Vietnam

Kinh tế Việt Nam đang đứng trên bờ vực thẳm

Tổng Bí Thư Tô Lâm nhắc nhở “tiền trong dân còn nhiều,” Thủ Tướng Phạm Minh Chính liền phát động thi đua làm giàu: CSVN đang chuẩn bị in thêm tiền để chơi canh bạc “lạm phát cao.”

CSVN ủ mưu gom tiền trong dân

“Tiền trong dân còn nhiều” là câu nói khiến người ta nhớ tới Vương Đình Huệ, khi ông này còn là Chủ tịch Quốc hội. Ông Huệ nói câu hồi tháng Mười năm 2021, khi Việt Nam đang chìm trong dịch bệnh cúm Tàu và vẫn chưa có giải pháp gì để vực dậy nền kinh tế. Nên ông Huệ muốn “huy động” tiền trong dân để cứu vãn tình hình sau đại dịch.

advertisement

Thật ra, người đầu tiên phát biểu “tiền trong dân còn nhiều” chính là ông Tô Lâm. Hồi Tháng Bảy năm 2016, khi mới lên ghế bộ trưởng Bộ Công An được ba tháng, ông Lâm nói trước chính phủ rằng “hàng nghìn tỷ đồng cá độ đổ vào mùa bóng đá năm nay, hàng nghìn tỷ đồng các tổ chức kinh doanh đa cấp huy động được dễ dàng… cho thấy lượng tiền tồn đọng trong dân rất lớn.” Từ đó, ông Lâm đã tổ chức nhiều chiến dịch tấn công các đường dây cá độ để gom tiền về cho Bộ Công An. Nổi bật trong các chiến dịch đó là vụ khởi tố đường dây cờ bạc của Phan Sào Nam và Thiếu Tướng Nguyễn Thanh Hoá (cục trưởng Cục Cảnh Sát công nghệ cao).

Ngày 17 Tháng Năm, ông Lâm một lần nữa nhắc: “Tiền trong dân rất nhiều, chỉ số tài chính, số dân gửi tiết kiệm vào ngân hàng rất lớn mà tỉnh không biết cách dựa vào nguồn vốn đó phát triển kinh tế. Nhân dân không biết kinh doanh, không biết sản xuất, không mở được doanh nghiệp thì tỉnh làm sao thu được thuế mà người dân lại rất vất vả.”

Tổng bí thư CSVN thừa nhận rằng người dân đã mất niềm tin vào hệ thống ngân hàng, nên không dám đi gửi tiền nữa, gây khó khăn cho việc huy động tiền trong dân. Báo trong nước dẫn lời ông Lâm: “Tiền vào ngân hàng càng tăng thêm sức mạnh quốc gia. Làm sao phải huy động được toàn bộ sức của dân, không để tiền nhàn rỗi. Nhưng nếu người dân không tin tổ chức tín dụng nữa sẽ để tiền ở nhà. Trong khi hệ thống tín dụng vay rất khó, doanh nghiệp không vay được để kinh doanh, lại sinh ra tín dụng đen, lãi suất cao.”

Ngay sau chỉ đạo của ông Lâm, hôm 18 Tháng Năm, Thủ Tướng Phạm Minh Chính thông báo Chính Phủ đang giao Bộ Nội Vụ xây dựng kịch bản phát động “phong trào cả nước thi đua làm giàu.”

Việc gấp rút huy động tiền trong dân và phát động thi đua làm giàu lần này cho thấy hai chuyện: thứ nhứt, tiền trong nhà nước đã cạn kiệt; thứ hai, các doanh nghiệp nhà nước cũng không thể làm giàu nữa (vì đụng đâu cũng lỗ, ví dụ: than, điện, xăng…). Với tình hình này thì sắp tới, chắc chắn CSVN sẽ in thêm tiền để “chữa cháy.”

Tiền đền bù quan chức nghỉ việc gấp 7 lần tiền miễn học phí

CSVN đang dùng hàng chục ngàn tỷ đồng trả cho quan chức nghỉ việc sớm, nhưng chỉ chi ra vài ngàn tỷ để miễn học phí cho học sinh

Trong kỳ họp Quốc hội CSVN mới đây, có 436/438 dân biểu đã tán thành thông qua Nghị quyết về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025. Trong đó có việc điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách Trung ương năm 2025 để chi trả 44,000 tỷ đồng cho cán bộ công chức viên chức nghỉ việc sau khi tinh gọn bộ máy nhà nước.  Đồng thời, chuyển 6,623 tỷ đồng tiền dự toán chi thường xuyên ngân sách Trung ương năm 2024 chưa phân bổ sang năm 2025 để thực hiện chính sách miễn học phí, và thực hiện các nhiệm vụ phát sinh do sắp xếp tổ chức bộ máy theo phê duyệt của các cấp thẩm quyền.

advertisement

Tính ra thì số tiền bổ sung để đền bù cho cán bộ nghỉ việc sớm gấp 7 lần số tiền chi ra để miễn học phí cho học sinh.  Vấn đề là không phải tất cả các học sinh đều được miễn học phí, mà từ năm học 2025-2026 mới bắt đầu miễn học phí cho học sinh các trường công lập. Trong khi đó lượng học sinh bị đẩy vào trường tư là rất lớn. Vào trường tư không phải do các em học dở, hay gia đình giàu có, dư dả; mà là vì không đủ trường công lập. Không vào trường công được thì chẳng lẽ nghỉ học, cho nên hàng triệu học sinh buộc phải học trường tư.

Ngoài ra, miễn học phí nhưng tiền sách giáo khoa vẫn tăng, kèm theo đó thì các trường công lập vẫn thu tiền điện, nước, máy móc trang thiết bị nhà trường (mỗi năm mỗi đổi và năm nào cũng đóng thêm), tiền ăn uống cho học sinh bán trú, tiền quỹ lớp, quỹ trường, tiền học phụ đạo, bổ sung kiến thức, ngoại khoá, các môn tăng cường ngoài chương trình… Nói là miễn học phí nhưng thực tế là tăng thêm rất nhiều chi phí khác.

Đối với những mầm non của Tổ quốc thì CSVN đối xử như vậy. Nhưng đền bù cho quan chức mất việc thì lại rất ưu ái. Tại sao họ nghỉ hưu sớm, tại sao bị đào thải, tại sao lại nằm trong nhóm bị tinh gọn? Có phải là vì làm không được việc, không đủ năng lực phục vụ người dân, mua chức mua quyền rồi dư thừa quan chức? Tại sao những kẻ vô dụng (thậm chí ăn hại, hối lộ tham nhũng sách nhiễu) mà lại được đền bù tiền tỷ để nghỉ hưu non?

Nhìn vào mức chênh lệch gấp 7 lần kia thì cũng thấy CSVN đãi ngộ ai, muốn xây dựng đất nước như thế nào. Đừng nghĩ rằng sau tinh gọn thì đất nước sẽ vươn mình đi vào kỷ nguyên mới theo lời ông Tô Lâm, người dân phải chuẩn bị tâm thế “gồng mình” để đóng thuế bù đắp vô các khoản đền bù cho lãnh đạo cộng sản. Nếu có vươn mình, thì chỉ có tiền thuế, tiền điện, tiền xăng, tiền phạt vi phạm giao thông, giá cả hàng hoá là chắc chắn sẽ vươn lên thôi.

Ai cũng biết các chỉ số phát triển kinh tế, tăng trưởng GDP ở Việt nam hầu như là những báo cáo láo, chạy theo thành tích, đảm bảo chỉ tiêu.

Rõ ràng nền kinh tế Việt Nam hiện đang đứng trên bờ vực thẳm.

The post Kinh tế Việt Nam đang đứng trên bờ vực thẳm appeared first on Saigon Nhỏ.

 

Show More
Back to top button