Vietnam

Lương Cường: từ được ‘thế chỗ’ bất đắc dĩ, đến nguy cơ trắc trở

Ông Lương Cường là một chủ tịch nước có hoàn cảnh lên ngôi kỳ lạ và bất ngờ nhất lịch sử cộng sản Việt Nam.

Vốn đã an phận là một đại tướng quân đội chuẩn bị về hưu, ông lại đột ngột bị đẩy lên thường trực Ban Bí Thư rồi nhận chức chủ tịch nước chỉ trong vòng chưa đầy sáu tháng.

Nhìn lại cuộc đời binh nghiệp của ông Cường cũng đầy nghịch lý: dù không biết điều binh khiển tướng, không có chiến tích nhưng vẫn lên làm đại tướng quân đội vào năm 2019, trở thành người thứ 15 mang quân hàm cao nhất này của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam.

advertisement

Ông Cường không tốt nghiệp các trường sỹ quan quân đội như đa số tướng lĩnh Việt Nam, mà có trình độ chuyên môn là cử nhân Xây Dựng Đảng và Chính Quyền Nhà Nước. Ngoài ra, ông có theo học các khóa học bồi dưỡng cán bộ tại Học Viện Chính Trị Quốc Gia Hồ Chí Minh và được đưa qua Trung Quốc tập huấn cán bộ nguồn. Ông cũng không tham gia chỉ huy quân đội mà hầu như chỉ làm công tác chính trị, chính uỷ. Ông nhập ngũ Tháng Hai năm 1975, nhưng chỉ làm các chức vụ như trợ lý cán bộ, trợ lý phòng nhân sự, phụ trách đảng uỷ viên, bí thư đảng uỷ trong quân đội.

Trở thành chủ nhiệm Tổng Cục Chính Trị từ năm 2016, vào hàng ngũ Uỷ viên Bộ Chính Trị năm 2021, có lẽ tới đây chính ông Lương Cường cũng không ngờ rằng có ngày mình bước vào “tứ trụ” vì ông sinh năm 1957, mà theo quy định thì sẽ hết tuổi tranh cử ở nhiệm kỳ sau.

Ấy vậy nhưng mọi thứ thay đổi chóng mặt khi ông Tô Lâm bắt đầu thực hiện “đảo chính” từ đầu năm 2024, lần lượt tiễn các sĩ phu phe ông Nguyễn Phú Trọng trong Bộ Chính Trị về vườn. Phát súng đầu tiên là hạ ông Trần Tuấn Anh, rồi tới Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ, Trương Thị Mai, Đinh Tiến Dũng và cả ông Nguyễn Phú Trọng. Sự nghiệp chính trị của ông Cường cũng từ đó mà thay đổi, khi được Tổng Tô mời vô thay thế các vị trí còn trống.

Thật ra, trong tình thế hồi năm ngoái, ông Cường không lên chủ tịch nước thì cũng không được, vì các thân tín cũ còn lại của ông Trọng như Phan Đình Trạc, Trần Cẩm Tú, Nguyễn Xuân Thắng đã không thể cục cựa trong vòng vây phe công an của ông Tô Lâm. Ông Phan Văn Giang thì không thể bỏ chức bộ trưởng Bộ Quốc Phòng để lên ghế chủ tịch nước, một vị trí hữu danh vô thực, mà phong thuỷ lại kém (các đời chủ tịch nước gần đây một là bệnh, hai là chết, ba là bị phế truất giữa chừng). Những uỷ viên bộ chính trị khác (vào thời điểm đó) như Nguyễn Văn Nên, Nguyễn Hoà Bình, Lê Minh Hưng thì chưa đủ tầm để lên đứng đầu nhà nước cộng sản.

Chính vì chỉ là hàng bổ sung, lấp vào chỗ trống, không có kinh nghiệm đấu đá, ngoại giao, cũng không lường trước những gian kế của các phe phái, nên từng bước, ông Cường bị ông Tô Lâm biến thành con bù nhìn, mất hết thể diện của một đại tướng quân đội.

Nhục nhất là vụ “dâm sự” ở Chile, đó là chuyến công du nước ngoài đầu tiên và duy nhất của ông Cường trên vai trò chủ tịch nước. Bị phe công an của ông Tô Lâm gài Lại Đắc Tuấn (thuộc Bộ Tư Lệnh Cảnh Vệ, Bộ Công An) vào, ông Cường mang tiếng thối muôn đời vì để cận vệ lạm dụng tình dục nữ nhân viên khách sạn nước bạn. Kể từ lần sa cơ đó, ông này không mặt mũi nào ra nước ngoài. Những chuyến thăm cấp nhà nước đều chuyển qua cho tổng bí thơ đi.

Rồi khi tiếp Chủ Tịch Nước Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Cường cũng lóng ngóng đứng chào theo kiểu lính chào thủ trưởng. Có lẽ trước nay đã quen với việc nịnh bợ thiên triều, coi Tập Cận Bình là sếp lớn, hoặc vô tình có được chức chủ tịch nước, nên chưa quen, không biết cách ngoại giao.

Lương Cường chào Tập Cận Bình kiểu lính chào thủ trưởng. (Ảnh chụp qua màn hình)

Là đại tướng mà không có uy thế của một vị tướng, làm chủ tịch nước thì tay chân lóng ngóng, để lính dính bê bối tình dục, không thể nói ông Lương Cường bị xui, không làm gì mà cũng mang tiếng, mà rõ ràng là không đủ năng lực ngoại giao và quản trị nhà nước.

advertisement

Dù sao ông này cũng chưa gặp nhiều bất trắc như các chủ tịch nước gần đây, chưa chết giữa chừng vì virus lạ như Trần Đại Quang, không bị đột quỵ như Nguyễn Phú Trọng, không phải cay đắng từ chức như Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng… Có lẽ ráng làm bù nhìn tới hết năm nay thì về hưu, hạ cánh an toàn làm người tử tế, chứ càng cố ở lại thì càng có nhiều nguy cơ, trắc trở với những đồng đảng, đồng sàng nhưng dị mộng.

The post Lương Cường: từ được ‘thế chỗ’ bất đắc dĩ, đến nguy cơ trắc trở appeared first on Saigon Nhỏ.

 

Show More
Back to top button