Đời SốngVietnam

Không được coi là nền kinh tế thị trường, Hà Nội thiệt hại ra sao?

Vào ngày 2 Tháng Tám vừa rồi, Bộ Thương Mại Hoa Kỳ ra thông báo Mỹ vẫn không công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường.

Điều này có nghĩa là Việt Nam vẫn sẽ bị Mỹ xem xét nghiêm ngặt các điều kiện đánh thuế và chống phá giá khi hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ. Vậy nguyên do vì đâu mà Việt Nam vẫn không được Mỹ công nhận như vậy và hậu quả để lại là gì.

Dù đã cấp quy chế quan hệ thương mại bình thường vào năm 2001, Washington vẫn quyết định không công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường một năm sau đó, sau cuộc điều tra về khả năng bán phá giá cá tra khi xuất khẩu mặt hàng này sang Mỹ tăng vọt. Trong hai thập niên qua, Washington áp đặt thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm của Việt Nam nhiều lần, bao gồm đĩa giấy và túi mua sắm, mật ong, tôm, máy rửa áp lực khí và móc treo quần áo bằng dây.

advertisement

Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bị đối xử khác biệt trong các cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp của Hoa Kỳ, chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục không được công nhận, thay vào đó, “giá trị thay thế” của nước thứ ba sẽ được sử dụng để tính toán biên độ bán phá giá/trợ cấp trong các trường hợp như vậy.

Nâng cấp ngoại giao, nhưng không nâng cấp thương mại

Bộ Thương Mại Hoa Kỳ định nghĩa một quốc gia có nền kinh tế phi thị trường (Non-Market Economy – NME) là quốc gia có sự can thiệp của chính quyền vào hàng hóa, giá cả và thao túng theo ý chí nhà nước chứ không theo thị trường tự nhiên. Để đưa ra đánh giá này, Bộ Thương Mại xem xét các tiêu chí của Đạo luật thuế quan Hoa Kỳ năm 1930, bao gồm: (1) khả năng chuyển đổi của đồng tiền của quốc gia và có yếu tố thao túng tiền tệ của quốc gia đó hay không; (2) người lao động được tự do thương lượng tiền công với giới chủ; (3) liên doanh hoặc đầu tư nước ngoài khác được tham gia ở mọi lãnh vực; (4) chính phủ còn sở hữu hoặc kiểm soát các phương tiện sản xuất; và (5) chính phủ tham gia về việc kiểm soát giá cả và sản lượng.

Một số tổ chức làm ăn với Việt Nam hay đang muốn làm, tiêu biểu là Liên Đoàn Bán Lẻ Quốc Gia, lên tiếng ủng hộ Mỹ xét VIệt Nam là nền kinh tế thị trường.

Bên cạnh đó, có nhiều tổ chức và hiệp hội ngành nghề như mật ong, cá tra, thép, tủ bếp của Hoa Kỳ đã đưa ra lời phản đối mạnh mẽ. Điển hình là Hiệp Hội Chế Biến Tôm khi họ trích dẫn báo cáo điều tra của Bộ Thương Mại, và cho rằng chính phủ Việt Nam đang duy trì khoảng 40 chương trình trợ cấp, bao gồm từ khoản vay ưu đãi, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đến các hình thức hỗ trợ tài chính khác, đã tạo ra lợi thế cạnh tranh không công bằng có lợi cho doanh nghiệp nội địa, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất Mỹ và dẫn đến việc áp dụng thuế chống bán phá giá.

Ngành thép Hoa Kỳ cũng bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc có thể lợi dụng Việt Nam như một điểm trung chuyển hàng hóa để tránh “thuế quan” và đưa thép giá rẻ vào thị trường Mỹ. Điều này ngoài chuyện ảnh hưởng xấu đến khả năng cạnh tranh của ngành thép Mỹ – một ngành công nghiệp quan trọng, mà còn cho thấy tính hai mặt của Hà Nội.

Nhưng một trong những tiếng nói mạnh mẽ, có tác động là phía đấu tranh cho nhân quyền. Bên cạnh các yếu tố kinh tế, Quốc Hội Mỹ cũng xem xét đến hồ sơ nhân quyền của Việt Nam – một vấn đề bị liên tục chỉ trích và coi Việt Nam là một quốc gia không có khả năng tiếp cận với thế giới văn minh Phương Tây, nơi mà Việt Nam hưởng lợi.

Công nhân Việt Nam vẫn chưa được quyền tự thương lượng tiền công với giới chủ (Hình minh họa: VNExpress)

advertisement

‘Phi thị trường’ – nền kinh tế có áp đặt và không minh bạch

Một điều khá “hài hước” khi ông Nguyễn Quốc Dzũng, Đại Sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, đã từng gọi 12 quốc gia bị Mỹ xét là có nền kinh tế phi thị trường (NME) là các quốc gia tồi tệ nhất.

“Bạn có thể tưởng tượng được không, với những gì chúng ta đã làm, những gì chúng ta đang cố gắng, và hãy nhìn vào mối quan hệ giữa hai nước, liệu có thể chấp nhận được việc Việt Nam nằm trong số 12 quốc gia… những quốc gia tồi tệ nhất trên thế giới hay không?”, đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ đặt câu hỏi như vậy trong một hội nghị tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Và Quốc Tế Hoa Kỳ (CSIS).

12 quốc gia tồi tệ nhất thế giới mà ông đại sứ Việt Nam “chê” lại chính là các quốc gia “anh em” như Trung Quốc, Nga, và có yếu tố độc tài kiểm soát chính phủ từ thời kỳ Sô-Viết cũ như Belarus, Armenia, Azerbaijan, Georgia, Kyrgyzstan, Moldova, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan. Các quốc gia bị Mỹ cấm vận như Venezuela, Cuba, Triều Tiên không được đánh giá.

Khi Việt Nam bị coi là nền kinh tế phi thị trường thì các nhà xuất khẩu trong nước sẽ gặp phải sự bất lợi vô cùng lớn trong các cuộc điều tra chống bán phá giá, chủ yếu là do bị đánh giá là quốc gia có nền sản xuất không minh bạch từ nguồn, tạo ra các việc cạnh tranh không công bằng trong xuất khẩu vào Hoa Kỳ.

Trong vụ kiện bán phá giá phi-lê cá tra của Việt Nam vào năm 2003, Mỹ chọn Bangladesh làm nước thay thế để tính toán chi phí sản xuất, bất chấp việc hai quốc gia có mô hình sản xuất khác biệt. Cụ thể, Bộ Thương Mại Mỹ tính toán giá thành phi-lê cá tra của Việt Nam dựa trên hàng loạt điều kiện như cá được nuôi ở một trang trại vùng Kishoregonj của Bangladesh, sử dụng nguồn nước mua từ Ấn Độ và vận chuyển bằng xe tải của Bangladesh, trong khi chi phí lao động lại được tính theo mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam lúc bấy giờ. Cách tính toán này bỏ qua hoàn toàn mô hình sản xuất khép kín với chi phí thấp của phần lớn doanh nghiệp cá tra Việt Nam, từ khâu ươm giống, nuôi cá, chế biến đến xuất khẩu, dẫn đến mức thuế chống bán phá giá bị đẩy lên cao.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là mọi doanh nghiệp Việt Nam đều hoạt động trong môi trường “phi thị trường.” Ngay cả khi Việt Nam bị áp dụng quy chế NME, doanh nghiệp Việt Nam vẫn có quyền chứng minh hoạt động của mình tuân theo nguyên tắc thị trường và không chịu sự can thiệp quá mức từ chính phủ. Nếu thành công, doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi thế khi tính toán biên độ bán phá giá dựa trên chi phí sản xuất thực tế tại Việt Nam, thay vì phải so sánh với một nước thứ ba.

Ví dụ điển hình như ngành tôm với công ty Minh Phú được hoàn thuế chống phá giá sau khi đã được thanh tra bởi Bộ Thương Mại Hoa Kỳ. Mặc dù thế, việc này cũng làm các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tốn thêm một khoản chi phí cho pháp lý và thẩm định của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, điều này là khá phổ biến ở Mỹ, khi ngay bản thân các hiệp hội thương nghiệp hay doanh nghiệp nội địa Hoa Kỳ cũng tốn nhiều chi phí cho pháp lý hay vận động hành lang để đảm bảo quyền lợi cho họ. Vì thế, chi phí này chỉ nên được coi là làm phát sinh giá cả của hàng hóa Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ chứ không nên đánh giá là bất lợi thương mại.

Có thể thấy rằng, các quy định về việc công nhận một quốc gia có nền kinh tế thị trường thường hoạt động như một dạng hàng rào thuế quan kỹ thuật, nhằm phòng chống gian lận thương mại và bảo đảm sự cạnh tranh công bằng giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất tại Mỹ. Đồng thời, chúng cũng đóng vai trò bảo hộ cho nền sản xuất và công nghệ Mỹ để củng cố vị thế thương mại toàn cầu của Hoa Kỳ.

Chính sách ngoại giao cây tre của chính quyền Việt Nam có thể tuyên bố độc lập không chọn phe, nhưng khi nhập khẩu hàng hóa vào Hoa Kỳ thì không thể bắt Mỹ ưu ái phải hướng về phe mình mà nhượng bộ thương mại không minh bạch. Và đó không phải là kinh tế tự do thương mại mà nước Mỹ đang vận hành với thế giới.

The post Không được coi là nền kinh tế thị trường, Hà Nội thiệt hại ra sao? appeared first on Saigon Nhỏ.

 

Show More
Back to top button