Đời SốngSức Khỏe

Khi tượng vàng Oscar ngày càng “đa quốc tịch”

“Hoàn toàn mang tính địa phương, Oscar không phải là một liên hoan phim quốc tế” – Bong Joon-ho, đạo diễn “Parasite”, một bộ phim Hàn Quốc, từng nói như vậy vào năm 2019. Tuy nhiên, tại Oscar 2020, “Parasite” đã giành được bốn giải, trong đó có hạng mục Phim hay nhất. Đây là lần đầu tiên một bộ phim nói tiếng nước ngoài đoạt giải lớn nhất trong khuôn khổ hệ thống Oscar.

Phim nước ngoài từng rất khó khăn và chật vật lọt vào Oscar. Trong bảng đề cử Oscar nói chung, phim được sản xuất bên ngoài nước Mỹ được xếp vào hạng mục Phim quốc tế hay nhất – Best International Feature (trước kia, cho đến năm 2020, được gọi là Best Foreign-Language Film). Tính đến nay, phim nước ngoài nói chung chỉ lọt vào bảng đề cử Phim hay nhất 14 lần kể từ khi “Z”, một bộ phim Pháp-Algeria, lọt vào bảng đề cử 1970. Những năm 2010, tính trung bình, phim nước ngoài được đề cử một giải Oscar nào đó không quá sáu lần mỗi năm, nhưng kể từ năm 2020, có khoảng 15 đề cử mỗi năm.

Năm nay, trong bảng đề cử “Best Picture”, yếu tố “tính quốc tế” thể hiện rất mạnh. Lần đầu tiên, hai trong mười đề cử Phim hay nhất là phim nước ngoài: “Anatomy of a Fall” và “The Zone of Interest” (đạo diễn của hai phim này cũng được đề cử Đạo diễn xuất sắc nhất). Phim thứ ba trong bảng đề cử Best Picture 2024, “Past Lives”, là phim của Mỹ nhưng chủ yếu bằng tiếng Hàn. Gần một nửa số đề cử năm nay ở tất cả hạng mục không phải thuộc Mỹ.

advertisement

Và đạo diễn của bốn trong 10 phim được đề cử Phim hay nhất Oscar 2024 không phải người Mỹ (Georgios Lanthimos – người Hy Lạp – với tác phẩm “Poor Things”; Celine Song – người Canada gốc Hàn – với tác phẩm “Past Lives”; Jonathan Glazer – người Anh – với tác phẩm “The Zone of Interest”; Justine Triet – người Pháp – với tác phẩm “Anatomy of a Fall”.

Yếu tố “quốc tế hóa” Oscar cho thấy Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ (AMPAS) đang cố gắng trở nên đa dạng và toàn cầu hơn. Quá trình này bắt đầu từ năm 2015 khi xuất hiện làn sóng phản đối tình trạng “Oscar quá Trắng” (lên án việc AMPAS ưu ái giới làm phim da trắng). Hashtag #OscarsSoWhite – được một nhà hoạt động đặt ra khi nhận thấy tất cả 20 diễn viên được đề cử đều là người da trắng – đã dẫn đến sự thay đổi dần trong AMPAS, nơi từ lâu là đền thiêng của những quý ông lớn tuổi, da trắng, có sức mạnh tài chính và thậm chí ảnh hưởng chính trị.

Năm 2015, thành viên AMPAS có khoảng 92% là người da trắng và 75% nam giới. Sau nhiều thay đổi, số thành viên AMPAS tăng từ khoảng 6,000 năm 2014 lên hơn 10,800 hiện nay. Tỷ lệ thành viên thuộc các chủng tộc và sắc tộc ít được đại diện cũng tăng gấp đôi; và gần 1/5 trong số đó hiện sống bên ngoài nước Mỹ.

Sau làn sóng #OscarsSoWhite, hạng mục Phim hay nhất bắt đầu thay đổi. Năm 2023, phim “The Fablemans” của Stephen Spielberg đã bị đánh bại bởi “Everything Everywhere All At Once”, một bộ phim đặc sệt châu Á. Thông điệp rất rõ: AMAPAS đã hoàn toàn khác trước và họ sẵn sàng mở rộng cửa đón chào tất cả. “Yếu tố Mỹ” không còn là yếu tố được ưu tiên. Trong mùa Oscar 2024, đạo diễn phim “Barbie” Greta Gerwig, một người Mỹ, đã không được đề cử Đạo diễn xuất sắc nhất. Trong khi đó, đạo diễn Pháp Justine Triet lại có tên trong bảng đề cử Đạo diễn xuất sắc. Còn nữa, trong bảng đề cử Phim hay nhất Oscar 2024, người ta thấy có “Oppenheimer”, bộ phim do Christopher Nolan làm đạo diễn. Cũng có tên trong bảng đề cử Đạo diễn xuất sắc nhất mùa Oscar năm nay, bản thân Christopher Nolan không phải là một người “thuần Mỹ”. Ông là dân Mỹ gốc Ănglê.

Nếu Oscar tiếp tục theo hướng này, “đó sẽ là một phiên bản nào đó của BAFTA (giải điện ảnh Anh, nơi lâu nay luôn có khuynh hướng quốc tế hóa)” – một nhà báo kỳ cựu dự đoán. Có thể AMPAS muốn quốc tế hóa Oscar nhằm lôi kéo khán giả toàn cầu. Tỉ lệ người xem lễ trao giải Oscar giảm liên tục 20 năm qua. Có khoảng 57 triệu người đã theo dõi cuộc đối đầu giữa hai phim “Titanic” và “LA Confidential” vào đêm công bố Oscar 1998; nhưng năm 2023, chỉ có chừng 19 triệu người theo dõi đêm Oscar lần thứ 95. Thử so sánh với Super Bowl. Năm 2023, Super Bowl thu hút được 83.7 triệu khán giả Mỹ, nhiều hơn khoảng 30% so với năm 1998.

Không như thể thao Mỹ, Hollywood dựa vào khán giả bên ngoài nước Mỹ để kiếm lợi nhuận. Khi việc phát trực tuyến (streaming) xóa nhòa biên giới quốc gia và khán giả ngày càng quen với việc đọc phụ đề, ngành công nghiệp điện ảnh nhất thiết phải trở nên toàn cầu. Tatiana Detlofson, chuyên gia truyền thông, nhận định: “Tất cả bộ phim hiện nay đều là phim quốc tế”. Tuy nhiên, Tatiana Detlofson cũng nhấn mạnh, những tựa phim quốc tế may mắn được đề cử Phim hay nhất đều có những hợp đồng phân phối lớn ở Mỹ và ngân sách tiếp thị lớn hơn nhiều so với mức trung bình. Và những phim được đề cử cũng thường có nguồn gốc từ Tây Âu.

Giám đốc AMPAS Bill Kramer có kế hoạch đẩy mạnh xu hướng quốc tế hóa. Sự thay đổi bức tranh thế giới ngày nay cho thấy mọi thứ liên quan đời sống hưởng thụ và cảm nhận văn hóa đã phát triển rộng hơn và vượt hẳn ra ngoài khuôn khổ chật hẹp của một hiệp hội Hollywood và lễ trao giải điện ảnh hàng năm. Oscar không còn là đêm công bố giải điện ảnh của công nghiệp điện ảnh Hollywood. Nó bắt đầu trở thành sân khấu quốc tế với sự góp mặt của những người không chỉ ở Mỹ.

The post Khi tượng vàng Oscar ngày càng “đa quốc tịch” appeared first on Saigon Nhỏ.

advertisement

 

Show More
Back to top button