc liệt để tiếp tục nuôi giấc mộng quyền lực.
Từ những đại án Việt Á, Bộ Ngoại Giao đến công cuộc tinh gọn bộ máy và sáp nhập tỉnh/thành, Tô Lâm liên tiếp ra đòn dọn sạch đối thủ, cài cắm tay chân thân tín, xây dựng lực lượng địa phương trung thành hòng kìm kẹp nhánh hành pháp–kinh tế vốn thuộc địa bàn ảnh hưởng của Chính Phủ.
Không để lại bất kỳ điểm tựa nào cho phe đối thủ tồn tại, Tô Lâm từ lâu đã đưa Phạm Minh Chính vào diện đối thủ số 01 cần phải loại trừ. Bởi mô hình quyền lực Chính Phủ nhiều khi không nằm trong sự kiểm soát trực tiếp của Bộ Chính Trị, một điểm nghẽn mang tính thể chế. Vì lẽ đó, ông Tô Lâm đã chỉ đạo phe nhóm thanh trừng những thân tín, thuộc cấp của ông Chính trước khi tung đòn kết liễu với ông Chính.
Cuộc thanh tra dự án xây dựng trụ sở Bô Ngoại Giao mới đây là một nhát dao chí mạng mà phe nhóm ông Tô Lâm dành cho phe nhóm lợi ích của ông Chính, khả năng mở rộng sang một số nhân vật thuộc diện ủy viên Trung Ương khóa 13, thanh lọc nhân sự trước Đại hội Đảng 14.
Trước đó, hàng loạt cán bộ thuộc sở Kế hoạch& Đầu tư tại một số địa phương bị khởi tố với cáo buộc sai phạm nghiêm trọng, như vụ bà Trần Thị Bình Minh, cựu phó giám đốc sở Kế hoạch & Đầu tư TP.HCM, bị cáo buộc lợi dụng chức vụ để tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng thầu trái quy định, gây thiệt hại gần 95 tỷ đồng. Bà Minh nhận hối lộ 1.9 tỷ đồng từ Dương Hoa Xô, cựu giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học, trong hai dịp Tết 2017 và 2018.
Hay vụ ba cán bộ Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Bắc Ninh là các ông/bà Nguyễn Hữu Trường Giang, Đỗ Thị Lan Hương và Trần Thị Thoan bị khởi tố vì tội đưa và nhận hối lộ để ưu tiên làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Hai cán bộ sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Nghệ An là ông Nguyễn Trọng Bình và Phan Đình Hiền bị công an tạm giữ để điều tra do có liên quan đến các sai phạm trong thủ tục đầu tư một số dự án.
Mới đây xuất hiện những đồn đoán từ dư luận là phó thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Chí Dũng, Trần Hồng Hà sắp bị cho vào “lò,” hay chí ít cũng thuộc diện bị Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư Trung Ương Đảng giám sát đặc biệt.
Rõ ràng đòn tấn công của Tô Lâm là có chủ đích, có hệ thống và mục tiêu: ngoại giao, kinh tế, đầu tư là những trụ cột của Chính Phủ, bị bẽ gãy từng mãnh. Chính trị không phải là chỗ cho những kẻ dễ bị lộ, sơ hở là tử địa nhưng ông Chính đã để lộ quá nhiều sơ hở. Tô Lâm chưa ra đòn chí mạng nhưng tầm ấy tác động cũng đủ khiến ông Chính bị giảm sút tầm ảnh hưởng chính trị.
Những cuộc họp của Bộ Chính Trị gần đây, người ta thấy ông Chính xuất hiện với hình ảnh trầm lặng, không còn mấy xông xáo như trước. Ông hiểu rõ, thế lực của mình đã tàn kéo theo tham vọng của bản thân vụt tắt.
Cùng hợp sức đấu với ông Tô Lâm nhưng ông Trần Thanh Mẫn hầu như không hỗ trợ gì đánh kể cho ông Chính. Nếu không có công cuộc sửa đổi Hiến Pháp thì vai trò của ông Mẫn hầu như là im lặng, không khác gì ông Cường.
Cũng dễ hiểu, là ông Mẫn không thuộc phe nhóm của Tô Lâm nhưng cũng không gắn với mạng lưới lợi ích địa phương như ông Phạm Minh Chính, nên giữa thế cuộc phân tranh, nếu không bị ông Lâm lấn lướt quyền hạn thì có lẽ ông Mẫn sẽ không chọn con đường liên minh, không đối đầu, không tuyên chiến và không gây ảnh hưởng đến phe nhóm nào.
Ngược lại, ông Tô Lâm cùng phe nhóm ở Bộ Chính Trị cần ở ông Mẫn những cái gật đầu trung lập là để yên cho tại vị, không mất mát gì cả. Ông Lâm hoặc bất kỳ nhân vật có thế lực nào trong nội bộ Đảng CSVN cũng không dám đẩy Đảng và Quốc Hội vào thế đối đầu. Ông Mẫn còn giá trị lợi dụng ở giai đoạn sửa đổi Hiến Pháp sắp tới. Ở Việt Nam, mặc dù hơn 90% đại biểu Quốc Hội là đảng viên nhưng Đảng muốn hợp thức hóa quyền lực lãnh đạo tuyệt đối thì cần phải được Hiến Pháp thông qua, trong đó có vai trò của ông Mẫn.
Đại hội 14 đang đến gần, công tác chuẩn bị nhân sự cấp cao của CSVN cơ bản dư luận cũng phán đoán được phần nào. Chiếc ghế tổng bí thư gần như chắc chắn nằm trong tay ông Tô Lâm. Nhiều khả năng ông Lương Cường trao lại ghế chủ tịch nước cho một người trong quân đội hoặc CSVN sẽ chọn một người trong ngành Công An kế vị, Phan Đình Trạc hoặc Tô Lâm kiêm luôn hai chức vụ. Ông Phạm Minh Chính thua tan tác, phe nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nên khả năng cao nhất ông này chỉ bảo vệ được chiếc ghế thủ tướng chứ khó có thể bay cao hơn, cũng có đồn đoán khả năng ông sẽ về hưu trong danh dự.
Riêng ông Trần Thanh Mẫn hiểu rõ giới hạn của mình, đành chọn phương án sinh tồn là đầu hàng trước thế lực của ông Tô Lâm để tiếp tục được tại vị chức chủ tịch Quốc Hội CSVN thêm nhiệm kỳ trong im lặng và thanh thản. Tuy nhiên, ngay cả khi chọn phương án này, ông Mẫn chưa chắc sẽ yên vị tuyệt đối, giữa chiến cuộc phân tranh, chọn đứng nhìn chưa hẳn là bình an.
Ba Đình đang rúng động. Vì quyền lực các phe phái đang không ngần ngại dùng mọi thủ đoạn, tận dụng mọi thời cơ để ra tay hạ bệ đối thủ. Cuộc chơi chính trị không dành cho kẻ yếu, mọi thế lực đang đua nhau để chiếm thế thượng phong.
The post Ba Đình rúng động: ‘Tam vương’ thất bại! appeared first on Saigon Nhỏ.