Đời SốngVietnam

Lại yêu cầu Ủy viên Ban chấp hành Trung ương kê khai tài sản trung thực

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phiên họp đầu tiên của Tiểu ban nhân sự Đại hội 14 hôm 13/3/2024 đã yêu cầu ‘không để lọt vào Trung ương khóa 14 người kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều tài sản mà không giải trình được nguồn gốc’.

Ông Q. ở miền Trung Việt Nam khi trả lời RFA hôm 15/3/2024 cho rằng, để chuẩn bị cho Đại hôi Đảng lần thứ XIV sẽ được diễn ra vào năm 2026, Tổng Bí thư đồng thời là Trưởng tiểu ban nhân sự Đại hội đã đề ra nhiều tiêu chuẩn đối với các Ủy viên Ban chấp hành Trung ương khóa tới. Ông Q. nói tiếp:

“Thực ra, các tiêu chuẩn mà Tổng Bí thư nêu ra không mới, khóa nào cũng nói đến chứ không phải riêng lần Đại hội XIV sắp đến. Tuy nhiên, vấn đề ‘không để lọt vào Trung ương người kê khai tài sản không trung thực’… thời gian qua đã không được kiểm soát chặt chẽ, với lại ‘ai trong sạch hơn ai, ta không đụng đến mi thì mi cũng đừng đụng đến ta’! Tổng Bí thư từng nói ‘phải có con mắt tinh đời trong lựa chọn cán bộ’, nhưng tại thời điểm lựa chọn thì cán bộ được chọn ‘tròn vo’, không có gì, nhưng khi đã được chọn và đặt họ vào một vị trí nào đó có quyền lực thì họ tha hóa, lợi dụng quyền lực để thao túng, hình thành nhiều sân sau (cán bộ đương chức không được trực tiếp hoạt động kinh tế nên họ thông qua các doanh nghiệp khác để đầu tư chia lợi nhuận), họ liên kết với người/tổ chức trong lẫn ngoài đảng để trục lợi, chia chác, trong đó có phần của họ!

advertisement

Nhiều đảng viên kê khai tài sản trước khi nắm một chức vụ nào đó là ‘không có gì đáng kể’ và đó chỉ là hình thức, không trung thực. ‘Bần cố nông 3 đời’, nhưng khi có chức quyền thì xây biệt phủ, sống xa hoa một cách công khai trước người dân, nhờ làm những điều như vừa nêu.”

Nhiều đảng viên kê khai tài sản trước khi nắm một chức vụ nào đó là ‘không có gì đáng kể’ và đó chỉ là hình thức, không trung thực. ‘Bần cố nông 3 đời’, nhưng khi có chức quyền thì xây biệt phủ, sống xa hoa một cách công khai trước người dân.
-Ông Q.

Theo ông Q., những gì diễn ra hôm nay cũng đều có nguyên nhân. Có nguyên nhân trực tiếp và nguyên nhân gián tiếp, nguyên nhân bên trong và nguyên nhân bên ngoài, nguyên nhân cơ bản và nguyên nhân thứ yếu… Nhưng ông Q. cho rằng, nguyên nhân của mọi nguyên nhân, bao trùm lên tất cả là cơ chế kiểm soát quyền lực nói chung, kiểm soát tài sản của quan chức nói riêng ‘không độc lập’, và quá trình kiêm soát khi phát hiện có vấn đề vi phạm thì phải thông qua nhiều tầng, nhiều nấc và nhiều khi còn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người có thẩm quyền cao nhất quyết định (đúng-sai, công khai hay ém nhẹm, mức độ xử lý vấn đề…) vì xét cho cùng theo ông Q., con người chứ không phải robot được lập trình, và nhiều khi họ xử lý nhiều vấn đề theo tình cảm cá nhân chứ không theo ý chí của luật pháp!

Tóm lại ông Q. cho rằng, Tổng Bí thư đặt ra yêu cầu ‘không để lọt vào Trung ương người kê khai tài sản không trung thực’… cũng đúng, nhưng khó thực hiện vì ‘không độc lập’ và ‘không ai tự lấy đá để đè vào chân mình cả’!

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phiên họp đầu tiên của Tiểu ban nhân sự Đại hội 14 hôm 13/3/2024. Courtesy chinhphu.vn

Cũng tại Phiên họp của Tiểu ban nhân sự Đại hội 14 hôm 13/3/2024, ông Trọng cho rằng: ‘Gần như đi đến đâu, ở chỗ nào, cũng thấy cán bộ, đảng viên và nhân dân tỏ ra quan tâm theo dõi và có phần băn khoăn, lo lắng, đặt câu hỏi: Đảng sắp tới dự định lựa chọn, bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là cán bộ chủ chốt thế nào để đủ sức gánh vác nhiệm vụ cách mạng to lớn mà lịch sử giao phó?’

Báo Thanh Niên hôm 13/3/2024 dẫn lời giải pháp mà ông Trọng đưa ra cho vấn đề tuyển chọn nhân sự: ‘Việc giới thiệu nhân sự, nói chung phải trên cơ sở quy hoạch; giữ vững nguyên tắc, quy định, phát huy trách nhiệm, dân chủ, minh bạch, khách quan trong đánh giá, giới thiệu, lựa chọn nhân sự tham gia Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ tới…’

advertisement

Anh Trần Anh Quân, một người hoạt động xã hội ở Sài Gòn, hôm 15/3/2024 khi trao đổi với RFA cho rằng:

“Ông Trọng nói rằng sẽ ‘không để lọt vào Trung ương người kê khai tài sản không trung thực’. Nhưng tài sản của ông Trọng và gia đình đã kê khai trung thực chưa? Tài sản của những uỷ viên Bộ Chính trị như thế nào khi mà cơ quan chống tham nhũng lại chính là nơi tham nhũng nhiều nhất?”

Cho dù ông Nguyễn Phú Trọng tuyên bố thì theo Anh Quân, quy trình tuyển chọn phải dựa trên cơ sở quy hoạch; giữ vững nguyên tắc, quy định, phát huy trách nhiệm, dân chủ, minh bạch, khách quan trong đánh giá, giới thiệu… Nhưng tóm lại thì Anh Quân cho rằng, cách lựa chọn nhân sự của ông Trọng vẫn nằm trong hai chữ ‘giới thiệu’. Mà ‘giới thiệu’ tức là không có bỏ phiếu, bầu cử, không hề có dân chủ gì, mà mọi thứ đều phải do Bộ Chính trị quyết định. Anh Quân nói tiếp:

“Mà Bộ Chính trị, cơ quan nắm giữ quyền lực cao nhất của đảng cộng sản, là nơi nắm quyền ‘giới thiệu’ nhân sự cũng lại là nơi có nhiều sai phạm nhất. Bằng chứng là ngay trong nhiệm kỳ này, ban đầu Bộ Chính trị có 18 uỷ viên, chỉ sau nửa nhiệm kỳ, đã có 3 người bị phế truất, gồm chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, phó thủ tướng Phạm Bình Minh, trưởng ban kinh tế Trần Tuấn Anh. Ngay cả cơ quan quyền lực nhất của đảng mà còn nhiều con ‘mối chúa’ như vậy; có thể khẳng định rằng nếu quy trình lựa chọn cán bộ vẫn dựa trên nguyên tắc ‘giới thiệu’ thì chắc chắn là sẽ có sai phạm, chạy ghế, mua chức… Thậm chí nguy hiểm hơn là những con ‘mối chúa’ còn lại sẽ dựa vào hai chữ ‘giới thiệu’ này để gầy dựng phe cánh, đưa thân tín vào thao túng và kiểm soát quốc gia.”

Cũng theo Anh Quân, việc ông Trọng lặp đi lặp lại chuyện minh bạch và dân chủ nhưng lại lựa chọn nhân sự theo kiểu ‘giới thiệu’ còn cho thấy ông này không hiểu gì về minh bạch và dân chủ. Còn nếu ông Trọng hiểu, nhưng lại thích ‘giới thiệu’ thì Anh Quân cho rằng chứng tỏ ông ta đang dùng từ ngữ hoa mỹ để mị dân. Vì theo Anh Quân, muốn dân chủ và minh bạch thì người dân phải có quyền bỏ phiếu công khai lựa chọn lãnh đạo, chứ không có chuyện giới thiệu như vậy được.

Ông Trọng nói rằng sẽ ‘không để lọt vào Trung ương người kê khai tài sản không trung thực’. Nhưng tài sản của ông Trọng và gia đình đã kê khai trung thực chưa? Tài sản của những uỷ viên Bộ Chính trị như thế nào khi mà cơ quan chống tham nhũng lại chính là nơi tham nhũng nhiều nhất?
-Anh Trần Anh Quân

Vào ngày 4/11/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi chủ trì buổi họp công bố quyết định về việc thành lập Ban chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026… cũng đã khẳng định: “Dứt khoát không đưa vào quy hoạch những người có biểu hiện suy thoái, biến chất, rơi vào ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’; nhất là những người cơ hội chính trị, như con lươn, con chạch, luồn lách rất khéo… nên phải thận trọng. Do đó, quá trình quy hoạch phải làm chủ động và phải thường xuyên theo dõi, giám sát liên tục, khi phát hiện cán bộ có vấn đề là đưa ra khỏi quy hoạch ngay…”

Tuy nhiên trong nhiệm kỳ 2021-2026, đã có 113 cán bộ cấp cao thuộc diện trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật chỉ trong năm năm nhiệm kỳ đại hội 12. Trong đó có bốn ủy viên, nguyên ủy viên Bộ chính trị; 27 ủy viên, nguyên ủy viên trung ương đảng; 30 sĩ quan cấp tướng…

Ngoài ra, chỉ trong một năm rưỡi tính từ đầu nhiệm kỳ đại hội 13, đã có gần 50 cán bộ cấp cao thuộc diện trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật. Trong đó, hơn 10 cán bộ bị khởi tố; hai ủy viên trung ương đảng đương nhiệm bị khai trừ đảng, bị khởi tố, bắt tạm giam… Đơn cử như nguyên Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, nguyên chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh…

Chỉ trong năm 2023, theo số liệu của Cơ quan ngôn luận của Đảng CSVN, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 19 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Trong đó, lần đầu tiên có 6 cán bộ bị xử lý kỷ luật do vi phạm trong kê khai tài sản, thu nhập.

Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy hôm 15/3/2024 nhận định với RFA:

“Làm cán bộ trong chính quyền hiện nay là một công việc; một công việc thuần tuý vì thu nhập chứ không phải vì lý tưởng. Nhưng thu nhập chính thức thông qua lương của công chức nhà nước chẳng có bao nhiêu, may lắm là đủ ăn. Vậy thì làm sao giải thích được khối tài sản khổng lồ mà những quan chức có được?

Việc kê khai tài sản chỉ là một biện pháp mang tính hình thức để chống tham nhũng. Đơn giản là khi người ta đã tham nhũng rồi thì có vô số cách để cất giấu số tiền này.

Muốn chống tham nhũng do đó phải có báo chí tự do và có đối lập thật sự trong chính quyền.”

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng từng nói, cán bộ tốt hay xấu thì cứ hỏi dân là biết hết. Nhưng trong thực tế, biết bao trường hợp người dân quay phim, chụp ảnh những hành xử sai trái của các công chức rồi đưa lên mạng xã hội thì lại bị quy chụp vào nhiều tội danh khác nhau.

Tin từ RFA Read More

Show More
Back to top button