Đời SốngVietnam

Người dân phản ứng ra sao khi thêm một Chủ tịch nước từ chức?

Quốc hội Việt Nam chính thức miễn nhiệm chức Chủ tịch nước đối với ông Võ Văn Thưởng trong ngày 21 tháng 3 năm 2024. Ông Thưởng, trước đó đã nộp đơn từ chức trước Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, sau một năm 18 ngày giữ chức vụ này.

Người tiền nhiệm của ông là ông Nguyễn Xuân Phúc, từ chức sau gần hai năm đảm nhiệm chức vụ sau khi thay cho ông Nguyễn Phú Trọng. Ông Trọng giữ chức chủ tịch nước gần hai năm rưỡi, thay ông Trần Đại Quang, tử vong do bệnh lạ vào ngày 21 tháng 9 năm 2018. Ông Trần Đại Quang cũng chỉ giữ chức chủ tịch nước được gần hai năm rưỡi thì mất.

Như thế, tính từ khi ông Quang nhận chức chủ tịch nước là tháng 4 năm 2016, đến nay mới có tám năm nhưng có đến bốn vị chủ tịch nước, tức không có ai làm hết nhiệm kỳ, vì nhiều lý do.

advertisement

Có một cái gì đó không bình thường. Điều này ảnh hưởng rất nặng đến người dân đấy. Từ những người dân không bao giờ để ý gì đến chính trị, hoặc những người rất tin thể chế chính trị này cũng phải hoang mang, ngờ vực. – Ông Vũ Khắc Toàn

Ngoài các vị chủ tịch nước từ chức như vừa nêu, hai nhân vật trong Bộ chính trị cũng bị cho là buộc phải từ chức, đó là hai phó thủ tướng chính phủ Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam.   

Hoang mang và bình thường!

Một số người dân cho rằng, việc chức vụ Chủ tịch nước liên tục bị thay thế, khiến họ cảm thấy hoang mang. Ông Nguyễn Khắc Toàn ở Hà Nội nói với RFA:

“Ông Võ văn Thưởng đã được lựa chọn rất kỹ; được đào tạo, dìu dắt từ ông Nguyễn Phú Trọng. Ông Trọng rất tự hào và tâm đắc về nhân vật này. Ổng từng khoe đây là một nhân vật rất trẻ được dìu dắt từ cán bộ cơ sở, cán bộ đoàn đi lên, không có tì vết gì.

Thế mà trong mấy năm qua, chẳng có vị chủ tịch nước nào làm tròn nhiệm kỳ năm năm cả. Người dân Việt Nam cũng rất là hoang mang, nghi ngờ về công tác nhân sự yếu kém. Và đội ngũ quan chức lãnh đạo ở thượng tầng là có vấn đề. Có một cái gì đó không bình thường. Điều này ảnh hưởng rất nặng đến người dân đấy. Từ những người dân không bao giờ để ý gì đến chính trị, hoặc những người rất tin thể chế chính trị này cũng phải hoang mang, ngờ vực”.

Tuy một số người dân cảm thấy hoang mang thì có một số người khác lại cảm thấy bình thường. Ông Vũ Minh Trí ở Hà Nội giải thích:

“Tôi thấy tình hình thay đổi nhân sự chủ tịch nước liên tục trong thời gian vừa rồi hoàn toàn dễ hiểu. Nó phù hợp với một thực tế là ĐCSVN từ rất lâu rồi đã không còn đáng tin cậy cả về đạo đức lẫn chính trị. Nói cách khác là trình độ chính trị và trình độ đạo đức của cán bộ, đảng viên của họ đã đều ở mức rất thấp.

Chúng ta thấy rằng, một số vị bị nghỉ trong thời gian qua do vi phạm kỷ luật theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sai phạm chủ yếu xảy ra trước khi họ nhận chức. Nó chứng tỏ công tác kiểm tra, quy hoạch và lựa chọn cán bộ là rất kém”.

advertisement

Nói đến chuyện lựa chọn nhân sự, hay chuyện lãnh đạo vi phạm hàng loạt, ông Trí nêu câu chuyện ở tỉnh Bình Thuận. Theo đó, tháng 7 năm 2022, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ lúc đó là ông Phạm Bình Minh đã ký một loạt Quyết định thi hành kỷ luật các ông Lê Tiến Phương – nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, ông Nguyễn Ngọc Hai – nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, Nguyễn Đức Hòa – nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, Nguyễn Văn Phong – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, Lê Tuấn Phong – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận và ông Lương Văn Hải, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Thuận vì những sai phạm trong quá trình công tác.

Tôi thấy tình hình thay đổi nhân sự chủ tịch nước liên tục trong thời gian vừa rồi hoàn toàn dễ hiểu. Nó phù hợp với một thực tế là ĐCSVN từ rất lâu rồi đã không còn đáng tin cậy cả về đạo đức lẫn chính trị. Nói cách khác là trình độ chính trị và trình độ đạo đức của cán bộ, đảng viên của họ đã đều ở mức rất thấp. – Ông Vũ Minh Trí 

Năm 2022 là cột mốc 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận, sau khi tách tỉnh Thuận Hải thành Bình Thuận và Ninh Thuận. Như vậy, trong suốt 30 năm có sáu đời Chủ tịch UBND, thì cả sáu vị đều bị xử lý kỷ luật.

Chính trị Việt Nam có ổn định?

Mới hôm 13 tháng 3 năm 2024, phát biểu tại phiên họp đầu tiên Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV, ông Nguyễn Phú Trọng nhắc lại, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và một số nước Đông Âu sụp đổ là do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân rất quan trọng là lựa chọn, bố trí sai một số cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược, nhất là cấp cao nhất.

Ông Trọng nhấn mạnh, phải bằng mọi biện pháp dứt khoát không đưa vào cơ quan lãnh đạo những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người đã phạm sai lầm hoặc sa sút về phẩm chất, đạo đức, vướng vào tham nhũng, chạy chức, chạy quyền… bởi theo ông Trọng, để những người như thế lọt được vào cương vị lãnh đạo là tai hoạ cho Đảng, là tạo điều kiện cho họ càng hại nước, hại dân nhiều hơn.

Căn cứ Điều 33 Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết 71/2022/QH15, Quốc hội bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín với trình tự gồm 13 bước. Trong đó bước một là Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước, và bước sau cùng là Chủ tịch nước tuyên thệ. 

Ông Trần Anh Quân, một nhà hoạt động xã hội ở Việt Nam, nói với RFA rằng, “các ông bầu bán với nhau và tự truất phế nhau, chứ có trưng cầu ý dân đâu”. Với trường hợp từ chức mới nhất của ông Võ Văn Thưởng, ông Quân nhận xét:

Người dân thường nói chính trị Việt Nam rất ổn định, mà ổn định ở đây là ‘tham nhũng ổn định’. Ông nào cũng tham nhũng như nhau là thứ nhất. Thứ hai nữa, bản thân em thấy hệ thống chính trị đã xuống cấp tới mức họ đấu đá nhau một cách lố bịch. Chủ tịch nước làm việc không vừa ý lãnh đạo nào đó thì sẽ bị phế truất. Theo tôi, người dân chẳng còn tin tưởng vào hệ thống chính trị này nữa, nhưng vì ĐCS họ đàn áp mạnh tay quá nên người dân không dám lên tiếng nữa. Cách đây mấy ngày ông Trọng có nói sẽ lựa chọn nhân sự có tài có đức cho đất nước. Nhưng qua cách lựa chọn chủ tịch nước vừa rồi cho thấy, họ chỉ lựa những người vây cánh của họ mà thôi”.

Ông Võ Văn Thưởng rời chức chủ tịch nước vào ngày 21 tháng 3 năm 2024. Cùng ngày, bà Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước được chỉ định giữ quyền Chủ tịch nước. Hôm 18 tháng 1 năm 2023, sau khi Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc được miễn nhiệm, bà Xuân cũng đảm nhiệm vị trí quyền chủ tịch nước cho đến ngày 2 tháng 3 năm 2023, khi ông Võ Văn Thưởng chính thức trở thành Chủ tịch nước.

Tin từ RFA Read More

Show More
Back to top button