Vietnam

Khí chất Giáo sư Đoàn Viết Hoạt trước tòa cộng sản

Phiên tòa kết án Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt diễn ra vào ngày 29 Tháng Ba 1993, cùng với bảy người khác là Phạm Đức Khâm, Nguyễn Văn Thuận, Lê Đức Vượng, Hoàng Cao Nhã, Nguyễn Xuân Đồng, Nguyễn Thiệu Hùng, Phạm Thái Thủy, với tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân,” theo điều 73 của Bộ luật Hình sự.

Vụ án có ngày xử không công bố trước trên báo chí, nhưng buổi sáng, trước sân tòa án ở Sài Gòn, đã thấy có vài chục người đứng đợi xe tù đến và xin vào dự tòa. Nhiều gương mặt quen thuộc của giới văn nghệ sĩ trước 1975 cũng có mặt ở đây như dạ văn Hoàng Hải Thủy, Vũ Khắc Mai Anh, Thanh Thương Hoàng, Hồ Nam, ca sĩ Tâm Vấn (vợ bác sĩ Nguyễn Đan Quế)… Dĩ nhiên là những người này không được vào dự tòa, mặc dù theo thông báo đây là phiên tòa xử công khai. Hầu hết đều vẫn đứng trước sân tòa và kiên nhẫn đợi buổi xử kết thúc để chờ kết quả, bao vây chung quanh là vô số công an thường phục và sắc phục.

Chủ tọa phiên tòa là Lê Thúc Anh, một nhân vật nổi tiếng sắt máu, bất cần công lý. Công tố viên là Trương Hoàng Minh, đại tá trưởng phòng điều tra an ninh của Viện Kiểm Sát. Thẩm phán là ông Nguyễn Lâm.

advertisement

Theo cáo trạng, Đoàn Viết Hoạt và đồng phạm bị khởi tố từ Tháng Tư năm 1990 và bị bắt vào Tháng Mười Một năm 1990, bị truy tố theo điều 73 Bộ luật Hình sự vì hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Chứng cứ quan trọng nhất của “tội trạng” đó là việc những người này đã cho lưu hành nội bộ 4 số báo mang tên Diễn Đàn Tự Do từ Tháng Bảy 1990 đến Tháng Mười 1990.

Trước tòa, công tố viên nói ông Đoàn Viết Hoạt âm mưu lật đổ chính quyền qua việc lập nhóm hoạt động tên Diễn Đàn Tự Do, cùng các tài liệu. Từ lời kết tội này, sự hài hước về tư duy của chế độ được giáo sư Đoàn Viết Hoạt cũng như các nhân vật bị kết án lật ra, chỉ rõ.

Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt quả quyết không chủ trương lật đổ ai, và đòi công tố viên phải chỉ ra cho được điểm nào có thể gọi là “lật đổ.” Ông nói việc cáo buộc lập “nhóm Diễn Đàn Tự Do” là ngụy chứng, mọi thứ chỉ xoay quanh các tập tài liệu Diễn Đàn Tự Do, thể hiện ý kiến chính trị xã hội mà thôi. Giáo sư cũng bác bỏ kết luận của cáo trạng rằng đây không phải là tờ báo, nó chỉ là một tài liệu đánh máy có 4 bản. “Không phát hành rộng rãi, không bán cho ai, thì sao có thể gọi là tờ báo?” Giáo sư Hoạt hỏi ngược công tố viên.

Tòa nói Giáo Sư Hoạt muốn sửa hiến pháp, tức muốn lật đổ chế độ. Ông Hoạt phản đối ngay: “Tòa lên án tôi đòi sửa hiến pháp, nhưng từ trước đến nay, đảng Cộng Sản Việt Nam đã từng sửa hiến pháp tới 3 lần, như vậy đảng Cộng Sản Việt Nam đã lật đổ chính quyền của mình đến 3 lần hay sao?” Cử tọa ở dưới bật cười ồ, làm chủ tọa Lê Thúc Anh cau mày, khó chịu.

Ông Hoạt bị giải tới tòa (Hình do thân hữu ẩn danh trong nuớc, chụp gửi cho bà Thức chuyển ra nước ngoài)

Với lời kết tội là chống chế độ, giáo sư đứng trước tòa chỉ xác nhận duy nhất là ông đã lên tiếng đòi dân chủ và ngay bây giờ vẫn giữ nguyên lập trường đó. Ông nói: “Tôi không chống ai cả, tôi là một người dân chủ và chấp nhận mọi người. Phải nói đảng cộng sản chống tôi thì đúng hơn, vì họ chống lại dân chủ.”

Lần đầu tiên sau 1975, tòa án của Cộng Sản phải đối diện với một trí thức đấu tranh dân chủ, và mọi thứ sắp đặt để kết án tưởng chừng như dễ dàng, thế nhưng việc ông Đoàn Viết Hoạt luôn từ tốn trình bày trước tòa, rõ ràng và khôn khoan nhượng, khiến những ngôn từ dao búa và đen tối được chuẩn bị trước trở nên hết sức hài hước và ấu trĩ.

Giáo Sư Hoạt nói việc làm của ông chỉ là việc làm của người bất đồng chánh kiến, việc làm của người dân bình thường đòi quyền yêu nước trước đảng CSVN. “Tại sao đảng CSVN lại sợ dân có quyền tự do bày tỏ ý kiến của mình, được tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do bầu cử và ứng cử. Tại sao đảng cộng sản lại không chấp nhận một cuộc bầu cử tự do không gian lận, ai được lòng dân thì dân bầu. Đảng CSVN nếu quả là được lòng dân thì dân bầu, tại sao đảng lại sợ?” Giáo Sư Hoạt đặt ta một loạt câu hỏi mà không ai phía tòa án có thể phản ứng.  Đến đây, ông Hoạt bị chủ tọa Lê Thúc Anh ngắt lời không cho nói tiếp. Ông Hoạt trở về chỗ, nhưng những người chung quanh thấy rõ ông mỉm cười.

Ông Nguyễn Văn Thuận, tức biệt danh Châu Sơn, được gọi để trả lời trước tòa sau ông Đoàn Viết Hoạt. Ông Thuận khai rằng ông tâm đắc với đường lối ôn hòa của Diễn Đàn Tự Do và ông cũng chẳng mưu cầu lật đổ ai, mà nhận ra rằng chính người Cộng Sản đang tự lật đổ chế độ của mình. Có thể là do quá kìm nén ở phần bị Giáo Sư Hoạt chất vấn, nên ông Lê Thúc Anh lúc này đã không còn giữ được bình tĩnh, mà đã gầm lên, quát “Láo. Láo. Không được nói bậy. Im ngay!”

advertisement

Trong 8 bị can ra đứng trước tòa, ai nấy đều có lý lẽ và phong thái hết sức điềm đạm. Duy nhất là bị can Hoàng Cao Nhã thì khai rằng có nhận 2 số Diễn Đàn Tự Do, nhưng đọc xong rồi “xé vì thấy nó quá dở.” Ông Hoàng Cao Nhã thành khẩn khai báo, và tỏ ra ăn năn, nên là người duy nhất được ông chủ tọa Lê Thúc Anh tỏ ra chiếu cố, cho có 8 tháng 20 ngày tù.

Vào phần cuối phiên tòa, khi các bị cáo nói lời cuối cùng trước khi tòa nghị án, ông Đoàn Viết Hoạt nói rằng ông xuất bản tập Diễn Đàn Tự Do là muốn giúp cho Việt Nam đổi mới về chính trị bởi vì theo mục tiêu của đảng CSVN trù tính thì đến năm 2000 thu nhập quốc dân tỉnh theo đầu người là $400, tính như vậy thì tới thời điểm đó, dù mục tiêu của đảng Cộng Sản có đạt được đi nữa, Việt Nam vẫn là một trong những nước nghèo nhất thế giới.

Bài nói ngắn của Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt như một diễn ngôn trước công chúng đang dõi theo, hy vọng cho một tương lai dân chủ, tự do. Chính quyền và tòa án có mặt dù không muốn cũng bị rúng động trước sự ôn hòa và đầy suy tư của một công dân không mang thù oán gì với chế độ, dù đã bị bắt đi tù từ năm 1976 đến 1988 mà không có một lý do nào.

Tóm tắt, Giáo Sư Hoạt nói trước một viễn tượng đất nước cần một giải đáp khác giải đáp cộng sản. Ông nghĩ rằng phải làm sao động viên được mọi người dân Việt Nam trong một cố gắng chung để vươn lên. Muốn như vậy không có giải đáp nào khác hơn là một thể chế dân chủ đa nguyên tôn trọng chỗ đứng, bổn phận và quyền lợi ngang nhau của mọi người. Ông Hoạt nói rằng một chế độ độc tài sẽ trói buộc Việt Nam trong lạc hậu. Chỉ có dân chủ mới bảo đảm được tiến bộ liên tục và mau chóng, điều đó mọi người Việt Nam cần phải hiểu. Và chính vì dân chủ cần thiết nên ông đã sẵn sàng chấp nhận mọi hậu quả khi nói lên nguyện vọng dân chủ.

Ông Hoạt cũng nói rằng trong suốt dòng lịch sử, nhiều anh hùng liệt sĩ đã hy sinh giữ nước và giành độc lập, nhưng vấn đề của đất nước hiện nay là dân chủ hóa và ông không tiếc đã phải chịu mọi gian lao để đất nước có dân chủ.

Tới đây, ông Đoàn Viết Hoạt bị chủ tọa phiên tòa Lê Thúc Anh ngắt lời và nhắc lại luận điểm Việt Nam mà đổi mới về chính trị như Liên Xô cũ là sẽ tan rã. Việt Nam cần ổn định nên cần duy trì đường lối bảo thủ xã hội chủ nghĩa. Ông Hoạt hỏi lại ông Lê Thúc Anh có sẵn sàng thảo luận về vấn đề đổi mới không, nhưng ông Lê Thúc Anh không cho ông Hoạt nói nữa.

Đến 18 giờ chiều, tòa đình nghị án và tuyên bố sẽ tuyên án vào lúc 9 giờ 30 ngày 30-3-1993. Sáng 30-3, các bị can được đưa đến khám Chí Hòa để nghe tuyên án. Giáo sư Đoàn Viết Hoạt bị tuyên 20 năm tù về một tội danh, mà ngay trước tòa, cả hệ thống đã không chứng minh được là ông có tội. Những hình ảnh cuối cùng của phiên tòa đó, là ông Hoạt bận bộ đồ xám cùng ông Phạm Đức Khâm và Nguyễn Văn Thuận bước ra, nở nụ cười với mọi người. Ông Hoạt nhìn thấy vợ là bà Trần Thị Thức đứng gần xe áp giải, ông cười, giơ tay lên chào, nhưng bị tay công an đi cạnh giật xuống và xô lên xe.

Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, đứng giữa, và những tù nhân chính trị trong trại Z-30. Từ trái: Đoàn Thanh Liêm, Lý Trường Trân, Vương Đức Lệ, Đoàn Viết Hoạt, Phạm Đức Khâm, Ngô Văn Thuận, Nguyễn Trì (Ảnh tài liệu của Indochina Journal)

Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt, nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng và là cựu tù nhân lương tâm ở Việt Nam, qua đời ngày 14-5-2025, tại quận Cam, California, Hoa Kỳ, hưởng thọ 83 tuổi.

Giáo sư Đoàn Viết Hoạt sinh năm 1942 tại làng Mai Lĩnh, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay là thôn Mai Lĩnh, phường Đồng Mai, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội) là một nhà báo người Việt, học hàm giáo sư, nguyên phụ tá viện trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh của Việt Nam Cộng hòa. Ông được trao Giải Tự Do Báo Chí Quốc Tế năm 1993, Giải Nhân Quyền Robert F. Kennedy năm 1995 và Giải Bút Vàng Tự Do năm 1998 vì những thành tích phấn đấu, đóng góp trong việc bênh vực quyền tự do báo chí và các quyền tự do dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Ông Đoàn Viết Hoạt còn là thành viên danh dự của PEN Club Mỹ, Canada, áo, Thụy Sĩ, Pháp và Ba Lan.

Tháng Bảy 1976, ông bị chế độ CSVN đưa đi tù cải tạo 12 năm. Tháng Mười Một 1990, ông bị bắt do viết và tập hợp các tiểu luận chính trị tên Diễn Đàn Tự Do, bị kêu án 20 năm tù. Năm 1998, ông được ra tù và đi tỵ nạn ở Hoa Kỳ, từ sự can thiệp của nhiều tổ chức quốc tế, trong đó PEN Club Poland.

The post Khí chất Giáo sư Đoàn Viết Hoạt trước tòa cộng sản appeared first on Saigon Nhỏ.

 

Show More
Back to top button