Đời SốngVietnam

Gọi tội danh những thủ phạm đại án Việt Á là gì cho đúng?

Đầu năm 2024, nếu không có gì thay đổi thì vụ án Việt Á sẽ được đưa ra xét xử, mở đầu cho việc xét lại một chuỗi thế lực dắt tay nhau đi hết chiều dài đất nước trong nguy khốn để cùng nhau trục lợi.

Theo tổng kết của Bộ Công an thì cuộc điều tra kéo dài 13 tháng đã phát hiện 104 quan chức chính thức liên quan đến đại án này. Người phát ngôn của Bộ Công an, Tô Ân Xô, nói vụ án được khởi tố với tất cả sáu tội danh:

1, “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”;

advertisement

2, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”;

3, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”;

4, “Đưa hối lộ”;

5, “Nhận hối lộ”;

Và 6, “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”.

Từ đó nhìn thấy, tên gọi chung của đại án Việt Á, là sai phạm – tham nhũng. Nhưng thực sự nếu nhìn đúng về bản chất của vụ án này, còn một tội danh nữa cần phải được đặt ra với những quan chức, kể cả những tay cao cấp nhất của Đảng và Nhà nước, đó là tội phản quốc.

Những kẻ đục khoét đất nước trong thời bình, thì có thể tạm gọi là những kẻ tham nhũng – những kẻ đã mù lòa với lòng tham vượt qua trách nhiệm. Nhưng trong chiến tranh hay đại dịch, những kẻ cầm quyền lợi dụng thời khắc khốn cùng đó của dân tộc và đất nước để đục khoét thì nó không thể đơn giản gọi tên là tham nhũng. Tên gọi của nó, chính là phản quốc. Bởi, nghĩ ra được những điều để trục lợi riêng ở thời điểm đó, thì họ hoàn toàn không còn ý thức gì về quê hương và dân tộc mà họ đang thụ hưởng.

Đó là những kẻ từ chối quê hương, từ chối tiếng nói, màu da, dân tộc… Họ phản lại truyền thống và văn hóa trên đất nước mà họ được sinh ra, nhân danh cơ hội và đặc quyền. Tại sao lại không có phần luận tội về chuyện phản quốc của những kẻ như vậy trong đường dây hút máu dân Việt thời đại dịch?

advertisement

Chẳng những không tìm tên gọi đúng cho sự khốn nạn như vậy, người ta còn tìm thấy trên báo chí, những ngõ luồn lách để giảm tội cho những kẻ mất nhân tính như vậy. Nộp lại tiền, hay nộp lại bằng khen, huân chương để được giảm án, thậm chí có cả một thuyết giải vây trơ trẽn được đặt ra, gọi là “sai phạm nhưng không vụ lợi” xuất hiện vào thời điểm này, không khác gì phao cứu sinh giữa biển máu do chính họ tạo ra.

Không gọi đúng tên những tội đồ của đại án Việt Á, tức giúp cho những kẻ phản quốc một kịch bản xuề xoà và những câu xin lỗi xin nhân dân lượng thứ. Hơn 43,000 người đã chết vì COVID-19 và còn nhiều nữa, những người không liên quan đại dịch nhưng đau yếu, đã phải chết trong vòng vây trùng trùng và xét nghiệm ấy, có lòng để nhìn thấy lời xin lượng thứ ấy không?

Phản quốc đã là tên gọi ở nhiều quốc gia, về bầy đàn hay cá nhân tham nhũng. Lúc đất nước khó khăn, âm mưu đục khoét phải bị coi như kẻ thù. Ở Trung Quốc, ông Chu Dung Cơ, Thủ tướng thứ năm của Trung Quốc từ năm 1998 đến 2003, từng có những tuyên bố sắc lạnh đối với những kẻ nhân danh quan chức, hay cấu kết quan lại để tham nhũng trục lợi: “Phải chuẩn bị 100 quan tài, trong đó 99 chiếc cho các quan chức tham nhũng và một dành cho chính bản thân mình”. Chiếc quan tài mà Chu Dung Cơ nói để dành cho mình, là sự quyết liệt xác định rằng coi những kẻ tham nhũng là thù địch và sẵn sàng sống chết với thế lực đó chứ không có chuyện vuốt ve “sai phạm không vụ lợi”.

Tháng Bảy 1961, trước 20.000 sinh viên Đại học Seoul, Tổng thống Park Chung Hee nói bằng cả một khát vọng mãnh liệt cho tương lai dân tộc, và đau đớn cho hiện tại của một nước đau yếu về kinh tế, lại dẫy đầy những thế lực bắt tay nhau, vẽ ra những dự án, mưu đồ để rút rỉa mồ hôi xương máu của đất nước, rằng: “Tôi sẽ đem bắn bất cứ kẻ nào ăn cắp của công dù chỉ một đồng. Tôi sẵn lòng chết cho lý tưởng mà mình đã đề ra”.

Năm 2001, Trung Quốc vào giai đoạn đại cải cách kinh tế, từ một quốc gia đông dân nghèo khó để hôm nay trở thành một trong những nước giàu mạnh nhất thế giới. Trong đêm đón Giao thừa ở Bắc Kinh, những tấm bảng điện chạy chữ mừng đón Xuân, được xen lẫn bởi tên các quan chức tham nhũng đã bị tử hình trong năm, như một lời tuyên chiến đanh thép của Chu Dung Cơ. Trong thời đại của họ Chu, không có chuyện nộp tiền, hay nộp huân chương để giảm án.

Khi bị ám sát vào năm 1979, rất nhiều báo chí Hàn Quốc lúc đó quan tâm đến gia sản để lại của ông Park Chung Hee, để xem ông có làm đúng theo lời tuyên bố, thật sự trong sạch về chuyện cam kết chống tham nhũng, thanh bạch để xây dựng đất nước hay không. Tất cả những cuộc điều tra sau đó cho thấy rằng tài sản của Tổng thống Park Chung Hee để lại chỉ có vỏn vẹn trên dưới $10,000. Ông không có biệt phủ biệt thự hay đất đai gì mà dòng họ mình lén lút đứng tên, hay con cái đi du học nước ngoài, mâu thuẫn với tiền lương ít ỏi của ông lúc đó.

Không gọi đúng tên được của bọn quan lại tham tàn, tạo điều kiện cho bọn thủ ác giảm tội, đặt tên cho những hành động man dại ăn xương uống máu nhân dân là “không vụ lợi”, là bạc ác với hàng chục ngàn nạn nhân của đại dịch. Hơn nữa, cũng đồng nghĩa như đang chủ trương làm cho nhạt nhòa ý nghĩa tổ quốc, danh dự và trách nhiệm của công dân nước Việt Nam hôm nay.

The post Gọi tội danh những thủ phạm đại án Việt Á là gì cho đúng? appeared first on Saigon Nhỏ.

 

Show More
Back to top button